Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Ổn định cá nhân và ổn định hệ thống chính trị

Đồng Phụng Việt

Cảnh sát cơ động được điều tới để giải cứu 4 công an bị dân vây bắt.
Đến giờ có lẽ đã tạm đủ thông tin để bàn vài chuyện về vụ phản kháng ở xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Vụ phản kháng này xảy ra hôm 10 tháng 4, sau khi một số cán bộ, chiến sĩ của Công an huyện Thạch Hà thực hiện lệnh bắt ông Trương Văn Trường vì “gây rối trật tự công cộng”.
Những cán bộ, chiến sĩ đó không những không thi hành được lệnh bắt – chuyện thường được thực hiện hết sức dễ dàng trên khắp Việt Nam, mà còn bị dân lành bắt giữ.
Tại sao những người thực hiện lệnh bắt lại bị bắt?
Câu trả lời là vì dân chúng xã Bắc Sơn xem lệnh bắt đó là một kiểu dằn mặt và chắc chắn, chính quyền sẽ không thèm nghe nguyện vọng của họ, đồng thời sẽ thản nhiên đẩy họ vào tuyệt lộ.

Từ năm ngoái đến ngày xảy ra vụ phản kháng, dân chúng xã Bắc Sơn đã liên tục phản đối Dự án xây dựng Nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng nhưng chính quyền tỉnh Hà Tĩnh và chính quyền huyện Thạch Hà không bận tâm.
Điều đó đồng nghĩa với việc hàng ngàn người sẽ bị tước đoạt sinh kế, không còn ruộng, vườn, thậm chí mất luôn cả nơi cư trú. Chưa kể dự án còn bịt tất cả những con đường nối xã Bắc Sơn với bên ngoài, xâm phạm mồ mả thân nhân của họ. Thực tế giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Việt Nam đã chứng mình rằng con đường này không có lối ra. Phản kháng trở thành phương thức duy nhất. Bi kịch lớn nhất là dân lành không có lựa chọn nào khác!
Đã có vài lần công an bị dân chúng bắt giữ nhưng vụ phản kháng của dân chúng xã Bắc Sơn đặc biệt hơn vì ngoài chuyện bắt công an, họ còn đánh trả “lực lượng giải cứu”. Đến nửa đêm, dân chúng tiếp tục tấn công tư gia của tám viên chức trong xã, đập phá tài sản, đốt xe, đốt nhà. Sau đó đập phá trụ sở chính quyền xã.
Hình như chưa bao giờ có vụ phản kháng nào mà các viên chức trong xã phải đưa thân nhân trốn khỏi địa phương. Trụ sở chính quyền xã đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Cả Chủ tịch xã và Trưởng Công an xã tuyên bố mong được cấp trên cách chức, nếu cấp trên không làm điều đó thì họ sẽ xin từ chức…
* * *
Lạ là trước hàng loạt diễn biến như vừa kể, chính quyền trung ương im lặng và không làm gì cả. Chỉ có Công an huyện Thạch Hà hành động bằng cách bắt 4 người, kèm tuyên bố sẽ bắt tiếp một số người nữa. Một kiểu đổ dầu vào lửa!
Cho đến giờ, chính quyền trung ương vẫn xem “duy trì và giữ vững sự ổn định của hệ thống chính trị” là ưu tiên số một nhưng cách hành xử của chính quyền trung ương trong vụ phản kháng ở xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh lại không bảo vệ mục tiêu này.
Qua tường thuật của báo chí, ai cũng có thể thấy, vụ phản kháng ở Bắc Sơn sẽ không bùng phát nếu chính quyền huyện Thạch Hà và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh tôn trọng dân và lắng nghe chính quyền xã Bắc Sơn.
Đảng ủy xã Bắc Sơn đã từng gửi báo cáo, đề nghị ngưng thực hiện Dự án xây dựng Nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng, bởi nếu cố làm, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Tuy nhiên ngay sau đó, toàn bộ hệ thống chính trị ở xã Bắc Sơn đã bị các lãnh đạo cấp huyện buộc phải tự kiểm nghiêm túc vì… bàn ra. Chủ tịch tỉnh thì ra lệnh cho thuộc cấp tiếp tục thực hiện những biện pháp cần thiết để “thu hút các nhà thầu” cho Dự án xây dựng Nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng.
Yêu cầu “duy trì và giữ vững sự ổn định của hệ thống chính trị” rõ ràng đã bị lãnh đạo huyện Thạch Hà và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vứt sang một bên.
Vậy thì tại sao không xử lý ngay Bí thư, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh và Bí thư, Chủ tịch huyện Thạch Hà nhằm an dân?
Có thể vì chính quyền Việt Nam đang tồn tại giữa một đám bùng nhùng những mối quan hệ chằng chịt của các vị trí. Thành ra chính quyền trung ương “án binh bất động” và “thủ khẩu như bình”.
Sự “án binh bất động” và thái độ “thủ khẩu như bình” của chính quyền trung ương khiến những viên chức cấp thấp như Chủ tịch xã Bắc Sơn và Trưởng Công an xã Bắc Sơn nhận ra yếu tố “bọt bèo” trong thân phận của họ.
Tuy là những thành viên của hệ thống nhưng khi hữu sự, họ không thể đặt hy vọng vào hệ thống – nơi tập hợp những thượng cấp vừa thiếu viễn kiến, vừa tham lam, lại tàn độc khi dụng tâm, dụng lực. Cuối cùng chính họ và gia đình bị đẩy vào tử lộ, trở thành bung xung cho đám đông cuồng nộ trước viễn cảnh sẽ mất hết mọi thứ, trút bỏ oán giận. Đã không thể ly khai cộng đồng dân cư nơi chính họ và thân nhân là những thành viên thì chỉ còn một cách: Ly khai hệ thống!
Các viên chức trong hệ thống chính quyền Việt Nam vốn rất giỏi “rút kinh nghiệm” nên những tình tiết liên quan đến các đồng liêu ở xã Bắc Sơn trong vụ phản kháng vừa kể sẽ sớm được từng cá nhân tự “đúc kết”.
Kết quả “tổng kết” của từng cá nhân trong toàn hệ thống, đặc biệt nơi các viên chức cấp thấp sẽ hài hóa nỗ lực “duy trì và giữ vững sự ổn định của hệ thống chính trị”.
Khi một hệ thống chỉ gồm toàn những thành viên quan tâm đến việc làm sao để giữ sự “ổn định” cho riêng mình trong bối cảnh bất ổn do hệ thống gây ra càng lúc càng lớn, rộng thì các nỗ lực “duy trì và giữ vững sự ổn định của hệ thống chính trị” chỉ là ước muốn mà mức độ viễn vông tăng theo biến động.
Chẳng phải vụ phản kháng ở Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận và vụ phản kháng ở Bắc Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh đã biến các cuộc diễn tập chống bạo loạn được tổ chức liên tục khắp nơi trong thời gian vừa qua thành trò hề đó sao?
Nửa tháng, hai vụ dân chúng chống các lệnh bắt người để răn đe, công khai đánh trả lực lượng trấn áp cho thấy hình thức “giáo dục quần chúng” bằng bạo lực chỉ là một kiểu “tự ám thị”.
Rồi các đồng chí sẽ phải tỉnh.
Đồng Phụng Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"