Vụ công an Việt Nam bắt giữ nhà tài phiệt Nguyễn Đức Kiên 48 tuổi tại Hà Nội hôm 20/8 cho thấy sự tranh chấp quyền hành trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam giữa hai ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang đã đến lúc không còn che giấu được nữa. Sắc thái đặc biệt là sự tranh chấp xảy ra giữa hai tay quyền lực xuất phát từ miền Nam. Điều này có thể làm cho các Ủy viên gốc Bắc bộ phủ ngắm nhìn một cách thích thú. Sự làm ăn kinh doanh theo lối tư bản càng phát triển bao nhiêu thì các Ủy viên xuất thân từ miền Nam càng có thế đứng hơn. Từ khi thi hành chính sách đổi mới kinh tế, hình như có một phân nhiệm bất thành văn trong bộ máy quyền hành là các ủy viên gốc miền Bắc lo phần an ninh cho đảng, trong khi các ủy viên miền Nam dẫn dắt nước vào con đường kinh doanh kinh tế thị trường. Võ Văn Kiệt là khuôn mặt dẫn đầu, theo chân là hai tay đàn em Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh Internet.
Phân nhiệm này ổn thỏa chừng nào các cán bộ cao cấp trong đảng – ưu tiên là các Ủy viên Bộ chính trị rồi đến các Ủy viên trung ương đảng – cùng có lợi khi kinh tế thế giới và khu vực sung mãn. Đi vào kinh tế thị trường điều quan trọng cần có là hai cột trụ: trụ thứ nhất là một hệ thống ngân hàng hoạt động theo những nguyên tắc tài chánh phân minh được một số cơ chế kiểm soát (regulators) theo dõi, và cột trụ thứ hai là một nền tư pháp độc lập để phân xử khi có sự vi phạm luật lệ. Tại Việt Nam quyền hành tập trung trong tay đảng nên cả hai cột trụ đều yếu kém. Nhưng khi kinh tế sung mãn, kinh tế khu vực ổn định, kinh tế Việt Nam phồn thịnh, sự yếu kém của hai cột trụ không xuất hiện như những yếu tố đe dọa sự phát triển kinh tế quốc gia và các nhà kinh doanh có gốc đảng sau lưng do một (hay nhiều) ủy viên Bộ chính trị có thế lực đỡ đầu làm ăn bất chấp nguyên tắc miễn sao có lợi nhiều. Phủ lo cho phủ, huyện lo cho huyện. Cơ cấu quyền hành tại Việt Nam hiện nay có nhiều Phủ và Huyện con tập trung chung quanh hai Phủ và Huyện lớn: Phủ Nguyễn Tấn Dũng và Huyện Trương Tấn Sang. Phủ và Huyện dòm ngó nhau vì “lợi” sinh ra “quyền” và ngược lại “quyền” sinh ra “lợi” theo một vòng tròn lẫn quẫn.
Ngay trong thời kỳ sung mãn, Sang đã đặt vấn đề với Bộ chính trị về chính sách đẩy mạnh tăng trưởng (GDP growth) bằng mọi giá của Dũng – tuy thành công – nhưng tạo bất ổn chính trị.
Và trong hơn một năm qua khi sự khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu ảnh hưởng tới Việt Nam tạo nhiều khó khăn cho nhân dân và sự lạm dụng làm ăn của quyền lực bắt đầu xuất hiện như bệnh hoạn xuất hiện trên một cơ thể vốn chứa nhiều vi trùng thì Phủ Dũng và Huyện Sang bắt đầu xuất chiêu dùng đòn kinh tế đánh nhau để tranh giành quyền lực. Bệnh trầm trọng nhất là bệnh ngân hàng cho vay mà không thu hồi được vốn (bệnh nợ xấu – bad debts). Khi nó xuất hiện một cách lộ liễu làm cho người gởi tiền ngân hàng lo sợ ào ạo rút tiền là lúc nó tạo ra khủng hoảng trong xã hội.
