Yoani Sanchez
Phạm Nguyên Trường dịch
Cuốn
sổ hộ chiếu có 32 trang, bìa màu xanh và có dấu quốc huy. Hộ chiếu Cu
Ba làm người ta dễ liên tưởng tới cái thẻ ra vào chứ không phải là chứng
minh thư. Nó tạo điều kiện cho chúng tôi rời khỏi hòn đảo, nhưng có nó
không có nghĩa là chúng tôi chắc chắn sẽ được ngồi lên máy bay.
Chúng
tôi sống trong đất nước duy nhất trên thế giới mà để được nhận cuốn sổ
nói trên chúng tôi phải thanh toán không phải bằng loại tiền mà người ta
trả cho chúng tôi trong ngày phát lương. Giá của nó là “55 đồng Peso
chuyển đổi được”: đối với người công nhân bình thường thì đấy là khoảng
ba tháng lương. Mặc dù việc sở hữu cuốn sổ đó là quyền không thể tương
nhượng của mỗi người dân sinh ra trên đất nước này, nhưng nó lại là đặc
quyền của những người có đồng tiền mạnh. Đồng tiền này phải kiếm bằng
cách khác chứ không phải như chính quyền vẫn hứa.
1970-1980: sự bất động của nhân dân Cu Ba
Dù
sao mặc lòng, đầu thế kỷ XXI, một người Cu Ba có hộ chiếu đã là hiện
tượng có thực, trong khi trong những năm 1970 và 1980 đây là sự kiện cực
kỳ hiếm. Thời đó chỉ có một số ít quan chức là có thể có quyền ngồi vào
máy bay và bay sang sân bay nước khác mà thôi. Chúng tôi trở thành dân
tộc bất động, còn những người hiếm hoi kia, tức là những người có dịp đi
ra nước ngoài, thì hoặc đấy là những chuyến công tác hoặc là vĩnh viễn
bỏ nước ra đi. Đi ra khỏi biên giới là phần thưởng cho những kẻ đã leo
lên được những nấc thang của quyền lực, còn đối với đa số những người
“không đáng tin” thì rời bỏ hòn đảo chỉ là giấc mơ.
Những năm 1990: mở cửa cho khách du lịch
May
là trong những năm 1990 tình hình đã bắt đầu thay đổi. Có thể làn sóng
khách du lịch đã làm cho chúng tôi quan tâm tới thế giới bên ngoài, còn
sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa thì cho chính phủ thấy rằng họ không
thể cứ dùng mãi những “chuyến đi mang tính động viên” chỉ dành cho
những người trung thành được nữa. Cái chính là trong những năm đó đã
hình thành cơ chế đi ra khỏi hòn đảo. Cơ hội tiếp cận với đồng tiền
chuyển đổi được (tiền do mình kiếm được một cách hợp pháp hay bất hợp
pháp) cũng góp phần tạo điều kiện cho chúng tôi tìm ra những chân trời
mới. Nhưng đa phần là nhờ họ hàng và bạn bè ở nước ngoài, đấy là những
người gánh vác phần lớn chi phí cho chuyến đi.
Hiện nay chính phủ vẫn hạn chế nghiêm ngặt việc đi ra nước ngoài
Bây
giờ không chỉ những người được lựa chọn mới có quyền đi du lịch, nhưng
chính phủ vẫn nắm trong tay bộ lọc tư tưởng nhằm không cho những người
phê phán họ được hưởng món quá quý giá đó. Hiện nay chính quyền vẫn hạn
chế việc xuất nhập cảnh. Chúng tôi, tức là những người hiện ở trong nước
không được đi vì không có “giấy phép xuất cảnh”. Mà giấy này lại được
cấp theo các tiêu chuẩn chính trị. Ngoài ra, muốn trở về quê hương, kiều
bào ở nước ngoài cũng phải trải qua những thủ tục như du khách vậy.
Quyết
định cuối cùng (cả xuất lẫn nhập) là của cơ quan quân sự, họ có quyền
từ chối mà không cần giải thích lý do. Như vậy nghĩa là trong những văn
phòng, nơi người ta xin giấy phép xuất cảnh và lãnh sự, nơi người ta xin
nhập cảnh, luôn luôn diễn ra những bi kịch của con người, còn những
quyết định tùy tiện thì đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Những
người lên tiếng phê phán, thuộc nhóm đối lập hay làm báo tự do, hiếm
khi được phép xuất cảnh.
Các nhân viên y tế cũng
bị kiểm soát rất ngặt nghèo, phải được phép của bộ chủ quản thì họ mới
được phép xuất cảnh. Hoàn cảnh của những kiều bào này đúng là một bi
kịch, sau khi ở nước ngoài một thời gian, họ không được về thăm gia đình
hay con cái. Một số người phải chết nơi đất khách quê người mà không có
cơ hội trở về hôn người mẹ già hay nhìn lại ngôi nhà xưa.
Cuốn hộ chiếu mà chúng tôi xấu hổ
Đảng
cầm quyền và hệ tư tưởng tự giành lấy quyền quản lý dòng người ra vào
như thể hòn đảo của chúng tôi không phải là ngôi nhà, không phải là Tổ
quốc mà là nhà tù, trại giam hay chiến hào vậy. Những người may mắn, tức
là những người được cho đi, bước vào giai đoạn thử thách đầy đau khổ.
Họ phải ra sân bay và trình cái hộ chiếu đó, nhiều người nhìn nó với ánh
mắt ngờ vực. Tháng nào cũng có nhiều người Cu Ba chạy trốn khắp thế
giới, điều này có nghĩa là chúng tôi luôn luôn nằm trong danh sách những
kẻ đáng ngờ mỗi khi nói đến chuyện cấp thị thực. Như vậy nghĩa là ngay
khi những người đồng bào của chúng tôi định cư ở nước ngoài là họ thở
phào vì có quyền sử dụng một chứng minh thư khác hẳn.
Một
cuốn sổ với mấy trang giấy với cái bìa bằng da và quốc huy của nước
khác có thể thay đổi mọi sự. Còn cuốn sổ màu xanh, chứng thực rằng chúng
tôi sinh ra ở Cu Ba, thì được dấu kỹ trong ngăn kéo. Trong khi chờ đợi
cái ngày mà nó sẽ trở thành niềm tự hào chứ không phải là sự xấu hổ.
P.N.T.
Dịch từ tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/world/20120828/197354486.html#ixzz24n0KTZgT
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN