Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Về bài "Người đẹp nhất trong Đèn Cù" của nhà báo Bùi Tín

Nhà báo Trần Quang Thành
Blog Bùi Tín trên đài VOA ngày 17/10/2014 có đăng bài mang tựa đề "Người đẹp nhất trong Đèn Cù".
Trong phần đầu cũng có nhiều chi tiết cần làm rõ hơn về tính xác thực của nó, về những chức vụ ông nói đã đảm nhiệm ở báo Nhân Dân nhưng đã thực thi phận sự như thế nào mà lại chỉ "thận trọng, ngồi nghe, suy ngẫm, vì vẫn còn xa lạ, nhưng vẫn hiểu ra sự thật".
Vấn đề mà tôi muốn trao đổi với nhà báo Bùi Tín hôm nay xoay quanh sự kiện về một nhân vât trong bài "Người đẹp nhất trong Đèn Cù".
Thưa nhà báo Bùi Tín,
Tôi chưa đọc tác phẩm Đèn Cù của Trần Đính. Tôi không có nhận xét gì về tác phẩm ấy.
Ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến 2 chi tiết trong bài của nhà báo Bùi Tín trong bài Người đẹp nhất trong Đèn Cù:
- Chi tiết 1 (đây chỉ là tiểu tiết). Ông viết: "...cùng một cơ quan với nhà báo Trần Đĩnh, khi Trần Đĩnh đã bị kỷ luật khai trừ khỏi đảng rồi đi lao động cải tạo ở nhà in báo Nhân Dân, hàng ngày khuân các cuốn giấy in từ ngoài đường lên tầng 3 nhà in và đúc lại các chữ chì cho máy in...".
Trước 8 năm làm báo Nhân Dân, ông có thời gian dài làm báo Quân đội nhân dân, ông hiểu rõ sức nặng của 1 cuốn giấy in không thể dưới 150 kg. Vậy làm sao với vóc người của ông Trần Đĩnh, lại không phải là môt người bốc vác chuyên nghiệp có thể vác nổi cuốn giấy in nặng như thế từ mặt đất lên tầng 3 nhà in báo Nhân Dân thưa ông? Hay Trần Đĩnh đã có sức mạnh nào như nữ dân quân Ngô Thị Tuyển bên trận địa Hàm Rồng đã mang vác trên vai hòm đạn 150kg vậy?!

- Chi tiết 2 (Đây là tình tiết quan trọng). Ông viết: "Tôi có thể chứng thực những điều Trần Đĩnh viết ra là chân thực"
Nhự vậy nhà báo Bũi Tín đã tự coi mình là một công chứng viên có đẳng cấp để ấn chí tác phẩm Đèn Cù của Trần Đĩnh
Tôi muốn đề cập đến đoạn viết sau đây trong bài của nhà báo Bùi Tín.
Ông viết: "Đó là ông Nguyễn Trung Thành (NTT), một thời là cánh tay phải của Lê Đức Thọ, nắm chức vụ then chốt về nhân sự - Vụ trưởng Vụ bảo vệ chính trị trong Ban Tổ chức trung ương do ông Thọ làm trưởng ban. Ông NTT là nhân vật nắm trọn hồ sơ của 36 người dính vào vụ án “Xét lại chống đảng” mà danh sách có khá đầy đủ trong Đèn Cù, cùng với tất cả các vụ án chính trị khác. Sau khi đã về hưu vào năm 1990, ông NTT đọc lại toàn bộ hồ sơ của các vụ án, xem kỹ các lời phản cung, kêu oan, đặc biệt là các lời trần tình của các ông Hoàng Minh Chính, Hoàng Thế Dũng, Vũ Đình Huỳnh, Lê Liêm (khi 2 ông này còn sống), gặp và lắng nghe ông Lê Hồng Hà, từng là Chánh văn phòng bộ Công an, cũng bị bắt giam trong vụ án 'Xét lại chống đảng làm gián điệp cho nước ngoài'".
Là một người gần gũi trong gia đình ông Vũ Đĩnh Huỳnh và Thiếu tướng Đặng Kim Giang, tôi biết rõ danh sách bị bắt giam trong vụ án này không có ông Lê Hồng Hà.
Ngược lại chinh ông Lê Hồng Hà, lúc bấy giờ giứ chức Chánh văn phòng Bộ Công an là người ký giấy điều động các toán công an đặc nhiệm đi bắt những người trong vụ "nhóm xét lại chống Đảng, làm tay sai cho nước ngoài".
Qua điện thoại, ngày 19/10/2014, từ Paris, nhà văn Vũ Thư Hiên đã xác nhận điều này.
Nhà văn Vũ Thư Hiên còn cho tôi biết thêm sau, này tỉnh ngộ, ông Lê Hồng Hà đã cùng với ông Nguyễn Trung Thành, kiến nghị với ban lãnh đạo đảng cộng sản xét lại vụ án và minh oan cho những người bị bắt. Kết quả là cả hai ông đều bị khai trừ khỏi đảng. Trong hoàn cảnh đó ông Lê Hồng Hà đã đứng hẳn về phía những người đấu tranh cho dân chủ hoá xã hội. Và ông đã bị bắt giam trong một vụ án chính trị khác.
Tôn trọng tính xác thực của lịch sử, hy vọng nhà báo Bùi Tín làm rõ tính chính xác của nhân vật Lê Hồng Hà mà ông đã đề cập.
Chân thành cảm ơn,
Nhà báo Trần Quang Thành

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"