Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Người Thầy và đất nước

Nguyễn Văn Thạnh


1. Hai chế độ hai người thầy

Hồi còn học sinh, tôi được dạy về chế độ phong kiến là một chế độ vô cùng thối nát. Ở chế độ đó quan tham lộng quyền, ức hiếp dân, bóc lột dân. Chế độ đó người tài không được trọng dụng. Vua chỉ biết ăn chơi hưởng thụ, tin dùng bọn gian tham. Có thầy giáo Chu Văn An dâng sớ thất trảm, xin vua trảm 7 tên nịnh thần nhưng vua không nghe. Buồn lòng thầy xin về quê ở ẩn mở trường dạy học. Tất nhiên thầy được dân làng trọng vọng, sống an toàn. Đó là chuyện xưa, có ghi trong sử sách, cách nay tầm 700 năm.
Chế độ hiện nay được thầy cô tôi dạy là chế độ vô cùng tốt đẹp, được lãnh đạo bỡi Đảng quang vinh sáng suốt. Đảng hết lòng hết sức chăm lo cho nhân dân, dân làm chủ,...
Càng lớn lên, tôi càng thấy những lời thầy cô tôi năm xưa có gì đó bất ổn.
Trên Tây Nguyên, có một người thầy giáo nghèo vì thấy chủ trương cho Trung Quốc khai thác boxit là sai lầm, để lại nhiều hậu họa cho dân cho nước, thầy viết bài nói lên chính kiến của mình, thầy vận động dân làng phản đối chủ trương sai trái trên.

Kết quả thầy bị kết án tù với tội chống lại chính quyền nhân dân, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Trước khi bị bắt, thầy sức khỏe tốt, nặng trên 75 kg, sau thời gian tù thầy thân tàn ma dại thân hình dúm dó, ăn uống không được, đang chờ chết.

Theo bạn, thầy cô dạy tôi họ là những người nói dối siêu hạng hay là họ phải nói như vậy vì miếng cơm manh áo?

2. Tự do cho thầy cô để có tự do cho dân tộc

Trong cuốn "nền dân trị Mỹ", Alexis de Tocqueville cho ta biết một quan niệm rất hay về tự do của người Mỹ "Tự do không phải là muốn làm gì thì làm, đó là tự do của con vật; tự do của con người là khi anh ta có thể nói, làm những gì anh ta cho là đúng đắn và có thể bảo vệ đến cùng điều đó".
Dựa vào tiêu chuẩn về tự do trên, chúng ta thấy một thực tế là thầy cô chúng ta là những người rất mất tự do. Họ không dám nói, làm những điều mà họ nghĩ là đúng.
Giáo dục là công cụ mạnh nhất để kiến tạo xã hội, do vậy thầy cô có vai trò rất lớn trong việc xây dựng tương lai đất nước. Thầy cô mất tự do thì không chỉ không thể có một dân tộc có tự do mà còn để lại nhiều hậu quả khôn lường.
Chúng ta biết rằng, thầy cô chúng ta hiện nay bị rất nhiều ràng buộc làm cho họ không dám nói, phát biểu những điều họ cho là đúng. Thân phận của họ là làm mướn cho một ông chủ duy nhất là nhà nước. Họ không có nhiều lựa chọn. Khi bị sa thải thì rất khó xin việc.
Có một thực tế là giáo viên bị làm khó, bị sa thải khi phát biểu chính kiến là có thật và nhiều giáo viên không có đủ điều kiện để đi thưa kiện đòi công lý cho mình. (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/06/090604_teacher_sacked.shtml)
Từ thực tế này, tôi đề xuất sáng kiến lập một quĩ để hỗ trợ giáo viên trong các vụ việc sa thải, đuổi việc tùy tiện. Yểm trợ giáo viên trong việc tranh đấu cho tự do của họ. Truyền thông cho xã hội thấy vị thế mất tự do của thầy cô, vận động xã hội tranh đấu cho tự do của thầy cô.
Quĩ này được một hội đồng những người yêu nước, có uy tín điều hành.
Các bạn có ủng hộ sáng kiến này không?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"