Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

– Đôi điều về chuyện đăng ký giữ quốc tịch VN

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cảm ơn tấm lòng của bà con Việt kiều tại Đức trong công cuộc xây dựng quê hương. Ảnh: Tạp chí Quê hương.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cảm ơn tấm lòng của bà con Việt kiều tại Đức trong công cuộc xây dựng quê hương. Ảnh: Tạp chí Quê hương.
Hai tuần nay thấy ồn ào chuyện hàng triệu kiều bào sẽ mất quốc tịch nếu không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trước thời hạn 1/7/2014 tới.
Trên “Phây” của anh bạn hàng xóm, tôi chú ý đến 2 cái còm của cùng một người, như sau:
- Một kiểu làm tiền hiện đại. Taị sao lại mất quốc tịch? Quốc Tịch cũng phải gia hạn như Hạn Sử dụng của Đồ ăn phải không? Nếu không gia hạn, sợ Quốc Tịch bị Thiu, Ôi, thối rữa phải không nhỉ ?
- Lại thiếu tiền đây, bây giờ cố tìm ra cách kiếm chác, còn chiêu nào đưa ra nốt để bà con sợ 1 thể, bỏ hết về VN, gây loạn rồi lúc đó mới lại sửa sai. Khổ quá, các vị cứ thấy tinh thần bất ổn, đêm qua nhậu về, khó ngủ, hôm sau lại ra 1 luật mới cho dân đen vỡ mật, tài thật…
Nếu không tỉnh táo suy xét, người ta rất dễ cho đó là ý kiến của một tay bất mãn chế độ. Nhưng người phát ra ý kiến trên hoàn toàn không thuộc thành phần ấy. Trái lại, anh còn tự hào cho đến giờ, sau mấy chục năm sống ở nước ngoài có công ăn việc làm ổn định mà anh ta vẫn còn giữ nguyên quốc tịch Việt Nam.

