Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Walden Bello, IPS
Năm ngoái, Philippines đã đệ đơn khiếu kiện chống lại các hành động
hung hăng của Trung Quốc ở vùng Biển Tây Philippines (tức Biển Đông) lên
Tòa án Trọng tài của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc “thực sự không chuẩn bị
cho điều đó và đã thực sự xấu hổ”, một trong những chuyên gia ngoại
giao hàng đầu về Trung Quốc của Việt Nam nói với tôi trong chuyến thăm
gần đây đến Hà Nội.
Đó là một đòn mạnh tay của chính phủ Philippines. Một chuyên gia
phân tích của Việt Nam cho rằng đơn khiếu kiện đã đặt Trung Quốc vào thế
phòng thủ và là một trong những yếu tố thúc đẩy Bắc Kinh đồng ý thảo
luận với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về quy tắc ứng xử ở
vùng biển tranh chấp – được biết đến với các tên Biển Tây Philippines ở
Philippines, Biển Đông tại Việt Nam, và Biển Nam Trung Hoa ở Trung Quốc.
Sự hợp tác vừa chớm nở giữa Việt Nam và Philippines là sự phát triển
mới nhất xuất phát từ yêu sách lãnh thổ hiếu chiến của Trung Quốc trong
khu vực. Trong năm 2009, Trung Quốc đưa ra cái gọi là bản đồ “đường
chín đoạn” trong đó tuyên bố chủ quyền toàn bộ khu vực Biển Đông, chỉ để
lại vỏn vẹn 12 dặm vùng biển chiến lược đối với bốn nước có cùng tranh
chấp trong khu vực. Trong việc theo đuổi các mục tiêu của Bắc Kinh, tàu
hải giám của Trung Quốc đã đánh đuổi ngư dân Philippines ở Bải đá ngầm
Scarborough nằm trong phạm vi 200 dặm Khu Kinh tế Đặc quyền của
Philippines (EEZ). Trong sự kiện gần đây nhất, Trung Quốc đã cố gắng xua
đuổi các tàu đánh cá Philippines bằng vòi phun nước. Tàu của Trung Quốc
cũng đã đuổi tàu thuyền Philippines ra khỏi một đơn vị đồn trú trên Bãi
đá ngầm Ayungin nằm trong quần đảo Trường Sa.
Một nhược điểm trong lợi thế pháp lý của Manila là nó làm cho
Philippines trở thành mục tiêu hàng đầu của Bắc Kinh, thay thế đối thủ
chính của Trung Quốc trước đây là Việt Nam. “Họ đang cô lập bạn, trong
khi mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang trở lại bình thường”,
một chuyên gia về Trung Quốc tại Học viện Ngoại giao Việt Nam chia sẻ”.
Mặc dù các nhà lãnh đạo của hai nước vẫn trao đổi qua lại, tuy nhiên,
“chúng vẫn cảm thấy khó chịu. Trong các nước ASEAN mà Trung Quốc ít ưa
chuộng nhất, chúng tôi đứng hạng số chín và bạn ở số 10. Tuy nhiên, về
lâu dài thì Việt Nam sẽ trở thành vấn đề chiến lược chính của Bắc Kinh”.
Được mời ra Hà Nội để trao đổi một loạt các bài giảng về chính sách
đối ngoại và các vấn đề kinh tế theo lời đề nghị của bà Nguyễn Thị Bình –
người đứng đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời dẫn đầu đoàn đại biểu
của miền Nam Việt Nam đến Paris đàm phán kết thúc chiến tranh Việt Nam –
tôi đã tận dụng cơ hội để gợi ra những quan điểm của Việt Nam về các
tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Tìm ra Động cơ của Bắc Kinh
Việt Nam có vị trí rất tốt để phân tích các vấn đề của chính phủ
Trung Quốc. Họ không chỉ chiến đấu với Trung Quốc trong hơn một ngàn năm
qua mà họ còn có cách giải thích các vấn đề chính trị rất tương tự như
Trung Quốc. Điều này có thể thấy rõ vì trong thực tế cả hai nước đều do
đảng cộng sản cai trị theo chủ thuyết Lênin. Tuy nhiên, điểm khác biệt
giữa hai nước có thể chỉ là xung đột lợi ích quốc gia.
Nhưng Việt Nam diễn giải bản đồ “đường chín đoạn” của Trung Quốc như
thế nào? Điều thú vị là có một số cách giải thích khác nhau. Diễn giải
đầu tiên cho rằng đường chín đoạn chỉ là phân định biên giới hàng hải
của Trung Quốc và Trung Quốc không nhất thiết phải sở hữu những hòn đảo
bên trong khu vực này. Diễn giải thứ hai cho rằng các hòn đảo và bãi đá
ngầm khác trong khu vực thuộc về Trung Quốc nhưng tình trạng của các
vùng biển xung quanh vẫn còn rất mơ hồ. Một ý kiến thứ ba cho rằng bản
đồ đường chín đoạn khẳng định cả hai quần đảo và vùng biển xung quanh
đều thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Có một quan điểm thứ tư và mặc dù nó chỉ có một số ít các chuyên gia
đồng ý nhưng cũng đáng lưu tâm. Quan điểm này cho rằng đường chín đoạn
là một cách để Trung Quốc sử dụng trong các cuộc đàm phán. Theo một nhà
ngoại giao và chuyên gia có kinh nghiệm đàm phán với Trung Quốc, ông cho
biết rằng phong cách giải quyết vấn đề lãnh thổ của Bắc Kinh có các
bước sau: “Đầu tiên, hai đảng [cộng sản] đồng ý trên nguyên tắc về các
cuộc đàm phán. Thứ hai, cả hai bên lập bản đồ riêng phản ánh yêu sách
lãnh thổ của mình, và Trung Quốc luôn đẩy tuyên bố chủ quyền của mình
càng xa càng tốt. Thứ ba, họ so sánh hai bản đồ để xác định khu vực
chồng lấn hoặc có tranh chấp. Thứ tư, hai bên đàm phán để giải quyết các
khu vực tranh chấp. Thứ năm, nếu hai bên thỏa thuận và đồng ý thì sẽ
lập bản đồ mới. Cuối cùng, họ đến Liên Hiệp Quốc để hợp thức hoá bản đồ
mới”.
