Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Công giáo: Đồng minh hay Kẻ thù? (P.1)

Diên Vỹ chuyển ngữ
Trích dịch từ cuốn Việt Nam: Nhà nước, Chiến tranh và Cách mạng (1945-1946) của David G. Marr, NXB: University of California Press, 2013. Xem thêm những phần trong chương 7: Đối phó với Thành phần Đối lập trong nước:
Chương 7: Đối phó với Thành phần Đối lập trong nước
...

Công giáo: Đồng minh hay Kẻ thù?
Nhà thờ Công giáo và cộng đồng Giáo dân thiểu số Việt Nam đã tạo ra một thách thức khác biệt đối với Hồ Chí Minh và nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) so với các tổ chức chính trị đã đề cập ở phần trước. Đây là một cơ cấu tôn giáo lâu đời có quan hệ với Vatican và chế độ thực dân trước đấy, nhưng trong khi đó một nghìn tư linh mục cộng với vô số nhà lãnh đạo giáo dân đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những làn sóng yêu nước trong hai thập kỷ trước, và 1,6 triệu người theo đạo Công giáo (khoảng 8,5 phần trăm dân số Việt Nam năm 1945) sống trong các cộng đồng có qui củ tại nông thôn hoàn toàn có thể được huy động cho các mục tiêu chính trị và xã hội cụ thể. Trong những năm 1930, lần đầu tiên Toà thánh La Mã đã tấn phong ba linh mục người Việt vào chức giám mục. Giới trí thức Công giáo cũng hợp tác với trí thức ngoại đạo trong những dự án hiện đại hoá. Các tổ chức thanh niên Công giáo bùng nổ. Đến những năm đầu 1940, các nhà lãnh đạo thanh niên cũng như các linh mục trong các giáo phận thường xuyên rao giảng tính tương thích giữa tình yêu Chúa và yêu Tổ quốc. Dường như rất ít người Công giáo gia nhập các tổ chức Việt Minh, một phần vì tin đồn rằng Việt Minh bị những người cộng sản vô thần thống trị, và cũng vì nhiều người theo Việt Minh nhìn dân Công giáo bằng cặp mắt đầy nghi ngờ. Cơ chế tổ chức của nhà thờ đa phần vẫn nằm trong tay của một đại diện tông đồ người Pháp, mười một giám mục châu Âu và 330 linh mục Pháp.

Sau cuộc đảo chính của Nhật ngày 9 tháng Ba 1945, những người Công giáo lẫn ngoại đạo đã tổ chức những cuộc biểu tình và tuần hành yêu nước chống thực dân . Giới linh mục và nữ tu ngoại quốc thình lình bị đe doạ, mặc dù quân đội Nhật thường bảo vệ những ai sống trong khu vực thuộc căn cứ của họ, người Việt Công giáo nói chung đã có thể tự bảo vệ những tu sĩ nước ngoài vẫn còn nằm lại trong các giáo xứ ở tỉnh, các trại mồ côi hoặc các tu viện. Trong một trường hợp ngoại lệ, một đám đông đã xông vào cướp phá một trại mồ côi Công giáo tại Kẻ Số, Nam Định vào ngày 11 tháng Tám, bắt đi người đứng đầu hội truyền giáo Pháp là Cha Dupont và sau đó đã giết chết ông ta. Tại tỉnh láng giềng Ninh Bình, một nhóm thanh niên Công giáo do Cha Hoàng Quyền dẫn đầu đã lặng lẽ rút lên một đồn điền trung du sau khi Nhật đảo chính nhằm tổ chức, học quân sự, in ấn và phân tán truyền đơn yêu nước về đồng bằng. Sau khi nghe tin về điều khoản đầu hàng của Nhật, với vài khẩu súng trường, nhóm này đã hành quân về thị xã Phát Diệm vào ngày 20 tháng Tám để chiếm chính quyền, Cha Quỳnh đã gắn huy hiệu “Giám mục Việt Minh” cho giám mục địa phận là Cha Lê Hữu Từ trong tiếng reo hò của hàng nghìn người. Năm ngày sau, Văn Tiến Dũng, thành viên cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) trong khu vực đã tảng lờ nhóm quân của Quỳnh khi công bố danh sách hội đồng nhân dân cách mạng tỉnh Ninh Bình trong đó ông giữ chức chủ tịch. Tại Hà Nội, danh sách “Chính phủ Nhân dân Lâm thời” được công bố lần đầu tiên vào ngày 24 tháng Tám đã không có thành viên người Công giáo, nhưng danh sách nội các lâm thời VNDCCH công bố vào ngày 27 và 28 tháng Tám đã bao gồm Nguyễn Mạnh Hà, một cựu lãnh đạo thanh niên Công giáo và là người đứng đầu phòng Kinh tế Vụ Bắc Kỳ vào lúc Việt Minh chiếm chính quyền.
