Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Vấn đề Biển Đông và nguy cơ chia rẽ dân tộc

Gia Tường
CTV Phía Trước
Vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay đang trở thành một điểm nóng trong dư luận cả trong và ngoài nước. Với lập luận dựa trên Công hàm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trung Quốc mặc nhiên thừa nhận quyền thống trị trên vùng biển mà quốc gia này vẫn gọi là “Nam Trung Hoa”. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về vấn đề này.
Sự thật về Công hàm 1958
Chính quyền Trung Quốc biện hộ rằng, ngày 4 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Đáp lại tuyên bố này, ngày 14/9/1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nguyên văn như sau:


Bức Công hàm ngày 14-9-1958 của Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Ảnh: Tuần Việt Nam
“Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.
Lúc bấy giờ, Tổng thống Mỹ S.Truman điều Hạm đội 7 đến bảo vệ eo biển Đài Loan hòng ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc mong muốn chiếm lại các đảo tại đây.  Nên công hàm này có ý nghĩa ủng hộ cuộc tấn công này của Trung Quốc. Hơn nữa, Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ là thư tình hữu nghị chứ không phải văn bản pháp luật chính thống được ký kết giữa hai quốc gia. Vì vậy, viện dẫn công hàm này để làm bằng chứng cho việc tranh chấp hiện nay ở Biển Đông thực sự là một hành vi bôi nhọ chính phủ Việt Nam của ông Tập Cận Bình, cố tình gây chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái và tổ chức trong nước…
Ta có thể thấy ở lập luận này của ông Tập Cận Bình một âm mưu thâm độc: Một mặt hợp lý hóa hành động xâm chiếm Biển Đông Việt Nam; một mặc cố tình khuấy đảo mạnh mẽ bất ổn chính trị trong nước ta hiện nay để “thừa nước đục thả câu”. Chiêu bài này không phải lần đầu tiên những người tham vọng bá quyền ở Trung Quốc sử dụng, nhìn lại lịch sử ta đều thấy rõ mỗi khi một vị vua phương Bắc có ý định xâm lược nước ta. Ví dụ như thời nhà Lý, triều đình nhà Tống phương Bắc xoáy sâu vào mâu thuẫn hậu cung giữa Thái hậu Thượng Dương và Thái hậu Ỷ Lan, mượn cớ thư cầu cứu của Thượng Dương mà kéo quân sang.  Đến thời Hồ đang trong thời kỳ dựng nghiệp, triều đình nhà Minh lại dựng cao lá cờ “Phù Trần diệt Hồ” và kết quả là nước ta trở thành nô lệ.
Ngoài ra, chúng ta thấy rõ một sự nhập nhằng về địa lý ở đây. Người Trung Quốc nhắc đến “Biển Đông” rất nhiều, và có một câu thành ngữ nổi tiếng: “Vạn thủy giai Đông lưu”, ý nói trăm con sông đều đổ về Biển Đông. Nhưng Biển Đông này không phải Biển Đông đang được tranh chấp. Thực tế có rất nhiều địa danh của Việt Nam và Trung Quốc trùng tên với nhau. Biển Đông của Việt Nam vốn là khu vực Vịnh Bắc bộ, người Trung Quốc vẫn gọi là Nam Hải. Vậy thì Biển Đông mà Trung Hoa cần tranh chấp chính là khu vực eo biển Đài Loan.
Có cần thiết cho một cuộc chiến tranh?
Theo UNCLOS, Việt Nam cần được tôn trọng vùng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế biển và thềm lục địa. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tính tới nay, UNCLOS đã có 162 quốc gia thành viên và đa số các nước đều nhấn mạnh: UNCLOS là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất của thế kỷ 20, tạo lập một trật tự pháp lý công bằng và toàn diện cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, giúp duy trì hòa bình, ổn định, pháp triển kinh tế thế giới. Giáo sư Tommy Koh của Singapore, người chủ trì việc soạn thảo UNCLOS lên tiếng nhắc nhở rằng cần tôn trọng và ứng xử bình đẳng với các nước ASEAN, bởi 20 năm qua các nước ASEAN  luôn nhìn Trung Quốc một cách thành ý, tôn trọng và hợp tác.
Với tình trạng tranh chấp hiện nay, chính phủ Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam được quy định bởi Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Nếu cuộc chiến tranh ngoài Biển Đông chính thức nổ ra, Trung Quốc sẽ vấp phải một sự va chạm lớn với các thế lực trên Thái Bình Dương. Đường lưỡi bò của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của 5 quốc gia là: Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei; chính thức phá vỡ những cam kết về UNCLOS mà Trung Quốc đã kí với 8 nước láng giềng (Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Brunei,  Indonesia và Việt Nam). Nghiêm trọng hơn, hành động bá quyền này sẽ đẩy Trung Quốc vào cuộc đối đầu lớn với Mỹ, Nga, Canada, Nhật Bản – những cường quốc lớn nắm giữ quyền lực trên thế giới hiện nay. Một nguy cơ cho điểm nổ của chiến tranh thế giới thứ 3 hoàn toàn có thể bắt đầu từ vụ tranh chấp nghiêm trọng này.
Kết quả của cuộc tranh chấp này rõ ràng không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trong cả khu vực. Bởi lẽ không một người dân nào trên thế giới lại mong muốn xảy ra chiến tranh dù là bằng vũ khí hay những cuộc tranh chấp kinh tế giữa các thế lực. Vì cho dù thế nào thì địa lý Việt Nam Trung Quốc  không chỉ núi liền núi, sông liền sông mà còn biển liền biển và có mối quan hệ gần gũi trong suốt tiến trình lịch sử mấy nghìn năm qua với những ảnh hưởng sâu sắc vẫn còn tồn đọng lại đến ngày nay. Do vậy, vẫn có chăng hi vọng cho một cuộc đàm phán hữu nghị trong tương lai về vấn đề Biển Đông?
© TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"