Trên tờ Người Lao động (2/4) cho biết, Đăng ký giữ quốc tịch rất đơn giản, kiều bào chỉ cần nộp tờ khai, giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam là được cấp giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, vẫn được cấp giấy xác nhận này nhưng cần khai lý lịch làm cơ sở cho các cơ quan chức năng trong nước xác minh quốc tịch và ghi vào sổ đăng ký.
Trên thực tế, anh bạn tôi ở Đức, do chót mua một căn nhà ở khu chung cư tại Hà Nội để lấy chỗ đi về của gia đình, nên anh rất sốt sắng trong việc đăng ký giữ quốc tịch. Anh đã năm lần bảy lượt liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao của VN tại Đức. Từ hồi 2009 – 2010, đều được trả lời phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Tư pháp ở trong nước. Đầu năm nay, anh lại liên lạc với Tổng Lãnh sự quán VN tại Frankfurt/Mainz. Được hướng dẫn chỉ cần điền vào một tờ khai theo mẫu (có sẵn trên mạng) + bản sao sổ hộ chiếu hay chứng minh thư của Đức + giấy khai sinh hoặc CMT cũ do VN cấp (để chứng minh có gốc quốc tịch VN) + 30 € tiền lệ phí + 2 phong bì có ghi rõ địa chỉ và dán sẵn tem đảm bảo để trả lại kết qủa. Tất cả gửi thư bảo đảm về LSQ, sau 1 tuần sẽ xong.
Thư gửi đi, gần 2 tuần sau anh nhận được mấy dòng yêu cầu của LSQ (không ai ký tên), xin trích: Tổng Lãnh sự quán Frakfurt đã nhận được hồ sơ xin Đăng ký giữ Quốc tịch của bà (anh ta được chuyển giới giống bác Huệ Chi ở HN dạo nào, he he – GCM). Tuy nhiên, theo quy định, việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chỉ áp dụng cho những người mang quốc tịch Đức mà không bị buộc phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Đề nghị Bà bổ sung giấy tờ chứng minh chưa bị mất Quốc tịch Việt Nam (ví dụ: Aufenthalbescheinigung trong đó ghi Quốc tịch: Đức và Việt Nam).
Nhận được hồi âm, ngoài chuyện không vui vì bị đổi giới tính. anh ta than phiền với tôi, cả nhà anh ta 5 người, thì 4 người muốn nhận quốc tịch Đức đều bị buộc phải có giấy xác nhận đã từ bỏ Quốc tịch Việt Nam. Riêng anh, từ hơn chục năm trước tụi Đức không bắt nên anh đương nhiên vẫn còn. Luật về Quốc tịch của Đức cũng không chấp nhận song tịch ngoài một số trường hợp cá biệt. Anh bạn tôi cũng may mắn nằm trong số đó. Đã 2 lần xin Visa và Giấy miễn Thị thực ở ĐSQ VN ở Berlin, đã phải trình tất cả các giấy tờ (như giấy khai sinh bản gốc), vậy mà thay vì giở hồ sơ lưu ở ĐSQ ra, cơ quan đại diện ngoại giao của VN lại bắt đương sự phải tự chứng minh qua cái gọi là Aufenthalbescheinigung trong đó ghi Quốc tịch: Đức và Việt Nam là cớ làm sao?
Tôi khuyên anh ta, thôi ông ạ, qua sông thì phải lụy đò, các ông bà nhân viên lãnh sự họ xoay sở để ngồi được vào các ghế đó cũng vất vả tốn kém lắm. Nay họ còn bận bươn chải để gỡ lại vốn và kiếm chút màu mè trước khi hết nhiệm kỳ, họ đâu có thời gian lục hồ sơ lưu (ở Sứ) để xem ông đã mất quốc tịch hay chưa, cho dù ông mới sang Đức định cư chưa lâu. Nghe lời tôi, anh ta lên Gemeide (như UBND Xã bên mình) và xin cái tờ Aufenthalbescheinigung trong đó ghi Quốc tịch: Đức và Việt Nam đó. Nhưng viên phụ trách về thủ tục hành chính nói, hiện ở Đức không có loại giấy thông hành (Aufenthalbescheinigung) kỳ quặc như thế. Khiến anh buồn thiu, về nhà anh cố tìm trong đống giấy tờ ngồn ngộn xem có thứ giấy tờ nào của Đức cấp mà ghi Quốc tịch: Đức và Việt Nam hay không?
Tưởng như gần tuyệt vọng rồi thì anh tìm thấy một tờ giấy của Der Generalbundesanwalt beim Bundesgerichtshof in Bonn (Cục Lưu trữ Hồ sơ của Toà án Liên bang trụ sở ở Bonn) cũ mèm ghi tên và địa chỉ nhà ở của anh ta. Cùng dòng chữ: Staatsangehörigkeit: deutsch, vietnamesisch (Quốc tịch: Đức/ Việt Nam) bên trên dòng chữ: Keine Eintragung (chưa có tiền án tiền sự). Anh liền chụp ra và gửi thẳng tới LSQ. Khoảng 2 tuần sau, nhận được kết qủa. Đó là một tờ giấy xác nhận (giấy đánh máy khổ A4), có chữ ký (đóng dấu) của viên Tổng Lãnh sự: Đã đăng ký giữ Quốc tịch Việt Nam. Anh mừng lắm, khoe với mọi người, anh sẽ dùng giấy này để xin sổ hộ chiếu Việt Nam để sau này có thể về đầu tư và làm ăn như mọi người Việt Nam khác. Nay thấy trên Tiền Phong Chủ nhật số ra ngày 30/3 đưa tin: Giấy xác nhận đăng ký quốc tịch Việt Nam không có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam, cũng không phải là cơ sở để cấp phát các giấy tờ khác như hộ chiếu, giấy thông hành, giấy miễn thị thực, chỉ có giá trị “giữ chỗ” để người Việt Nam định cư ở nước ngoài không mất quốc tịch Việt Nam sau ngày 1/7/2014. Làm anh thực sự thất vọng!
Anh bảo tôi, theo niêm yết tờ giấy này chỉ 10 $ USD (Biểu mức treo ở đây), nay họ yêu cầu nộp lệ phí cao gấp 4 lần mà chả có biên lai ký nhận gì cả. Ba bốn chục bạc mà được việc thì chả tiếc, những đợt quyên góp cho thiên tai và bà con khốn khó bên nhà anh có tiếc gì đâu. Nhưng lừa nhau một cách trắng trợn như thế thì thật qúa thể.
Ông Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn chắc là người được Bộ Ngoại giao phân công trong lĩnh vực này. Ngoài việc ông quảng bá việc sẽ tổ chức cho cả một số Kiều bào thuộc “thành phần cực đoan” ra Trường Sa để cùng làm lễ cầu siêu cho liệt sỹ QĐNDVN, binh sỹ VNCH…, ông còn đang đề nghị với chính phủ và quốc hội sửa luật để việc quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam nên mở không nên đóng đối với Việt kiều.
“Chúng tôi sẽ kiến nghị không nên đặt thời hạn nhất định, mà nên để mở, ai muốn đăng ký thì đăng ký, muốn giữ đến bao giờ thì giữ, không nên quy định thời gian. Điều này cũng phù hợp nguyện vọng của bà con kiều bào”. Đó là lời ông Sơn nói trên TPO chiều hôm qua (5/4).
Ông Sơn còn cho rằng, một số người chưa đăng ký do ngại ảnh hưởng đến việc làm, giấy tờ cư trú, do sự tuyên truyên chống phá của một bộ phận người Việt cực đoan.
Với cáo buộc chuyện đăng ký giữ Quốc tịch Việt nam do “một bộ phận người Việt cực đoan” tuyên truyền chống phá, xin kể lại câu chuyện mà tôi “mục sở thị” để mọi người rộng đường suy xét cho thật công tâm!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"