Stuart Grudgings
L.V. chuyển ngữ
L.V. chuyển ngữ
Từ những làng quê sâu đến những thành phố đặc kín lưu thông,
thật khó mà không biết đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nó xây dựng chung
cư, mở một ngân hàng, điều khiển một công ty môi giới chứng khoán, cung
cấp điện cho hàng triệu hộ dân và có hơn 100 nghìn nhân viên.
Hôm nay, nhà cung cấp điện lẻ duy nhất của Việt Nam, thường được biết
với tên EVN, có vẻ như đang mở rộng quá sức, theo một quan chức cao cấp
thông thạo trong ngành. Nó là doanh nghiệp nhà nước khổng lồ mới nhất
đang đối diện với sự chú ý trước những cơn bùng nổ nợ làm lung lay lòng
tin của các nhà đầu tư và tiêu biểu cho sự tuột giốc của một quốc gia
từng được xem là ngôi sao kinh tế tương lai của Đông nam Á.
Một số người e rằng khó khăn nợ nần tại EVN có thể lớn hơn cả của tập
đoàn đóng tàu Vinashin, với số nợ 600 triệu Mỹ kim đã làm tổn thương uy
tín của Việt Nam trước những nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù công ty độc
quyền này rất ít bị quốc tế lưu tâm.
“Tôi có thể nói rằng món nợ của nó còn tồi tệ hơn Vinashin rất nhiều,
có thể lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng,” vị quan chức ẩn danh trong
ngành với hiểu biết tường tận về những món nợ của EVN cho biết.
Tuần này, vụ bắt giữ nhà tài phiệt nổi tiếng Nguyễn Đức Kiên, nhà
sáng lập viên đa triệu phú của ngân hàng có giá trị cao thứ tư của Việt
Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần châu Á (ACB), càng làm tăng thêm nỗi
lo về tình trạnh tài chính bất ổn tại quốc gia do Cộng sản cầm quyền với
dân số 90 triệu dân này.
Việc bắt giữ ông Kiên càng thổi bùng những lo lắng về một lĩnh vực
đang bị ràng buộc vì những liên hệ với những doanh nghiệp nhà nước với
nợ nần chất chồng, bao gồm nhiều tập đoàn như EVN, vốn đã vượt xa khỏi
những kinh doanh cốt lõi khi những nhà lãnh đạo chính phủ tìm cách xây
đựng những đại tập đoàn tầm cỡ thế giới theo khuôn khổ “chaebol” của Hàn
Quốc.
Ngân hàng trung ương bắt buộc phải công bố một trấn an hiếm hoi rằng
các ngân khoản trong ACB thì an toàn trong khi những người ký gửi đứng
xếp hàng để rút tiền, trong khi đó chỉ số chứng khoán chính của Việt Nam
đã giảm 9% trong tuần này.
Việc Vinashin gần như sụp đổ vào năm 2010 và những khó khăn nặng nề
của công ty hàng hải Vinalines trong năm nay, với tổng số nợ là 6,5 tỉ
Mỹ kim, đã khiến cho chính quyền hứa sẽ tăng gấp đôi số lượng cải cách
các doanh nghiệp nhà nước, vốn chiếm một phần ba nền kinh tế và lấn lướt
thành phần đầu tư tư nhân.
Nhưng những đề xuất mới nhất được đưa ra vào tháng Bảy dường như đã
thất bại trong việc đối phó với tình trạng phe cánh và những ưu tiên lẫn
lộn, khiến cho 100 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất lôi kéo nợ nần đến
mức 50 tỉ Mỹ kim - tương đương với gần nửa sản lượng kinh tế hàng năm
của Việt Nam trong năm 2010.
Những ngân hàng và chuyên gia trong ngành nói những khó khăn này vượt xa hơn cả Vinashin và Vinalines.
“Họ chỉ là phần nổi của tảng băng,” David Koh, một chuyên gia về Việt
Nam tại Học Viện Nghiên cứu Đông nam Á ở Singapore cho biết.
Ví dụ như thất bại của EVN, có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh
tế chung cả nước vì phải đình chỉ nguồn cung cấp năng lượng giá rẻ, vốn
là huyết mạch của lĩnh vực sản xuất.
