Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Quyền của người Việt ở Campuchia còn bị lạm dụng rất nhiều

Abby Seiff và Cheng Sokhorng từ Kandal

Nhà thuyền của ngư dân gốc Việt sống ngay bên cạnh Phnom Penh (Ảnh: Abby Seiff)
Sau một đời ở Campuchia, tờ carnet de residence tả tơi có ghi tên tiếng Việt là giấy tờ duy nhất mà Nguyễn Thị Kim 41 tuổi có. Mặc dù chị, bố mẹ chị, và các con chị sinh ở Campuchia, không có người nào có giấy tờ hợp pháp trong nước này.
“Chúng tôi không có thẻ căn cước vì không ai cấp cho chúng tôi”, chị vừa nói vừa nhún vai. “Có thể chưa đến phiên chúng tôi?”
Trong lúc chị Kim nói, cháu bé gái con chị bò quanh cái thềm có bóng mát, nơi chị và 5 người con cùng một số dâu rể trong nhà thường ngồi tránh nắng. Trước mặt họ là bờ sông Mêkông đầy bụi bặm dẫn đến một vài chục ngôi nhà thuyền đang có nguy cơ bị sập.
“Khi nước dâng lên, chúng tôi gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Tôi thật sự thích sống trên đất liền hơn, nhưng không thể vì không có tiền”, chị Kim nói.

Người Việt là dân tộc thiểu số lớn nhất ở Campuchia nhưng do luật nhập cư được thực thi kém khiến cho các gia đình như gia đình chị Kim sống trong tình trạng lấp lửng qua nhiều đời và thậm chí không được hưởng các quyền cơ bản nhất.
Không có thẻ căn cước hay giấy khai sinh, không người nào trong gia đình được đi học, khiến cho cộng đồng này bị cô lập và hết sức nghèo khổ qua nhiều thế hệ. Không có giấy tờ, họ không có quyền sở hữu đất, nên không được bồi thường khi bị thu hồi đất. Và do không rành tiếng Khmer (cả gia đình được phỏng vấn bằng tiếng Việt thông qua một thông dịch viên), họ không có cách nào để khiếu nại về những khoản tiền đút lót mà họ thường xuyên bị bắt nộp.
“Chúng tôi từng sống ở bên đó”, Nguyễn Thị Thi, em dâu chị Kim, vừa nói vừa chỉ tay về phía một bán đảo nằm ở giữa Phnom Penh và tỉnh Kandal, tại đây có thể nhìn thấy một khách sạn lớn đang xây dở dang.
“Họ muốn xây khách sạn, vì thế họ dùng vũ lực đuổi chúng tôi đi và bắt chúng tôi sống ở đây. Hiện nay họ thường đến đòi tiền hối lộ”.
Hiện nay, cộng đồng này sống chen chúc trong một khu nhà thuyền, nằm cách bến phà Phnom Penh vài mét. Nước ở đó bẩn thỉu, được dùng để tắm rửa, làm ước uống và rửa cá. Trẻ em bị mắc bệnh tiêu chảy và các bệnh về da; đôi khi còn mắc các bệnh nặng hơn.
“Có, có trẻ con bị chết đuối”, chị Kim vừa kể vừa liếc nhìn một người bạn gần đó. “Con gái của chị ấy bị chết. Chị ấy ra chợ bán đồ và đứa con bốn tuổi của chị ấy rơi xuống nước và chết đuối”.
Khi xảy ra lũ, đẩy các nhà thuyền có lỗ thủng lên cao trên bờ sông Mêkông, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe và khiến cho nghề đánh bắt cá trở thành một nghề nguy hiểm, nhưng không có tổ chức nào trợ giúp các gia đình này.
“Nước lũ có thể rất lớn. Và khi xảy ra lũ, chúng tôi không được trợ giúp khẩn cấp hay được cấp gạo, vì thế rất khó khăn”, chị Kim nói.
Khó có được số liệu chính xác về số người Việt ở Campuchia, chính xác là vì có rất nhiều người chưa bao giờ có giấy tờ chứng minh, nhưng theo CIA World Factbook người Việt chiếm 5% trong số 15,5 triệu dân Campuchia hay khoảng 775.000 người.
Không rõ có bao nhiêu trong số này là người nhập cư bất hợp pháp, nhập cư hợp pháp hay công dân. Cũng không rõ có bao nhiêu người không biết nói tiếng Khmer và bao nhiêu người không nói được tiếng Việt. Nhưng trong nhiều thập niên qua, thiếu số liệu chính xác như thế đã khiến cho họ bị lạm dụng quyền, bị phân biệt đối xử và bị trách oan.
