Thụy My
Theo AFP ngày 24/08/2012, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thiệt
hại 5,62 tỉ đô la trong tuần, từ khi liên tiếp xảy ra vụ bắt giữ nhà tài
phiệt Nguyễn Đức Kiên rồi đến nguyên Tổng giám đốc ngân hàng ACB Lý
Xuân Hải trong vòng bốn ngày qua. Các chuyên gia cảnh báo, xì-căng-đan
này thậm chí có nguy cơ gây khủng hoảng cho cả hệ thống ngân hàng vốn
đang dễ bị tổn thương.
Sau ba ngày xuống dốc, thị trường chứng khoán hôm nay đã tăng trở lại
với chỉ số VN Index tăng 1,75%. Tuy nhiên AFP dẫn số liệu của VietStock
cho biết, cả hai thị trường chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh
đã bị giảm giá trị 5,62 tỉ đô la từ hôm thứ Hai 20/8.
Sau khi ông Nguyễn Đức Kiên, một trong những người sáng lập Ngân hàng
Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) bị bắt vào thứ Hai, hôm qua đến lượt
ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ngân hàng này bị bắt giữ vì « cố ý làm
trái gây hậu quả nghiêm trọng ». Tin đồn ông Hải bị bắt đã lan ra 48 giờ
trước đó. Cuối giờ chiều hôm qua, ACB cho biết ông Lý Xuân Hải từ
nhiệm, và đến tối thì báo chí trong nước loan tin ông Hải đã bị bắt. Tuy
vậy các bài viết liên quan ít lâu sau đó đã bị gỡ xuống, và hôm nay mới
xuất hiện trở lại.
Theo AFP, nay thì rất khó khăn cho chính quyền khi muốn bảo vệ cho
ACB, ngân hàng tư nhân lớn nhất nước khỏi bị suy sụp, kéo theo sự sụp đổ
của toàn bộ hệ thống tài chính Việt Nam. Cho dù hôm nay không có dấu
hiệu hoảng loạn nào tại các chi nhánh ACB ở Hà Nội, nhưng người gởi tiền
đã rút khỏi ngân hàng này trên 380 triệu đô la.
Reuters trích nhận xét của cơ quan thẩm định tài chính Fitch cho
biết, xì-căng-đan này làm tăng khả năng đánh giá tiêu cực về hệ thống
ngân hàng Việt Nam, vốn có điểm tín nhiệm thuộc loại thấp nhất châu Á –
Thái Bình Dương.
Một chuyên gia ngoại quốc giấu tên nhận định, ngoài nguy cơ người dân
không còn tin tưởng các ngân hàng và rút tiền hàng loạt, còn có nguy cơ
khủng hoảng hệ thống.
Sau một thập kỷ tự do hóa vừa thô bạo lại vừa hỗn độn, lãnh vực ngân
hàng tại Việt Nam hiện nay gồm 42 ngân hàng công và tư, trong đó có
nhiều ngân hàng đang bị nợ xấu. Năm ngoái, bị thúc bách trước nạn lạm
phát và thiếu tiền mặt, Việt Nam đã tiến hành cơ cấu lại các ngân hàng
bằng cách cho sáp nhập, nhưng việc cải cách diễn ra quá chậm chạp.
Ông Nguyễn Đức Kiên, một trong những người giàu nhất Việt Nam và thân
cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có thể đã tham gia vào chiến dịch
quy mô « dọn dẹp » các ngân hàng. « Bầu » Kiên, khuôn mặt nổi bật trong
giới kinh doanh và bóng đá đã kéo theo nhiều người khi quỵ ngã.
Sự thất thế của ông Nguyễn Đức Kiên, theo như một nhà phân tích Việt
Nam ở Hà Nội, thì có thể là do đấu đá tranh giành quyền lực ở thượng
tầng lãnh đạo. Điều này cho thấy rõ là môi trường kinh doanh tại Việt
Nam rất bất ổn, mà theo nhà phân tích trên thì « Ranh giới giữa hợp pháp và bất hợp pháp rất mong manh. Người ta có thể thành công hôm nay và trở thành tội phạm ngày mai ».
Theo báo chí trong nước, ông Kiên đã thành lập những công ty gần như
là bình phong và phát hành cổ phiếu, trái với luật pháp Việt Nam. Với số
tiền thu được, ông ta mua cổ phần trong các ngân hàng khác dưới tên
những người thân trong gia đình, rồi lại đi vay những món mới của các
ngân hàng này.
Cả tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng bảo vệ cho ACB, nói rằng
ông Nguyễn Đức Kiên chỉ nắm không đến 5% cổ phiếu. Nhưng việc bắt giữ
Tổng giám đốc Lý Xuân Hải, một người làm việc tại ACB suốt 15 năm qua,
đã khiến công việc này ngày thêm khó khăn. Cổ phiếu của ACB đã mất giá
20% từ thứ Hai.
Ông Lê Thẩm Dương, trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho
rằng vụ này có thể có tác động tích cực về lâu về dài. Theo ông thì
không thể tiếp tục duy trì hệ thống như hiện nay, đây là lúc để lành
mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
Tony Nash, thuộc công ty tư vấn IHS ở Singapore cảnh báo, trong khi
chờ đợi, các nhà đầu tư nước ngoài nóng lòng muốn thấy được giải pháp
cho khủng hoảng. Theo ông, thì hai vụ bắt giữ trên « vẫn chưa hình thành được bản cáo trạng lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam ».
Theo RFI.fr