Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Trại tạm giam: Có nên “trong tay” công an?

“Ðể tránh bức cung, nhục hình, trại tạm giam không nên trong tay công an” - ông Vũ Ðức Khiển, nguyên chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội - vừa nêu một kiến nghị không chính thức trên mặt báo.



Một trong số lần hiếm hoi giới quan chức (chính xác là cựu quan chức) chịu lên tiếng về tình cảnh bức cung, nhục hình đang xảy ra tràn ngập và bất nhẫn ở đất nước “không biết đến cuối cuối thế kỷ 21 có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện hay chưa” của người đứng đầu đảng.

Ngập ngụa bức cung, nhục hình và “tự tử”
Vừa có thêm những bằng chứng không thể nào chối cãi về hình ảnh “công an là bạn của dân” thắm thiết đến thế nào. “Công an dùng kiếm tra khảo dân” hay “tôi bị nhét nước đá vào vùng kín” là những hình ảnh hết sức sống động và giãy giụa, tương phản hoàn toàn với “chính sách nhân đạo” và lời răn dạy về văn hóa của Nhà nước Việt Nam cùng Bộ Công an về công tác điều tra xét hỏi.

Chỉ tính từ năm 2012 đến nay đã có ít nhất 20 trường hợp “tự nguyện tự tử trong đồn công an” hoặc “bỗng dưng” lăn ra chết sau khi được công an “mời.”

Cái chết của một người đàn ông có tên là Ngô Thanh Kiều trong đồn công an ở Phú Yên vào năm 2012 do bị đánh vào chỗ hiểm là một điển hình trong rất nhiều điển hình mà cộng đồng quốc tế công phẫn lên án cảnh sát Việt Nam sử dụng nhục hình.

Nạn nhục hình càng đáng được ghi khắc vào những năm gần đây. Cùng với hiện tượng nổi lên ngày càng nhiều tiêu cực của ngành công an Việt Nam, những cái chết được mô tả là “tự mình giết mình” cũng nối tiếp nhau sinh thành. Hàng loạt vụ việc được công an địa phương báo cáo là “tự treo cổ” đã xảy ra: Nguyễn Công Nhựt ở trụ sở công an thuộc Bình Dương, anh H. cũng ở trụ sở công an thuộc Bình Dương, Bùi Thị Hương ở trụ sở công an thuộc Bình Phước, Ðỗ Văn Bình ở trụ sở công an thuộc Ðà Nẵng, Ðặng Trung Trịnh ở trụ sở công an thuộc Hải Dương.

Vụ án Nguyễn Thanh Chấn mới được khám phá vào năm 2014 là một trong những trường hợp được xem là rất “điển hình tiên tiến” cho nạn bức cung nhục hình ngập ngụa ở Việt Nam. 10 năm tù giam là cái giá mà một công dân lương thiện phải cho một nền tư pháp độc tài muốn làm gì thì làm.

Mặc dù Bộ Tư pháp đã có quy chế về tạm giữ, tạm giam để thực thi bộ luật tố tụng hình sự, nhưng thực tế kiểm tra chéo và giám sát của ngành tư pháp và kiểm sát đối với các trại tạm giữ, tạm giam của ngành công an là hết sức chiếu lệ. Không hề có quyền lợi thực chất, các viên chức dân sự chỉ đều đặn vi hành định kỳ nơi bốn bức tường ghẻ lở giam giữ phạm nhân mà chẳng làm gì được cho họ.

Với tư cách độc thế về quyền năng của ngành công an, không ít trường hợp dân thường và cả doanh nhân bị khởi tố, bị lôi vào thế tạm giữ, tạm giam rồi bị đánh bầm giập để bắt phải “nôn ra.” Ở Việt Nam, công tác điều tra xét hỏi được dư luận xem là mảnh đất màu mỡ cho giới điều tra viên “ăn uống.”