Chủ nhật ngày 2 tháng Chín, ngày mà Hồ Chí Minh chọn để tuyên bố Việt Nam độc lập và thành lập nước VNDCCH, lại trùng vào ngày “Thánh tử đạo Việt Nam” nhằm vinh danh những người đã chết vì đạo Công giáo, đặc biệt là trong giai đoạn thế kỷ Mười chín. Vào sáng sớm hôm đó, các nhà thờ tại Hà Nội chật ních người đi lễ. Với động thái nhằm chứng tỏ hậu thuẫn của công giáo Việt Nam với chính quyền mới, các linh mục đã dẫn giáo dân của mình qua các phố đến quảng trường đang tổ chức Ngày Lễ Độc lập. Cũng cùng ngày tại Sài Gòn, đã có những diễn tiến hoàn toàn khác khi có những phát súng nổ vào đám đông đang tụ tập mừng Lễ Độc lập tại quảng trường Norodom kế bên nhà thờ lớn. Một số người trong đám đông cho rằng đạn chắc chắn được bắn từ tầng trên của nhà dòng, nhắm vào đám đông để trả thù. Cha Tricoire, một linh mục râu dài của nhà tù vốn được nhiều cựu tù chính trị người Việt thầm tôn trọng, đã bị bắn khi ông đứng trước cửa chính của nhà dòng, và đã bị bỏ mặc cho ra máu đến chết trong vườn. Trong tuần lễ đầu của tháng Chín ở Huế, giới lãnh đạo ĐCSĐD đã giết chết Ngô Đình Khôi, một đại thần và thành viên gạo cội của dòng họ Công giáo Ngô Đình đầy thế lực. Em trai ông là Ngô Đình Thục, giám mục Vĩnh Long lúc ấy đang ở Hà Nội để gặp gỡ các thành viên của chính phủ mới. Nhưng một người em trai khác là Ngô Đình Diệm lại đang bị giam giữ ở ngoại ô Hà Nội (xem thêm ở dưới).
Khi những tin tức đáng quan tâm về những hành động hung hãn của quân Anh tại Sài Gòn truyền đến miền bắc và trung Việt Nam vào giữa tháng Chín, những người Công giáo đã cùng dân ngoại đạo tham gia các cuộc tuần hành phản đối. Giới Công giáo cũng đã lập ra những cuộc biểu tình riêng của họ vào Chủ nhật ngày 23 tháng Chín, nhằm đúng vào ngày chiến sự nổ ra tại Sài Gòn. Tại cuộc biểu tình tại Hà Nội, các linh mục đứng trước họ đạo trong giáo xứ dõng dạc bày tỏ tinh thần yêu nước cũng như niềm tin tưởng vào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại một cuộc biểu tình ở Huế, mọi người đều lắng nghe bản tuyên bố kêu gọi nam giới chuẩn bị ra trận và nữ giới đảm nhận vai trò tiếp tế và cứu thương, và cả hai phía đều bỏ qua những bất đồng trên tinh thần đoàn kết dân tộc. Nhưng rồi việc này lại kèm thêm điều kiện: “Tuy nhiên, đặc biệt đối với người Công giáo, chúng ta phải đóng góp dựa trên nền tảng Tôn giáo của mình. Những việc gì có nguồn gốc từ Đức Chúa Trời, chúng ta có thể làm ngay.” Khi cuộc biểu tình kết thúc, mọi người hô to, “Vì Chúa, vì Tổ quốc!” và “Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm!”
