Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Thổi phồng mối đe dọa của Trung Quốc


Nếu chúng ta chú trọng đến trận bão Isaac hay tình trạng bạo động tại Syria, chúng ta đã có thể không thấy đợt phóng đại mới nhất về mối đe dọa từ Trung Quốc. Tuần vừa qua, báo New York Times tường thuật rằng Trung quốc “tăng cường khả năng đang có để phóng đầu đạn nguyên tử tới Hoa Kỳ và áp đảo những hệ thống phòng vệ chống tên lửa” [còn gọi là hỏa tiễn theo Việt Hán]. Tờ báo mạng Salon đưa ra một nhận định còn làm nín thở hơn nữa với tiêu đề loan báo một “chuyện lớn” – “Tên lửa của Trung Quốc có thể gây trở ngại cho Hoa Kỳ” – và bản văn đã trình bầy một dự đoán rằng “Hoa Kỳ có thể thua Trung Quốc về kỹ thuật võ khí.”

Điều gì đang thật sự xẩy ra? Không nhiều. Hiện nay, Trung Quốc có một lực lượng nguyên tử chiến thuật khiêm tốn. Người ta tin rằng quốc gia này chỉ có vào khoảng 240 đầu đạn nguyên tử và một vài tên lửa đạn đạo (ballistic missiles) có thể phóng tới Hoa Kỳ. Để so sánh, Hoa Kỳ có trên 2,000 đầu đạn nguyên tử ở tình trạng hoạt động đặt trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa (inter-continental ballistic missile – ICBM), phóng từ tầu ngầm (submarine launched ballistic missile – SLBM), và tên lửa hành trình (cruise missiles). Nếu số võ khí này không đủ, Hoa Kỳ có gần 3,000 đầu đạn nguyên tử dự trữ.
Với khả năng khiêm nhường, thật dễ hiểu khi Trung Quốc lo âu về những cố gắng phòng vệ chống tên lửa của Hoa Kỳ. Vì sao? Các viên chức Trung Quốc lo ngại về một kịch bản theo đó Hoa Kỳ sử dụng những võ khí lớn và phức tạp hơn để phóng ra đợt tấn công đầu tiên, và sau đó dựa vào hệ thống phòng vệ chống tên lửa đạn đạo để đối phó với đợt tấn công thứ hai Trung Quốc tập hợp được. (Hệ thống phòng vệ tên lửa không có thể đối phó được với những cuộc tấn công lớn hoặc phức tạp. nhưng trên lý thuyết, những hệ thống phòng vệ này có thể đối phó với một cuộc tấn công trả đũa nhỏ và thiếu phối hợp).
Cuộc thảo luận này dĩ nhiên là có vẻ giống như trong phim “How I learned to Stop Worrying and Love the Bomb” [Dr. Strangelove], nhưng những chiến thuật gia nguyên tử được trả lương để suy nghĩ về mọi loại kịch bản phức tạp và xa vời. Nói tóm lại, những người Trung Quốc thâm hiểm đó đang làm đúng những gì mà bất cứ một cường quốc nhậy cảm cũng muốn làm: Họ đang cố gắng bảo tồn …… bằng cách hiện đại hóa sức mạnh của họ, bao gồm việc phát triển những tên lửa mang nhiều đầu đạn nguyên tử để có thể vượt qua mọi hệ thống phòng vệ mà Hoa Kỳ có thể chọn lựa để thiết lập. Như tờ báo Wall Street viết:
“Mục tiêu của (Trung Quốc) là phải bảo đảm được rằng, trong một kịch bản xung đột tồi tệ nhất, khả năng phát động đợt tấn công thứ hai có thể tồn tại, nhờ đó, đối phương không có thể phá hủy khả năng nguyên tử của Trung Quốc qua đợt tấn công đầu tiên và như vậy sẽ phải đối phó với cuộc trả đũa của Trung Quốc. Phúc trình Ballistic Missile Defense Review của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ vạch rõ ra rằng “Trung Quốc là một trong những nước lớn tiếng về những hệ thống phòng vệ chống tên lửa đạn đạo của Hoa Kỳ và những liên hệ. Những nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bầy tỏ mối lo ngại rằng những hệ thống phòng vệ như thế có thể vô hiệu hóa chiến lược ngăn cản của Trung Quốc.”
Có ba điểm khác cần phải nhớ. Thứ nhất, phe diều hâu chắc chắn sẽ dùng những diễn biến như thế này để mô tả Trung Quốc như một đe dọa ngày càng nghiêm trọng, nhưng những luận điệu này không dựa vào những bằng chứng hợp lý. Để nhắc lại, những gì mà Trung Quốc đang làm là một hành động phòng vệ nhậy cảm, thúc đẩy bởi cùng những mối lo ngại về khả năng trả đũa vững vàng đã khiến Hoa Kỳ thiết lập “chiến lược phòng vệ ba thành phần” [strategic triad bao gồm phi cơ thả bom chiến thuật, hỏa tiển đạn đạo liên lục địa và hỏa tiển phóng từ tầu ngầm] vào thập niên 1950.
Thứ hai, nếu chúng ta muốn giới hạn hoặc làm chậm lại việc hiện đại hóa nguyên tử của Trung Quốc, cách khôn khéo là từ bỏ việc theo đuổi hệ thống chống tên lửa chiến thuật không có hiệu quả và mang Trung Quốc vào cùng một khuôn khổ thương thuyết đã giới hạn và sau cùng đã giảm thiểu số lượng võ khí của Hoa Kỳ và Nga. Hãy nhớ rằng một khi những nước đã đạt được khả năng thực hiện đợt tấn công thứ hai, số lượng võ khí tương đối không còn phải quan tâm. Trong trường hợp không bên nào có thể ngăn chặn được bên kia trả đũa và phá hủy những trung tâm dân cư lớn, nếu một bên có gấp đôi số đầu đạn nguyên tử, hoặc 10 lần hay hàng trăm lần trước khi có chiến tranh, điều này không quan trọng.
Thứ ba, sự việc này nhắc nhở chúng ta rằng cố gắng phòng vệ bằng cách xây dựng những hệ thống phòng vệ chống tên lửa là một sứ mệnh điên rồ. Những đối thủ sẽ luôn luôn tìm ra những cách rẻ tiền để vượt qua tuyến phòng thủ. Tại sao? Võ khi nguyên tử có sức tàn phá khủng khiếp. Một hệ thống phòng thủ chống tên lửa phải hoạt động hầu như hoàn hảo để ngăn chặn sự thiệt hại to lớn. Nếu chúng ta phóng ra 100 đầu đạn và 95% bị chặn lại — một tỉ lệ thành công cao đáng hết sức ngạc nhiên – 5% còn lại sẽ phá hủy năm thành phố. Và nếu địch thủ tin rằng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của chúng ta hoạt động hoàn hảo — một dự kiến có rất ít triển vọng xẩy ra — có nhiều cách khác để phóng đầu đạn nguyên tử đến đích. Hệ thống tên lửa không bao giờ hợp lý về phương diện chiến lược hoặc về mặt kinh tế, ngoại trừ như chương trình làm cho thành công dành cho kỹ nghệ không gian và một thành phần kiên trì của thần học nguyên tử của phe hữu.
———————
Inflating The China Threat
Stephen M. Walt (Foreign Policy, August 27, 2012)
Bàn tiếng Việt: Nguyễn Quốc Khải

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"