Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Từ bờ bên kia

Đặng Ngữ

Cu-huy-ha-vu 
Cù Huy Hà Vũ được tự do. Anh đến Mỹ để chữa bệnh. Căn bệnh mà anh mắc phải kể từ ngày bị (hoặc được) trùm hai bao cao su. Ngón tay anh giơ lên hình chữ V – chiến thắng. Chiến thắng cái gì? Chỉ mình anh biết. Cũng có thể những người ủng hộ anh hiểu ý nghĩa của chữ V đấy.
Ông Cù Huy Hà Vũ và vợ  đến Mỹ. Nguồn: EDLC & BPSOS
Ông Cù Huy Hà Vũ và vợ đến Mỹ. Nguồn: EDLC & BPSOS
Tôi mừng cho anh. Mừng cho vợ anh. Mừng cho gia đình anh và cho cả những người thân của anh.
Có một khoảng cách xa vời vợi để so sánh Cù Huy Hà Vũ với những Nelson Mandela hay Aung San Suu Kyi. Nhưng trong cơn tuyệt vọng người ta có khuynh hướng nhân lên gấp nhiều lần những hi vọng về anh.
Khi nhìn những bước chân của Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi bước chân ra khỏi nhà tù, không chữ V, không biểu tượng chiến thắng nhưng tôi thấy những bước chân ấy bước đường hoàng tự do. Cả thế giới đã run rẩy lên đầy cảm xúc trước cảnh tượng đó.

Những bước chân khi Cù Huy Hà Vũ đặt chân lên đất Mỹ chẳng có gì giống như thế. Điều gì đã khiến Aung San Suu Kyi trở thành lãnh tụ của đất nước Burma (cách bà gọi tên đất nước mình) sau sáu năm bị quản thúc tại gia. Bởi vì bà xứng đáng với nhân dân mình. Bà luôn rõ ràng và nhất quán về những vấn đề tự do và dân chủ. Aung San đã từ chối để không bị mua chuộc, đổi sự im lặng để lấy sự tự do lưu vong. Aung San không chỉ nói lên tiếng nói vì công bằng và tự do cho đất nước mình mà còn cho tất cả những ai muốn được tự do lựa chọn lấy định mệnh của mình.
Cù Huy Hà Vũ đồng ý đến Mỹ, cũng đồng nghĩa anh chấp nhận đánh đổi tự do lựa chọn lấy định mệnh của mình. Không ai có quyền trách anh về điều đấy.
Con đường phía trước sẽ cần đến những con người có tầm cỡ, những người sẵn lòng dàn xếp vì sự tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người chứ không phải những kẻ ngoan cố có thái độ muốn dành tất cả hoặc không có gì. Nhưng con đường phía trước cũng rất cần những người chính trực, những người không đánh đổi niềm tin chính trị bằng bất cứ một sự thỏa hiệp nào. Đó là thực tiễn chính trị.
Cù Huy Hà Vũ chắc chắn không đạt đến tầm cỡ ấy. Nhà tù không thể treo cổ được niềm tin. Nhưng chính trị lưu vong đôi khi lại làm tốt nhiệm vụ của tên đao phủ. Ở các xã hội khác, người ta không bao giờ coi một người sinh sống ở nước ngoài là những kẻ bỏ chạy hay phản bội. Nhưng ở Việt Nam chẳng có gì giống như thế cả. Không có truyền thống tự do cá nhân như phương Tây, lại bị các truyền thống cổ hủ đè nén, người dân có khuynh hướng xem những người di cư ra nước ngoài là những người bỏ chạy. Chính trị phương Đông luôn mang tính biểu tượng. Cù Huy Hà Vũ không rõ có nhận thức được thực tế này chăng?
Những tiếng nói từ bên ngoài hiếm khi lọt qua biên giới để đến với người dân trong nước. Mà nếu có thì cường độ đã giảm đi rất nhiều khiến chúng trở thành những lời thì thầm, bóng gió. Mong anh không lọt thỏm và mất hút vào “lỗ đen” chính trị lưu vong. Hay ít ra anh – khởi đầu cho một trào lưu chính trị lưu vong khác với những gì mà chúng ta chứng kiến trong thực tế – dấu hiệu của một cuộc thay đổi đang đến gần.
Đã đến lúc những người lưu vong chính trị phải giới thiệu một Việt Nam thật với thế giới văn minh.
Thế giới văn mình thật ra không biết gì nhiều về chúng ta ngoài chính quyền đang trị vì. Cù Huy Hà Vũ sẽ ở Mỹ một thời gian hoặc sẽ ở lại đấy mãi mãi. Cá nhân tôi hy vọng anh thuộc về một thiểu số đầy năng động bị truy đuổi nhưng không thể bị quật ngã.
Nhưng hãy quên ngay bóng dáng Aung San Suu Kyi lẫn khuất gần Cù Huy Hà Vũ
Sài Gòn, 09/04/2014

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"