Cũng vào ngày 23 tháng Chín, Giám mục Nguyễn Bá Tòng, đại diện cho cả 4 giám mục người Việt, đã gửi một thông điệp đến Giáo hoàng Pius XII xin ông ban phước lành và cầu nguyện cho nền độc lập của Việt Nam, “vừa mới giành được và nhân dân chúng tôi sẽ ra sức gìn giữ bằng mọi giá.” Giám mục Tòng tìm cách chuyển hoá tầm quan trọng của ngày Thánh Tử Đạo 2 tháng Chín để trở thành một ngày trong đó “toàn thể người dân An Nam không phân biệt tôn giáo” bày tỏ lòng yêu nước của mình, và quyết tâm “bảo vệ chính quyền bằng máu của mình.” Thông điệp kết thúc bằng lời cầu xin giáo hoàng, toà thánh La Mã, các hồng y, các tổng giám mục, giám mục và giáo dân Thiên chúa trên toàn thế giới - đặc biệt là ở Pháp - “ủng hộ quyết định của đất nước dấu yêu của chúng tôi.” Chúng ta không biết được Giám mục Tòng có liên lạc với các thành viên của chính phủ VNDCCH trước khi gửi bức điện này hay không, nhưng chắc chắn là Hồ Chí Minh đã rất hài lòng với nội dung của nó. Dường như không một người nào trong số mười bốn giám mục ngoại quốc tại Việt Nam được tham vấn. Không cần phải thẩm định lòng yêu nước của Giám mục Tòng, chúng ta có thể mường tượng rằng vào thời điểm nhạy cảm ấy ông đã liên tục lo lắng về tình cảnh yếu thế của người Công giáo có thể bị người ngoại đạo tấn công, và quyết định rằng một cam kết rất công khai với Hồ Chí Minh và chính quyền mới là biện pháp bảo vệ tốt nhất đối với các tín đồ của ông đang sống rải rác trong nước. Sáu thập niên trước, người Công giáo từng trải qua những cuộc tàn sát khốc liệt khi quân Pháp tiến vào.
Từ đầu tháng Chín 1945, những tổ chức liên đới với Hội Cứu rỗi Quốc gia bắt đầu mọc lên, đôi khi do những tu sĩ địa phương và đôi khi do giới thanh niên giáo dân khởi xướng. Trước khởi nghĩa tháng Tám, Việt Minh từng đưa hội Công giáo vào trong thành phần mặt trận đoàn kết của mình, nhưng điều này có vẻ chỉ là ý tưởng chứ không là thực tế. Nguyên tắc được công bố của hội hầu như giống hệt nguyên tắc của những hội cứu rỗi quốc gia khác. Giờ đây nhiều hội đoàn thanh niên Công giáo trước đấy chỉ đơn giản thay đổi tên, thảo ra qui chế mới và xin phép chính quyền công nhận. Các báo Công giáo in lại "Mười Chính sách của Việt Minh" và những thông báo mới đưa ra. Lá cờ quốc gia mới đôi khi được phủ trên ngưỡng cửa chính của nhà thờ, và bên trong giăng những khẩu hiệu Việt Minh. Các giáo sĩ người Pháp hoảng sợ nhưng không dám phản đối. Giới lãnh đạo chính quyền VNDCCH hẳn đã rất hài lòng với việc những người Công giáo ngã về hướng quốc gia, vào thời điểm mà chính quyền lâm thời đang tuyệt vọng ra sức biểu dương tính chính danh của mình trước lực lượng đồng minh đang tiến vào. Mặt khác, các nhà lãnh đạo ĐCSĐD có thể đã lo lắng khi thấy Công giáo liên kết với Việt Minh nhưng lại không có thành phần đảng viên, điều này đã vi phạm nguyên tắc "mặt trận đoàn kết từ dưới lên" được đưa ra từ năm 1941.

