T-Rang (Danlambao)
- Phát biểu trên báo Thanh Niên hôm 25/05, thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định: Do dân trí VN chưa cao, nên người
dân không biết ngân hàng nào tốt hay xấu. Ông Bình còn tuyên bố thêm:
khi nào 'dân trí cao hơn' thì Nhà nước sẽ cho phá sản những ngân hàng
yếu kém.
Đây quả là một phát ngôn chửi thẳng vào mặt nhân dân của ông Thống đốc
Nguyễn Văn Bình. Nói trắng ra, ông Bình chê dân trí VN thấp, cho nên
Đảng và Nhà nước của ông vẫn phải lấy tiền thuế dân để duy trì và nuôi
những Ngân hàng yếu kém.
- (Tích bài phỏng vấn của báo Thanh Niên) Phóng viên: Tại sao lại có chủ trương này và bao giờ thì các NH phải chấp nhận phá sản nếu hoạt động yếu kém, thưa ông?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Do dân trí, tập quán ở VN chưa cao như
ở một số nước. Rất nhiều người dân hiện nay đi gửi tiền nhưng cũng
không để ý đó là NH tốt hay xấu. Có khi chỉ vì NH này ở ngay đầu ngõ nhà
mình nên mang tiền đến gửi cho thuận tiện. Nên cách làm của chúng tôi
là tái cấu trúc từ bên trong để NH lành mạnh lên. Nhưng đến một giai
đoạn nào đó, khi nền kinh tế phát triển, mặt bằng pháp luật hoàn thiện
hơn, dân trí cao hơn, tiềm lực của hệ thống tài chính mạnh hơn thì cũng
phải sẵn sàng cho phá sản những NH yếu kém. (Hết Trích) -
Ngân hàng yếu kém tràn lan như hiện nay là do chính sách điều hành kinh
tế ngu dốt của Đảng Cộng Sản. Các giải pháp tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà
nước đề ra thực chất cũng chỉ là âm mưu thâm tóm, làm giàu cho các nhóm
lợi ích của Đảng mà ông Bình là một phần trong đó.
Sở dĩ người dân không thể biết rõ Ngân hàng nào tốt hay xấu cũng là bởi
chủ trương che dấu thông tin của Đảng. Các thế lực Tư bản đỏ dùng hàng
trăm ngàn tỷ từ tiền thuế nhân dân mặc sức tung hoành, ăn chia và làm
giàu bất chính. Chỉ đến khi ông trùm Nguyễn Đức Kiên bị tóm cổ, người ta
mới biết một phần sự thật của bức màn đang được che dấu.
Không ai điên khùng mà mang gửi cả túi tiền vào một ngân hàng xấu. Mà
ngân hàng xấu tràn lan như hiện nay cũng vì bị cuốn vào vòng xoáy thâu
tóm của các thế lực Tư bản đỏ. Bên cạnh là màn ăn cướp trắng trợn thông
qua cái gọi là "giải pháp tái cấu trúc" ngu dốt của Chính phủ. Như vậy,
lỗi là do 'dân trí' hay tại 'quan trí' ?
Sau 37 năm được gọi là 'giải phóng', giai đoạn quá độ lên XHCN đã sản
sinh ra tên thống đốc Nguyễn Văn Bình dám to mồm chửi dân trí của người
dân VN. Đúng là đã ăn cướp lại còn la làng!
T-Rang
Đọc thêm bài Phỏng vấn trên báo Thanh Niên do phóng viên Nguyên Hằng thực hiện:
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình: "Không để ngân hàng nào đổ vỡ trong giai đoạn này"
Đó là khẳng định của Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình trong cuộc
trao đổi với Thanh Niên sau 4 ngày xảy ra sự việc ông Nguyễn Đức Kiên,
một cổ đông của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị bắt và sau đó là Tổng
giám đốc Lý Xuân Hải bị tạm giam.
ACB vẫn được đánh giá là một trong những ngân hàng (NH) tốt nhất hiện
nay nên sự việc vừa rồi gây sốc cho rất nhiều người. Ông có bất ngờ
không và ông đánh giá thế nào về việc này?
Khi
một NH gặp nạn thì tất cả các NH phải cùng hỗ trợ và NH trung ương cũng
phải có những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Đây là quy luật chung cho hoạt
động của ngành NH trên thế giới
Tôi cho rằng trong cuộc sống có rất nhiều cú sốc. Đã là cú sốc thì rất
khó lường trước. Nhưng vai trò và nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)
là lúc nào cũng phải đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân
hàng thương mại (NHTM) nên chúng tôi luôn có đầy đủ các công cụ, nghiệp
vụ cần thiết để hỗ trợ các NH khi xảy ra sự cố. Cô nói đúng, trước khi
sự việc này xảy ra thì ACB được cả các tổ chức trong nước và quốc tế
đánh giá là một trong những NH có chất lượng hoạt động vào loại tốt nhất
VN. Hoạt động giám sát của NHNN cũng cho thấy, các chỉ tiêu an toàn của
NH này luôn luôn đạt và vượt chuẩn. Nhưng như tôi nói trên, hoạt động
NH dù có an toàn đến mấy chăng nữa thì vẫn có thể xảy ra sự cố. Vấn đề
là xử lý sự cố đó như thế nào để hạn chế tối đa những thiệt hại, những
hậu quả.
