Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Phản biện không đồng nghĩa với... phản động!

Đào Dục Tú
Gợi cho tôi ý tưởng viết bài phiếm luận này là lới của một ông Tổng thống Mỹ nổi danh hào hoa và đoản mệnh ở Nhà Trắng, Giôn Ken-nơ-đi: ”Không có tranh luận, không có phê bình, không một tổ chức hay quốc gia nào có thể thành công và không một nền cộng hòa nào có thể sống sót”. Hay nói cách khác, mở rộng và khái quát, tranh luận, phê bình là hoạt động trí thức bình thường và cần thiết của đời sống tinh thần con người trong đời sống chính trị xã hội, tương tự như dưỡng chất; như dưỡng khí tự nhiên tối cần cho nhu cầu thiết yếu nhất để tồn tại của một sinh thể.
Thế nhưng ở Việt Nam? Hoạt động rút gọn là tự do ngôn luận tưởng như bình thường đó, lại thực tế hóa ra trở thành rất không bình thường trong nhiều thời điểm, trong nhiều bối cảnh chính trị xã hội khác nhau
Ví như... ngày xưa; người ta còn nhớ thời Nhân Văn Giai Phẩm, một nhóm trí thức văn nghệ sĩ - những người đã “lập ngôn” ”dĩ ngôn chí” thành danh, có người nổi tiếng từ trước Cách Mạng Mùa Thu vừa chân ướt chân ráo từ chiến khu Việt Bắc về như Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Trần Đức Thảo... bên Đại Học; như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Bính....bên Văn chương, Văn Cao, Tử Phác... bên Nhạc, v.v…, xem như bị “treo bút sáng tạo” không có “án văn tự” nhiều thập kỷ.
Chỉ bởi một lý do đơn giản: họ dám, bằng sáng tác thơ văn hoặc phát biểu ý kiến, nói khác lãnh đạo, cao hơn, dám đòi quyền tự do sáng tác, trả văn nghệ về cho văn nghệ sĩ. Một số trí thức tự cho mình quyền hoạt động phản biện, nêu rõ chính kiến ở những diễn đàn “ôn hòa đoàn kết” như Mặt Trận Tổ Quốc chẳng hạn.

Ví như.... ngày nay; nhiều diễn đàn xã hội trên mạng thông tin toàn cầu của cá nhân, của một nhóm thân hữu xuất xứ nghề báo hoặc liên đới đến truyền thông xã hội dám “nói khác” tuyên truyền “lề phải”, tuyên truyền chính thống về hiện trạng kinh tế xã hội, về âm mưu, thủ đoạn, hành xử bất minh của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với Việt Nam, chẳng hạn.
Phản động, nghĩa gốc của từ Hán Việt này, theo Hán Việt từ điển của học giả Đào Duy Anh, chỉ là hành động hoặc vận động trái lại một diễn trình nào đó.
Còn từ gốc Hán Việt “biện” của biện luận, giải nghĩa ngắn gọn là tranh luận, xét rõ hiện trạng và vấn đề để phân biệt đúng sai, phải trái theo một quan điểm, một chuẩn đích nào đó.
Hiểu từ “gốc chữ” hiểu đi như thế thì phản biện chỉ có nghĩa chung khái quát là đặt ngược vấn đề để xem xét lý thuyết và thực tiễn đã và đang diễn ra của đời sống chính trị xã hội. Quả là đã có một thời chưa xa trong không khí sôi sục đấu tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp, hai chữ “phản động” chỉ còn được hiểu nghĩa là chống lại cách mạng, chống lại tổ chức chính trị, đi ngược lại lợi ích của nhà nước và nhân dân.