Chỉ đến gần đây, sau khi Nhà nước Việt Nam chỉ thị cho Bộ Công an phải gấp rút triển khai Công Ước Chống Tra Tấn theo cam kết với Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, tình trạng dùng nhục hình đối với người dân mới giảm bớt đôi chút, còn báo chí mới lóe ra vài ba cơ hội để đăng tin bài về những câu chuyện đánh chết người không khác mấy thời Trung cổ.

Tuy nhiên, sự thể tréo ngoe vẫn xảy đến khi mới đây Bộ Công an tung ra một dự thảo cho phép công an phường, xã có quyền “điều tra ban đầu.” Ngay lập tức, dư luận xã hội bùng lên phản ứng gay gắt, cho rằng với mặt bằng văn hóa ứng xử còn dưới mức trung bình, cùng mặt bằng nghiệp vụ chưa thuần thục đến mức không biết cả thao tác đánh người, liệu công an phường xã có đảm bảo là sẽ “điều tra ban đầu” đến nơi đến chốn theo yêu cầu, hay mỗi trụ sở công an địa phương sẽ biến thành một phòng cảnh sát điều tra để tha hồ hành hạ “đối tượng,” tức càng làm cho tình hình dùng nhục hình trở nên tồi tệ?

Ðể tránh công an “ra tay”
Ðiều an ủi lẻ loi cho tới thời điểm này là dù chưa phải một quan chức thuộc giới chính phủ, nhưng ý kiến của một đại biểu Quốc hội như ông Vũ Ðức Khiển về việc “nên” chuyển trại tạm giam từ ngành công an sang ngành tư pháp vẫn là một bước phản biện nho nhỏ, thay vì trước đây ý kiến này chỉ tồn tại mơ hồ nơi vài ba luật gia mà sau đó chìm khuất trong màn sương quan liêu ẩm độc.

Cả Thiếu Tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công An) cũng cho rằng ý kiến trên là hợp lý, đúng theo thông lệ của quốc tế. Ông Cương còn khẳng định ngành công an “cũng không tha thiết gì việc giữ quản lý các trại tạm giam, nhà tù” (?).

Nhưng nếu trại tạm giam không nằm trong “tay” ngành công an mà rất dễ bị các điều tra viên và quản giáo dữ dằn “ra tay” đối với người đang còn trong quá trình điều tra, loại hình trại này nên thuộc cơ quan nào?

Hiện nay, trên thế giới có hai phương thức quản lý nhà tù:

- Nhà tù do Bộ Phụ Trách Cơ Quan Công An, cảnh sát quản lý. Hình thức này có một số nước như: Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc.

- Nhà tù do Bộ Tư Pháp Quản Lý. Gồm một số nước như: Hoa Kỳ, Anh.

Sẽ không có vấn đề gì lớn nếu nhà tù được quản lý ít gây tai tiếng như ở Nhật Bản. Tuy nhiên với trường hợp Trung Quốc và Việt Nam thì lại khác hoàn toàn. Tình trạng lạm dụng và lợi dụng quyền lực ở các quốc gia này được coi là vô tội vạ, dẫn đến quá nhiều cái chết xảy ra ngay cả khi “đối tượng” còn chưa thật sự bước chân vào trại tạm giam.

Mới đây một cảnh sát giao thông đã “vô tình” dùng dùi cui gây ra cái chết của một người đi đường. Ðiều quái lạ là những câu chuyện dã man như vậy lại xảy ra ngày càng nhiều, bất chấp công tác tập huấn của ngành công an vẫn đều đặn diễn ra hàng năm.

Một khi ngành công an đã không thể hoặc không muốn quản lý các trại tạm giữ, tạm giam theo đúng quy chuẩn mà không để cấp dưới biến thành một thứ sân chơi bạo lực và tiền bạc, không thể khác hơn là loại hình trại này phải được chuyển sang ngành tư pháp - một cơ quan dù còn không ít quan liêu nhưng chưa đến nỗi mang danh nghĩa “lực lượng vũ trang” và “mặc sắc phục.”

Phạm Chí Dũng
(Người Việt)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"