Guy Sorman
L.V. chuyển ngữ
L.V. chuyển ngữ
Rất thường xuyên, chúng ta chỉ nhìn Đông Á dưới một nhãn quan kinh
tế, thán phục trước sự thành công rõ rệt của Trung Quốc, Nhật Bản, Đài
Loan, Việt Nam và Nam Hàn. Nhưng những quốc gia này còn có một câu
chuyện khác muốn nói, một câu chuyện liên quan đến những bản năng lâu
đời hơn là thành quả kinh tế: chủ nghĩa dân tộc và kỳ thị chủng tộc,
những lực lượng từng châm ngòi cho Chiến tranh Thế giới Thứ I tại
Sarajevo. Hiện nay, những lực lượng này đang là nền tảng tranh chấp tại
những nơi mà chúng ta tảng lờ hoặc chẳng biết tí gì, như Quần đảo
Senkaku, Quần đảo Dokdo và Quần đảo Trường Sa. Và những tranh chấp này
có thể châm ngòi cho những đụng độ quân sự giữa những quốc gia thù địch
tại châu Á.
Những quan điểm như trên đi ngược lại với giả thiết rằng thương mại
sẽ phải xoa dịu đi những thù địch dài hàng thế kỷ, rằng giao thương sẽ
xoá tan mọi mong muốn chiến tranh. Và đấy có phải là bài học từ tầm nhìn
lỗi lạc của Jean Monnet, từ Liên hiệp châu Âu? Chiến tranh đã biến mất
khỏi châu Âu và được thay thế bởi giao thương. Và các quốc gia châu Á rõ
ràng cũng đã hợp tác lẫn nhau về mặt thương mại; những sản phẩm mà
chúng ta mua sau khi chúng được xuất khẩu từ một nước châu Á nào đấy
thực sự là được tổng hợp bởi những phụ kiện từng qua tay các xí nghiệp ở
Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Việt Nam và Philippines.
Tuy nhiên, chính quyền bảo thủ Nam Hàn lại từ chối bất kỳ mọi hợp
tác quân sự nào với Nhật vì Nhật đã không chịu thừa nhận chủ quyền của
Hàn Quốc đối với hai hòn đảo hoang không sự sống nằm giữa hai quốc gia
(có tên Hàn là Dokdo và tên Nhật là Takeshima). Cả hai chính phủ đều dựa
vào những hiệp ước xưa và bản đồ cổ để khẳng định chủ quyền, cả hai
cũng đều từ chối việc nhờ vào trọng tài, và mâu thuẫn này vẫn chưa giải
quyết được. Thậm chí Bắc Hàn cũng hậu thuẫn Nam Hàn trong vụ này - lĩnh
vực duy nhất mà hai kình địch cùng đồng thuận với nhau. Tại Nam Hàn,
Dokdo đã trở thành một biểu tượng của tinh thần chống chủ nghĩa đế quốc
Nhật. Nếu ai đó chỉ ra rằng chủ nghĩa đế quốc này đã biến mất từ năm
1945, các nhà chính trị và bình luận gia Nam Hàn sẽ phản ứng rằng Nhật
vẫn mang tư tưởng đế quốc và chính quyền hiện tại của Nhật muốn xây dựng
một kho vũ khí hạt nhân. Sự thật là chỉ có một vài người theo chủ nghĩa
dân tộc cực đoan tại Nhật mong muốn vũ khí hạt nhân. Nhưng hiện tại, rõ
ràng trong phản ứng của mình, những ứng cử viên tổng thống bảo thủ tại
Nam Hàn cũng muốn có được sức mạnh hạt nhân.
Tương tự, tình trạng của quần đảo Senkaku (hoặc tiếng Trung gọi là
Điếu Ngư Đài), nằm tại phía nam của quần đảo Nhật Bản, cũng chẳng rõ
ràng lắm. Mặc dù những hòn đảo này đang được Nhật quản lý và được được
sở hữu, theo luật pháp Nhật, bởi một nhóm cư dân Nhật. Trong khi ấy
Trung Quốc lại xem chúng là một phần của vương quốc của mình, và Đài
Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với chúng. Các tàu chiến Trung Quốc
thường xuyên tuần tiễu gần Sankaku, quấy nhiễu và đôi khi đánh đắm những
tàu đánh cá Nhật. Giới truyền thông phương Tây, các lãnh đạo chính trị
Mỹ và châu Âu chỉ chú trọng vào nguồn tài nguyên kinh tế của quần đảo,
vốn bao gồm những khu vực khai thác hải sản và tiềm năng về những giếng
dầu và khí đốt. Nhưng nếu Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản quan tâm đến
những quyền lợi kinh tế, họ có thể tìm đến những vùng biển khác để đánh
cá hoặc giếng dầu khác để khoan. Cuộc tranh chấp này thực sự mang tính
biểu tượng, được thúc đẩy bởi những tinh thần dân tộc và truyền thống
châu Á chuyên chú trọng vào việc làm đối phương phải mất mặt. Sau khi
những tàu chiến Trung Quốc đâm vào các tàu đánh cá của Nhật vào năm
2010, chính quyền Nhật đã không phản ứng mạnh mẽ. Năm nay, chính quyền
Nhật đang tìm cách trả đũa bằng việc thúc đẩy quá trình quốc gia hoá
Senkaku.
