Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Một cái nhìn khác về tàu ngầm Trường Sa

Đỗ Kiên Cường
Tàu ngầm Trường Sa của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đang gây một cơn bão truyền thông với hai luồng dư luận trái chiều. Đó là niềm tự hào dân tộc hay một mơ ước đại nhảy vọt mang tính tiểu nông? Riêng với người viết bài này, Trường Sa có thể không có cơ hội lặn sâu trong biển lớn, tiêu chuẩn bắt buộc của một chiếc tàu ngầm, cho dù là loại tàu ngầm siêu mini.

Các chỉ tiêu kỹ thuật của Trường Sa:

Theo tuyên bố của ông Hòa, tàu ngầm Trường Sa có các chỉ tiêu kỹ thuật được thiết kế như sau: Lượng choán nước 9,2 tấn khi nổi và 12 tấn khi lặn; hai động cơ diesel công suất 90 sức ngựa; tàu có thể lặn sâu tới 50 m; bán kính hoạt động 800 km; tốc độ tối đa khi lặn 40 km/h, thời gian lặn liên tục 15 giờ và có thể hoạt động độc lập trên biển 15 ngày.
Cần nhấn mạnh rằng, đó là những chỉ tiêu rất ấn tượng. Có lẽ không một loại tàu ngầm siêu mini nào trên thế giới có được những chỉ tiêu kỹ thuật như thế! Điều đáng nói là ông Hòa không được đào tạo về tàu ngầm, nên có lẽ các chỉ tiêu đó được đưa ra khá tùy tiện. Và quả thật mới đây ông Hòa đã hạ các chỉ tiêu khá nhiều, vì lý do an toàn!

Khi nào tàu ngầm Trường Sa được xem là thành công?

Chỉ ngay sau đợt thử nghiệm trong một bồn nước nhỏ, ông Hòa và những người ủng hộ đã tuyên bố tàu ngầm Trường Sa thành công. Tuy nhiên theo người viết bài này, đó là những tuyên bố khá nóng vội.
Xin khẳng định một sự thật hiển nhiên rằng, tàu ngầm Trường Sa chỉ được xem là thành công khi nó thực hiện được tất cả các chỉ tiêu kỹ thuật nói trên, cho dù chỉ một lần (nếu thường xuyên và bền bỉ thì càng tốt). Thử nghiệm trong bồn nước nói trên mới chỉ là bước đi đầu tiên trên con đường còn rất xa để dẫn tới thành công. Bên cạnh việc chúc mừng ông Hòa về thành công ban đầu, chúng ta cũng nên lưu ý ông rằng, việc kín nước trong bồn nước sâu vài mét khi tàu đứng yên hoàn toàn khác với việc kín nước ở độ sâu 50 m, với tốc độ 40 km/h.
Sự lưu ý như thế có thể rất cần thiết với vị doanh nhân này, vì ông tỏ ra khá chủ quan trong quan niệm và trong việc đánh giá. Cuối 2013, ông từng tuyên bố rằng, nếu có hệ thống AIP (hệ thống tuần hoàn không khí độc lập) thì tàu ngầm Trường Sa chắc chắn thành công 100%. Sự thành công của một chiếc tàu ngầm phụ thuộc vào rất nhiều hệ thống, chứ không chỉ vào AIP.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên xem xét các tuyên bố của ông Hòa về sự thành công của Trường Sa dưới con mắt phản biện. Chẳng hạn mới chỉ thử nghiệm trong một bồn nước nhỏ mà ông đã tuyên bố hệ thống radar hoạt động rất thuyết phục là một điều rất vô lý. Hệ thống radar chỉ được xem là hoàn hảo nếu nó phát hiện được mục tiêu nằm xa trong nước biển ở độ sâu 50 m (độ sâu thiết kế tối đa của con tàu). Trong bồn nước 200 m3 thì radar được thử nghiệm như thế nào để được xem là hoạt động rất thuyết phục?

Tàu ngầm Trường Sa được dùng để làm gì?