Mặc dù khác quan điểm về ý định của Trung Quốc, nhưng phía Việt Nam
tập trung một trong hai điểm chính: 1) đường chín đoạn là bất hợp pháp,
và 2) do số lượng các nước và sự chồng lấn liên quan đến tranh chấp ở
Biển Đông nên chỉ có đàm phán đa phương mới có thể thiết lập cơ sở cho
một giải pháp toàn diện mang tính lâu dài.
Ngoài ra, bất cứ động cơ nào của Trung Quốc trong việc thúc đẩy chủ
quyền của họ thì rõ ràng các quan chức và chuyên gia Việt Nam đều đồng
thuận rằng mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là để khẳng định cũng như
kiểm soát đầy đủ khu vực Biển Đông. Nói cách khác, mục tiêu của Bắc Kinh
là để chuyển đổi pháp lý ở khu vực này thành đường thủy nội địa chi
phối bởi luật pháp của Trung Quốc. Một số hành vi của Bắc Kinh hiện nay
đã rõ ràng, chẳng hạn như việc thành lập thành phố Tam Sa nhằm quản lý
toàn bộ khu vực Biển Đông và gần đây nhất là thông qua luật đánh cá đòi
hỏi tàu thuyền phải xin phép trước khi vào khu vực này đánh bắt cá.
Một số vấn đề khác Bắc Kinh cũng không thể hiện rõ ràng, chẳng hạn
như quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề tự do hàng hải trong khu vực tranh
chấp. Việc mơ hồ này là nhằm để phục vụ mục đích của họ tại thời điểm mà
họ chưa có khả năng xứng tầm với sức mạnh cũng như tham vọng của họ.
Một chuyên gia Việt Nam cho rằng, “điều không còn nghi ngờ là khi họ đạt
được điều đó [sứ mạnh] thì họ sẽ áp dụng pháp luật nội địa lên toàn khu
vực”.
Việt Nam ủng hộ Philippines sử dụng pháp lý chống lại Bắc Kinh
Chính phủ Việt Nam được cho là hỗ trợ đầy đủ việc Philippines sử
dụng pháp luật chống lại Trung Quốc ở góc độ không chính thức chứ không
phải là “hoàn toàn công khai hỗ trợ việc này”, một chuyên gia cho biết.
Điều này đã phán ảnh rõ ràng trong câu trả lời được chuẩn bị khá cẩn
thận về quan điểm của Việt Nam khi Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc.
Nguyễn Duy Chiến, Phó Giám đốc Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại
giao trả lời rằng: “Quan điểm của Việt Nam là tất cả các vấn đề liên
quan đến Biển Đông nên được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ
sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước 1982 của Liên Hợp Quốc về
Luật Biển”. Ông tiếp tục: “Theo quan điểm của Việt Nam, tất cả các quốc
gia có toàn quyền lựa chọn cách giải quyết các tranh chấp một cách ôn
hòa phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bao gồm
Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”.
Trong chuyến thăm Washington vào tháng Bảy năm ngoái, Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang đã tấn công đường chín đoạn của Trung Quốc là “không có
căn cứ pháp lý”. Tuy nhiên, ông Sang vẫn im lặng về việc liệu Việt Nam
có tham gia cùng Philippines để hợp nộp hồ sơ lên Liên Hiệp Quốc chống
lại Trung Quốc hay không, mặc dù ông đã nhanh chóng thêm rằng là một
thành viên của Liên Hiệp Quốc, Philippines “có tất cả các quyền pháp lý
để thực hiện bất kỳ thủ tục tố tụng nào mà họ muốn”.
Một phần lý do trong việc thiếu sự ủng trợ là vì việc tranh chấp chủ
quyền cũng có một số tác động không hay cho lắm đối với Hà Nội vì các
tuyên bố chủ quyền chồng chéo giữa các nước. Nhưng trên hết là Việt Nam
không muốn làm phía Trung Quốc giận dữ, đặc biệt là vào thời điểm mà hai
bên đang tái lập các mối quan hệ cũng như trao đổi cấp cao.
Mặc dù Việt Nam vẫn còn do dự trong việc công khai ủng hộ
Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc nhưng nỗ lực này đã khơi gợi sự
ngưỡng mộ rộng rãi trong giới chính thức tại Hà Nội. Một đại sứ nghỉ hưu
gọi đây là hành động là “anh hùng”. Lý do mà đơn kiện gây nhiều sự chú ý
là nó làm cho Bắc Kinh bối rối và buộc họ phải tính toán cẩn thận. Theo
một chuyên gia ngoại giao về Trung Quốc, “lý do họ khó chịu là bởi vì
họ đã có năm chiến trường rồi – chính trị, ngoại giao, truyền thông, an
ninh, quân sự và bây giờ bạn thêm chiến trường thứ sáu: Chiến trường
pháp lý”. Ông tiếp tục, “người Trung Quốc có một câu nói rằng ‘khi cờ
đang trong tay của bạn thì bạn không trao lại cho người khác’”. Nói cách
khác, Bắc Kinh cảm thấy rất đơn độc về mặt luật pháp, nơi các chuyên
gia về luật quốc tế sẽ đưa ra các quyết định cuối cùng.
Còn tiếp…
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info