Một báo cáo trong tờ Sài Gòn Times vào tháng Năm đã trích dẫn tài
liệu của cơ quan Kiểm toán Nhà nước rằng EVN đã mang số nợ 240 nghìn tỉ
đồng (11,5 tỉ Mỹ kim) vào cuối năm 2010, gần gấp ba số nợ của Vinashin
vào cùng thời điểm.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật rằng vào tháng Mười hai EVN đã thua lỗ từ
sản xuất ở mức 8,4 nghìn tỉ đồng, gấp 12 lần con số EVN tự báo cáo, cũng
bản báo cáo trên cho biết.
Những dữ kiện trên và những con số không đẹp đẽ mấy về các doanh
nghiệp nhà nước đã không được đưa vào bảng báo cáo chính thức mà Kiểm
toán Nhà nước gửi cho giới báo chí hôm tháng Bảy.
Các quan chức EVN đã không hội đáp những cuộc gọi phỏng vấn của Reuters.
Tình trạng sức khoẻ tài chính thật sự của EVN, công ty lớn hàng thứ
năm của Việt Nam với thu nhập được truyền thông trong nước cho biết là
lên đến gần 5 tỉ Mỹ kim trong năm 2011, thì khó mà biết được. Công ty
độc quyền này đã báo cáo thua lỗ 3,5 tỉ đồng vào năm 2011, nhưng nhiều
nhà kinh tế nghi ngờ sự chính xác của những công bố tài chính của công
ty này.
EVN công bố một số kết quả với truyền thông địa phương, nhưng không đưa ra chi tiết về những con số tài chính.
Viễn cảnh phai mờ
Bất chấp những khó khăn, Việt Nam vẫn giữ nguyên là một quốc gia mạnh
về sản xuất, nổi lên từ một thập niên qua sau dư âm của chiến tranh để
đóng vai trò trọng tâm trong lĩnh vực sản xuất của châu Á, sản xuất từ
giày dép đến linh kiện máy tính. Một nền kinh tế từng được xây dựng trên
những cánh đồng bị rải thảm bom giờ đây đang phô trương những trung tâm
thương mại và những toà nhà chọc trời.
Nhưng trong những năm gần đây những khó khăn đã che phủ viễn cảnh của
nó - từ cơn lốc lạm phát cho đến luật lệ khắt nghiệt, cơ sở hạ tầng rệu
rã và nợ nần chồng chất với một hệ thống tài chính thiếu minh bạch.
Tăng trưởng tín dụng đã suy giảm mạnh trong năm nay và mức tăng
trưởng hàng năm của nền kinh tế đang vào khoảng 4%, giảm từ mức gần 7%
vào năm 2010.
Ngân hàng trung ương tuyên bố vào tháng Bảy rằng những nợ xấu trong
hệ thống ngân hàng đang ở mức 8,6%, gần gấp đôi dự đoán trước đấy và
chiếm tỉ lệ cao nhất trong những quốc gia lớn vùng Đông nam Á, cơ quan
đánh giá tín dụng Moody’s Investors Service cho biết.
Ngân hàng trung ương trích dẫn “kết quả điều tra” từ những nhà kiểm
tra của mình để đưa ra con số tăng trên. Báo chí nhà nước hôm tháng Sáu
đã trích lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình rằng tỉ lệ nợ
xấu là 10%, và một số nhà phân tích tin rằng con số này vẫn còn cao hơn
nữa.
“Thật khó mà xác định rằng chúng tôi nên chấp nhận con số nào,”
Christian de Guzman, một nhà phân tích cao cấp của Moody’s ở Singapore
nói, ông tin rằng có khả năng sẽ có thêm những tiết lộ bất ngờ về nợ
chính phủ.
Đa phần những cơn đau đầu kinh tế của Việt Nam có thể truy nguồn từ sự sai sót quản lý của các doanh nghiệp nhà nước.
Đã có một cú bơm tín dụng giá rẻ rất lớn vào các doanh nghiệp nhà
nước từ năm 2009 khi chính quyền tìm cách giảm thiểu những ảnh hưởng của
cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các doanh nghiệp nhà nước đã vung
tiền mở rộng vào những lĩnh vực mà họ có rất ít kinh nghiệm.
