Chuyện biểu tình 5/8/2012
Phương Bích
Phần kết
Vì rằng mỗi người một kiểu nên kết quả “làm việc” cũng rất đa dạng. Ấn
tượng nhất là trường hợp chị Dương Thị Xuân. Chị ấy tuyên bố với công an
là chị ấy tuyệt thực. Mà đã tuyệt thực thì không có gì để nói cả. Công
an tức mình bảo:
- Đã ăn gì đâu mà tuyệt thực?
- Thì tôi đang phải ăn những
lời anh đang nói đấy thôi. Vì tôi phản đối các anh bắt người trái phép
nên tôi tuyên bố tuyệt thực từ giờ phút này. Đã tuyệt thực rồi thì có gì
để mà nói.
Hỏi gì chị ấy cũng không ”cung cấp” thông tin. Thảo nào lúc đang chuyện
trò với công an Châu, tôi nghe thấy tiếng tiếng phụ nữ nói rất to, và cả
tiếng đàn ông cũng rất gay gắt, rằng thì là chị vào đây tôi phải biết
chị là ai chứ.
Hóa ra hồ sơ về chị ấy họ biết rõ như lòng bàn tay từ đời tám hoánh nào
rồi. Vì chị ấy là nhà báo tự do, và bị bắt như cơm bữa vì thường xuyên
viết bài, vạch ra cái xấu của chính quyền rồi nên chị ấy chả sợ. Ngay cả
hồ sơ về tôi chắc họ cũng đã có đầy đủ, nhưng họ cứ hỏi theo thủ tục
rất máy móc.
Lần này tôi bắt đầu phản ứng bằng cách không trả lời lần thứ hai cho
cùng một câu hỏi. Thậm chí tôi còn phàn nàn là ngành công an các anh làm
việc kém quá. Chỉ có một con người, một hồ sơ, lấy thông tin một lần là
cập nhật vào máy. Sau này khi cần thì gõ một nhát là ra đầy đủ cả họ
hàng nội ngoại ấy chứ. Đằng này người nào vào cũng hỏi, thậm chí có lúc
lỡ miệng trả lời rồi mà lát sau lại hỏi lại. Tôi bực mình bảo tôi sẽ
không nói lại lần thứ hai. Chẳng lẽ 10 ông vào tôi phải trả lời cả 10
lần à? Thấy tôi kiên quyết thế thì họ đành quay ra hỏi nhau !!!
Rốt cuộc chị Xuân vào đây chỉ làm một cuộc dạo chơi. Không chụp ảnh,
không lăn tay như tôi. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên thì nạt khi bị yêu cầu
chụp ảnh: chụp cái gì mà chụp? Thế là cũng thôi. Một thằng cháu khác
không chịu chụp thì họ bóp cổ, nó lè lưỡi ra trêu ngươi. Tay chụp ảnh nhìn vào sản phẩm đành bảo, thôi ảnh này không lấy được. Thế là cũng thôi. Chuyện cứ như đùa.
Rốt cuộc mình kém hiểu biết hơn cả một thằng bé. Thật xấu hổ quá. Nhưng
rồi mọi người cũng an ủi, bảo thôi, biết thế để mà rút kinh nghiệm (Hức!
Nói thế là có lần sau nữa đấy). Không việc gì phải ân hận cả. Nó mà bẻ
tay, cưỡng chế như mụ Bùi Hằng thì có mà 20 lần lăn tay nó cũng lăn được
ấy chứ, kể gì đến một lần này.
Nhưng tham khảo trên mạng tôi mới biết, từ cái dấu lăn tay và chụp ảnh
ấy, họ cứ tà tà tự biên tự diễn, lập ra cái hồ sơ để tống anh vào trại
cải tạo, mà chả cho anh có cơ hội phản kháng nào. Theo Nghị định 76/2003/NĐ-CP cho phép đưa người vào “Cơ sở giáo dục” không
cần thông qua tòa án, thì điều 3, khoản c còn quy định người nào trong
một năm có từ hai lần trở lên có hành vi "gây rối trật tự công cộng" là
có thể bị đưa đi cải tạo.
Chính vì nghị định này có khá nhiều những sơ hở, dẫn đến việc lạm quyền
tràn lan, gây nên nhiều sự việc oan sai rất đau lòng, mà những cuộc khảo
sát của đoàn công tác thuộc Bộ Tư pháp đã thực hiện và công bố.
