Thomas Fuller
Nguyễn Công Huân chuyển ngữ
Nguyễn Công Huân chuyển ngữ
“Chúng tôi sẽ không thể tự do như báo chí Philippine hay Thái
Lan”, ông Thiha Saw nói. “Nhưng chúng tôi sẽ tự do hơn nhiều so với
Campuchia, Việt Nam hay Singapore”.
Băng Cốc – Chính quyền Myanmar nói hôm thứ Hai rằng họ sẽ chấm dứt
việc kiểm duyệt báo chí tư nhân, một động thái mà các nhà báo mô tả như
một bước dài hướng tới tự do báo chí ở quốc gia mà chính quyền quân sự
đã cố gắng kiểm soát dòng chảy của thông tin cả chục năm nay.
Tuyên bố này được chuyển tới các tổng biên tập vào thứ Hai và đăng
tải tại trang web của chính phủ. “Mọi ấn bản ở Myanmar sẽ không phải qua
sự kiểm tra của Phòng Đăng Ký và Kiểm Duyệt Báo Chí nữa”, chính phủ nói
trong một bản tuyên bố hết sức ngắn gọn.
Các tờ báo tư nhân ở Myanmar đã phát triển mạnh mẽ kể từ khi Tổng
thống Thein Sein bắt đầu thực hiện việc mở cửa nền kinh tế và đưa quốc
gia này vào quỹ đạo dân chủ vào năm ngoái.
“Đây là một bước tiến quan trọng – một thay đổi lớn”, U Ko Ko, chủ
nhân của tờ Yangon Times, đã nói qua điện thoại. “Bước tiến này phù hợp
với một xã hội dân chủ. Chúng tôi đã phải làm việc dưới chế độ kiểm
duyệt gần 50 năm qua”.
U Tint Swe, một quan chức cấp cao tại Phòng Đăng Ký và Kiểm Duyệt Báo
Chí, nói với phóng viên rằng chính sách kiểm duyệt báo chí của chính
phủ đã có hiệu lực đúng 48 năm và 14 ngày, theo lời kể của một người
tham gia cuộc họp.
Báo chí là một trong những lĩnh vực hoạt động năng nổ nhất của xã hội
Myanmar kể từ công cuộc dân chủ hóa bắt đầu vào năm ngoái. Các nhà báo
đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ can thiệp vào
công việc của họ, và trong tháng này 5 nhà báo có uy tín đã từ chối tham
gia vào hội đồng báo chí do chính phủ đứng đằng sau.
Hiệp hội Nhà báo Myanmar, hiện có 800 thành viên, đã tiến hành đại
hội đầu tiên của mình vào 11/8/2012, và đã gửi thông điệp rõ ràng tới
các quan chức chính phủ là họ không được chào đón ở đây.
“Chúng tôi đã nói, ‘Xin lỗi, các ông không được mời – đừng ló mặt
tới’,” U Thiha Saw, phó chủ tịch của Hiệp hội đã nói qua điện thoại từ
Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar. “Chúng tôi muốn chứng tỏ cho mọi
người thấy rằng chúng tôi là một thực thể ĐỘC LẬP”.
Ông Thiha Saw, người là tổng biên tập của hai tờ tuần báo tư nhân, đã
phải đấu tranh với chế độ kiểm duyệt nhiều năm, cho rằng tự do báo chí
là “thước đo của tiến trình cải cách” ở quốc gia này. Ông nói rằng ông
lạc quan trước những thay đổi gần đây, bao gồm cả luật báo chí đang được
dự thảo bởi chính phủ, sẽ cho Myanmar một mức độ tự do báo chí không
tưởng tượng nổi so với những ngày chính quyền quân đội cai trị.
“Chúng tôi sẽ không thể tự do như báo chí Philippine hay Thái Lan”,
ông Thiha Saw nói. “Nhưng chúng tôi sẽ tự do hơn nhiều so với Campuchia,
Việt Nam hay Singapore”.
Để chuẩn bị soạn thảo luật báo chí, chính quyền đã nhờ các chuyên gia
từ UNESCO tư vấn. Luật báo chí sẽ được trình quốc hội trong vài tuần
tới.
Nhưng ông Thiha và các nhà báo khác nói rằng cuộc chiến còn chưa đến
chiến thắng. Cho tới nay, các công ty báo chí tư nhân vẫn bị cấm không
được ấn bản nhật báo, đây vẫn là lĩnh vực dành riêng cho báo chí quốc
doanh.
U Maung Myint, chủ tịch của Hiệp Hội Báo Chí Burma, nơi cổ vũ cho tự
do báo chí, nói ông tin rằng chính quyền muốn duy trì một mức độ kiểm
soát nhất định đối với báo chí.
“Còn quá sớm để nói đây là một cuộc cải cách thực sự bởi vì vẫn còn
nhiều luật thiếu thân thiện với báo chí tồn tại, và chúng có thể tống
một nhà báo vào tù”, ông nói.
Trong số những luật cứng rắn nhất là luật Giao dịch Điện Tử, cho phép
án tù tới 15 năm đối với tội phát tán thông tin dưới dạng số hóa gây
“thiệt hại cho lợi ích hoặc hạ thấp phẩm giá của bất kỳ tổ chức hay cá
nhân nào”. Luật này đã được chính quyền quân sự sử dụng để tống giam
nhiều nhà bất đồng chính kiến, và nó vẫn có hiệu lực.
Ông Ko Ko nói báo chí, trong khi đang thử nghiệm giới hạn của tự do,
vẫn còn rất cẩn thận khi đề cập đến một vài vấn đề nhạy cảm.
“Vẫn còn có những khu vực mà chúng tôi buộc phải tự kiểm duyệt – ví
dụ công việc của quân đội, các xung đột sắc tộc, tham nhũng”, ông nói.
“Chúng tôi phải hết sức cẩn thận khi đưa tin về các vấn đề này”.
Giống như bản thân tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar, chính quyền đã
từ từ giảm bớt sự kiểm duyệt của mình. Vào tháng Sáu năm 2011, các bài
báo về giải trí, sức khỏe, trẻ em và thể thao đã được đưa ra khỏi danh
sách cần kiểm duyệt trước khi đăng. Vào tháng Mười hai, chủ đề kinh tế,
tội phạm và pháp luật được bỏ khỏi danh sách. Các vấn đề giáo dục được
bỏ vào tháng Ba năm 2012. Chỉ còn 2 chủ đề nằm trong danh sách, đó là
tôn giáo và chính trị, cuối cùng đã thoát khỏi sự kiểm duyệt vào thứ Hai
vừa rồi.