Lĩnh vực công được ưu tiên vay ngân hàng nên bệnh “nợ xấu” xuất hiện trong lĩnh vực công trước như vụ Công ty đóng tàu Vinasin (2010), và Công ty đóng thùng chuyên chở Vinaline (2012). Các công ty này tuy do Thủ tướng điều hành, nhưng lợi là lợi cho đảng nên khi bùng nổ đảng tìm cách bao che, nên ông Dũng chỉ bị khiển trách về trách nhiệm trên nguyên tắc. Đối với vụ công ty Vinasin sụp đổ, ngân sách nhà nước lỗ 4.4 tỉ mỹ kim, ông Dũng chỉ cần một lời xin lỗi trước quốc hội là mọi sự trôi qua sau khi truy tố và bỏ tù 8 viên chức điều hành cấp nhỏ.
Bây giờ là lĩnh vực tư nhân với quyền hành chồng chéo qua thế lực của các Ủy viên Bộ chính trị.
Tháng 5 vừa qua Dũng dùng MặtTrận Tổ quốc tỉnh Long An để mở chiến dịch đánh bà Hoàng Yến (Đặng Thị), Dân biểu Quốc Hội. Bà Hoàng Yến là một doanh nhân thành công và qua đó trở nên một trong những người giàu có trong nước. Bà giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng như Chủ tịch các Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Tân Tạo, trường Đại Học Tân Tạo và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ. Bà cũng là thành viên của Hội đồng tư vấn kinh doanh Ủy ban Kinh tế Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) v.v… Năm 2011, bà được bầu làm đại biểu Quốc Hội khóa 13, và là Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng tại Quốc hội.
Dư luận trong nước chào xáo rằng, bà Hoàng Yến làm ăn thành công nhờ sự đỡ đầu của ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị kiêm Chủ tịch nước. Chứng tớ truy tố như khai lý lịch không chính xác về tình trạng kết hôn và lý lịch chính trị là những chứng cớ có thể moi ra đối với bất cứ cán bộ nào trong bộ máy cầm quyền hiện nay tại Việt Nam. Quốc hội đã biểu quyết ngưng chức bà Hoàng Yến. Ông Nguyễn Tấn Dũng thắng một keo.
Và bây giờ đến lượt ông Sang xuất chiêu. Ai cũng biết thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ chính trị là người đỡ đầu ông Nguyễn Đức Kiên. Kiên làm ăn trong lĩnh vực ngân hàng tư và là Chủ tịch Hội đồng quản trị của 3 công ty: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội. Ngày 20/8 ông Kiên bị cơ quan công an thuộc Tổng cục cảnh sát chống tội phạm bắt về tội không có giấy phép hợp lệ cho 3 Công Ty nói trên.
Tin đồn rằng cuối năm 2012 này sẽ có một mini đại hội đảng để quyết định một số vấn đề quan trọng như tu chính Hiến Pháp và thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao. Và ông Trương Tấn Sang không bỏ lỡ cơ hội.
Quan sát tình hình Việt Nam không ai không thấy được các bước đi của ông Trương Tấn Sang trong việc tranh giành quyền hành với ông Nguyễn Tấn Dũng.
Đầu tháng 7 vừa qua trong một cuộc hội thảo tại Đại học Quốc Gia Hà Nội, các giáo sư tham dự đã đề nghị tu chính Hiến Pháp trao các bộ Quốc Phòng, Công an và Ngoại giao cho Chủ tịch nước.
Ngày 22/8, hai ngày sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị truy tố, ông Trương Tấn Sang cho phổ biến một bài viết nhan đề “Phải biết hổ thẹn với tiền nhân” bày tỏ cảm tưởng của ông trước ngày Quốc Khánh thứ 67 sắp tới (2-9-2012).
