Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Lập lờ nợ xấu

 (Một bài viết cũ liên quan đến cách làm ăn của Bầu Kiên)
 
Hải Lý
29/06/2012
Năm ngoái Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố nợ xấu khoảng 2,4% tổng dư nợ, cuối năm chốt lại hơn 3%. Mấy tháng trước cũng NHNN thông báo nợ xấu ước 3,4%. Rồi sau đó khi trả lời chất vấn Quốc hội, Thống đốc NHNN khẳng định nợ xấu đã tăng từ mức 6% lên 10% tổng dư nợ. Chưa hết. Gần đây công khai các chỉ tiêu liên quan đến tín dụng, cơ quan quản lý ngành ngân hàng lại nói nợ xấu đã tăng từ 3,06% lên 4,14% tính đến thời điểm 30-4-2012.
Những con số khác nhau, công bố ở những thời điểm khác nhau, cho những đối tượng khác nhau và với mục đích khác nhau – mục đích ấy là gì? Liệu có phải là cung cấp một bức tranh thật về nợ xấu ngân hàng hay nhằm biện minh cho thanh khoản? cho lãi suất đầu ra cao trong một thời gian quá dài gây đình trệ sản xuất? cho lợi nhuận ngân hàng có khoảng cách xa với lợi nhuận doanh nghiệp? Tin ở tỷ lệ nào là tùy mỗi người, mỗi góc độ, nhưng mẫu số chung là khối nợ xấu quá lớn, nó tác động mạnh đến nền kinh tế, nên phải tìm cách xử lý ngay bằng một cơ chế ít vướng mắc pháp lý, giảm thiểu tổn thất tối đa. Nó đồng thời đòi hỏi một quyết tâm chính trị ở mức cao để mổ xẻ khối u đã đến giai đoạn nguy cấp bởi nếu chần chừ, hoặc không xử lý, tổn thất có thể nặng hơn nhiều.

