Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

SOPA, PIPA và tin đồn

Nguyễn Văn Thạnh
Hẳn, các bạn còn nhớ, cách đây vài năm cộng đồng mạng xôn xao bàn tán về dự luật SOPA và PIPA. Sau khi bị phản đối dữ dội, quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định treo không thời hạn cho việc thông qua dự luật trên. Chúng ta cùng tìm hiểu về việc này.
Như chúng ta biết, nạn vi phạm bản quyền, xài chùa sản phẩm mà người khác bỏ công sức tiền bạc ra để làm nên là một việc làm không khác gì ăn cắp. Nạn vi phạm bản quyền có hệ quả rất xấu cho xã hội; nó sẽ triệt tiêu động lực sáng tạo và sản xuất: đơn giản, không ai muốn nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất ra sản phẩm để rồi thiên hạ dùng chùa. Kinh tế thị trường đầu tư mà không thu được là phá sản.
Ý thức được điều này, ở các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Châu Âu,… có luật rất nghiêm cho hành vi ăn cắp bản quyền. Nhờ vậy mà nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo ở đây phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, khi mạng internet bùng nổ thì nạn vi phạm bản quyền, ăn cắp sáng tạo cũng bùng nổ theo. Rất nhiều bản nhạc kỳ công dàn dựng, rất nhiều bộ phim, nhiều cuốn sách,… vừa mới được phát hành chưa thu được vốn liếng thì hàng triệu người có thể dùng chùa mà không cần phải trả tiền vì chúng có sẵn trên mạng.
Trước vấn nạn này, những luật chống vi phạm bản quyền cũ trở nên không hiệu quả, bỡi lẽ: thứ nhất: trên mạng có quá nhiều người cả có danh và ẩn danh đều có hành vi vi phạm bản quyền, không thể kiểm soát nổi. Việc truy tố một người ra tòa như hành vi đuổi ruồi; thứ hai, rất nhiều người truy cập internet đến từ bên ngoài nước Mỹ, nơi mà luật bản quyền ở đây (và các đối tác) không thể chế tài được.

