Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình bị tạp chí Global Finance liệt vào số các thống đốc ngân hàng nhà nước kém nhất.
Tạp chí chuyên về tài chính quốc tế có trụ sở chính tại New York vừa công bố đánh giá của họ về các thống đốc ngân hàng nhà nước của 50 quốc gia.
Các thống đốc được đánh giá theo thang điểm từ A tới F, A là tốt nhất còn F là tệ nhất, dựa trên thành tính kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh phát triển kinh tế và quản lý lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, trong cả danh sách, không thấy có vị nào bị chấm điểm F mà thấp nhất là D.
Ông Nguyễn Văn Bình được điểm C, dựa trên các thông số lạm phát 5%, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam là 2,29% và tỷ lệ lãi suất 9%.
10 thống đốc bị cho là thành tích kém nhất bao gồm: bà Mercedes Marco del Pont, Argentina; ông Pedro Delgado, Ecuador; ông Masaaki Shirakawa, Nhật Bản; ông Duvvuri Subbarao, Ấn Độ; ông Andras Simor, Hungary; ông Kim Choongsoo, Hàn Quốc; bà Nadezhda Ermakova, Belarus; bà Gill Marcus, CH Nam Phi; ông Nguyễn Văn Bình và ông Riad Salameh, Lebanon.
Bà del Pont đứng đầu bảng, hạng D, với chỉ số lạm phát 9,8%, tỷ lệ thất nghiệp 7,5% và lãi suất 14,125%.
Đối lại là danh sách 10 thống đốc giỏi nhất thế giới, đứng đầu là ông Mark Carney, Canada. Trong số này có thống đốc của Philippines và Đài Loan.
‘Dân trí thấp’
Mới đây, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã can thiệp ngăn chặn hiệu ứng của vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên, cựu phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Á châu (ACB) và nguyên Tổng giám đốc ngân hàng này, ông Lý Xuân Hải.
Theo đánh giá của chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình, sự can thiệp này đã khiến thị trường tài chính ổn định trở lại.
Sau đó, ông Nguyễn Văn Bình lên báo khẳng đị́nh chủ trương của chính phủ là “Không để ngân hàng nào đổ vỡ trong giai đoạn này”.
Ông nói khi một ngân hàng ‘gặp nạn’ thì tất cả các ngân hàng khác phải cùng hỗ trợ và Ngân hàng Nhà nước “cũng phải có những giải pháp hỗ trợ kịp thời”.
Ông Bình giải thích: “Do dân trí, tập quán ở Việt Nam chưa cao như ở một số nước… Nên cách làm của chúng tôi là tái cấu trúc từ bên trong để ngân hàng lành mạnh lên”.
“Nhưng đến một giai đoạn nào đó, khi nền kinh tế phát triển, mặt bằng pháp luật hoàn thiện hơn, dân trí cao hơn, tiềm lực của hệ thống tài chính mạnh hơn thì cũng phải sẵn sàng cho phá sản những ngân hàng yếu kém.”
Nguồn: BBC