Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Hai mươi năm “Bài thơ tháng Tám” của tôi


Bùi Minh Quốc
Bạn đọc thân mến,
Ngày 19 tháng 8 năm 1994, cách nay vừa 20 năm, tôi viết “BÀI THƠ THÁNG TÁM” mà bạn sẽ đọc dưới đây.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc đi biểu tình chống Trung quốc ngày 11-5-2014
Nhưng trước hết, xin hãy dành vài giây cho phép tôi kể đôi điều về số phận bài thơ. Như thường lệ, tôi gửi bài thơ đến báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam mà tôi là hội viên. Đồng thời, tôi cũng gửi đến báo Đại biểu Nhân dân (cơ quan của Quốc hội), báo Nhân dân (cơ quan của đảng cầm quyền). Sở dĩ tôi gửi cho 3 (và rồi sau đó cho hàng chục) tờ báo cùng lúc như thế là để báo này không đăng thì báo khác đăng, mà thậm chí nếu tác phẩm của mình có chất lượng cao thì cả mấy báo cùng đăng, lại càng vui (trường hợp bài thơ “Những ngày thường đã cháy lên” viết năm 1988 và chùm thơ “Tiếng máu biên cương” viết trong chuyến đi tìm hiểu tình hình biên giới Việt – Trung tháng 11.2001 của tôi là một ví dụ, khi có dịp sẽ xin kể chi tiết ).

Trong khi chờ 3 tờ báo nói trên đăng, tôi chép tay đem tặng các bậc chiến sĩ cách mạng tiền bối thuộc thế hệ đã làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945 mà tôi may mắn được gần gũi thân thiết như Nguyễn Hộ, Trần Độ, Hồ Nghinh, Võ Văn Đặng… và tặng bạn hữu, đồng đội cùng thế hệ của mình. Cho đến nay, vẫn không có một tờ báo (lề đảng) nào chịu đăng. Bài thơ chỉ được đến với bạn đọc qua con đường chép tay, photo và xuất hiện trên một vài blog, web lề dân.
Hồi mới làm xong bài thơ, tôi đưa cho một đồng đội cựu kháng chiến đọc. Anh đọc đi đọc lại hai ba lần rồi bảo tôi, giọng thủ thỉ như tâm sự: “…bọn đểu cáng thì đầy rẫy trên đời, mà thời nào cũng đầy rẫy, nhưng… nhưng…viết là cả một thời đểu cáng đã lên ngôi nghe ghê ghê thế nào…, ông cân nhắc lại xem…”. Tôi bảo: “Tôi viết đúng cảm xúc và nhận xét của tôi, là ghê tởm, cực kỳ ghê tởm, chứ ghê ghê là còn nhẹ, mà cái sự thật bi đát và đểu cáng bao trùm là máu nhân dân tuôn chảy đúc ngai vàng/ bạo chúa ngồi lem lẻm tụng nhân dân, nó là cả một thời đấy ông ạ”.
Tôi có một dự định, chưa biết khi nào sẽ thực hiện được: in riêng bài thơ này trên giấy thật tốt, trình bày thật đẹp như một ấn phẩm đặc biệt để vào dịp 19/8, chẳng hạn năm 2015, đem biếu tặng các gia đình công dân – cử tri Việt Nam đã vùng dậy phá xiềng nô lệ và dấn bước trên con dường chiến đấu cho Tổ Quốc và Quyền Dân từ 19.08.1945.
Trước mắt, nhân dịp 19.08.2014, kính nhờ Việt Nam Thời Báo công bố lại để đồng nghiệp và bạn đọc xa gần cho ý kiến. Tôi cũng mong các nhà lý luận phê bình trong Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương có bài nhận xét hoặc phê phán, và tin rằng VNTB sẽ đăng ngay các bài ấy, hàng nghìn bài cũng đăng hết, hẳn thế.
Nhân tiện, xin báo với đồng nghiệp và bạn đọc một tin vui: cách đây 20 năm, tôi kết thúc bài thơ bằng hình ảnh: “Tôi lại đi, lầm lũi cuộc hành trình”, thì nay tôi không còn lầm lũi nữa, tôi được hiên ngang chung bước sánh vai với các đồng nghiệp trong BVĐ Văn đoàn Độc lập Việt Nam và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cùng vô số bạn đọc tâm huyết của mình.
Chúng tôi đi đòi món nợ QUYỀN DÂN, trước hết là các quyền tự do cơ bản như tự do báo chí, xuất bản, tự do hội họp, lập hội, lập nghiệp đoàn, tự do biểu tình, tự do ứng cử bầu cử mà người công dân – cử tri Việt Nam đã được hưởng dưới chính thể dân chủ cộng hoà năm 1946 nhưng bị thế lực bạo quyền - vua tập thể của chế độ độc tài toàn trị mang tên xã hội chủ nghĩa bao thập niên qua trắng trợn vỗ nợ.

Bài thơ tháng Tám

Các anh - những người Tháng Tám
Các anh đâu rồi, mệt mỏi rồi chăng?
Các anh nghĩ gì sau nếp nhăn vầng trán
“Thế sự du du…” [*]
thật giả nhập nhằng…
Có lẽ nào?
Có lẽ nào?
Lịch sử
Lại như con thò lò trong ván bài quỉ dữ
Máu Nhân Dân tuôn chảy đúc ngai vàng
Bạo chúa ngồi lem lẻm tụng Nhân Dân?
Ơi em gái Trường Sơn mười tám tuổi
Cùng đồng đội đêm nao truy điệu sống cho mình
Và cứ thế dấn thân vào lửa dội
Em nghĩ gì sau cặp mắt kiên trinh?
Em nghĩ tới tương lai tươi thắm ngọt lành
Tương lai ấy bây giờ tôi sống dở
Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi
Tôi bước đi trên đất nước nghẹn lời
Các anh đâu rồi, những người Tháng Tám
Chẳng lẽ khoanh tay nhìn tấn trò bội phản
Dân tộc này bị vỗ nợ Tự Do
Dân tộc từng sống chết chẳng so đo
Quyết không làm nô lệ
Sao hôm nay Người đành cam chịu thế
Mặc thân phận mình dưới ách tà gian?
“Việt Nam bao năm ròng rên siết lầm than”
Câu hát cũ lòng tôi rỉ máu
Kìa em gái Trường Sơn hiện hồn về nhìn tôi đau đáu
Tháng Tám ơi Tháng Tám nước non mình!…
Tôi lại đi, lầm lũi cuộc hành trình
Chỉ có thơ thôi
THƠ
với cường quyền
đối mặt
Sống trong tôi là triệu người đã khuất
Đang thét đòi món nợ
TỰ DO !
Đà Lạt 19.8.1994
__________________
[*] Trong câu thơ Đặng Dung thời Hậu Trần:
“Thế sự du du nại lão hà”
(Việc đời dằng dặc, ngặt nỗi mình đã già)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"