Kính Hòa, phóng viên RFA
Quang cảnh phía ngoài cửa khẩu Bắc Phong Sinh hôm 18/4/2014
Vì lý do “nhạy cảm”, đôi khi truyền thông chính thống của nhà nước
Việt nam không loan tải những gì thực sự xảy ra, thậm chí có khi còn
viết khác đi. Hai câu chuyện minh chứng trong tháng tư này là chuyện
những người Duy Ngô Nhĩ ở biên giới phí Bắc, và câu chuyện Cà phê nhân
quyền ở Nha Trang.
Tin quốc gia
Trung tuần tháng tư 2014, một tin đặc biệt được loan tải trong vài
ngày, gây chú ý nhiều trên báo chí “chính thống” ở Việt nam. Đó là
chuyện 16 người Trung quốc vượt biên trái phép vào Việt nam, khi bị cơ
quan công quyền Việt nam giao trả về Trung quốc thì họ đã cướp súng bắn
chết hai bộ đội biên phòng Việt nam. Một chi tiết đặc biệt trong sự kiện
này là những người nhập cảnh trái phép này là những người thuộc sắc tộc
Duy Ngô Nhĩ, đến từ vùng tự trị Tân Cương miền Bắc Trung quốc. Nhưng
chi tiết đặc biệt này không được một tờ báo nào đưa ra, một việc mà
truyền thông phải làm để báo cho mọi người biết là có điều gì khác biệt
trong sự kiện ấy.
Tin đặc biệt này khi được truyền thông nước ngoài đưa lại từ Bắc
Kinh hay Hà nội thì ghi rằng căn cứ vào sắc phục và nhân dạng của những
bức ảnh chụp được thì họ là những người Duy Ngô Nhĩ, khác xa những người
Hán đa số ở Trung quốc. Nhưng báo chí Việt nam thì không đưa như thế,
mặc dù chính họ đã chụp những bức ảnh thể hiện rõ phụ nữ Hồi giáo che
mặt, nét Âu Á trong gương mặt những người đàn ông.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh, từng là nhà báo kỳ cựu của tờ Thanh niên cho chúng tôi biết về việc đưa tin này:
“Lúc đầu thì các báo có đưa là những người Tân cương nhập cảnh
trái phép, rồi có liên quan đến bạo động gì đó rồi sau đó có lẽ là được
nhắc nhở nên họ sửa thành người Trung quốc hết.”
Một nhà báo về hưu ở Đà Nẵng nói rằng ông không lạ về cách đưa tin
như vậy của truyền thông Việt nam. Ông nói thêm rằng khi thấy những bức
hình ông rất xúc động vì thấy rằng từ Tân Cương tới Việt nam là cả ngàn
dặm đường, những con người ấy phải bị một cái bức bách cùng quẫn lắm nên
mới phải đi như vậy. Ông rất mong là tin về những người Tân Cương phải
được nổi lên. Nhưng theo ông Huỳnh Ngọc Chênh thì chuyện đó là nhạy cảm
vì nó có liên quan đến Trung quốc.
“Nói chung những vấn đề có liên quan đến Trung quốc là những vấn
đề nhạy cảm. Khi đưa tin phải xin ý kiến từ bên trên. Hầu hết những vấn
đề đó thì phải đưa theo thông tấn xã chứ không đưa theo tin mình có.
Liên quan đến Trung quốc là như vậy, mà Tân cương thì nhạy cảm hơn nữa
nên phải có sự chỉ đạo từ bên trên.”
Tin địa phương
Các thành viên thuộc Mạng lưới Blogger Việt Nam
đã tổ chức buổi Cafe Nhân quyền lần thứ nhất tại Cafe Starbucks Sài Gòn
hôm 28/2/2014.
Tin về người Tân Cương là tin quan trọng trên bình diện quốc gia.
Trong cùng thời gian đó, một sự kiện diễn ra ở Nha Trang, cũng được báo
chí chính thống đưa tin. Lần này là báo địa phương của tỉnh Khánh Hòa.
Một số bloggers trong đó có Paulo Thành Nguyễn, Mẹ Nấm, khách mời
thì có chị Trần Thị Tâm và Ngô Thị Ánh Tuyết là vợ và chị của anh Ngô
Thanh Kiều bị công an dùng nhục hình đánh chết ở Phú Yên. Mục đích của
các bloggers, như họ thông báo một cách công khai là muốn cải thiện tình
trạng vi phạm nhân quyền, sử dụng bạo lực của lực lượng trị an.
Mấy bloggers bị bắt ngay trước khi họ gặp hai chị Tâm và Tuyết tại
một quán cà phê tại Nha Trang. Họ được trả tự do vài giờ sau đó, nhưng
cuộc gặp mặt đã không diễn ra.
Những tin tức loại này thường thì không được báo chí chính thống đưa
tin. Nhưng lần này lại được báo Khánh Hòa loan tải. Báo này loan tải
rằng ba bloggers đã hứa với chị Tâm và chị Tuyết sẽ giúp đỡ tiền bạc,
mua bò cho họ, nhưng trong buổi họp thì chỉ đọc những văn bản khó hiểu
mà không có tiền. Điều này dẫn đến xô xát và đó là lý do mà ba bloggers
bị cầm giữ trong vài giờ. Báo Khánh Hòa loan tin như thế.
Chúng tôi nói chuyện được với chị Tuyết. Chị cho biết:
“Thưa anh họ nói sai sự thật. Họ nói rằng em với lại Tâm vô đó
nghe những cái chuyện khó hiểu, nhưng mà thực chất thì tụi em chưa gặp
những người này mà chỉ mới gặp Thành và được Thành mời ăn sáng thì công
an bắt những người này hết rồi, chưa kịp nói kịp thảo luận cái gì hết.
Người ta nói em với lại Tâm gây gỗ là một chuyện sai sự thật hoàn toàn.
Em đang viết đơn kiện đây anh.”
Chị Tuyết cho biết thêm là số tiền mà báo Khánh Hòa đề cập là số
tiền mà các bloggers chi ra để trả chi phí đi lại cho hai chị Tuyết và
Tâm.
Các bloggers trong cuộc cũng đã làm rõ vấn đề bằng cách đưa đoạn ghi âm với chị Tâm lên mạng Internet.
Hai trường hợi vừa nêu một lần nữa cho thấy cách thức đưa tin của
báo chí chính thống của nhà nước mà cư dân Internet gọi là “truyền thông
lề phải.”