Trang bìa báo Đa Minh số 150 (1 Tháng Mười một 1945): Bản đồ La Mã và Việt Nam được đặt cạnh nhau, cờ Vatican và VNDCCH cùng bay, và kêu gọi người đọc mến Chúa yêu Tổ quốc. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam
Một tờ báo bán nguyệt san Công giáo xuất bản tại Nam Định đã chuyển tải tinh thần hưng phấn nổi bật xảy ra vào cuối năm 1945. Với tựa đề Đa Minh (Dominican), tờ báo đã được phát hành từ nama 1939 dưới sự bảo trợ của giám xứ Bùi Chu là Giám mục Hồ Ngọc Cẩn. Trên trang bìa số ra ngày 1 tháng Chín đăng hình một cây nến thắp sáng và những từ "VIETNAM độc lập". Trang bìa của số kế tiếp đăng một lá cờ Việt Minh - VNDCCH lớn và câu khẩu hiệu "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà Muôn Năm!!!" Bên trong có một bài viết nhắc lại quá khứ đẫm máu mà người Công giáo phải chịu đựng tại Việt Nam. Bìa báo ngày 1 tháng Mười một vẽ một bản đồ thu gọn nhiều lần để làm La Mã và VNDCCH nằm gần nhau, một cột cờ với hai lá cờ Vatican và VNCDCH bay bên nhau, và một chiếc lư thờ lớn với hương khói đang toả lên. Bên dưới là câu khẩu hiệu: "Mến Thiên Chúa - Yêu Tổ Quốc". Có những bài báo biện minh cho việc người Công giáo tham gia vào "mặt trận tổ quốc," một bài tiểu sử của vị tân giám xứ Phát Diệm, Giám mục Lê Hữu Từ, và kể tiếp câu chuyện người Công giáo bị đàn áp ngày xưa. Những thông tin liên quan đến Việt Minh giảm đi trong những số kế tiếp. Trang bìa của số báo Giáng sinh đăng hình một ngôi sao sáng, nhằm đại diện cho ngôi sao Bethlehem lẫn ngôi sao trên lá cờ VNDCCH, cùng với một bài giảng về sức mạnh cứu rỗi từ việc Chúa ra đời và khát vọng cho hoà bình từ tăm tối và thắc mắc. Bên trong là một lời kêu gọi thống thiết cho tình đoàn kết lương giáo, và một thông báo ngắn ngủi của Sở Công an Nam Định rằng những cáo buộc về việc các nhà truyền giáo ngoại quốc đầu độc người dân đã được điều tra và không thấy đủ bằng cớ - thật thế, chắc chắn chúng chỉ là những đồn đãi do những kẻ phản quốc loan truyền.
Việc chính thức bổ nhiệm Lê Hữu Từ làm giám mục giáo xứ Phát Diệm ngày 29 tháng Mười đã tạo một cơ hội hiếm hoi để nhà thờ và chính quyền gặp nhau, chia xẻ quan tâm và rút ra bài học cho tương lai. Giám mục Tòng và Giám mục Cẩn làm chủ lễ bổ nhiệm Từ, với sự đồng lòng của các linh mục từ mười giáo phận, từ Lạng Sơn đến Huế. Không có một giám mục ngoại quốc nào hiện diện. Phái đoàn của chính phủ VNDCCH do Cố vấn Tối cao Vình Thụy dẫn đầu và bao gồm Võ Nguyên Giáp (bộ trưởng nội vụ), Phạm Văn Đồng (bộ trưởng tài chính) và Nguyễn Mạnh Hà (bộ trưởng kinh tế và là một giáo dân có vai vế) - rõ ràng là một động thái nổi bật của chính phủ trong việc thừa nhận và quan tâm. Lá thư chúc mừng Giám mục Từ của Hồ Chí Minh bày tỏ mối tin tưởng rằng ông sẽ lãnh đạo đồng bào Công giáo của mình noi gương hi sinh của Chúa, và "đấu tranh bảo vệ quyền Tự do và Độc lập của quốc gia." Hồ Chí Minh cũng mời Giám mục Từ vào chức cố vấn tối cao cùng với cựu hoàng Bảo Đại. Trong buổi tiệc trưa, Giám mục Từ được cho là đã nghiêng người sang đề nghị với Bảo Đại những đề xuất chính trị của mình. Sau khi Bảo Đại thở dài và nói rằng ông không có thực quyền, Giám mục Từ trả lời thẳng thừng, "Vậy thì ông quá tệ." Giám mục Từ tỏ vẻ kiên quyết về chính trị, cả trong tôn giáo lẫn ngoài đời.
