Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Người chụp hình HT Thích Quảng Ðức tự thiêu qua đời

Tấm hình 'rất quan trọng' trong cuộc chiến Việt Nam

Ðỗ Dzũng/Người Việt

THETFORD, Vermont (NV) -Nhà báo kỳ cựu Malcolm Browne của hãng thông tấn AP, người chụp tấm hình Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu tại Sài Gòn ngày 11 Tháng Sáu, 1963, vừa qua đời tại một bệnh viện ở New Hampshire lúc 10 giờ tối Thứ Hai, bà Lê Liễu Browne, quả phụ của người quá cố, xác nhận với nhật báo Người Việt.
Phóng viên Malcolm Browne (phải) đi theo một số binh sĩ VNCH trong một cuộc hành quân ngày 7 Tháng Giêng, 1965. (Hình: AP Photo)
Bấm vào đây để xem thêm hình ảnh.
“Tôi không thể diễn tả được nỗi buồn hiện nay. Bây giờ ông hỏi chắc phải cả tháng sau tôi mới nói được,” bà Lê Liễu Browne nói, khi được phóng viên nhật báo Người Việt hỏi cảm tưởng và kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà đối với người chồng quá cố.

Bà nhận xét về người bạn đời gần 50 năm chung sống như sau: “Ðối với tôi, ông là một người rất tốt, rất thương người Việt, lúc nào cũng kính trọng người Việt và nói người Việt mình rất thông minh.”
Phóng viên ảnh Nick Út của AP rất ngạc nhiên khi hay tin đồng nghiệp của mình qua đời.
Ông chia sẻ: “Tôi rất ngạc nhiên hay tin ông mất, rồi nghĩ không biết mình có nghe lộn không. Tôi mới gặp ông hôm 11 Tháng Tám, có nói chuyện, và ông vẫn còn minh mẫn lắm.”
Nhà báo Vũ Ánh cũng ngạc nhiên khi được hỏi “có biết ông Browne mới qua đời không?”
“Thế à, tôi biết ông này mà,” nhà báo Vũ Ánh nói. “Trong thời kỳ làm phóng viên mặt trận cho Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia trong hai năm 1965 và 1966, tôi thường xuyên gặp và làm việc với ông và nhà báo Peter Arnett tại Trung Tâm Báo Chí Quốc Gia Hoa Kỳ ở Ðà Nẵng.”
“Tôi có một tấm hình chụp chung với ông, nhưng khi rời Việt Nam năm 1992, tôi không dám mang theo, vì sợ bị trục trặc tại phi trường,” nhà báo Vũ Ánh kể.
Nhà báo Richard Pyle, từng làm trưởng văn phòng AP tại Sài Gòn từ năm 1968 đến năm 1970, nói rằng ông “ngạc nhiên, nhưng không cảm thấy sốc, vì đã biết Malcolm Browne bị bệnh Parkinson từ năm 2000 và bắt đầu ngồi xe lăn mấy năm qua.”
Ông Browne cùng với ông Pyle và phóng viên ảnh Nick Út vừa dự lễ tưởng niệm hai đồng nghiệp Horst Faas và George Esper, cũng từng làm việc ở Sài Gòn, trong một buổi lễ ở New York hôm 11 Tháng Tám.

Tấm hình lịch sử

Tấm hình ông Browne chụp Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu tại góc đường Phan Ðình Phùng và Lê Văn Duyệt, ngay trước Tòa Ðại Sứ Cambodia ở Sài Gòn, trước sự chứng kiến của khoảng 500 Phật tử, sau đó xuất hiện trên trang nhất của hầu hết các tờ báo khắp thế giới và tạo sự rúng động ngay cả Tòa Bạch Ốc, làm cho Tổng Thống John F. Kennedy phải ra lệnh tái đánh giá chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Bà Lê Liễu Browne, lúc đó là một nhân viên phòng kiểm duyệt Bộ Thông Tin VNCH, cho rằng tấm hình “thật sự gây sốc.”
“Ðó là lần đầu tiên công chúng thấy một người tự thiêu được đưa lên báo. Và tấm hình xuất hiện trước mặt Tổng Thống Kennedy,” bà Lê Liễu Browne nói. “Tấm hình làm cho nhiều Phật tử tức giận, nhất là câu nói của bà Nhu.”
Nhà báo Richard Pyle cho rằng tấm hình đồng nghiệp của ông chụp năm 1963 “rất quan trọng” đối với cuộc chiến Việt Nam.
Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu trước Tòa Ðại Sứ Cambodia, Sài Gòn, ngày 11 Tháng Sáu, 1963. (Hình: AP Photo/Malcolm Browne)
Ông nói: “Tấm hình là một sự gây sốc, là một tấm hình rất quan trọng. Nó làm thay đổi mọi chuyện chỉ trong một đêm. Sau khi tấm hình đăng lên, người dân Mỹ thấy tình hình rất nghiêm trọng. Thế rồi, sự kiện này kéo theo sự kiện khác sau đó.”
“Tôi cho rằng, đây là tấm hình đầu tiên trong năm tấm hình quan trọng nhất liên quan đến cuộc chiến,” ông Pyle nói thêm.
Trong bài viết cho hãng thông tấn AP hôm Thứ Ba, nhà báo Richard Pyle kể lại: “Trước đó một hôm, một cú điện thoại từ chùa Xá Lợi gọi đến một số phóng viên ngoại quốc ở Sài Gòn cho biết ngày hôm sau đến địa điểm đó (Tòa Ðại Sứ Cambodia) để chứng kiến một 'sự kiện rất quan trọng.'”
Trong số những phóng viên thường chứng kiến các cuộc biểu tình chống chính quyền lúc đó, chỉ có một mình Malcolm Browne của hãng thông tấn AP có mặt.
Thế là ông chứng kiến mọi chuyện.
Khi xem tấm hình, Tổng Thống John F. Kennedy nói với ông Henry Cabot Lodge, người sắp sang Sài Gòn làm đại sứ, rằng: “Chúng ta phải làm cái gì đó với chế độ này.”
Chưa đầy năm tháng sau, vào ngày 1 Tháng Mười Một, 1963, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và người em trai của ông, Cố Vấn Ngô Ðình Nhu, bị giết chết, và nền Ðệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ.