Nội dung của bài viết (đăng trên báo Tuổi Trẻ) không khác gì một bản văn vận động chức thủ tướng khi đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang vướng vào vụ Nguyễn Đức Kiên (1).
Chỉ tiếc bản văn vận động của ông Sang không đánh động được lòng dân mà chỉ bày ra sự yếu kém của đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 2-9-1945 đến nay.
Sau khi ca ngợi những thành công của đảng ông Trương Tấn Sang nêu ra những tiêu cực (mà ông có ý ám chỉ do triều đại của thủ tướng Dũng):
“Hằng ngày lật giở các trang báo, gặp gỡ các cán bộ, đảng viên và nhân dân, ai cũng có một điều gì đó, một bức xúc hoặc không đồng tình nào đó động chạm đến bản thân hoặc do chính sách, do tổ chức thực hiện. Thậm chí nhiều khi ta bắt gặp sự phản ứng đến mức phẫn nộ. Đã có những chính sách được về mặt chính trị, an ninh thì lại chưa ổn về mặt xã hội, dẫn đến những tranh luận nhiều khi gay gắt, thậm chí xung đột. Giá cả các mặt hàng leo thang kéo theo nhiều hệ luỵ; chuẩn mực giá trị bị đảo lộn và xem thường dẫn đến pháp luật kỷ cương, đạo đức xã hội bị xói mòn nghiêm trọng. Kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì mặt trái tiêu cực của nó càng có môi trường nảy sinh. Ai cũng đồng tình từ bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, cào bằng, bình quân chủ nghĩa làm triệt tiêu mọi động lực phát triển, duy trì nghèo đói, nhưng chuyển sang cơ chế thị trường thì những mặt trái của nó đã giáng vào đời sống xã hội những “đòn” không kém phần khốc liệt. Có những việc tưởng như đơn giản, tưởng như dễ giải quyết, không phải là khó khăn, nhưng khi thực hiện thì đụng đâu cũng vướng vì nó không phải là một bài toán trên lý thuyết đơn thuần mà là xã hội với đủ sắc màu, với những cách nghĩ, những quyền lợi, những ứng xử khác nhau, chằng chịt, cái này níu bám và kìm giữ cái kia; cái “chăn ấm” vô tình kéo sang bên này thì bên kia bị “lạnh”… Xuất hiện những người có tư tưởng xa lạ, chỉ luôn luôn rình rập mọi sơ hở để chống đối, để “chọc gậy bánh xe”, thậm chí để “cõng rắn cắn gà nhà”…”
Nhìn nhận những khó khăn, thách thức này phải bằng con mắt biện chứng lịch sử. Trên thực tế, cách mạng Việt Nam cũng như mọi nơi khác trên thế giới chưa bao giờ hết khó khăn, thử thách. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cách mạng Việt Nam lúc đó lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài đe dọa, hậu quả của chế độ phong kiến – thuộc địa để lại rất nặng nề. Khó khăn chồng chất nhưng Đảng, Nhà nước và toàn dân ta đã làm nên những điều kỳ diệu, tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước, bầu Quốc hội, thành lập Chính phủ, ban hành Hiến pháp, xây dựng và củng cố chính quyền từ trung ương đến địa phương, tạo điều kiện để Nhà nước Việt Nam vượt qua vô vàn gian khổ, bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám, giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Cũng như vậy, giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khó khăn nào bằng? Nhưng cả nước đều ra trận, quyết chiến, quyết thắng và đã chiến thắng vang dội, Việt Nam trở thành “lương tâm của thời đại” như nhiều người trên thế giới đã tôn vinh. Sau khi đất nước thống nhất, khó khăn chồng chất, hậu quả nặng nề của chiến tranh chưa