Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Bắt bầu Kiên!

H.V.
Dưới cái tít gọn, mạnh như một ngọn roi quất, báo Tuổi Trẻ là tờ báo chính thống đưa tin sớm nhất (9H15 sáng 21.8, theo ghi nhận của trang Ba Sàm) về một vụ bắt người thoạt trông chỉ có tính cách kinh tế, nhưng đã làm chấn động làng báo trong nước, cả chính thống và "ngoài luồng" - một số blog đã đưa tin này từ chiều hôm trước -, lan tới cả một số cơ quan ngôn luận nước ngoài quan tâm đến Việt Nam. Lý do của cơn sốt truyền thông này dĩ nhiên nằm ở vị thế, tính cách của nhân vật chính, ông Nguyễn Đức Kiên còn gọi là Bầu Kiên vì vai trò của ông đối với bóng đá Việt Nam: sáng lập viên kiêm phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội ACB...

Nhưng, dù bóng đá có là môn "thể thao vua" ở Việt Nam chăng nữa thì việc một ông bầu bị bắt chẳng thể tạo ra một cơn chấn động truyền thông tới mức vụ việc đã "làm nóng phiên chất vấn Thống đốc" Ngân hàng Nhà nước ở buổi họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong cùng ngày, buộc Thống đốc Nguyễn Văn Bình phải "giải trình vụ bầu Kiên bị bắt", như báo các báo VietnamNet và VnExpress giật tít. Nhất là, theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra thì lý do bắt chỉ liên quan tới việc ông Kiên thành lập ba công ty con (của Ngân hàng cổ phần ACB mà ông này nguyên là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập) và 3 công ty này đã "kinh doanh trái phép". Nếu chỉ có thế thì khó lòng lý giải tại sao thị trường chứng khoán "rúng động" hay "đang rơi tự do" khi được tin ông Kiên bị bắt - như các báo của Đất Việt và PetroTimes đưa tin.
Hiển nhiên, vị thế và ảnh hưởng của vị đại gia "rất kín tiếng" này vượt xa Ngân hàng ACB, ngân hàng mà ông nắm giữ một lượng cổ phiếu được coi là có trị giá là 759,6 tỷ đồng trong năm 2011, đứng thứ 14 trong top 100 nhà đầu tư giàu nhất trên sàn chứng khoán. Bài báo Bầu Kiên nắm giữ bao nhiêu cổ phần ở các ngân hàng Việt Nam? trên tờ Đất Việt cho biết: "Ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) không chỉ nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng ACB, mà theo tin không chính thức, còn có cổ phần ở Eximbank, Kiên Long, Vietbank, Đại Á... Nói về bầu Kiên... chỉ có thể khẳng định rằng, ông rất giàu và tầm "phủ sóng" trên nhiều lĩnh vực, từ ngân hàng, du lịch, may mặc... tới bóng đá." Nhưng bài này, cũng như bài "Bầu Kiên: Giàu từ ngân hàng, nổi danh nhờ bóng đá" của tờ Nhịp cầu đầu tư, đăng lại trên VietnamNet, cũng như các bài trên Tuổi Trẻ, Thanh Niên v.v., các báo chính thống, không nói gì tới các mối quan hệ giúp cho vị đại gia đầu bạc, mới 48 tuổi này có được những thành quả nói trên.
Các blog "lề trái" như Phạm Viết Đào, Mai Xuân Dũng, Xuân Việt Nam, hay một blog có nguồn khá bí ẩn "Quan làm báo", đưa nhiều thông tin khó kiểm chứng về các mối quan hệ đó, mà chủ yếu là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy nhiên, bản tin của BBC về việc ông Kiên bị bắt đưa ra hai sự kiện có thực:
"Việc ông mời đích danh Thượng tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, cố vấn an ninh và tôn giáo cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, làm cố vấn cho VPF hồi cuối năm ngoái đã gây nhiều đồn đoán.
Đầu năm nay, báo Thể thao 24h đưa tin ông Nguyễn Đức Kiên cùng một số lãnh đạo VPF ăn tối với Thủ tướng suốt ba tiếng đồng hồ và sau đó 'lật ngược tình thế' trong cuộc chiến bản quyền Giải Bóng đá quốc gia với Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) cùng Tập đoàn truyền thông An Viên (AVG). Bản tin của báo này nhanh chóng bị can thiệp phải gỡ bỏ. Báo Thể thao 24h sau đó phải cải chính và xin chịu kỷ luật sau khi đăng thông tin 'bịa đặt' về bữa ăn tối nói trên."
Về sự kiện thứ hai, Bản tin thứ ba 21.8 của Anh Ba Sàm đã nhắc lại một bài viết của mình ngày 13.1.2012, mang nhan đề Chuyện các “đại gia” bóng đá mời cơm Thủ tướng là bịa đặt ?, dẫn một bài của báo Thể thao&Văn hoá cùng ngày trong đó có in bản scan chụp công văn của VPF gửi ngày hôm trước tới các đài truyền hình VTV, VTC, các đài địa phương cũng như các ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp hay các địa phương, mà câu đầu là: "Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong buổi làm việc với lãnh đạo HĐQT Công ty VPF ngày 11/1/2012…”!
Một người am hiểu tình hình trong nước, khi được hỏi về ý nghĩa của việc bắt giữ một nhân vật quyền thế như vậy trong tình hình đấu tranh nội bộ hiện nay (thể hiện qua đợt "phê và tự phê" trong bộ chính trị cuối tháng 7 vừa rồi), đã nhắc chúng tôi tiền lệ Vinashin cho thấy vẫn có khả năng chính thủ tướng là người đứng sau vụ bắt này, "nhằm kiểm soát tình hình". Nhưng bên cạnh đó, người ta cũng có thể ghi nhận, một thông tin trên blog Cầu Nhật Tân "Việc bắt giam và điều tra Kiên “bạc” được giao cho Tổng cục Cảnh sát của tướng Vĩnh “chột” chứ không do An ninh điều tra làm. Như vậy, có lẽ sẽ tránh được ảnh hưởng của bên an ninh mà tướng Hưởng còn nhiều quyền uy. Rút kinh nghiệm từ vụ Dương Chí Dũng, kế hoạch đánh án Kiên “bạc” được Ban chuyên án chuẩn bị và tiến hành hết sức bí mật. Ngay cả bên Viện Kiểm sát tối cao cũng chỉ có 2 người được biết trước ngay sát giờ bắt ông Kiên. Đích thân Bộ trưởng Công an chỉ đạo việc bắt và khám xét nơi ở của ông Kiên tại ngõ 27, Xuân Diệu, Tây Hồ, HN. Các Thứ trưởng Bộ Công an, đặc biệt là Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ phụ trách cảnh sát đều không được biết trước.", chứng tỏ điều ngược lại (tất nhiên là nếu tin này chính xác!), và người "cầm trịch" rất có thể là một nhân vật quyền thế khác ở Bộ Chính trị, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Điều này cũng phù hợp với việc ông Dũng đã không còn kiểm soát được Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng - từ tháng 5.2012, hội nghị trung ương lần thứ 5 đã quyết định Ban này trực thuộc Bộ chính trị thay vì thuộc Chính phủ như trước kia. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giả thuyết. Có điều, chắc chẳng ai tin là một nhân vật quyền thế như bầu Kiên có thể bị bắt chỉ vì có 3 công ty "kinh doanh trái phép".
H.V.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"