Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Dân chủ và Dân trí: Cái nào đi trước?

Võ Ngọc Lục

Thành Aten, Hy lạp được xem là nơi sinh ra của tư tưởng Dân chủ từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên.
- Trong thời gian qua nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam đã trả lời với thế giới về đề tài dân chủ, nhân quyền nhiều cách khác nhau, nhưng đại loại là: “Việt Nam chưa phù hợp với dân chủ vì dân trí thấp”.
Còn giới trí thức lên tiếng cho dân chủ thì lại cho rằng: “Việt Nam dân trí thấp vì chưa có dân chủ”.
Vậy thì ra chỉ có hai từ DÂN CHỦ nhưng đối với Việt Nam ta thì cực kỳ khó, khó đến nỗi sánh như “cái thuyết”: không biết Con gà hay quả trứng có trước vậy?
Ta nhìn sơ lược lại lịch sử nhân loại thử có thể tìm ra câu trả lời không?
Người Mỹ
Từ nửa trước thế kỷ thứ 18 hầu hết các dân tộc trên thế giới rơi vào tình trạng thuộc địa và nửa thuộc địa của thực dân và dân trí còn đơn sơ nên khái niệm dân chủ ít được nhắc tới, chỉ có những cuộc đấu tranh trực tiếp và tự phát nhằm đòi lại quyền độc lập của các dân tộc.
Từ tháng 7 năm 1776 nước Mỹ được thành lập trên cơ sở một số Ban thuộc địa của thực dân Anh, và nước Mỹ ra đời sau đó với một nền tư pháp, lập pháp và hành pháp tương đối hoàn chỉnh thể hiện rõ một nền dân chủ thực sự do vị lãnh tụ Washington lãnh đạo, và từ đó khai sinh ra nền dân chủ cho nhân loại.
Vậy thì chúng ta lấy ví dụ nước Mỹ để so sánh với Việt Nam chúng ta thế nào?

Chúng ta thử xét về dân trí của dân tộc họ từ thời kỳ lập quốc trở về trước có cao hơn dân tộc Việt Nam ta ngày nay không? Theo tôi nghĩ là không? Vì dân tộc họ cũng trải qua các thời kỳ bị làm thuộc địa, và thời kỳ đó cách đây gần 2,5 thế kỷ rồi và xét về nguồn gốc dân tộc và lợi thế khác đều không thể hơn dân tộc Việt Nam ta ngày nay được.
Vậy thì vị lãnh tụ Washington và quốc hội Mỹ lúc bấy giờ dám đưa ra một hiến pháp độc lập và dân chủ, vậy có phải họ quá mạo hiểm và liều lĩnh không? Trong khi dân trí vừa mới thoát ra khỏi một dân tộc bị trị nữa. Họ không sợ bị xáo trộn hay nổi loạn bởi sự tự do quá trớn của pháp luật như chúng ta thường nghĩ sao?
Theo tôi nghĩ là không. Vì những con người vĩ đại đó không thể tính toán sai lầm hay không lường hết hậu quả vậy. Nhưng họ thừa hiểu rằng một đất nước mới vừa ra đời nếu không có nền dân chủ thực sự vậy để giúp đất nước đó phát triển nhanh chóng về mọi mặt, mà điều đó bắt đầu từ dân trí, thì rất có thể dân tộc họ sẽ rơi vào tay thực dân một lần nữa và tội cho dân tộc họ lắm. Tôi tin là vậy.
Và thử quay lại dân việt Nam chúng ta, xem thử nếu dân trí ta thấp thì có phù hợp với nền dân chủ họ không?
Người Việt
Ngày hôm nay một bộ phận lớn đủ mọi thành phần của dân tộc Việt Nam chúng ta sinh sống hầu hết các quốc gia, và nhiều nhất là Mỹ và các nước Phương Tây. Trong khi họ là các nước dân chủ thực sự, nếu dân trí ta thấp vậy thì dân Việt Nam chúng ta có đạt kỷ lục về tội phạm Việt kiều ở nơi đó không? Chắc là không. Vì tôi chưa nghe và vào Google tìm mãi điều đó cũng không thấy. Và ngược lại, chính vì môi trường dân chủ đó có thể giúp cho họ phát huy được tối đa khả năng trí tuệ vốn có của họ, và bằng chứng là nhiều giáo sư và nhiều nhà lãnh đạo gốc Việt được thế giới tôn vinh và trọng dụng.
Vậy thì theo tôi, dân chủ đi trước, dân trí theo sau, hay dân chủ là khai trí, chứ không phải chờ có dân trí mới dám mở rộng dân chủ. Và một khi có dân trí sẽ có tất cả, có dân trí mới có dân khí, phát huy sức mạnh nội lực để bảo vệ vững chắc tổ quốc. Nếu không có dân trí sẽ hiểm họa khôn lường cho đất nước. Vì khi có dân trí thì dân tộc có đủ nhận thức phân biệt đúng sai, không dễ gì bị ai lôi kéo, kich động, hay mua chuộc gì cả. Khi đó một bộ phận lớn ngành an ninh sẽ có nhiều cơ hội và thời gian làm việc lớn cho đất nước. Và tránh những tổn thất kinh hoàng về mọi mặt như vụ biểu tình đập phá các nhà máy khắp nơi như vừa rồi. Dù bất cứ nguyên nhân và động cơ nào thì nguyên nhân chính vẫn là dân trí thấp.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"