Câu chuyện của mỗi người kể lại đều rất lý thú và bổ ích, tôi không thể
dẫn hết ra đây được vì quá dài. Nhưng tôi sẽ lần lượt đăng các bản tường
thuật của mỗi người, để mọi người đọc và tự trang bị cho mình những
kiến thức tối thiểu về quyền con người, hết sức cảnh giác khi làm việc
với cơ quan pháp luật, tránh rơi vào những tình huống bất lợi cho bản
thân mình.
Nghe mọi người nói, trong khi tôi còn đang “nói chuyện” với công an Châu thì Nga Thuy đã bị đưa lên xe chở về Hà Nam
rồi. Cháu gái con cô bạn cũng đã được mẹ bảo lãnh cho ra rồi. Nhưng rốt
cuộc cả Nga Thuy và hai mẹ con cô bạn vẫn chưa ai về. Họ đều đang đứng
ngoài cổng trại cùng với những người từ Hà Nội sang, ngay từ khi nghe
tin chúng tôi bị bắt đưa về đây. Thằng bé Phú cũng được mọi người bế
sang đoàn tụ với mẹ.
Chúng tôi mỗi người được phát một hộp cơm và một hộp thức ăn. Cơm khô
rông rổng, cứng ơi là cứng. Tôm trắng trợt, còn nguyên râu ria và mặn
chát. Thế mà Chí Đức bảo lính ở đây không được ăn ngon như thế đâu. Đây
là suất ăn dành cho công an bên thành phố về mới được như thế đấy. Có lẽ
đúng thế thật. Đời lính ở đâu chả thế, cũng có khác gì dân đen mấy đâu.
Hóa ra vẫn còn một số người chưa được công an làm việc, chủ yếu là đám
thanh niên. Lúc có rất đông công an vào hỏi han gì đó ở nhóm đằng kia,
tôi nhác thấy công an Châu trong đó bèn đi đến gọi anh ta. Trước mặt tất
cả mọi người, tôi bảo tôi sẽ tố cáo hành vi lừa đảo của anh ta trong
việc bắt tôi lăn tay và chụp ảnh. Đây không còn là cá nhân anh ta nữa,
mà khi anh ta mặc bộ cảnh phục trên người thì đây rõ ràng là công an lừa
dân. Anh ta chỉ cười. Vẫn nụ cười hiền lành như trước. Thú thực tôi
thấy tiếc khi phải nói thẳng điều đó trước mặt nhiều người, tiếc mối
thiện cảm ban đầu tôi đã dành cho một người mà tôi những tưởng là tử tế.
Lát sau họ lại gọi tôi lên một lần nữa. Một tay mặc thường phục ra hỏi
chuyện tôi. Phản ứng của tôi vẫn chẳng khá lên tý nào, đến lúc đó mà vẫn
chấp nhận trả lời một người tôi không hề biết tên, làm nghề gì, và tại
sao có quyền hỏi tôi. Ngớ ngẩn hơn nữa là anh ta lại định làm biên bản
với tôi nữa chứ. Riêng khoản này thì tôi nhớ nên rốt cuộc anh ta lại
đứng dậy bảo, xong rồi.
Cái cách làm việc như vậy thật lạ. Tôi đồ rằng tay này là công an Bộ,
gọi tôi lên chỉ để hỏi những gì đã hỏi lúc sáng, thậm chí hỏi cả quan hệ
giữa tôi với những người quen biết. Khi tôi từ chối trả lời thì lại
thôi.
Khoảng hơn 4 rưỡi chiều, nhóm công an quận Hoàn Kiếm kéo cả vào, yêu cầu
mọi người tập trung để một người trong bọn họ đứng ra có đôi nhời. Một
tay xưng là thay mặt công an quận Hoàn Kiếm, đưa các bác về đây để lập
biên bản xử phạt hành chính, về việc các bác làm mất trật tự ở khu vực
Hồ Gươm. Đề nghị các bác từ nay chấp hành nghiêm chỉnh các quy định
...bây giờ mời các bác ...(một chút lúng túng)...giải tán!
Tất cả mọi người ồ lên phản ứng. Lại cái trò cũ rích là hùng hổ lôi
chúng tôi về đây, giam giữ cho một ngày rồi ẩy ra ngoài đường. Tôi không
hiểu nếu chúng tôi nhất định không chịu về thì họ sẽ làm thế nào. Cười
nôn ruột về cái câu giải tán của tay công an kia. Cứ như là họp đến đây
kết thúc rồi đấy ạ, xin mời các bác giải tán cho.
Bác Nguyễn Anh Dũng đứng lên yêu cầu thứ nhất phải trả chúng tôi về chỗ
cũ, thứ hai người của chúng tôi vẫn chưa đủ. Còn một người nữa đâu? Cái
ông Việt kiều ấy đâu?
