Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Kết bạn hay biến thành thù?

Hiệu Minh

Vương Nghị – Phạm Bình Minh và John Kerry
Nhớ chuyện ngụ ngôn về hai người hàng xóm. Một nhà nuôi cừu, nhà kia đi săn nên có đàn chó rất hung dữ. Đàn chó hay sang cắn cừu nhà hàng xóm. Ông chủ đàn cừu vài lần khuyên bảo nhưng tay thợ săn bỏ ngoài tai.
Cuối cùng ông chăn cừu đi thưa kiện. Viên quan này nói, ta có thể phạt tay thợ săn, bắt nhốt chó lại. Nhưng hỏi thật anh, anh muốn kẻ thù là hàng xóm hay anh muốn có bạn là láng giềng gần.
Suy nghĩ một hồi, ông chăn cừu thổ lộ muốn có bạn là hàng xóm hơn là kẻ thù. OK, anh về lấy một con cừu tặng lũ con nhà thợ săn. Bọn trẻ thấy có cừu, rất vui, suốt ngày vuốt ve và chơi với chú cừu rất hiền. Tay thợ săn sợ chó cắn cừu của con nên đã nhốt chó lại.
Cảm kích trước tấm lòng hào hiệp, tay thợ săn trở nên tốt bụng, thỉnh thoảng kiếm được con thú nào, y mang biếu ông chăn cừu. Từ đó hai gia đình “cừu và chó săn” thành bạn thân thiết.
Xem hai bức ảnh Ngoại trưởng John Kerry và BT Phạm Bình Minh cười rất tươi trong cuộc gặp ở Myanmar trong hội nghị ASEAN. Trong khi đó, BT Phạm Bình Minh mặt rất nghiêm với “đôi mắt mang hình viên đạn” không nở một nụ cười khi bắt tay người đồng nhiệm Trung Quốc là BT Vương Nghị.
Đó là kết quả giải pháp gia đình “cừu và chó săn” giải quyết khác nhau với cách tiếp cận khác nhau nên đưa đến nụ cười hoặc mặt lạnh tanh.

Hai quốc gia Mỹ Việt từng đánh nhau suốt 20 năm, máu chảy thành sông. Từ 3 đến 5 triệu người Việt chết, dân tộc ly tán và chia rẽ dù đã gần 40 năm hòa bình. Nước Mỹ có hội chứng Việt Nam với gần 60 ngàn lính Mỹ tử trận.
Nhưng có lẽ họ học được bài của người chăn cừu và thợ săn. Một bên phải cố gắng thay đổi thể chế để hợp với thời đại văn minh, bên kia bỏ qua hận thù quá khứ để tiến đến mục đích chung, hai bên cùng có lợi. Biển Đông, TPP và nhiều giá trị Mỹ – Việt có thể trao đổi để biến thành đồng minh.
Để làm được việc đó, một bên phải mất cừu, một bên phải giam đàn chó. Có quà cáp thì nên biếu lẫn nhau, tình nghĩa sẽ bền lâu.
Trung Quốc và VN từng là bạn, tặng nhau 16 chữ vàng, 4 tốt. Năm xưa, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký một văn bản thừa nhận Hoàng Sa của Trung Quốc vì lúc đó Việt Nam tin hoàn toàn vào người anh em cùng ý thức hệ cộng sản. Chả lẽ anh lại ăn cướp của em.
Xung đột biên giới, hải đảo đã xảy ra, máu đã chảy. Nhưng lãnh đạo hai nước cố giải quyết, kiểu 9 bỏ làm 10. Tuy nhiên, ông chăn cừu đã tặng quà cho con hàng xóm, nhưng tay thợ săn tham lam, vẫn xua chó cắn đàn cừu.
Vẽ đường chín đoạn, đưa tầu thuyền quấy nhiễu, và gần đây là đưa giàn khoan vào biển Đông, Trung Quốc lộ rõ là quốc gia tham lam, không phải trỗi dậy trong hòa bình như họ thường nói. 16 chữ vàng, 4 tốt chỉ là vỏ bọc cho chiến lược xâm lược biển lâu dài.
Tham bát bỏ mâm hại nhiều hơn lợi. Kết quả nhãn tiền, Trung Quốc mất hẳn người bạn bên cạnh cùng ý thức hệ và rất nhiều quốc gia xung quanh. Thay vì nhốt chó để không cắn cừu, họ rước thêm đàn chó sói, đe dọa hàng xóm.
Ukraine, Nga, Israel, Palestine, Iraq, Syria và bao nhiêu xung đột khác cũng thế. Nếu các chính khách học hai ông thợ săn và chăn cừu, làm thế nào biến thù thành bạn, có lẽ mọi chuyện đã khác.
Để làm được chuyện đó, đôi khi cái giá chỉ là con cừu và nhốt chó.
HM. 12-8-2014

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"