Cũng trong cùng bữa tiệc ấy, Giám mục Từ đã nói với Nguyễn Mạnh Hà rằng ông đã đồng ý với đề nghị của Phạm Văn Đồng để tham gia Hội Cứu rỗi Quốc gia của Việt Minh. Hà kêu gọi Giám mục Từ nên cân nhắc lại hành động này vì nó bị người Công giáo phản đối khắp nơi, do đó sẽ tạo ra chia rẽ trong thời điểm vô cùng nhạy cảm này. Khi Giám mục Từ trả lời rằng ông không thể rút lời được, Hà đề nghị ông nên phát động một tổ chức độc lập mới. Trong buổi thảo luận trưa hôm ấy, khi một số đại diện các nhà thờ khác nhấn mạnh rằng Hội Cứu rỗi Quốc gia không nên hợp nhất hoàn toàn với Việt Minh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp bèn chấp nhận rằng hội này có thể giữ nguyên cơ cấu song song và đối tác ngang hàng với giới lãnh đạo Việt Minh ở mỗi cấp. Công thức "mặt trận đoàn kết từ phía trên" này đã được ghi nhận rõ ràng trong những giấy phép do Đồng ký tên đại diện cho Việt Minh lẫn chính phủ. Buổi trưa kết thúc với một cuộc diễn hành lớn tại sân vận động Phát Diệm, với cả những băng rôn yêu nước và hô khẩu hiệu.
Mãi đến tối hôm ấy Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp mới biết được kế hoạch thành lập một tổ chức khác với tên Liên đoàn Công giáo Việt Nam, mang tính "tôn giáo" hơn Hội Cứu rỗi Quốc gia, và chịu sự quản lý của nhà thờ nhiều hơn. Được biết là Đồng và Giáp đã rất giận dữ với Giám mục Từ, và họ đã không thèm nói chuyện với Nguyễn Mạnh Hà trong cả tuần. Ít nhất họ cũng hài lòng rằng các giám mục người Việt đã gửi một thông điệp đến Vatican, London và Washington, kêu gọi giáo dân trên toàn thế giới hỗ trợ "đất nước chúng tôi đang bị chiếm đóng và những người dân, được thúc đẩy bởi lòng yêu nước thuần thành, đang bị thảm sát trên chiến trường." Sáu tuần sau tại Huế, đại diện toà thánh từ Indonesia, Tổng Giám mục Drapier đã giải thể Liên đoàn Công giáo vừa thành lập tại Phát Diệm và ban hành một qui chế tạm thời của ông để thành lập một tổ chức khác với cùng tên gọi. Cũng cùng khoảng thời gian này, một tổ chức thứ ba mang tên Quốc gia Công giáo thông báo thành lập và tiến tới lên án chủ nghĩa cộng sản vô thần cũng như lên tiếng ủng hộ đề nghị của Việt Nam Quốc dân Đảng thành lập một mặt trận quốc gia chống Việt Minh. Từ giữa tháng Mười hai, lại có thêm một nhóm khác xuất bản tờ Hồn Công Giáo, một tờ báo bí mật từ Hà Nội trong đó chủ yếu dồn những chỉ trích đến những người Công giáo nào tham gia Hội Cứu rỗi Quốc gia, đồng thời cũng lên án hội Quốc gia Công giáo là đã đứng về phe của Việt Nam Quốc dân Đảng. Hồn Công Giáo khẳng định rằng Việt Minh đã dựa vào phát xít Nhật để chiếm quyền lực, cảnh cáo giáo dân rằng Vatican đã cấm họ đi về phe cộng sản, và tuyên bố rằng Giám mục Ngô ĐìnhThục và em là Ngô Đình Diệm đã bị Việt Minh bắt giữ. Cả tờ Hồn Công Giáo lẫn tờ Việt Nam đã đăng cụ thể những trường hợp các linh mục bị bắt giữ và cờ Vatican bị xé bỏ, đặc biệt là tại miền trung Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến cuối năm 1945 hầu hết người Công giáo đều có