Cách đây mười năm Eximbank có khoản nợ xấu khổng lồ so với qui mô thời đó: 1.200 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 200 tỉ đồng. Một cơ chế tài chính đã được sắp đặt để Eximbank có thể chuyển nhượng tài sản thế chấp (kể cả cổ phiếu của cổ đông), gỡ dần mớ bòng bong. Ở tầm cao hơn, lúc ấy hệ thống ngân hàng có 23.000 tỉ đồng nợ xấu. NHNN lập trình ý tưởng công ty mua bán nợ, nhưng không được Chính phủ chấp thuận. NHNN buộc phải cho phép thành lập các công ty mua bán nợ riêng biệt của từng ngân hàng. Một khoản tiền ngân sách được ứng ra để giải quyết nợ của khối doanh nghiệp quốc doanh, nhưng hai phần ba nợ xấu đã được xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro và bán nợ của tổ chức tín dụng. Kinh nghiệm chỉ ra từ bài học quá khứ này là phải có cơ chế cho các ngân hàng bán nợ.
Để có cơ chế và cơ chế ấy vận hành hiệu quả, cần xác định rõ những thành phần có thể tham gia.
Không dưới một lần NHNN lên tiếng ngoài ngân sách đóng góp một phần nhỏ, nguồn lực chủ yếu xử lý nợ xấu phải đến từ bản thân các ngân hàng, các cổ đông, từ dân doanh, từ vốn nước ngoài. Việc khai sinh một công ty mua bán nợ đủ khả năng xử lý tới 100.000 tỉ đồng nợ xấu bằng vốn nhà nước chưa được Chính phủ bật đèn xanh, nhưng đã thấy manh nha nguy cơ nhóm lợi ích. Công ty có thể mua lại nợ của những ngân hàng cho vay, sau đó bán lại nợ vào một thời điểm thuận lợi để thu hồi vốn cho Nhà nước. Chưa nói mua với giá nào, bán với giá nào, theo phương thức nào, việc mua của ai và bán lại cho ai phải là một quá trình minh bạch, đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết.
Khai thác nguồn lực dân doanh, chính là nội lực trong dân cho xử lý nợ xấu là lựa chọn đúng và tiềm năng. Thực tế cho thấy nội lực trong dân có ý nghĩa quyết định một khi phát huy đúng mức, nhưng nếu không khéo, nó có thể biến tướng, trở thành những đồng tiền cơ hội trong tay người tung kẻ hứng, như một số trường hợp sống động trong thâu tóm ngân hàng đang khiến giới đầu tư quan tâm.
Khác với những tổ chức chuyên mua bán nợ quốc tế, vốn tự có của pháp nhân hoặc thể nhân mua bán nợ Việt Nam rất thấp. Họ thường sử dụng chút vốn tự có ấy mua một phần nợ, rồi đem thế chấp vào ngân hàng, vay vốn, mua nợ tiếp theo kiểu cuốn chiếu. Về bản chất, nợ ngân hàng lại được mua bằng tiền ngân hàng, chẳng khác nào các sản phẩm phái sinh nảy nở với cấp số nhân. Đòn cân nợ trong mua bán nợ được áp dụng triệt để. Bằng cách này, nợ trên sổ sách ngân hàng có thể sạch bong, nhưng nợ trong nền kinh tế vẫn còn đó, nó luân chuyển dưới những lớp vỏ che đậy dày, đan chéo, khó bóc tách và tiềm ẩn rủi ro đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Bây giờ là những con số cụ thể. NHNN vừa công khai tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng 2,617 triệu tỉ đồng. Khoảng 10% nợ xấu tương đương 261.700 tỉ đồng. So với vốn tự có 414.153 tỉ đồng, nợ xấu thấp hơn. Nghĩa là nếu dùng vốn tự có bù đắp toàn bộ nợ xấu, ngân hàng vẫn chưa phải là con số không, vẫn còn khả năng tồn tại dù thu hẹp đáng kể qui mô.
Tuy nhiên vốn tự có ấy có thật sự là vốn tự có thuần túy, tiền tươi thóc thật? Chắc chắn là không. Để đóng góp vào vốn điều lệ ngân hàng, nhiều cổ đông sử dụng vốn vay chéo giữa các ngân hàng. Cổ phần của ngân hàng A được thế chấp ở ngân hàng B để vay vốn, góp vào ngân hàng A. Tương tự giữa ngân hàng B và C; C và D… Đừng tưởng đòn bẩy tài chính chỉ được áp dụng trong đầu tư chứng khoán. Đòn bẩy đã được xài phổ biến trong đầu tư ngân hàng từ trước chứng khoán rất lâu. Các biến dạng của đòn bẩy ngày càng phức tạp và lan rộng khi ngân hàng bỏ vốn thành lập các công ty con và các công ty này đầu tư trở lại vào những ngân hàng khác, hay công ty trực thuộc ngân hàng khác. Cứ thế dây mơ rễ má chồng chất, không ai biết chính xác vốn tự có thực sự của hệ thống ngân hàng đến mức nào, có đủ bù đắp nợ xấu ? Vì thế, nợ xấu đang dính chùm, đang kết tủa bám chặt vào nền kinh tế.
Hải Lý
Theo TBKTSG
___________________________