Chính quyền đã miêu tả hai cú bùng nổ nợ trên như những bất thường do
tội quản lý sai lạc. Chín giám đốc Vinashin bị bỏ tù trong năm nay vì
đã quản lý sai lạc tài sản nhà nước, bao gồm cựu chủ tịch Phạm Thanh
Bình, người bị án 20 năm tù. Sáu giám đốc Vinalines đã bị bắt và cựu chủ
tịch đang bỏ trốn.
“Họ đã kèm quyền lợi các nhân vào trong những quyết định đầu tư... đã
có nạn tham nhũng,” Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc
hội nói với Reuters.
Nhưng nhiều nhà quan sát lại nói rằng kiểu quản lý sai lạc tại
Vinashin và Vinalines là một căn dịch trong các doanh nghiệp nhà nước,
nơi những giám đốc và hội đồng quản trị thường được bổ nhiệm nhờ quan hệ
chính trị hơn là tính nhạy bén trong kinh doanh. Đích thân Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã cổ xuý cho sự mở rộng của Vinashin và đã đưa ra một
lời xin lỗi hiếm hoi trước các dân biểu sau khi nó bị sụp đổ, dẫn đến
hàng loạt những việc tuột hạng tín dụng đầy xấu hổ của Việt Nam.
Nhưng chẳng ai trong chính phủ bị đưa ra xét xử hoặc trừng phạt vì sự sụp đổ của công ty này.
Việc bắt giữ vị giám đốc ngân hàng 48 tuổi Nguyễn Đức Kiên, là một
trong 30 gia đình giàu có nhất Việt Nam, có thể là dấu hiệu của mối căng
thẳng ngày càng cao trong giới lãnh đạo Cộng sản đối với chính sách
kinh tế.
“Có rất nhiều những bất mãn trong cách vị thủ tướng giúp đỡ những đứa
con cưng, những doanh nghiệp nhà nước,” Steve Norris, một nhà phân tích
về Việt Nam tại Control Risks Group ở Singapore nói.
Những cải cách rụt rè
Một loạt những cải cách mới nhất được công bố vào tháng trước thoạt
nhìn có vẻ rất mạnh bạo. Các doanh nghiệp nhà nước cho đến năm 2015 phải
rút ra khỏi các hoạt động kinh doanh không cốt lõi và đệ trình kế hoạch
tái cấu trúc vào quí ba của năm. Chính quyền nói rằng họ sẽ bắt các
doanh nghiệp nằm trong “cơ cấu thị trường”, chọn lựa các giám đốc kỹ
càng hơn, cho phép họ có thêm quyền để chống đỡ những can thiệp chính
trị, và thiết lập một cơ quan đặc biệt để giám sát việc các doanh nghiệp
nhà nước sử dụng vốn.
Nhưng Nguyễn Đức Kiên thuộc uỷ ban kinh tế Quốc hội thừa nhận rằng
những thay đổi cần phải dài hơn 2-3 năm mới có được kết quả. Trong khi
ấy, các nhà phân tích muốn thấy được những báo cáo tài chính hàng quí mà
các doanh nghiệp nhà nước có bổn phận phải công bố theo chỉ thị mới để
xác định rằng tính minh bạch thực sự đã có tiến bộ.
Những người chỉ trích như nhà kinh tế có đầu óc cách tân Lê Đăng
Doanh nói rằng những thay đổi chẳng giúp được gì nhiều trong việc ngăn
chặn vấn đề cốt lõi - đó là việc chính phủ miễn cưỡng xoá bỏ quyền kiểm
soát kiểu Sô Viết xưa đối với các doanh nghiệp nhà nước lớn, vốn là đòn
bẩy quan yếu đối với quyền lực kinh tế và xã hội của Đảng Cộng sản.
“Đảng Cộng sản vẫn giữ vai trò chủ đạo và các doanh nghiệp nhà nước
vẫn là công cụ cho tính ổn định của kinh tế vĩ mỗ,” ông Doanh, người đã
cố vấn cho chính quyền nói. “Một khi điều này còn tồn tại thì bất kỳ
khái niệm cải cách nào cũng đều bị giới hạn.”