Ai mà tin được chứ? Biết đâu chúng tôi về rồi, lại có chuyện một mình ông này đòi tự tử trong đó thì sao?
Tay đại diện ngắc ngứ không tìm ra câu
trả lời rồi cứ thế quay lưng chuồn thẳng. Mặc cho chúng tôi phản đối,
bọn họ kéo nhau chuồn hết vào khu làm việc, để mặc cho nhóm lính canh
chặn chúng tôi lại ở cửa. Lúc đầu thì chặn bằng người, sau thì đóng cửa
lại.
Lúc trước thì ba bốn chú lính kéo ghế ngồi án ngữ ở đây. Giờ thì đóng vội cửa.
Cánh cửa bên kia gian nhà đã để ngỏ, ra điều mời các bác cứ tự nhiên
giải tán. Tôi đi qua cửa, ngó ra tận cổng trại, thấy cánh cổng đã hé mở
mời mọc. Nhưng chắc họ không dám mở to vì còn sợ nhóm ở ngoài đang đợi.
Ra chụp ảnh thoải mái |
Trời rất oi bức. Chúng tôi rất sốt ruột, thương những người vì chúng tôi
mà vạ vật ở bên ngoài kia suốt từ sáng tới giờ, không có chỗ ngồi,
không có chỗ che nắng, ăn uống tạm bợ chứ đâu được như chúng tôi.
Tôi quên không nói đến việc họ đã thả cụ Đức, và ngay sau đó cụ bắt taxi
sang Lộc Hà với chúng tôi. Tôi đã từng ở cả trong hai tâm trạng là
người bị bắt và người ở bên ngoài. Thực ra người bị bắt đã chấp nhận
tình thế của mình rồi, nhưng người bên ngoài thì vô cùng lo lắng, vì
không đoán biết được chuyện gì xảy ra. Họ không bao giờ bỏ mặc người bị
bắt ở bên trong. Chả thế hồi tôi bị bắt qua đêm, những người ở ngoài đã
lang thang đến tận 2 giờ sáng để ngóng tin.
Khi biết chúng tôi không chịu ra, cổng trại lại đóng lại. Tôi đi tới sát
cánh cổng, nhìn thấy cái ống quần lụa đen qua khe hở dưới cánh cổng thì
đoán là bà Đức bèn gọi ầm lên. Chỉ có mỗi cái khe hở cao khoảng 30 cm ở
đoạn chấn song phía dưới. hai cô cháu tôi cúi xuống nhòm nhau qua đó,
thò tay qua chấn song nắm lấy tay nhau í ới hỏi thăm tình hình. Xem ra
cái cảnh đó nó tố cáo sự nhẫn tâm của họ quá nên mấy cậu lính gác ra cản
tôi, bảo nếu tôi ra thì các cậu ấy sẽ cho ra chứ không được đứng đây.
Mời các bác...giải tán! Chả còn ma nào canh nữa. |
Bây giờ tôi mới chợt nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu tất cả chúng tôi kiên quyết chặn xe họ lại, yêu cầu trở chúng tôi về chỗ cũ? Xem ra dân mình vẫn lành quá.
Đến hơn 6 giờ chiều mới thấy ông Việt kiều lờ đờ đi ra. Mọi người ồ lên,
đi lại đón ông ta, hỏi thăm tình hình. Trông ông ta vô cùng mệt mỏi,
nói rằng cả ngày ông ta chưa ăn uống gì nên đang rất mệt. Họ đã thu giữ
một số đồ của ông ta như laptop, máy ảnh...mà không hề lập biên bản. Ông
ta chỉ có một tờ giấy viết tay hẹn ngày mai làm việc.
Đằng nào cũng chỉ còn lính canh. Biết thừa bọn họ chơi bài cùn như mọi
khi nên tất cả kéo nhau ra cổng. Cánh cổng mở ra, người bên trong và bên
ngoài cánh cổng ùa vào lòng nhau. Quen rồi nên không ai khóc nữa, chỉ
là bắt tay bắt chân, hỏi han ồn ào khắp cả cổng trại. Tôi lần lượt ôm
lấy chị Hiền Giang, em Hạnh. Xung quanh vẫn là những gương mặt quen
thuộc, luôn kề vai sát cánh bên nhau trong những lúc hoạn nạn như
thế này.