Nhà báo trung thực

Khi được hỏi về sự nghiệp của ông Malcolm Browne, nhà báo Richard Pyle nhận xét: “Ông là một nhà báo 'cứng đầu,' không chấp nhận sự kiểm duyệt, hoặc viết để làm hài lòng ai. Một người rất thông minh, làm việc hăng say, không ngại ra mặt trận.”
“Hồi ở Việt Nam, ông thường viết những bài tường thuật liên quan đến quân đội VNCH. Những điều ông viết lúc đó bị phản đối dữ dội và bị cho là làm lợi cho Cộng Sản,” nhà báo Vũ Ánh kể. “Nếu đọc lại, chúng ta sẽ thấy ông viết rất vô tư, không có ý kiến riêng, chỉ nêu ra sự kiện.”
Nhà báo Vũ Ánh nói thêm: “Tôi còn nhớ, ông thường giúp các phóng viên Việt Nam và ngoại quốc tại câu lạc bộ. Mỗi lần nói đến tin tức gì, ông đều đưa hình ảnh và tài liệu ra để chứng minh. Ông nói chuyện rất lôi cuốn.”
Trong bài báo của mình, ký giả Richard Pyle kể rằng nhà báo Malcolm Browne cho biết từng bị bắn ba lần trong lúc làm phóng sự chiến trường, bị trục xuất khỏi hàng chục quốc gia, và từng bị đưa vào “danh sách cần bị loại” (dead list) ở Sài Gòn.
Phóng viên ảnh Nick Út nhận xét: “Ông là người viết bài rất giỏi, bình tĩnh, yêu mến người Việt Nam. Tôi coi ông như đàn anh. Mỗi khi gặp, ông thường nói về tấm hình tôi chụp được giải Pulitzer. Khi anh Huỳnh Thanh Mỹ của tôi qua đời, trong lúc chụp ảnh cho AP năm 1965, ông và chị Liễu có đến dự đám tang.”
Nhà báo Malcolm Browne sinh tại New York ngày 17 Tháng Tư, 1931. Ông tốt nghiệp cử nhân hóa học tại đại học Swarthmore College, Pennsylvania, làm việc trong một phòng thí nghiệm, đi lính năm 1956, và được đưa sang Nam Hàn lái xe tăng. Tình cờ, ông viết cho một tờ báo quân đội, và sau đó trở thành nhà báo chuyên nghiệp.
Từ trái, phóng viên ảnh Nick Út, cựu phóng viên AP Edith M. Lederer, bà Lê Liễu Browne, và cựu trưởng văn phòng AP tại Sài Gòn Malcolm Browne, tại New York hôm 11 Tháng Tám. Ông Browne vừa qua đời, hưởng thọ 81 tuổi. (Hình: AP Photo/Valerie Komor)
Ông từng làm việc cho hai hãng thông tấn UPI và AP, đài truyền hình ABC, nhật báo The New York Times và một số báo khác. Ông cũng từng làm trưởng văn phòng AP ở Sài Gòn.
Năm 1966, ông cùng phóng viên ảnh Horst Faas và phóng viên Peter Arnett đoạt giải Pulitzer qua các phóng sự về chiến tranh Việt Nam.
Ông Browne qua đời để lại một vợ và hai người con riêng của ông, một trai và một gái.
Bà Lê Liễu Browne cho biết tang lễ sẽ được cử hành vào Thứ Sáu, và ông sẽ được chôn trong vườn của ngôi nhà ở Thetford, Vermont.

––
Liên lạc tác giả: DoDzung@nguoi-viet.com

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"