vẻ nhiệt tình ủng hộ Hồ Chí Minh và chính phủ VNDCCH trong khi vẫn e ngại về Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) cũng như thái độ chống Công giáo của những người theo Việt Minh. Những người Công giáo yêu nước cảm thấy xấu hổ khi Tổng Cao uỷ Đông Dương, Đề đốc d’Argenlieu từng là một tu sĩ dòng Carmelite trước khi phục vụ Tướng de Gaulle vào năm 1940. Trước lễ Giáng sinh, với sự cho phép của Giám mục Hồ Ngọc Cẩn, một buổi mít tinh và diễn hành lớn nhằm ủng hộ chính quyền đã được tổ chức tại giáo phận Bùi Chu với chuông nhà thờ ngân vang và hang nghìn người vũ trang diễn hành qua lễ đài. Một nhà báo Việt Minh đã đặc biệt bất ngờ khi trông thấy một đơn vị nữ vũ trang, và đã ca ngợi họ dám từ bỏ mái ấm quê nhà để bảo vệ đất nước. Ở Huế, một nhà văn đã viết bài ca ngợi lễ Giáng sinh độc lập đầu tiên sau suốt tám mươi năm bị Pháp xúi dục hai bên lương giáo chống nhau, người dân giờ đây có thể noi gương hi sinh của Chúa để đem lại tự do, độc lập và hoà bình cho nhân loại. Cuộc bầu cử Quốc hội sắp đến đã khiến cho một số giáo phận tiến cử các linh mục hoặc những người đứng đầu họ đạo vào danh sách tranh cử, và chỉ đạo cho giáo dân thể thức đi bầu. Giám mục Lê Hữu Từ phát hành một bức thư mục vụ về cuộc bầu cử- tầm quan trọng chính trị của nó, sự cần thiết phải có những đại biểu Công giáo có tài, giá trị chiến thuật trong việc thành lập một giáo khu với những người ngoại đạo đáng tin cẩn, và sự cần thiết trong việc hướng dẫn giáo dân không được bầu cho ai khác. Ông tiên đoán rằng các đại biểu chống Công giáo tại Quốc hội sẽ thảo ra những luật lệ gây bất lợi cho tôn giáo , đạo đức, hoặc quyền sở hữu tài sản của nhà thờ, vì thế điều quan trọng là giới Công giáo thiểu số phải biết tạo dựng một liên minh đối với những vấn đề quan yếu.Tại Ninh Bình, có bốn người Công giáo, dẫn đầu là Cha Phạm Ngọc Chi và có cả Ngô Tử Hạ, chủ một nhà in lớn tại Hà Nội đã tham gia ứng cử vào cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6 tháng Giêng 1946. Các nhân viên bầu cử tuyên bố chỉ có Hạ thắng cử và Việt Minh thắng ba ghế còn lại. Giám mục Từ đã gửi ngay điện tín đến chính quyền trung ương tố cáo nạn gian lận bầu cử và doạ sẽ tổ chức một cuộc biểu tình phản đối. Chính quyền nhanh chóng trả lời rằng một số phiếu bầu đã bị vô tình đánh mất và thật ra thì Cha Chi cũng thắng cử. Cảm thấy câu trả lời không thành thực, Giám mục Từ quyết định rằng Cha Chi không nên tham gia Quốc hội. Ba linh mục Công giáo từ những tỉnh khác cũng đã thắng cử vào Quốc hội, và Ngô Tử Hạ được vinh dự làm chủ trì phiên họp quốc hội ngày 2 tháng Ba. Không có ai trong số năm ứng cử viên Công giáo tại Hà Nội thắng cử. Rõ ràng Giám mục Từ và những người lãnh đạo Công giáo khác đã kỳ vọng rằng Quốc hội sẽ đóng vai trò chuyển hướng trong nền chính trị VNDCCH, phân cách được chuẩn mực cộng sản và cai trị độc tài. Những kỳ vọng của họ với Quốc hội mau chóng bị xoá bỏ, và những ngờ vực về sự tráo trở của cộng sản càng được củng cố.