Có người sực nhớ, hỏi ông Việt kiều sao để bị thu đồ mà không yêu cầu
lập biên bản. Lại lộn trở lại tranh cãi gì đó trong sân. Tôi mải nói
chuyện bên ngoài, một lát thấy cánh cổng đóng lại tự lúc nào. Bên trong
bên ngoài quân ta đều có cả. Thỉnh thoảng lại một người lách ra, lách
vào qua cánh cổng phụ, hoặc hai bên nhòm nhau qua cái khe dưới cánh cổng
sắt nom rất tức cười.
Sau rốt rồi tất cả cũng kéo nhau ra về, khi thống nhất là ông Việt kiều
ngày mai cứ theo cái giấy hẹn mà đến làm việc. Nếu có khó khăn gì thì
liên hệ ngay với mọi người để còn biết đường hỗ trợ.
Trước khi về, các bạn trẻ lại giăng khẩu hiệu và cờ ra hô đả đảo một chập. Người, xe đi qua nhòm nhòm, bị các anh công an vẫy lia lịa bắt đi mau. Bên kia đường mấy cái camera lại chĩa về phía chúng tôi. Lốc gơ Lê Dũng vác Ipad sang tận nơi đấu lại, phỏng vấn một người đàn ông đang đứng cạnh gã quay phim về việc bắt người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Chỉ nhớ sau khi nói một câu gì đó rất nặng nề khiến gã trai phải quay sang nhìn bác ta, bác ấy nói tiếp: nhận thức của bọn này chỉ ngang tầm bát cơm thôi. Ái chà! người dân ở vùng quê bây giờ nghĩ và nói công khai như thế đấy.
Tôi lúc này mới thấm mệt và lo cho bố nên vội vã cùng mấy chị em bắt xe
buýt về trước. Sau khi tắm xong, uống một cốc sữa tươi to vẫn chưa đã
khát, làm thêm gần một chai bia nữa khiến mặt mũi đỏ tưng bừng. Vào mạng
xem tin tức một hồi xong rồi lăn quay ra ngủ, không còn biết giời đất
gì nữa.
Trích một đoạn do chị Hiền Giang kể chuyện ngày 5/8/2012
Trích một đoạn do chị Hiền Giang kể chuyện ngày 5/8/2012
“Trong lúc đang bị hai an ninh người xô đẩy người lôi kéo về phía xe
bus, tôi nghe tiếng trẻ con khóc thất thanh. Nghĩ ngay đến cu Phú, tôi
hét to lên:
- Cháu bé bị lạc mẹ rồi! Phú ơi, bác đây.
Tôi lấy hết sức giằng ra khỏi những bàn tay đang túm lấy tôi. Có lẽ vì
câu thét gọi cu Phú của tôi mà mấy người an ninh kia có vẻ nới lỏng tay,
tôi thoát ra được và chen về chỗ có tiếng khóc của cu Phú, lúc đó đã
thấy một cậu thanh niên mặc áo xanh tình nguyện đang ôm cháu. Cậu thanh
niên đó nói mẹ nó vừa bị bắt lên xe rồi. Tôi xin được giữ cháu thì cậu
thanh niên đó nhất định không chịu trao cho tôi và nói để cháu mang nó
lên xe bus với mẹ nó. Tôi theo sát đến cửa xe bus thì an ninh gạt ra,
không cho cậu này mang cháu Phú lên xe.
Tôi khó khăn lắm mới thuyết phục được cậu thanh niên tình nguyện này
trao cu Phú cho tôi. Thì ra cậu thanh niên tình nguyện này cũng đang bảo
vệ cu Phú. Tôi bế cu Phú đi được một đoạn thì gặp Trương Ba Không. tôi
biết cậu này vì mấy lần biểu tình trước cậu là người đẩy xe lăn cho cụ
Lê Hiền Đức.
Khi bế cu Phú sang đường, thấy một chiếc xe bus đi qua, thằng bé nói “Bác ơi! Xe bắt người yêu nước”!
Nghe câu nói đó từ miệng của đứa trẻ con mới 3 tuổi đầu mà lòng tôi đau
đớn quá. Ôi đất nước tôi , làm sao đến nông nỗi này kia chứ.
Tôi và Trương Ba Không gọi điện hỏi han người quen, mới biết xe bus chở
mẹ cu Phú cùng những người bị bắt đang đi qua cầu Đuống. Chúng tôi đoán
là xe sẽ sang trại Lộc Hà, vì mùa hè năm ngoái đã có lần người ta đã bắt
những người biểu tình sang bên đó. Ruột gan tôi như có lửa đốt. Tôi và
mấy người nữa là bạn bè, người thân của những người bị bắt cùng đưa cháu
Phú lên đường sang trại Lộc Hà, để tiếp tục cuộc đấu tranh đòi thả
người.”