Giải pháp nào là hữu hiệu nhất, quan trọng nhất trong việc xử lý các sự cố trong ngành NH, thưa ông?
Đó là sự phối hợp của các cơ quan nhà nước và cả hệ thống trên nhiều
phương diện. Nếu không có sự phối hợp này thì kể cả NH tốt nhất cũng có
thể sụp đổ trong thời gian rất ngắn. Bởi theo quy định hiện nay, NH huy
động 100 đồng, có quyền cho vay 80 đồng. Nếu người dân rút ra cả 100
đồng thì NH lấy đâu 80 đồng để trả. Nên khi một NH gặp nạn thì tất cả
các NH phải cùng hỗ trợ và NH trung ương cũng phải có những giải pháp hỗ
trợ kịp thời. Đây là quy luật chung cho hoạt động của ngành NH trên thế
giới. Ý tôi muốn nói là, không ở ngành nào tính hệ thống, tính liên kết
cao như ngành NH. Vì tính liên kết cao như vậy nên một sự cố, một sự đổ
vỡ xảy ra trong hệ thống NH nó có thể lan tỏa ra toàn hệ thống ngay lập
tức. Đó là lý do NH phải hoạt động theo phương châm "một người vì mọi
người, mọi người vì một người". Anh không thể đứng khỏi mà phải hòa mình
vào cuộc chơi và chấp nhận những quy định chung của hệ thống.
Cụ thể trong vụ ACB vừa rồi, sự phối hợp này được thể hiện thế nào?
Ngay sau khi xảy ra sự việc trên, NHNN qua các kênh thị trường mở, cho
vay tái cấp vốn, cho vay qua đêm, các khoản cho vay đặc biệt... đã cam
kết và đảm bảo đủ thanh khoản cho ACB. Các NHTM khác cũng hỗ trợ ACB rất
nhiều. Về tâm lý, khi có những sự cố thế này, các NHTM sẽ phải thận
trọng hơn. Họ có thể ngưng lại các vụ cho vay, rút vốn về, cắt giảm hạn
mức trên thị trường liên NH. Nhưng trong những ngày vừa qua, các NH vẫn
duy trì giao dịch bình thường với ACB trên thị trường này. Tương tự đối
với thanh khoản về vàng, ngoại tệ, các NH khác cũng cho ACB vay để đáp
ứng nhu cầu chi trả vàng và ngoại tệ của người dân. Nên ACB không gặp
rủi ro gì về thanh khoản trong những ngày vừa qua.
Đặc thù của ngành NH khi xảy ra sự cố là phải ổn định được yếu tố tâm
lý người gửi tiền. Nên trong vụ bị tung tin đồn thất thiệt năm 2003 của
ACB, thống đốc đương nhiệm lúc đó đã có mặt kịp thời để khẳng định sự
an toàn của NH cho người dân an tâm. Nhưng lần này ông đã không có mặt.
Phải chăng ông đánh giá sự cố lần này không nghiêm trọng bằng lần trước?
Ở sự cố lần trước, người đứng đầu NHNN phải có mặt bởi khi đó, tính hệ
thống, ý thức, trách nhiệm của các NH với nhau chưa cao. Nhưng hiện nay,
ý thức liên kết của các NH rất cao, họ đã giúp ACB vượt qua khó khăn
nên tôi không nhất thiết phải xuất hiện. Đặc biệt là một chủ trương hết
sức quan trọng đã được công khai, minh bạch trong đề án tái cấu trúc NH
là "trong giai đoạn hiện nay, không để tổ chức tín dụng nào đổ vỡ ngoài
tầm kiểm soát". Các NH cũng hiểu và NHNN sẽ hành động theo chủ trương
này. Nếu người dân nào tương đối hiểu biết và nắm chắc chủ trương này
thì họ sẽ hiểu và an tâm ngay.
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình - Ảnh: Ngọc Thắng
Nhưng vấn đề tâm lý thường xảy ra ở những bộ phận người dân không
biết đến các chủ trương này, họ chỉ biết gửi tiền và rút tiền nếu NH có
sự cố?
Với những người này thì như tôi đã nói ban đầu, phải có đầy đủ tiền để
trả cho họ. Anh nói gì thì nói nhưng nếu tôi đến rút tiền không được thì
không ai tin. Nhưng đã tuyên bố đảm bảo thanh khoản và thực tế họ rút
được tiền thì họ sẽ an tâm. Khi họ đã an tâm thì có thể sáng rút ra
nhưng chiều họ lại gửi vào.
Đặt trường hợp ông là người gửi tiền, không có nhiều hiểu biết những
tiêu chí, kỹ thuật của ngành NH, không hiểu gì về ACB mà chỉ gửi tiền vì
NH này nằm ngay ở ngõ nhà ông, ông có đi rút tiền không khi xảy ra sự
cố vừa rồi?