Vào cuối tháng Giêng, Hồ Chí Minh bất ngờ đi Phát Diệm để thông qua việc bổ nhiệm Giám mục Lê Hữu từ làm cố vấn tối cao cho chính quyền VNDCCH. Người gác cổng già của tu viện chạy vào báo với vị giám mục rằng "một ông già đội nón cối chống gậy, mặc áo bốn túi muốn vào gặp Đức ông." Không hề lúng túng trước cuộc viếng thăm đầy bất ngờ của vị chủ tịch nhà nước lâm thời, Từ nói chuyện với Hồ suốt một giờ trong khi phụ tá của ông lo thu xếp lễ tiếp tân chính thức, trong buổi tiệc Hồ kết thúc phát biểu của mình bằng cách hướng dẫn các linh mục hô to ba lần "Đức Chúa vạn tuế!" Sau đấy mọi người tụ tập đến nhà hát của thị xã, nơi các học sinh trường dòng và đoàn thiếu niên hát hò ca ngợi Hồ Chủ tịch và chính quyền. Hồ đặt tay lên vai Giám mục Từ và khuyến khích mọi người có mặt bày tỏ quan tâm của họ đến vị cố vấn tối cao để cùng tìm ra giải pháp. Theo lời một nhân chứng, "Hồ Chí Minh, với quần áo giản dị, giọng nói quả quyết và cử chỉ thân thiện đã chuyển hoá được cử toạ." Một số cụ già đã bật khóc khi được Hồ bắt tay thăm hỏi sức khoẻ. Chỉ trong vài ngày, Giám mục từ đã được gọi là Đức Cố Vấn và người ta sáng tác bài hát để ca ngợi chức vụ của ông.
Mối quan hệ cá nhân giữa Hồ Chủ tịch và Giám mục Từ đã giúp ích cho cả chính phủ lẫn người Việt Công giáo. Chính quyền VNDCCH cần hơn hết việc không cho chính giới Pháp cơ hội sử dụng vấn đề Công giáo làm lý do để can thiệp toàn phần vào Việt Nam. Mối quan hệ ấm cúng với giới tu sĩ Công giáo Việt Nam giúp nâng cao hình ảnh ôn hoà của Hồ ở trong và ngoài nước. Việc nhà thờ ủng hộ chính quyền VNDCCH cũng khiến giới Công giáo địa phương không hợp tác với lực lượng Pháp đang tiến vào. Nhà thờ cũng dùng quyền lực và danh tiếng của Hồ như là một vận cản chống lại áp lực từ ĐCSĐD và Tổng bộ Việt Minh đang muốn bắt họ tuân phục trong các vấn đề tư tưởng, an ninh, tổ chức và tài chính. Hai giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm tiếp tục thu thập vũ khí và huấn luyện các đội dân quân nghĩa binh mà không bị các quan chức VNDCCH can thiệp. Người Công giáo ở những nơi khác ít được bảo vệ hơn, mặc dù các chi nhánh của Liên đoàn Công giáo được thành lập tại nhiều tỉnh như là một tổ chức không chính thức thay thế các nhóm của Hội Cứu rỗi Quốc gia. Đa số những nỗ lực tịch thu tài sản của nhà thờ có vẻ đã bị ngăn chặn bởi lệnh từ trên xuống.
Giám mục Từ đóng vai trò cố vấn tối cao của mình một cách nghiêm túc, ông chuyển gửi những khiếu nại, ý kiến và đề xuất của công dân lên văn phòng chủ tịch tại Hà Nội. Sau sự kiện Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng Ba 1946, Giám mục Từ đã đi Hà Nội phê phán Hồ Chủ tịch việc đã nhượng bộ quá nhiều cho người Pháp. Được biết là Hồ đã trả lời: "Vận mệnh của chúng ta trong lúc này là phải quì xuống để tiến đến độc lập. Xin hãy tin tưởng vào tôi." Giám mục Từ vẫn nghi ngại và thật ra đã gửi người đến để trao đổi với lực lượng Quốc gia đối lập, nhưng cũng không tìm được một giải pháp nào khác ở họ. Với việc Hồ đi Pháp vào cuối tháng Năm, tầm ảnh hưởng của Giám mục Từ đối với chính phủ đã giảm đi rõ rệt.
(còn tiếp)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"