John Hung Tran
Chúng ta đều có thể đông tình rằng giáo dục ở Việt Nam còn một
quãng đường dài với nhiều vấn đề để đạt được mức độ tiên tiến. Chúng ta
cũng có thể sẽ phải dành ra hàng ngày trời để phân tích về những vấn đề
đó, từ các khóa học cho đến những giáo viên không đủ tiêu chuẩn, hay
cung cách học thuộc lòng vốn đã trở thành một phần không thể thiếu,
nhưng đó chưa phải là tất cả. Nếu như bạn từng ngồi trong ghế nhà trường
ở Việt Nam, chắc bạn cũng sẽ hiểu rằng việc dạy và học mang nặng tính
ép buộc, những gì giáo viên nói sẽ trở thành tiêu chuẩn, bỏ qua việc
đúng hay sai. Và trong một hệ thống như thế, học sinh có ít cơ hội để
phát triển kĩ năng suy nghĩ đa chiều cũng như khả năng độc lập. Đó, lại
là những điều giúp kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng của học sinh.
Tiếng trống trường đã điểm… “tùng, tùng, tùng”. Tôi muốn giới thiệu
với mọi người một người đàn ông đang có những cố gắng cải tiến hệ thống
giáo dục ấy với hi vọng sẽ thúc đẩy và xây dựng sự tự tin cho những học
sinh mà anh đang dạy, tất cả đều là các em từ 5-12 tuổi. Trương Hùng dạy
ngay tại căn nhà khiêm tốn của anh ở Thanh Hóa với gần 200 học sinh, và
những bậc phụ huynh trong vùng thì đều biết đến anh. Sáu ngày hàng
tuần, anh dạy năm lớp từ 7h30 đến 11h30 sáng và từ 2h đến 9h tối. Mặc dù
dạy chính là tiếng Anh nhưng anh cũng hi vọng sẽ trang bị cho học sinh
của mình những kĩ năng sống để các em có thể sẵn sàng bước ra đời sau
này.
Tôi đến với lớp học của anh qua lời giới thiệu của một giáo sư khá
nổi tiếng tại Thanh Hóa, và tôi được cô cho ở nhờ vài ngày. Mặc dù chưa
từng gặp anh Hùng bao giờ nhưng cô nói rằng lớp học của anh rất bổ ích
đối với học sinh nhỏ tuổi. “Các em đến lớp và không muốn về nhà. Tất cả
các phụ huynh có con học ở đấy đều nói rằng anh ấy rất tuyệt vời.”
Và tôi được tận mắt chứng kiến kết quả của cách giáo dục đó. Tất cả
những học sinh của anh đều đến chào tôi, với một sự tự tin hiếm gặp ở
những đứa trẻ Việt Nam thường được cha mẹ bảo vệ, giữ gìn quá kĩ càng.
Anh cũng giới thiệu tôi với các em, và nói với các em rằng đây là cơ hội
để các em có thể hiểu hơn về thế giới bên ngoài, hãy hỏi bất cứ điều
gì. Và các em làm thế, tôi đã dành một tiếng đồng hồ đầu tiên chia sẻ
với các em tất cả mọi thứ từ TV, thể thao, du lịch, đến chuyện tình yêu
của tôi và nhiều vấn đề khác nữa. Các em cũng chia sẻ với tôi về chuyến
đi tình nguyện đến một vùng dành cho người già và người khuyết tật không
nơi cơ nhỡ. Một cô bé mới chỉ 8 tuổi nói với tôi rằng em cảm thấy thật
tốt khi giúp đỡ những người khác.
Cuối cùng chúng tôi cũng bắt đầu học tiếng Anh, và phải nói rằng
tiếng Anh của các em còn hạn chế, tuy nhiên các em lại biết khá nhiều
tính từ. “How are you (em thấy thế nào)?” – Tôi hỏi một em, khá ngạc
nhiên khi em trả lời rằng: “I’m hot and tired (Em thấy nóng và mệt)”.
Nếu như hỏi 9 trong số 10 học sinh Việt Nam câu hỏi này, có lẽ không cần
nói cũng biết câu trả lời là “I’m fine, thank you (Tôi khỏe, cảm ơn)”,
bởi vì các em được dạy để nhớ và học thuộc. Ở Việt Nam, mọi người cố
gắng giấu đi thực tế và chỉ muốn đưa ra cái tốt. Anh Hùng nói rằng đối
với trẻ em, dạy chúng biết cách thể hiện trung thực là rất quan trọng và
anh tạo ra môi trường để chúng làm thế. Lớp học thực hành của các em có
2 bảng bóng rổ, những bức ảnh về các hoạt động ngoài trời, những chiếc
ghế nhỏ nhắn thay vì bàn, và một chiếc máy tính nối với màn hình TV để
anh có thể cho các em xem youtube, các bài học cũng như các nguồn kiến
thức khác.
Tôi đến lớp vào buổi sáng sớm, lúc 7h30, tôi định giúp anh dạy một
lớp, nhưng rồi đến tận 6h30 tôi mới hoàn thành công việc, và cảm thấy
rất là vất vả, kiệt sức. Nếu như bạn từng dạy trẻ em, bạn sẽ hiểu công
việc này mệt mỏi thế nào và tôi rất khâm phục những gì anh đang làm. Ở
một đất nước đang phát triển, đang muốn có tiếng nói trên thế giới, tôi
chỉ có thể hi vọng rằng mô hình này sẽ được đưa vào hệ thống giáo dục.
Nếu như chúng ta muốn Việt Nam tiến xa hơn, chúng ta cần tạo ra một thế
hệ biết luôn tò mò với kiến thức và dám mơ ước.