Tội phản động thuộc diện “tầy đình”, người mắc tội dù có án hay không có án giấy trắng mực đen thì cũng buộc phải bị trừng trị, phải bị cô lập hoặc chí ít cũng bị vô hiệu hóa. Thời bấy giờ hai chữ “phản động” được “mặc định” một nội hàm chính trị tư tưởng cự ghê gớm. Thời bấy giờ đã ai đặt vấn đề phản biện... ”đại trà” như ngày nay mặc dù trong thực tế nhiều nhân vật trí thức văn nghệ sĩ bằng thực tế sáng tác và “tranh luận văn nghệ” đó đây đã có những hoạt động phản biện.
Tiếc thay họ bao giờ cũng thuộc “thiểu số”. Ví như ở Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Băc năm 1947 chẳng hạn. Ví như sáng tác và “lập thuyết” của nhóm Nhân Văn, báo Trăm Hoa, tờ Văn vân vân và vân vân, chẳng hạn. Và mãi tới thời tiền đổi mới, chỉ mới nêu chính kiến cần chấp nhận đa nguyên tư tưởng, một vị thuộc hàng “cộm cán” của triều chính còn bị thất sủng tức khắc...
Không phải ngẫu nhiên thời gian gần đây “bùng phát” phản biện trên báo lề trái, trên các trang mạng xã hội. Nếu hiểu theo nghĩa “chuẩn” nghĩa “đúng, chính xác” của hai từ gốc Hán Việt “phản động” và ” phản biện” thì trước hiện trạng ‘hệ thống” nhóm lợi ích thao túng kinh tế, gây ra nạn tham nhũng đến mức trong chính giới, trên diễn đàn quốc hội, có người gọi là “nạn nội xâm” nguy hiểm, là ”bầy sâu tham nhũng ăn hết phần của dân, không từ thứ gì”; trước hiện trạng thế lực bành trướng bá quyền nước lớn Bắc Kinh đi những bước nguy hiểm đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam thì hoạt động phản biện cần được hiểu là quyền chính đáng của người dân nói chung, của giới trí thức yêu nước nói riêng; không thể đánh đồng với... phản động như... ngày xưa!
Và do đặc thù của hoạt động trí thức, do phân công lao động trí óc của thời kỳ kinh tế toàn cầu hậu công nghiệp, hậu hiện đại và thế giới phẳng, vai trò phản biện trên tất cả các mặt kinh tế xã hội giáo dục đào tạo lại thuộc người trí thức là chủ yếu, là chủ đạo. Hiển nhiên hoạt động phản biện của họ trong khuôn khổ hiến pháp, luật pháp, cần được sự bảo trợ của luật pháp, cần được sự khuyến khích của chính quyền và toàn xã hội.
Trong bối cảnh chỉ riêng nạn tham nhũng thôi cũng đã được diễn đàn chính thống xem như “giặc nội xâm”, chỉ riêng một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền tha hóa biến chất cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống có cơ đe dọ sự tồn vong của đảng lãnh đạo, thì hoạt động phản biện về thực trạng đó là cần thiết, đúng hơn khẩn thiết. Không phát huy được tinh thần dân chủ nhằm huy động tổng lực trí tuệ của toàn xã hội, trước hết là bộ phận tinh hoa của dân tộc là đội ngũ trí thức yêu nước, làm sao có thể cải thiện được tình hình kinh tế xã hội quá nhiều điều bất cập?
Gác lại một bên ý thức hệ, với tình thần khoa học và thực chứng, người viết xem lời của một nhân vật chính trị Mỹ như một lời phản biện cần thiết để tham khảo và suy xét: ”không có tranh luận, không có phản biện, không một tổ chức hay quốc gia nào có thể thành công và không một nền cộng hòa nào có thể sống sót”. Có nên xem đó là lời phản biện cảnh báo cần thiết, để trước hết nhận ra một sự thật là phản biện hiểu theo nghĩa tích cực hữu ích cho dân cho nước. Phản biện tuyệt nhiên không phải, không thể “mặc định” là phản động theo nghĩa xấu, tiêu cực, cần triệt bỏ như... ngày xưa!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"