Bất chấp giới tiêu thụ đầy sức sống, quốc gia này vẫn đang thiếu vắng
một sự xốc lại về quan tâm đầu tư trong năm nay như những quốc gia láng
giềng Đông nam Á khác như Philippines và Indonesia.
Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã giảm 28% trong nửa đầu năm 2012 so
với năm trước, một dấu hiệu cho thấy các công ty đang ngày càng lo lắng
trước những bất ổn về chính sách ở Việt Nam và đang tìm đến những quốc
gia lao động giá rẻ khác như Miến Điện vừa mở cửa.
“Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang nhìn vào Miến Điện chứ không
phải Việt NHam,” một nhà ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội nói. “Những quả
ngọt vừa tầm tay ở Việt Nam đã bị hái hết.”
EVN - Nợ nần và hỗn loạn
Việt Nam đã dần dần cải cách các doanh nghiệp nhà nước trong nhiều
năm, cắt giảm số công ty từ 6.000 xuống 1.300 kể từ đầu thế kỷ và chuyển
3.388 doanh nghiệp và những công ty con sang lĩnh vự tư nhân qua quá
trình gọi là “cân bằng hoá”.
Nhưng quá trình tư nhân hoá từ ấy đã bị chững bước.
Đào Văn Hưng bị mất chức chủ tịch EVN vào năm nay sau những thua lỗ
nặng nề ở bộ phận viễn thông, không bao lâu trước khi công ty này cũng
như những món nợ của nó bị nuốt trọn bởi công ty viễn thông đối thủ
Viettel do quân đội quản lý. Hưng đã bị đưa lại về Bộ Công thương nơi
ông ngồi đợi khả năng bị điều tra.
Dưới quyền của Hưng, EVN đã bành trướng sang lĩnh vực nhà đất, viễn
thông và ngân hàng trong khi đất nước đang khốn đốn với nạn cắt điện vì
thiếu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện.
Vị quan chức trong ngành trao đổi với Reuters nói rằng phương pháp kế
toán của công ty là một bí ẩn, thậm chí đối với nhiều người làm việc ở
đấy, không có sự rõ ràng về việc những thua lỗ là từ ngành kinh doanh
chính hay từ những kinh doanh mới mở của mình.
Một lực lượng nhân viên thừa mứa, kém khả năng là một trở ngại lớn khác, ông nói.
Bất chấp những phiêu lưu kinh doanh mới yểu mệnh, tổng số nợ của EVN
chắc chắn đến từ việc nó không thể tăng cao giá điện để bù đắp chi phí
sản xuất. Việt Nam là một trong những nơi có giá điện thấp nhất châu Á,
nhưng điều này đã dẫn đến việc thiếu đầu tư và nguồn cung cấp điện bấp
bênh gây ảnh hưởng xấu đến kinh doanh.
Hank Tomlinson, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam nói
rằng một số các công ty đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất nước giải khát
tại Việt Nam hoạt động bằng máy phát điện riêng của mình toàn thời gian
vì tính ra còn rẻ hơn là phải đối diện với nạn cắt điện.
“Điều mà các doanh nghiệp cần là tính sẵn sàng và đáng tin cậy về
điện năng, không phải là điện giá rẻ nhưng cần phải có máy phát điện
chạy suốt ngày để dự phòng,” Tomlinson nói.
EVN đã tăng giá điện lên 5% trong năm nay nhưng việc thiếu vắng tính
minh bạch trong lý do tăng giá đã tạo ra những nghi ngờ trong giới doanh
nghiệp vào thời điểm đang nổi lên nạn phá sản vì tín dụng bị thắt chặt.
“Các doanh nghiệp giờ đây phải chịu đựng quá nhiều bất ổn và thiệt
hại kinh tế, nhưng cho đến giờ chúng tôi có thể làm được điều gì? Chúng
tôi cứ phải chịu đựng thôi,” Chủ tịch Tập đoàn Giấy Sài Gòn cho biết,
ông nói thêm rằng EVN đã không đưa ra cảnh báo trong đợt tăng giá vừa
qua.
Nguồn: Reuteurs