“Hành pháp ở campuchia kém. Nếu chính quyền làm đúng luật quốc tịch và nhập cư, sẽ phân tích được lai lịch của họ và biết được ai đã sống ở đây lâu rồi và ai vừa mới đến, và bắt họ làm đơn xin nhập tịch hay cư trú”, Ang Chanrith, giám đốc điều hành Tổ chức Quyền Dân tộc thiểu số, phát biểu.
Do không có giấy tờ hợp lệ, ngay cả các gia đình sống ở Campuchia qua nhiều thế hệ cũng có ít quyền lợi hơn những người Khmer láng giềng. Không có giấy công nhận quyền công dân, “họ không có quyền đi học, quyền bỏ phiếu, quyền tham gia hoạt động xã hội”, Chanrith nói. “Họ không thể tìm được việc làm, họ không thể thuê nhà, họ không thể đưa con đến trường được, vì các cơ quan nhà nước cần xem thẻ căn cước trước khi cho họ vào, và các công ty tư nhân cũng vậy”.
Đối với các gia đình như gia đình chị Kim và chị Thi, họ quá nghèo và không có trình độ học vấn để làm việc trong khu vực nhà nước, những vấn đề này còn có thể bàn cãi được. Nhưng đối với những người có cơ hội hòa nhập hơn một chút, vấn đề này rất dễ thấy.
Lý Yong Thanh, 65 tuổi, thấy rõ những rào cản như thế. Mặc dù nói mình ít bị phân biệt đối xử một cách công khai vì sắc tộc, ông từng chứng kiến cảnh nhiều người không thể vào các cơ quan.
“Con chúng tôi có đứa làm công nhân xây dựng, có đứa làm ở các trang trại”, ông nói bằng tiếng Khmer. “Nếu có thẻ căn cước, con chúng tôi sẽ có việc làm tốt hơn nhưng anh cần có nhiều tiền mới làm được mà chúng tôi thì nghèo”.
Mặc dù cả bảy người con của ông đều được đi học, nhờ quan chức trong làng làm việc tương đối lỏng lẻo, chỉ có một người làm việc văn phòng. Người con gái đó chỉ được nhận vào làm việc sau khi chú của cô trả tiền làm thẻ căn cước.
Làm thẻ căn cước thường phải trả khoảng 100 Mỹ kim; gia đình này bị đòi tới 400 Mỹ kim một thẻ.
“Họ nói một thẻ mất khoảng 400-500 Mỹ kim do chúng tôi phải làm thẻ không chính thức. Tôi không biết tại sao chúng tôi lại không thể làm thẻ theo cách chính thức. Tôi chỉ nghe nói là vì chúng tôi là người Việt, vì thế họ không chịu làm thẻ cho chúng tôi”, vợ ông Yong Thanh là bà Nguyễn Ty Hiew nói. “Tôi sinh ra gần sông Tonle Sap. Ngay cả bố mẹ và ông bà tôi cũng sinh ra tại đó … về làm thẻ căn cước, tôi không biết sao lại khó khăn thế”.
Được học hành và hòa nhập vào xã hội Campuchia nhiều hơn nhiều người trong làng, gia đình này có được những gì pháp luật dành cho họ sớm hơn. Nhưng không có thẻ căn cước, nhiều thứ lại khó khăn hơn một chút.
Khi Yong Thanh sang Việt Nam chữa bệnh, ông phải mang theo thư của bác sĩ để được phép vào nước.
“Trở lại Campuchia thì tốt, nhưng khi tôi muốn qua biên giới mà không có thẻ căn cước quả là rất khó”, ông nói.
Cho con đi học trong làng có đa số người Việt này thì ổn, “nhưng nếu chúng tôi đến thành phố, chúng tôi sẽ gặp vấn đề”.
“Chúng tôi không có quyền sở hữu đất và ngay cả khi chúng tôi muốn cập nhật sổ gia đình, họ không chịu làm”, Ty Hiew ám chỉ thẻ cư trú liệt kê tất cả các thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, thiếu giấy tờ có thể làm cho các gia đình như gia đình bà bị buộc tội nhập cư bất hợp pháp. Hầu hết người Việt ở Campuchia rất là nghèo, họ sống trong các cộng đồng ở nhà nổi thiếu hệ thống vệ sinh cơ bản và sống nhờ số tiền ít ỏi từ việc đánh bắt cá. Thực tế như thế nhưng nhiều người vẫn còn quan niệm rằng người Việt Nam đến cướp mất việc làm và dần dần chiếm đất của người Campuchia.
Khi chị Thi đi ra chợ bán cá do chồng đánh bắt được, chị thường xuyên nghe những lời nói như thế.