Một giả thuyết khác do bạn Dragonboy1080 ở diễn đàn f319 đưa ra

Em xin vào thẳng vấn đề luôn: mấy tin đồn về vụ bắt Bầu Kiên (BK) kiểu như “các cụ đấu đá”, “BK là đệ 3D”, “đây là chỉ đạo của bác luxury” v.v... <== toàn là tin bá láp do mấy cha Việt Kiều [...] tưởng tượng ra!
Vụ bắt BK là khởi đầu và là một bộ phận của chiến dịch làm trong sạch nền tài chính ngân hàng. Chiến dịch này đã được chuẩn bị rất công phu từ nhiều năm nay.
Có bác sẽ hỏi: thế tại sao đến giờ mới làm? Tại vì:
1 – Chúng ta còn quá ngô nghê ==> không phát hiện sớm chiêu trò của các đại gia ngành ngân hàng (tớ sẽ phân tích chiêu trò của họ ở dưới).
2 – Vì phát hiện muộn nên đến lúc phát hiện ra thì thế lực của họ đã khá mạnh ==> nếu hồ sơ, chứng cứ chưa được thu thập, xác minh đầy đủ thì việc bắt bớ chắc chắn sẽ bị cản trở, “tác động” ==> họ chắc chắn sẽ “thoát” và “phản pháo”.
Chắc các bác cũng đã từng tự hỏi: BK (và một số đại gia ngân hàng khác) tại sao “tự dưng” giàu nhanh thế? Lượng tiền không lồ mà họ dùng để thâu tóm các ngân hàng từ đâu đến? Trong khi đó quá trình làm giàu của các đại gia trong các lĩnh vực khác như bác Đức, bác Tâm, bác Long (HP), bác Tiền còi, bác Nam Cường, bác Quang (Masan) thì ai cũng thuộc lòng rồi <== công cuộc “tích lũy tư bản” của họ tương đối lâu và không có gì bí hiểm (đều đi lên từ khai thác cái gì đó, xây dựng cái gì đó hoặc sản xuất cái gì đó…)
Vụ bắt BK là khởi đầu và là một bộ phận của chiến dịch làm trong sạch nền tài chính ngân hàng. Chiến dịch này đã được chuẩn bị rất công phu từ nhiều năm nay.
Chiêu của BK và một số đại gia tài chính ngân hàng không có gì mới, thế giới đã biết đến (và đã cấm) từ lâu:
1 – Đầu tiên BK lập ra các công ty đầu tư (mà các bác đã thuộc lòng tên 3 công ty này rồi)
2 - Các công ty này phát hành trái phiếu và bán cho ngân hàng (các ngân hàng nào thì các bác cũng biết rồi)
3 – Ngân hàng tất nhiên là dùng tiền gửi của nhân dân để mua trái phiếu của các công ty đầu tư này (hoàn toàn hợp pháp).
4 – Các công ty đầu tư này sau khi có được tiền thì dùng số tiền đó để… mua lại chính cổ phiếu của ngân hàng (sai phạm bắt đầu từ đây).
5 – Tất nhiên đã là trái phiếu thì phải có trả lãi, trả gốc <== không vấn đề gì! Với lượng cổ phiếu khổng lồ nắm trong tay + danh tiếng một số ngân hàng đang nổi như cồn trong và ngoài nước ==> chỉ cần vài lần đánh lên đập xuống là BK thừa tiền để trả lãi cũng như gốc của trái phiếu.
Kết quả là các đại gia “tay không bắt giặc”, “mỡ nó rán nó”. Người chịu thiệt chính là…người dân. Chúng ta bị thịt hai lần:
Lần 1: họ đem tiền gửi của chúng ta ra để mua lại cổ phiếu chính cái ngân hàng mà chúng ta gửi tiền.
Lần 2: sau khi đã nắm trong tay lượng lớn cổ phiếu họ làm giá để hốt tiếp những con bạc khát nước trên sàn và dùng số tiền đó để thanh toán nợ (trái phiếu).
BK và một số đại gia bị hốt chỉ là vấn đề thời gian. Không phải vì họ "quá giàu nên bị đập" như 1 số người theo "chủ nghĩa âm mưu" tưởng tượng ra. Lý do là:
1 - Họ phạm pháp (kinh doanh trên vốn + rủi ro... của người khác)
2 - Việc để một nhóm đại gia kinh doanh đa lĩnh vực thâu tóm các ngân hàng TMCP là cực kỳ nguy hiểm với bất cứ nền kinh tế nào:
Khi họ có quyền chi phối các quyết định của ngân hàng
==> các khoản vay sẽ dựa trên lợi ích cá nhân họ (cho công ty riêng của họ vay, cho công ty thằng em của họ vay, cho công ty vợ/chồng/con của họ vay)
==> làm gì còn “thẩm định”, làm gì còn “quản lý rủi ro”???
==> tiền gửi của nhân dân được “phân phối” một cách dễ dãi
==> đến khi cái ngân hàng thổ tả của họ gặp khó khăn thì đã có “tái cơ cấu”
==> người dân lại mất tiền thuế để cứu những kẻ đã kinh doanh trên xương máu mình!
Các nhân em rất thích tính cách của BK: mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm.
Nhưng là 1 doanh nhân BK cũng sẽ phải chịu 1 qui luật muôn thủa của thị trường: high return = high risk
Trên đây là những phân tích hoàn toàn cá nhân, em không copy-paste từ bất cứ nguồn nào. Em viết ra những dòng này không phải để "đập" hay "nâng bi" bất cứ ai.
À không, thực ra có, em muốn "đập" những thằng [...] sống cách đất nước nửa vòng trái đất mà khua môi múa mép (thực ra là múa phím) như thể... hàng ngày được đi họp với Bộ CT.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"