Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Bị can Nguyễn Đức Kiên và nền tư pháp vỏ chuối!

Nguyễn Ngọc Già
Nếu Paulo Thành Nguyễn cho rằng chuyện của "bầu Kiên" là chỉ dấu cảnh tỉnh cho những người thích xây nhà trên cát, thì vụ án Nguyễn Đức Kiên cũng có thể xem là tột đỉnh của "nền tư pháp vỏ chuối" - nó không chừa một ai. Hôm nay là Kiên, ngày mai là ai nữa?
Trước hết cần nói ngay, các trang báo nên gọi ông Nguyễn Đức Kiên như thế, bởi chiếu theo khoản 1 điều 49 Luật Tố tụng hình sự (LTTHS):
Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự.
Chiếu theo khoản b mục 1 điều 88 Luật Hình sự:
Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam , thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân
cho thấy "vụ án Nguyễn Đức Kiên" đủ yếu tố để ra lệnh bắt tạm giam và điều tra ngay người đứng đầu Bộ Công An - Thượng Tướng Trần Đại Quang, bởi lẽ hình thức bắt Nguyễn Đức Kiên vô cùng mờ ám, vội vã đã dấy lên làn sóng HOANG MANG CAO ĐỘ trong xã hội, thông qua việc rúng động thị trường vàng. Giá vàng sáng nay đang tiếp tục tăng mạnh lên đến sát mốc 44 triệu/lượng (1) song song đó, thị trường chứng khoán chao đảo kinh hoàng với tâm trạng bán thốc bán tháo của nhà đầu tư (2) bởi "dân chứng khoán" chưa bao giờ chứng kiến điểm "rớt" thê thảm như hiện nay. Tâm lý bất an, hoảng loạn đang phủ trùm trong xã hội với thiệt hại có thể lên đến đơn vị ngàn tỉ đồng. Vì lẽ đó, mục 2 điều 88 Luật hình sự quy định:
Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
cũng phải được xét tới đối với ông Trần Đại Quang.
Ngoài ông Trần Đại Quang, người cũng gây hoang mang cho dân chúng chính là ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư của ĐCSVN với phát ngôn mà báo CAND dùng chữ "Tổng bí thư chỉ rõ" (3), còn báo ANTĐ dùng chữ "Tổng bí thư nhấn mạnh" (4) như sau:
“Toàn Đảng đang bước vào thời điểm rất thiêng liêng và hệ trọng, đang làm những công việc rất thiêng liêng và hệ trọng".
thì chỉ một tuần sau bị can Kiên bất ngờ bị bắt vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 20/8/2012 mà nhiều người tin rằng đó như là sự khuyến cáo trước khi hành động trong nội bộ đảng của họ với nhau.
Tất nhiên, họ muốn dằn mặt hay đánh nhau, đó là chuyện của họ, nhưng họ không có quyền làm cho dân tình hoang mang, đó là dấu hiệu cho thấy (ít nhất) Nguyễn Phú Trọng và Trần Đại Quang vi phạm khoản b, mục 1 và mục 2 điều 88. (*)
***
Việc "bắt khẩn cấp" bị can Nguyễn Đức Kiên cho thấy tư duy áp dụng luật pháp tùy tiện và mang dáng dấp mafia của ĐCSVN không có gì thay đổi trong suốt mấy chục năm qua.
Họ tỏ ra "tay tổ" như những "đạo diễn thứ thiệt" khi "sản xuất bộ phim hình sự" ly kỳ mang tên "Bị can Nguyễn Đức Kiên và nền tư pháp vỏ chuối" với nhiều tình tiết gay cấn, hồi hộp, bất ngờ, vội vã, mờ ảo, nhiều uẩn khúc... nhằm làm thót tim khán giả đang theo dõi, thay vì chứng tỏ thực thi pháp luật một cách văn minh.
Bởi chiếu theo LTTHS, cho thấy hình thức, trình tự, kỹ thuật bắt giữ Nguyễn Đức Kiên hoàn toàn sai phạm và không thuyết phục.
Theo các trang báo cho biết, bị can Kiên bị bắt giữ và khởi tố theo "Điều 159. Tội kinh doanh trái phép" thuộc Luật hình sự, với mức án nặng nhất chỉ 2 năm tù và khoản tiền phạt tối đa 30.000.000 đồng. Đó không thể coi là tội phạm nguy hiểm. Hơn nữa theo "Điều 81. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp" quy định như sau:
Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp: a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
thì việc bắt bị can Kiên không thỏa. Thêm vào đó, ngoài biện pháp bắt giữ, còn những biện pháp khác vẫn tỏ ra tôn trọng Quyền Con Người mà vẫn đảm bảo chế tài bị can được dẫn ra dưới đây:
- Điều 91. Cấm đi khỏi nơi cư trú.