được khắc phục thì lại vừa phải tiến hành cuộc chiến đấu mới để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vừa phải chống lại sự bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, phải tìm tòi khảo nghiệm con đường phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Cũng có không ít những sai lầm, khuyết điểm, phải sửa sai như trong cải cách ruộng đất, sửa sai những khuyết điểm chủ quan duy ý chí trong lãnh đạo, quản lý và cơ chế chính sách khiến cho kinh tế – xã hội lâm vào khủng hoảng trầm trọng thời điểm trước Đại hội VI (1986)”
Ông Trương Tấn Sang vết tiếp: “ ……. trong bộ máy Nhà nước, cái tích cực với cái tiêu cực xen lẫn, nhiều vấn đề giải quyết chậm, để lỡ mất cơ hội. Phải làm sao đây để phát triển đất nước giữa một thế giới cạnh tranh không chấp nhận sự trì trệ? Nếu chỉ cố gắng như những năm vừa qua không còn đủ nữa, mà phải đổi mới quyết liệt để theo kịp bước tiến thời đại, phải tiến hành những giải pháp đồng bộ trong mọi lĩnh vực. Trước những bất cập về quản trị kinh tế, chúng ta chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng đó đâu phải việc ngày một ngày hai. Thậm chí có những việc như chống lạm phát đã hé lộ khả năng giải quyết được cơ bản, nhưng nếu không cẩn thận thì có nguy cơ chuyển sang căn bệnh mới tác hại không kém, đó là giảm phát. Sốt ruột thật, nhưng công việc đòi hỏi chúng ta phải điềm tĩnh, tỉnh táo, kiên trì tìm giải pháp giải quyết căn cơ, không chỉ nhất thời. Trong khi tìm tòi, tháo gỡ, xã hội chúng ta vẫn phải đối mặt với những áp lực mới, gay gắt…”
Rõ ràng hơn về thất bại kinh tế và xã hội, ông Trương Tấn Sang nói:
“Làm sao để chính trị xã hội ổn định? Mỗi người chúng ta đang sống trong cơ chế kinh tế thị trường, sử dụng có hiệu quả những mặt tích cực và hạn chế những mặt trái của nó không hề dễ dàng, nhất là với nước ta, vốn xuất phát từ một trình độ thấp, thu nhập quốc dân trên đầu người mới chỉ bắt đầu bước vào mức thấp của ngưỡng trung bình với biết bao những khó khăn, thách thức và mâu thuẫn nhiều khi không lường hết được. Tôi xin nhấn mạnh: đứng trước chúng ta là những nhiệm vụ kinh tế – xã hội mới phức tạp hơn trước kia rất nhiều”
Lá thư vận động chức thủ tướng thay thế ông Nguyễn Tấn Dũng thiếu một điểm lý thú: Ông nói đến quá trình vươn lên của Việt Nam trên võ trường quốc tế mà quên không nói đến sự thất bại của đảng Cộng sản Việt Nam tại Thế Vân Hội mùa hè 2012 vừa qua tại Anh quốc vừa qua. Một nước hơn 87 triệu dân mà không chiếm nổi một huy chương đồng, trong khi Nam Hàn (trong thập niên 1960 còn kém Nam Việt Nam) chưa tới 50 triệu dân thu được 28 huy chương trong đó có 13 huy chương vàng, và Cuba, hơn 11 triệu dân có 14 huy chương trong đó có 5 huy chương vàng. Tại sao đảng Cộng sản Việt Nam thất bại tệ hại như vậy sau 37 năm thống nhất và hòa bỉnh?
Đảng lãnh đạo như vậy thì nhân dân trong nước làm sao tin được sự lãnh đạo của đảng trong lĩnh vực kinh tế và quốc phòng.
Nhưng rồi vụ ông Nguyễn Đức Kiên và lá thư vận động của ông Trương Tấn Sang sẽ đi vào quên lãng như vụ Bạc Hy Lai tại Trung quốc. Chỉ khác vụ Bạc Hy Lai Việt Nam chỉ làm cho Nước càng ngày càng lụn bại, Dân càng ngay càng khổ!
Aug . 30, 2012
© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt