Phải ‘bảo vệ xứ đạo Cồn Dầu’
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Cô
Lê Thị Bích Trinh, 24 tuổi, giáo dân Cồn Dầu, đã đến định cư tại tiểu
bang North Carolina vào ngày 21 Tháng Tám. Ðây là người thứ sáu từ giáo
xứ Cồn Dầu được hưởng qui chế tị nạn chính trị đến Mỹ, với sự giúp đỡ
của tổ chức BPSOS.
Cô Lê Thị Bích Trinh tại phi trường quốc tế Suvarnabhumi, Thái Lan. (Hình: RFA)
Nói chuyện với phóng viên Người Việt qua điện thoại, cô Bích Trinh
cho biết cảm giác khi đặt chân tới Mỹ: “Em rất vui, rất mừng. Em cứ thấy
mình như trong mơ chứ không phải là sự thật, dù chưa bao giờ em mơ có
ngày em tới Mỹ. Em cứ thấy đây là một câu chuyện lạ chứ không phải là sự
thật.”
“Tội” dự đám tang
Ngày 4 Tháng Năm, 2010, Bích Trinh, một thành viên trong ca đoàn giáo
xứ Cồn Dầu tham gia vào đám tang cụ bà Maria Ðặng Thị Tân nên bị khép
vào “tội chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng.”
Theo lời kể của cô, trước ngày đám tang bà Ðặng Thị Tân, “công an
phường đã mời họp và yêu cầu mọi người không được đi dự đám tang.”
Tuy nhiên, Bích Trinh nói: “Em vẫn đi vì không đi không được. Ngày ba
em mất, gia đình con cháu bà Tân đều đến đưa đám tang ba em, nên em
nghĩ nghĩa tử là nghĩa tận, em phải đi đám tang bà.”
Trong đám tang này, cùng với nhiều giáo dân khác, Bích Trinh đã bị
công an đàn áp và đánh đập bằng baton, gậy gộc. “Bị đánh, đánh nhiều
lắm, họ cứ dùng baton đụng đâu đánh đó chứ không sợ người ta bị thương
bị chết, trong lúc tụi em không có cái chi trong tay để chống đỡ, nên
rất nhiều người bị thương.”
Sau khi đánh để uy hiếp tinh thần của giáo dân để mọi người giải tán
nhưng giáo dân không giải tán, thì “đến trưa đó họ bắt đầu mang súng ống
tới bắn vào phía đám tang, rồi có người bị bắt đi. Em sợ quá, lúc đó
khoảng hơn một giờ chiều thì em mới chạy.”
Bị hai công an rượt theo túm cổ áo, tịch thu điện thoại và chuẩn bị
bắt đi, thì Bích Trinh “trợt được xuống ruộng nên em vụt chạy luôn, công
an mang giày sắt nên họ không chạy xuống ruộng rượt theo em được, vì
bùn dưới ruộng lên tới đầu gối. Lúc đó nhiều người dân làng khác cũng ùa
tới xem, em lẫn vào trong đó nên thoát.” Trinh kể lại trong sự xúc
động.
Từ ngày định mệnh đó, cô gái 21 tuổi chưa một lần bước chân ra phố,
dù chỉ cách làng một con sông, bắt đầu hành trình chạy trốn khỏi quê
hương.
Ðường tị nạn
Bích Trinh được một người cậu ruột, cũng bị lệnh truy nã do tham gia
vào các cuộc biểu tình ở Cồn Dầu, dẫn chạy trốn sang Lào bằng đường bộ
“do cả hai cậu cháu đều không có giấy tờ passport gì hết, nên không dám
đi xe.”
Trinh kể cô chạy ra khỏi nhà chỉ với một bộ quần áo trên người, một
giấy chứng minh nhân dân cùng sợi dây chuyền và đôi bông tai, bởi “cứ
nghĩ mình đi trốn đâu đó ít ngày rồi trở về nhà” chứ không ngờ là “đi tị
nạn.”
Cô những tưởng mình không sống nổi qua những ngày lội đường rừng sang
Lào với ít mì gói và bánh khô mà người cậu mua mang theo dự trù cho 10
ngày đi đường, “nhưng cũng không ăn nổi vì vừa sợ rắn sợ chó trên đường
đi, vừa mang tâm trạng hoảng sợ, lo lắng.”
Sau khi đến được Lào, Trinh và người cậu được những người quen của
cậu đưa qua Thái Lan bằng “một chiếc thuyền như cái thúng, bơi bằng cây
dầm.” Ðến nơi, phải nhờ người chỉ giúp, và sau vài ngày đón những chuyến
xe bus đi từng chặng một, Bích Trinh cùng người cậu mình đến được
Bangkok.
“Em đến Thái Lan ngày nào em cũng không nhớ. Chỉ biết tính từ ngày em
rời Việt Nam đến nay là 2 năm 3 tháng, vì khi em đi không có đồng hồ
cũng không có lịch.” Cô kể.
Theo lời Bích Trinh, “Khi qua đến Thái Lan thì gặp mọi người trong
giáo xứ Cồn Dầu cũng chạy sang, mọi người họp lại ở cùng với nhau. Rồi
gặp được sự giúp đỡ của chú Nguyễn Ðình Thắng và hội BPSOS, cùng những
luật sư, nhiều người tình nguyện, và tấm lòng của bà con hải ngoại mà em
và mọi người mới có ngày hôm nay. Em muốn cám ơn tất cả mọi người.”
Mối bận tâm lớn nhất của Bích Trinh hiện giờ là mẹ cô, bởi mẹ cô cũng
từng bị công an đánh đập dã man đến phải nằm bệnh viện do cũng tham gia
trong đám tang bà Ðặng Thị Tân, giờ “anh chị em cũng chạy trốn như em,
nên mẹ còn ở lại phải chịu rất nhiều áp lực của chính quyền cũng như
công an. Em rất là lo cho mẹ.”
Hiện tại Bích Trinh sống tại North Carolina cùng với gia đình người cậu, anh ruột của mẹ cô.
Chia sẻ dự tính về những ngày sắp tới, Bích Trinh cho biết, “Sau vài
ngày nghỉ mệt, em sẽ đi kiếm việc gì để làm, để giúp lại cho những anh
em giáo xứ Cồn Dầu còn kẹt lại ở Thái Lan, vì họ có hoàn cảnh rất khó
khăn, có nhiều người mới qua, chưa được chấp nhận vào qui chế tị nạn nên
em phải ủng hộ cho họ.”
“Bảo vệ xứ đạo Cồn Dầu”
Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc BPSOS cho biết “trong một, hai tuần tới, sẽ có thêm hai gia đình nữa sang Mỹ.”
Hiện tại có 60 giáo dân Cồn Dầu chạy sang Thái Lan được xác nhận qui
chế tị nạn, có sáu người đã sang được đến Mỹ. Từ giờ đến cuối năm, tất
cả 54 người còn lại trong đợt đầu tiên sẽ đi định cư ở Hoa Kỳ. Còn lại
hai mươi mấy người đi sau thì vẫn còn đang phải chờ.
“Nhưng tôi cũng kỳ vọng trong thời gian rất ngắn những gia đình còn
lại cũng sẽ nhận được qui chế tị nạn. Ðây là những người từng bị tra
tấn, đánh đập, tù đày, nên có lẽ là Liên Hiệp Quốc sẽ thừa nhận qui chế
tị nạn của họ.” Tiến Sĩ Thắng nói.
Nói thêm về vai trò của tổ chức BPSOS đối với giáo dân Cồn Dầu, Tiến
Sĩ Thắng cho rằng: “Khi đưa giáo dân Cồn Dầu sang bên đây, ngoài chuyện
ổn định về đời sống, an ninh thì mọi việc vẫn chưa xong. Bởi vì cách đây
hai năm chúng tôi đưa ra chiến dịch cứu Cồn Dầu với ba mục đích rất rõ
ràng.”
Mục đích thứ nhất là bảo vệ những người chạy thoát sang Thái Lan, mục đích này gần như hoàn tất, theo lời tiến sĩ Thắng.
Mục đích thứ hai là “đẩy lùi áp lực trên xứ đạo Cồn Dầu ở Việt Nam.”
“Chúng tôi không nghĩ là sẽ có cuộc đàn áp đẫm máu như ngày xưa được
nữa vì cả thế giới đang theo dõi. Mục đích này cũng tương đối hoàn
thành.” Ông nói.
Mục đích thứ ba là bảo vệ sự toàn vẹn của cả xứ đạo Cồn Dầu.
Giám đốc BPSOS cho biết, “Bây giờ đang bước vào giai đoạn cuối của
chiến dịch cứu Cồn Dầu là chúng tôi không những giữ lại những mảnh đất
của Cồn Dầu mà còn lấy lại mảnh đất của chính quyền đã cướp.”
Tiến Sĩ Thắng giải thích: “Lý do mà chúng tôi lấy lại được là vì từ
trong khu đất của Cồn Dầu, chúng tôi càng ngày càng khám phá ra là có
nhiều công dân Mỹ làm chủ những miếng đất đó. Hiện nay chúng tôi có rất
nhiều gia đình người Cồn Dầu đi từ năm 75, nhưng con cái còn kẹt lại,
sống ở trong căn nhà của họ, nhưng mà bố mẹ vẫn là chủ căn nhà đó. Khi
chính quyền Ðà Nẵng vào cướp ruộng, cướp nhà của họ, đuổi con cháu họ
ra, thì thực sự là cướp tài sản của công dân Mỹ. Chúng tôi dùng lập luận
này để báo động cho chính phủ Mỹ phải chặn lại ngay bởi luật của Mỹ rất
rõ ràng, hễ mà cướp tài sản của công dân Mỹ thì chính phủ Mỹ phải chặn
lại ngay, phải áp dụng ngay những luật chế tài, như không được viện trợ,
ngăn cản tất cả định chế tài chánh quốc tế, nếu có cho Việt Nam vay vốn
thì cũng ngưng ngay không cho Việt Nam vay vốn nữa, phải lôi kéo một ủy
hội đặc biệt của Hoa Kỳ được thành lập năm 1949 vào để cứu xét xem tài
sản đó trị giá bao nhiêu, để bắt Việt Nam phải hoàn trả hoặc bồi thường,
những điều đó rất rõ ràng.”
“Có một số gia đình ở Việt Nam, con cái ở Mỹ thì họ ủy quyền cả cho
con cái họ. Nên nếu Việt Nam mà chiếm đất đó thì tức là họ chiếm của
công dân Mỹ. Chính quyền Việt Nam trở tay không kịp trong việc này. Hiện
tại chúng tôi đang áp dụng chiến dịch đó trên toàn đất nước Việt Nam,
gọi là chiến dịch đòi tài sản để mà chặn đứng hiểm họa cưỡng chế đất của
nông dân hàng loạt. Chúng tôi đã nghiên cứu luật đất đai ở Việt Nam từ
năm 1996, theo dõi rất kỹ tình hình, để biết rằng đây là lúc cần phải
lên tiếng, cần phải hành động để trễ hơn nữa thì chuyện đã rồi.” Ông nói
thêm.