“Chuyện đó xảy ra nhiều, đặc biệt là khi tôi đi chợ. Họ hét lớn yuon”, chị Thi kể, ám chỉ từ Khmer dùng để lăng mạ người Việt, “nhưng tôi không muốn cãi với họ vì thế tôi đành phải làm ngơ”.
“Tất nhiên là có phân biệt chủng tộc, nhưng không phải tất cả người Khmer, chỉ cá nhân thôi”, theo người vợ dân tộc Việt của một nhà xuất khẩu yêu cầu giấu tên. “Đôi khi chúng tôi cãi nhau, họ không tôn trọng chúng tôi, họ nói chúng tôi ăn bám người Khmer. Thế nhưng hiện nay có ít vấn đề hơn trước”.
Trong hai thập niên qua, đảng đối lập dùng chuyện này làm chủ đề chính để vận động chính trị, liên hệ vai trò lịch sử của Hà Nội trong chính quyền Campuchia và ngày càng nhiều chủ đất người Việt sang Campuchia với nỗi lo sợ người nhập cư bất hợp pháp chiếm Campuchia.
Trong bầu khí căng thẳng sau bầu cử, nước này đã chứng kiến một số vụ tấn công vào các doanh nghiệp và còn xảy ra một vụ giết người được nhiều người cho là có liên quan đến quan điểm chống người Việt đang phổ biến.
Chanrith thuộc Tổ chức Quyền Dân tộc thiểu số gọi các vụ liên quan đến bầu cử như thế là chuyện bình thường ở đây và nói đảng cầm quyền cũng có phần trách nhiệm vì đã không thể đảm bảo cho người Việt thiểu số hưởng các quyền công dân mà họ đáng được hưởng.
“Dường như chính phủ không có chính sách rõ ràng cho phép nhóm này trở thành công dân ở Campuchia. Chúng tôi muốn Bộ Nội vụ thi hành luật … để giảm sự phân biệt đối xử và vận động chính trị”.
Trong báo cáo phát hành đầu tháng này trình bày chi tiết về tình hình của người Việt tại tỉnh Kampong Chhnang, tổ chức này thúc giục chính quyền cấp ngay giấy khai sinh và thẻ căn cước và kêu gọi chấm dứt việc vận động phân biệt chủng tộc.
“Chính trị gia Campuchia nên từ bỏ nỗ lực lôi kéo cử tri bằng cách vận động chống người Việt. Người dân Campuchia cần được cung cấp các thông tin chính xác về người Việt đang sinh sống tại Campuchia qua nhiều thế hệ nay để nhóm thiểu số này có thể trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội linh hoạt Campuchia”.
Nhưng ngay cả khi những lời khuyên như thế được nghe theo, thì cũng phải mất nhiều thế hệ mới xóa bỏ được thái độ thù hận phổ biến lâu nay đối với người Việt.
Thái độ thù hằn người Việt kéo dài hàng thế kỷ nay đã lên đến đỉnh điểm, và biến thành các cuộc tàn sát đẫm máu. Trong cả hai chế độ Lon Not và Pol Pot, hàng chục ngàn người bị giết có hệ thống, trong khi hàng trăm ngàn người bỏ trốn hay bị buộc rời khỏi biên giới Campuchia.
Nhờ sự giúp đỡ của một tổ chức phi chính phủ, Ty Hiew và gia đình bà chạy trốn qua Việt Nam dưới thời Khmer Đỏ.
“Lúc đó rất là khó khăn vì chúng tôi không có việc làm; tổ chức phi chính phủ này chỉ cấp cho chúng tôi một bao gạo và chúng ta đã phải tự lo”, bà kể. “Nhưng nếu chúng tôi không chạy sang Việt Nam, Pol Pot đã giết chúng tôi rồi. Dì tôi, lấy chồng người Khmer, đã bị giết. Họ trói tay bà ra sau lưng và đem cả gia đình ra giết”.
Khi đôi vợ chồng này nói chuyện, cô cháu gái 7 tuổi ngồi làm bài tập tiếng Khmer và tiếng Anh, trước khi tỉ mỉ tô màu bức tranh cô vừa vẽ.
Do bố cô bé là người Khmer, nên chắc cô bé ít gặp các vấn đề mà ông bà và cô chú của mình gặp hàng ngày hơn.
Nhưng Yong Thanh, lúc đó đủ lớn để nhớ lại những cuộc sát hại của Lon Nol và Pol Pot, và cách tuyên truyền cực đoan, các vụ tấn công và giết người vào những năm 1990, xem những nỗ lực hiện nay của mình là thích đáng.
“Bây giờ đã tốt hơn trước”.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"