Từ thực tế đó, các nhà làm luật muốn ban hành luật SOPA và PIPA, luật này không hướng đến cá nhân vi phạm và hướng đến các công ty, các website chứa chấp vi phạm. Nói cho nhanh là nắm người có tóc, không nắm kẻ trọc đầu. Bất cứ website nào ở Mỹ có đăng nội dung vi phạm bản quyền là ra tòa và đình bản, còn website bên ngoài Mỹ thì chặn IP, chặn trong cửa sổ tìm kiếm.
Rõ ràng, hai dự luật trên là một cách tuyệt vời để ngăn chặn nạn ăn cắp bản quyền, có thể làm cho nạn ăn cắp, chia sẻ các sản phẩm bất hợp phát trở nên không còn đất sống, ít nhất là ở Mỹ.
Các bạn có thấy hai dự luật trên hay không? Tôi nghĩ nhiều người sẽ khen hay và ủng hộ.
Tuy nhiên, cuộc đời không đơn giản, nghĩ đi phải nghĩ lại. Hệ quả của luật trên, nếu đem ra áp dụng thì sẽ có hậu quả khôn lường. Chúng ta thử phân tích: nếu facebook, youtube,… có một ai đó đưa lên nó một sản phẩm vi phạm bản quyền thì facebook, youtube,… có thể phải ra tòa và đóng cửa. Khi đó một là chúng ta không có facebook, youtube,… hoặc nếu hoạt động thì họ sẽ rất cẩn thận phải kiểm duyệt hàng triệu, hàng tỷ người dùng,… Một điều không thể làm nổi, hoặc họ làm thì hai trang này cũng không mấy ai vào chơi.
Luật SOPA, PIPA cũng đưa đến hệ quả là chính quyền rất dễ lạm dụng để ngăn chặn, kiểm duyệt bất cứ trang web nào họ muốn vì chỉ cần có chứng cứ là trang web đó có đưa nội dung vi phạm bản quyền. (Nếu chính quyền muốn thì họ rất dễ đưa một website vô bẫy).
Nhận thức được những hiểm họa đó nên dân Mỹ (và cộng đồng mạng trên thế giới) phản đối. Cuối cùng dự luật bị treo vô thời hạn.
Bài học được rút ra: Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta thấy được mà không thấy mất. Có một kinh nghiệm hẳn nhiều người đồng ý là: người chín chắn thường suy nghĩ sâu và chọn giải pháp được hơn mất; giải pháp có thiệt hại nhỏ nhưng không ẩn chứa hiểm họa lớn còn người hời hợt thì ngược lại. Chúng ta có câu chuyện ném chuột, vỡ bình cũng cùng ẩn ý. Nhiều người chỉ nhăm nhăm ném chuột, cuối cùng thì bình quí vỡ mất.
Quay lại câu chuyện tin đồn có Ebola ở Hà Nội trong bài viết trước đây, nhiều người không đồng ý với quan điểm của tôi. Lý lẽ chung họ đưa ra là: (1) không ủng hộ tự do ngôn luận muốn nói gì thì nói, tung tin đồn nhảm thì nhà nước trừng trị là đúng. Họ cho rằng tôi ủng hộ nói sai sự thật là cổ vũ quyền tự do ngôn luận tào lao, không hiểu gì về quyền tự do ngôn luận,…; (2) gây hoang mang dư luận là một thiệt hại lớn. Có người nói với tôi, bạn có trải qua hoang mang, bạn mới biết nó kinh khủng thế nào nên phải trừng phạt người tung tin gây ra,….
Tôi xin nói lại cho rõ, tôi không ủng hộ việc tung tin đồn nhảm, sai sự thật cũng như nhiều người khác ở Mỹ không ủng hộ nạn ăn cắp bản quyền. Cái tôi thấy ở đây là nếu trừng phạt người tung tin đồn như chính quyền làm sẽ dẫn đến rất nhiều rủi ro như đã phân tích. Các bạn có thể thấy nét tương đồng khi áp dụng luật SOPA, PIPA với việc trừng phạt người đưa tin không đúng sự thật. (Xin nói thêm, quan điểm tôi, ủng hộ việc trừng phạt bất cứ ai gây ra thiệt hại cho người khác nhưng phải theo qui trình chuẩn mực là ra tòa).
Về vấn đề gây hoang mang: tôi nghĩ người đưa tin không đúng sự thật có thể gây hoang mang cho một số người, điều này thì tôi thừa nhận. Nhưng chúng ta thấy rằng, ngay sau đó bộ Y tế đã họp báo để đưa tin “chính xác”, không biết họ còn hoang mang không? Trong xã hội tôn trọng tự do ngôn luận thì luôn có người tử tế đính chính cho bạn biết, Tôi nghĩ, để khỏi hoang mang thì những người dễ bị hoang mang không nên vào mạng làm gì. Chỉ nên xem tivi và báo chí nhà nước. (Đây là một lời đề nghị có tính hài hước).
Như chúng ta thấy, cuộc đời đầy phong ba bão táp. Để vươn lên thành công, con người đòi hỏi đầy bản lĩnh, trải qua nhiều gian khó, thử thách. Những người chỉ muốn cuộc đời bình yên thì tôi nghĩ chắc họ chỉ quanh quẩn với việc ăn ngủ, nghe nhạc. Họ sống trong nghèo khó hoặc trong tiền thừa kế của bố mẹ.
Tôi tin, người thành công ắt hẳn trải qua nhiều điều còn kinh khủng, còn sóng gió hơn là chuyện “hoang mang”. Nếu không chấp nhận nổi hoang mang thì còn có thể làm được gì?
Một dân tộc mà có quá nhiều người sợ hoang mang, rồi muốn chính quyền diệt đi bất cứ ai, bất cứ nguồn cơn nào gây hoang mang là một dân tộc rất yếu. Liệu một dân tộc như vậy có thể trải qua những cơn sóng gió của đời để sánh vai cùng các cường quốc năm châu không?
Một người muốn thành công, muốn trưởng thành, phải lao ra với đời, chấp nhận phong ba của đời, một dân tộc muốn trở nên vĩ đại mà sợ chút hoang mang thì làm sao vĩ đại đây?
Một dân tộc sợ hoang mang thì liệu có xứng là một dân tộc hùng cường, một dân tộc tự do?
Nguyễn Văn Thạnh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"