Một lần nữa trở lại với hai chữ “đất nước”, và hai chữ này sẽ còn được
nhiều người Việt Nam nói đến, nó sẽ còn là nỗi ám ảnh của người Việt
đương đại, cho đến khi, hoặc họ sẽ để mất cái nội dung được chuyên chở
bởi hai chữ đó, hoặc họ chấp nhận mỗi người mất đi một điều gì đó của
chính họ để bảo tồn được nó (điều phải mất đi có thể là: tài sản, quyền
lực, nỗi sợ hãi, sự hèn hạ, sự hèn nhát, sự mù quáng, lòng tham, sự
thiếu trách nhiệm, sự vô cảm,…)
Trong từ ghép “đất nước” , yếu tố “nước” đứng sau “đất”, nhưng không phải nó kém quan trọng hơn “đất”. Bởi vì “đất” tách riêng ra thì không còn hàm nghĩa “đất nước”. Nhưng “nước” đứng riêng vẫn mang đầy đủ ý nghĩa là lãnh thổ quốc gia. Và trong các văn bản hành chính thì chỉ có từ “nước” được sử dụng: nước Việt Nam, nước Pháp, nước Mỹ,…
Trong từ ghép “đất nước” , yếu tố “nước” đứng sau “đất”, nhưng không phải nó kém quan trọng hơn “đất”. Bởi vì “đất” tách riêng ra thì không còn hàm nghĩa “đất nước”. Nhưng “nước” đứng riêng vẫn mang đầy đủ ý nghĩa là lãnh thổ quốc gia. Và trong các văn bản hành chính thì chỉ có từ “nước” được sử dụng: nước Việt Nam, nước Pháp, nước Mỹ,…
Vì thế, nước đối với người Việt hẳn phải có một giá trị hết sức đặc biệt
mà việc diễn giải nó đòi hỏi công phu của các nhà văn hóa học, các nhà
dân tộc học…
Quan sát phản ứng của đa số dân chúng Việt Nam hiện nay, ta có cảm giác rằng dường như nước không còn giữ được cái giá trị tinh thần đặc biệt mà nó từng có đối với người Việt trong lịch sử. Trong khi 23 ngàn con tàu của Trung Quốc giày xéo gương mặt bà mẹ Biển Đông (người Việt vẫn ví lòng mẹ bao la như biển, nhưng biển còn là ẩn dụ kép về cả người mẹ và người cha, vì biển là nơi cư trú của Lạc Long Quân và 50 người con) thì hầu như đa số người Việt biểu lộ ra ngoài một sự bình thản khó hiểu. Một số vô cùng ít ỏi trên toàn bộ tổng số gần 90 triệu người ôn hòa bày tỏ giông tố trong lòng họ lại gặp phải sự đàn áp và sự bôi nhọ không thể giải thích nổi từ phía chính quyền, và sự thờ ơ không thể nào hiểu nổi từ phía đồng bào của họ.
Hôm nay, tôi có một trải nghiệm trực tiếp với nước, và lại là nước biển, ở Hội An, một khu vực cách Hoàng Sa không xa. Tôi nằm thả lỏng, bồng bềnh trên mặt biển, không cử động, xung quanh là nước, mắt hướng lên cao nhìn thẳng vào bầu trời, xanh thẳm, sâu hút. Cứ như vậy rất lâu. Và một dự cảm đau đớn lan khắp cơ thể: rồi một ngày bầu trời này, mặt biển này không còn là của tôi nữa, không còn là của chúng tôi nữa. Nước đập vào hai bên tai, nhẹ nhàng như an ủi. Dẫu thế dường như không thể an ủi, mà còn tăng bội phần dự cảm mất mát, bởi đó là nước. Có cái gì nghịch lý trong việc làn nước này đang muốn an ủi tôi. Nước biển. Nước. Tang tóc ngấm vào từng tế bào da mang theo vị mặn của muối. Tang tóc được dự báo bởi những hoạt cảnh bắt bớ nồi da xáo thịt, những người lương thiện, những người yêu nước bị kết tội hàng ngày. Tang tóc được dự báo bởi những hỗn loạn khắp mọi lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, văn hóa, chính trị,... Trên khoảng trời mà mắt tôi bao quát được tôi nhìn thấy những cảnh đang náo hoạt cuộc sống của chúng tôi hiện nay. Thanh trừng nội bộ hay kịch bản của ngoại bang? Không thể nào biết được một cách chính xác. L’ignorance. Chúng tôi bị đẩy vào tình cảnh như thế: không biết những gì đang diễn ra trước mắt mình, cả khi mắt mở to hết cỡ, ngay cả khi nhìn thấy sự việc. Nhìn thấy mà vẫn không biết. Đó là một thứ tang tóc khác, là một mất mát khác, là một cái chết khác.
Tôi trở về với thực tại, ngạc nhiên thấy mình vẫn đang ở trên mặt nước và ở dưới bầu trời.
Mặt trời quàng qua trán tôi một giải khăn tang ánh sáng. Một nửa vành khăn phủ trán tôi, một nửa tan chảy trong nước biển.
Tôi mong đó chỉ là một giải khăn tang tưởng tượng của một kẻ ủy mị do dính dáng quá nhiều tới văn chương.
Nguyễn Thị Từ Huy
Hội An, 24/8/2012
BVN