Nếu tôi không biết gì cả, cũng có thể tôi sẽ đi rút.
Vậy điều gì có thể thuyết phục ông dừng quyết định rút tiền từ ACB về cất trong tủ?
Đầu tiên phải chứng minh đó là NH tốt. Thứ 2 là NHNN đã tuyên bố, không
phải chỉ hôm nay mà là chủ trương lớn trong cả giai đoạn từ nay đến 2015
sẽ không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát... Nếu có 2 yếu tố đó, thì
tôi sẽ yên tâm để tiền ở đó. Bởi tôi là người dân, tôi được nhà nước
cam kết bảo vệ quyền lợi, không có lý do gì tôi phải đi rút tiền cả.
Xin hỏi thêm Thống đốc về chủ trương này, ông có cho rằng, việc "đảm
bảo" sẽ không để NH nào đổ vỡ có làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường
NH? Bởi có thể hiểu, đây là thông điệp ta cứ làm, thậm chí làm sai...
cũng không sao?
Tôi xin khẳng định, chúng tôi chỉ đảm bảo "không để xảy ra đổ vỡ ngoài
tầm kiểm soát". Còn NHNN vẫn xử lý nhưng nằm trong tầm kiểm soát. Ví dụ
việc xử lý 6 NHTM vừa rồi. Ở góc độ nào đó thì rõ ràng đã có sự thay đổi
nhưng NH vẫn còn là để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Còn HĐQT,
cổ đông lớn, tình hình tài chính đã thay đổi rất nhiều. Thực ra, chúng
tôi đã tái cấu trúc NH nhưng không để xảy ra đổ vỡ. Bởi kinh nghiệm của
thế giới trong những năm vừa qua cho thấy, đổ vỡ không phải là cách giải
quyết tốt. Rất nhiều chuyên gia cho rằng, việc để cho NH Lehman
Brothers đổ vỡ là sai lầm. Chính phủ Mỹ cũng nhận ra điều này và không
để NH nào đổ vỡ sau đó. Ở đây tôi muốn nói rằng, chủ trương trên không
có nghĩa rằng NH muốn làm gì thì làm. Anh nào làm xấu sẽ bị xử lý, mất
tiền phải đền tiền, không đền tiền thì chịu trách nhiệm hình sự. Tôi nói
ví dụ NH TienPhongbank, họ làm hụt tiền thì họ phải bù đắp tiền vào.
Hết rủi ro thì họ hoạt động trở lại. Và trong thực tế, tên vẫn là
TienPhongbank nhưng bên trong đã thay đổi. Một số cổ đông ra đi, một số
cổ đông mới vào... Mục tiêu cuối cùng là vốn của NH phải đảm bảo để đảm
bảo an toàn hoạt động của NH.
Tại sao lại có chủ trương này và bao giờ thì các NH phải chấp nhận phá sản nếu hoạt động yếu kém, thưa ông?
Do dân trí, tập quán ở VN chưa cao như ở một số nước. Rất nhiều người
dân hiện nay đi gửi tiền nhưng cũng không để ý đó là NH tốt hay xấu. Có
khi chỉ vì NH này ở ngay đầu ngõ nhà mình nên mang tiền đến gửi cho
thuận tiện. Nên cách làm của chúng tôi là tái cấu trúc từ bên trong để
NH lành mạnh lên. Nhưng đến một giai đoạn nào đó, khi nền kinh tế phát
triển, mặt bằng pháp luật hoàn thiện hơn, dân trí cao hơn, tiềm lực của
hệ thống tài chính mạnh hơn thì cũng phải sẵn sàng cho phá sản những NH
yếu kém.
Các giải pháp đã mang lại hiệu quả tốt
"Trong những ngày qua khi sự cố xảy ra,
lãi suất trên thị trường liên NH tăng lên 8% so với mức ổn định 5 - 6%
duy trì hàng tháng trước đó; tỷ giá đã tương đối ổn định xung quanh mức
20.850 - 20.880 đồng/USD cũng bị giật lên xấp xỉ 21.000 đồng/USD. Tương
tự, giá vàng mấy ngày qua đã tăng thêm 2 - 3 triệu đồng/lượng so với
trước đó. Thị trường chứng khoán thì sụt giảm mạnh, riêng ngày hôm qua
(23.8) mất 17 điểm. Tốc độ rút tiền, vàng, ngoại tệ từ ACB rất lớn. Đó
là bức tranh ngày hôm qua nhưng đến hôm nay thì đã khác. Lãi suất trên
thị trường liên NH đã giảm xuống còn 6,5 - 7%; tỷ giá về mức 20.850 -
20.860 đồng/USD; vàng đã giảm 1 triệu đồng/lượng và tốc độ giảm của thị
trường chứng khoán cũng chững lại. Điều đó cho thấy, giải pháp của ACB,
của các tổ chức tín dụng hỗ trợ ACB cũng như NHNN đã phát huy hiệu quả"
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình
Nguyên Hằng (thực hiện)