- Điều 92. Bảo lĩnh.
- Điều 93. Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.
Nếu thực chất vụ án Nguyễn Đức Kiên đơn thuần là về kinh tế, thì các biện pháp ngăn chặn không cần bắt người tỏ ra thuyết phục hơn, và thể hiện được bản lĩnh của nền tư pháp Việt Nam. Tiếc rằng, người Việt Nam đang thực thi trách nhiệm công dân trên "nền tư pháp vỏ chuối"! Một "nền tư pháp" vừa quê mùa, vừa hỗn ẩu với công dân, vừa tùy tiện không đúng chuẩn mực văn minh thế giới!
***
Hãy xem bị can Nguyễn Đức Kiên ngay thời điểm bị bắt(5):
ông Kiên tỏ ra khá bình tĩnh và có nói: “Tôi luôn chấp hành pháp luật…”.
Theo VNN, việc bắt giữ, khám xét và di lý về trại giam đối với bị can Kiên hoàn thành lúc 20 giờ ngày 20/8/2012. Trong khi đó "Điều 80. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam" ghi rõ:
Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này.
Việc "bắt khẩn cấp" tỏ ra không đủ thuyết phục, vậy theo logic, việc bắt người vào lúc 20 giờ cũng không thuyết phục nốt! "Nền tư pháp" này nên gọi là gì ngoài những vỏ chuối mà những kẻ mang danh thực thi pháp luật đang rải dọc đường cho không chỉ giới doanh nhân?
***
Câu nói quen thuộc "Ông có quyền không nói, nhưng những gì ông nói sẽ là bằng chứng trước tòa" khi người bị bắt tra tay vào còng, sẽ mãi là chuyện... người ta (nghĩa là các nước văn minh)!
Cỡ "đỉnh đỉnh đại gia" Nguyễn Đức Kiên có lẽ không thể nào quên vài Luật sư luôn sẵn sàng có mặt mỗi khi Kiên cần? Kiên có quyền không trả lời bất kỳ câu hỏi nào cho đến khi Luật sư riêng của Kiên xuất hiện? Cũng là chuyện xứ người nốt!
***
Nếu Paulo Thành Nguyễn cho rằng chuyện của "bầu Kiên" là chỉ dấu cảnh tỉnh cho những người thích xây nhà trên cát, thì vụ án Nguyễn Đức Kiên cũng có thể xem là tột đỉnh của "nền tư pháp vỏ chuối" - nó không chừa một ai.
Hôm nay là Kiên, ngày mai là ai nữa?
Dù Kiên có chịu án nhẹ nhất hay vụ án chuyển hướng từ chương XVI "Các tội xâm phạm quản lý trật tư kinh tế" sang chương XI "Các tội xâm phạm an ninh quốc gia" cũng chẳng ai ngạc nhiên, bởi "hai bao cao su đã xài" còn biến thành công cụ nguy hiểm để "xâm phạm an ninh quốc gia" mà Cù Huy Hà Vũ "dám" sử dụng vẫn còn đó!
Tôi mơ màng nghĩ về Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ Tướng, khi ông ta nói: Ông Ngô Bảo Châu có quyền xài 650 tỉ đồng ngân sách nhà nước kiểu gì cũng được.(!) Có cần khởi tố ngay ông Phó Thủ tướng về việc xúi giục người khác vi phạm pháp luật?
Rồi sao nữa?
Nguyễn Ngọc Già
________________
(*)Nói điều này bởi lẽ khi tác giả đang viết bài "hãy sử dụng "cái thiêng liêng", cái "hệ trọng" ngay đi!" đã "đánh hơi" thấy sắp có một trận quyết chiến nào đó, thêm nữa, khi dịch một phần tác phẩm "Anger" của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã bóng gió cho độc giả rằng: "...làm sao giữ được lòng thanh tịnh và nhẹ nhàng giữa hỗn mang trong những ngày gần đây tại Việt Nam?", chính là lúc tác giả nhận được nguồn tin vỉa hè "tối nay (nghĩa là 20/8/2012) sẽ có việc động trời", nhưng không dám loan tin vì nguồn chưa được kiểm chứng.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"