Xa hơn về phía nam, quần đảo Trường Sa - được Trung Quốc, Việt Nam,
Philippines, Đài Loan và Malaysia thừa nhận chủ quyền - tiềm năng xảy
ra xung đột thậm chí còn cao hơn nữa. Ở đây cũng có những đồn đãi về
những quặng khí đốt, đem đến cho Trường Sa một giá trị kinh tế khiến có
thể tạo ra những lý do chính đáng cho những đụng độ. Nhưng nguồn tài
nguyên năng lượng vẫn chưa được xác định, vì thế nguyên nhân xác đáng
hơn về những căng thẳng chính là chủ nghĩa dân tộc. Tại Trường Sa cũng
như Senkaku, chủ nghĩa đế quốc của Trung Quốc đang thử thách sức chống
đối của các quốc gia láng giềng, một số nước như Nhật, Việt Nam,
Philippines, Đài Loan, Malaysia và thậm chí xa hơn nữa là Ấn Độ đang cân
nhắc việc thành lập một liên minh chống lại Trung Quốc. Washington đã
kích động cơn giận dữ của Trung Quốc khi đã hậu thuẫn cho quan điểm này.
Một chiếc bóng của Hoa Kỳ đã che phủ khu vực kể từ khi Hạm đội Bảy giữ
nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các tuyến hàng hải. Nếu không có nó, mạng
lưới kinh tế châu Á đã bị phá vỡ từ lâu.
Nồi áp suất Thái Bình Dương đang phân huỷ thêm một phần của lẽ
thường: đó là mâu thuẫn quân sự không thể gia tăng giữa các quốc gia dân
chủ. Hai quốc gia dân chủ Nhật và Nam Hàn đã thất bại trọng việc thương
lượng những vấn đề thương mại nhỏ. Tồi tệ hơn, vị trí của Nam Hàn trong
tranh chấp này đang dẫn nó đến gần hơn với các quốc gia độc tài như Bắc
Hàn và Trung Quốc hơn là một nước dân chủ như Nhật. Nhìn chung, gánh
nặng của lịch sử và những căng thẳng nội bộ của một nền văn minh thông
thường cho thấy là đã mạnh hơn những cân nhắc hiện tại về chính trị và
kinh tế. Tiềm năng của một liên minh chống lại Trung Quốc trong tranh
chấp Trường Sa có thể đưa các nước dân chủ gần nhau hơn với chính thể
Cộng sản độc tài Việt Nam - vốn được cho là chẳng khác gì Cộng sản Trung
Quốc.
Dường như mỗi ngày lại có thêm những khiêu khích. Tổng thống Nam Hàn
đã đặt chân đến Dokdo, ngay sau đó là một nhóm người Nhật theo chủ nghĩa
dân tộc. Trung Quốc đã gửi một bộ phận hải quân đến Trường Sa. Cảnh sát
Nhật đã bắt giữ một nhóm người Trung Quốc tại Senkaku. Đương nhiên,
hoàn cảnh hiện tại đang đóng vai trò trong việc làm những đụng độ này
tồi tệ thêm. Nền kinh tế châu Á đang chậm lại; những chính quyền thì bị
yếu đi (Nhật), đang trong giai đoạn chuyển tiếp (Nam Hàn, Trung Quốc)
hoặc đang tìm kiếm sự chính danh (Việt Nam, Trung Quốc). Nhưng điều này
chỉ là một an ủi nhỏ, vì chủ nghĩa dân tộc hung hãn có thể là một chiếc
van xả cho các quốc gia đang đối diện với những bất ổn. Ở châu Á, cả
kinh tế lẫn dân chủ đều không xoá bỏ được cơn phấn khích của chủ nghĩa
dân tộc.
Nguồn: City-journal.org