Câu hỏi này được đặt ra vì có lẽ Trường Sa được thiết kế theo một quy trình ngược. Người viết bài này từng nghiên cứu thiết kế chế tạo nhiều loại thiết bị dùng trong điều trị y khoa, tuy kém xa tàu ngầm về độ phức tạp, nhưng cũng tạm biết quy trình thiết kế chế tạo một sản phẩm khoa học - công nghệ. Nôm na thì đó là quá trình đo chân để đóng giầy; tức xuất phát từ câu hỏi sản phẩm đó được dùng để làm gì để đi tới việc thiết kế và chế tạo phù hợp. Tàu ngầm Trường Sa được thiết kế chế tạo theo quy trình ngược là đóng giầy trước rồi đi tìm bàn chân phù hợp với loại giầy đã đóng. Do đó mới có chuyện bây giờ ông Hòa phải tính bỏ bớt một số tính năng, do không còn chỗ đặt thiết bị trong khoang tàu quá chật hẹp; cũng như hạ các chỉ tiêu kỹ thuật!
Quan niệm của ông Hòa về các tính năng thiết yếu (động cơ, hệ AIP, hệ thống điện, máy bơm…) và các tính năng mở rộng (kính tiềm vọng, radar, hệ thống định vị GPS…) cũng cho thấy cách hiểu về tàu ngầm của nhà chế tạo Trường Sa chưa chính xác. Trong bồn nước thì không cần các hệ thống nghe nhìn; nhưng sâu dưới mặt nước trong lòng đại dương xa bờ biển hàng trăm cây số thì kính tiềm vọng và radar là các thiết bị bắt buộc phải có với một chiếc tàu ngầm. Một khiếm khuyết nghiêm trọng khác của Trường Sa là thiếu hệ thống thoát hiểm. Điều gì sẽ xảy ra với ông Hòa khi động cơ hoặc hệ thống AIP trục trặc trong lúc Trường Sa đang ở sâu dưới mặt nước giữa trùng khơi?
Vậy Trường Sa có thể dùng để làm gì? Nói chung các tàu ngầm mini được dùng cho cả các mục tiêu quân sự và dân sự. Muốn dùng cho mục tiêu quân sự, tàu ngầm mini phải có lượng choán nước lớn hơn Trường Sa hàng chục lần để có không gian cho các hệ thống vũ khí. Chẳng hạn loại tàu ngầm Yugo do Triều Tiên chế tạo từ mẫu của Nam Tư (chúng ta từng có 2 chiếc) có lượng choán nước 90 tấn khi nổi và 110 tấn khi lặn (nhưng tốc độ chỉ là 14 km/h so với 40 km/h của Trường Sa!). Do đó có lẽ Trường Sa không thể dùng trong quân sự. Vậy nó có thể dùng cho các mục tiêu dân sự như thăm dò đáy biển hoặc phục vụ du lịch biển được không? Nếu dựa trên thiết kế, vỏ tàu và các hệ thống quan sát thì câu trả lời có lẽ cũng là không.
Quả thực người viết bài này chưa nhìn thấy mục tiêu thực sự của tàu ngầm siêu mini Trường Sa, ngoài sự quảng cáo cho ông Hòa và xí nghiệp cơ khí của ông. Còn việc chế giễu các tiến sỹ trên một tờ báo chỉ là “tác dụng phụ” của mục tiêu thực sự kia mà thôi.

Tàu ngầm Trường Sa và mối quan hệ giữa khoa học, công nghệ và chế tạo:

Sau khi ông Hòa tự tuyên bố tàu ngầm Trường Sa thành công mà không có sự kiểm chứng của giới chuyên gia độc lập, đã xuất hiện một làn sóng ca ngợi ông, thậm chí xem ông là niềm tự hào dân tộc. Điều đó khá dễ hiểu trên phương diện thông tin đại chúng. Nếu Trường Sa thực sự thành công (một sự kiện nếu xảy ra thì cũng ở một tương lai chưa xác định), ông Hòa xứng đáng được cả thế giới ca ngợi. Tuy nhiên điều người viết bài này hoàn toàn không hiểu là sự chê trách các tiến sỹ, khi nhiều ý kiến cho rằng các tiến sỹ không chế tạo được tàu ngầm như ông Hòa. Điều đó chứng tỏ mối quan hệ giữa khoa học và công nghệ với quá trình sản xuất chưa được hiểu một cách chính xác.
Từ buổi bình minh của nền văn minh nhân loại, khoa học và công nghệ luôn gắn bó mật thiết với nhau, trong đó khoa học thường đi trước một bước. Trên cơ sở các nguyên lý khoa học, các kỹ thuật và công nghệ mới sẽ được phát minh; đến lượt mình, các công nghệ mới đó lại tạo điều kiện để giới khoa học khám phá các nguyên lý hoặc kiến thức khoa học mới. Gắn bó mật thiết, cộng sinh với nhau, cùng thúc đẩy nhau tiến lên phía trước, nhưng khoa học và công nghệ là hai lĩnh vực khác nhau. Và dựa trên hai nền tảng thiết yếu đó (khoa học và công nghệ), mới xuất hiện các nhà chế tạo hoặc dây chuyền sản xuất để tạo ra các sản phẩm, từ phức tạp như tàu ngầm tới đơn giản như một thiết bị điện trị liệu, để phục vụ cho các nhu cầu đa dạng của con người.
Theo cách hiểu như vậy thì tiến sỹ là nhà khoa học, còn ông Hòa là nhà chế tạo. Không thể yêu cầu nhà khoa học hoặc giới công nghệ, cho dù giỏi như Einstein hoặc Edison, chế tạo tàu ngầm; cũng như không thể yêu cầu một người chế tạo hoặc sản xuất như ông Hòa truy tìm các kiến thức mới!

Nên chế tạo tàu ngầm như thế nào?

Tàu ngầm là một sản phẩm đòi hỏi nhiều công nghệ rất cao. Điều đó lý giải tại sao rất ít các quốc gia công nghiệp hóa chế tạo được tàu ngầm thực sự, là những chiếc tàu được chế tạo với mục tiêu chuyên biệt, hoạt động ổn định và bền bỉ với chi phí duy trì hợp lý, có tỷ suất lợi ích/giá thành cao. Một quốc gia nông nghiệp với thu nhập đầu người khoảng 2000 USD như chúng ta không thể thực hiện được điều đó.
Một cá nhân hoặc một tập thể nhỏ hoàn toàn có quyền và có thể chế tạo các nguyên mẫu (proto) trực thăng hoặc tàu ngầm như một thú vui lành mạnh; thậm chí với mục đích tự quảng cáo. Nhưng với một quốc gia, việc chế tạo máy bay hoặc tàu ngầm thực sự chỉ có thể đi theo hai con đường mà toàn nhân loại đã đi. Đầu tiên là phát triển khoa học và công nghệ, tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đến mức làm chủ được các công nghệ nền tảng và công nghệ cao; trên cơ sở đó sẽ cân nhắc việc thiết kế, chế tạo các sản phẩm độc đáo với chất lượng đỉnh cao thế giới. Thứ hai là tiến hành hợp tác, mua dây chuyền hoặc chuyển giao công nghệ để từng bước làm chủ các công nghệ cần thiết. Người viết bài này tin rằng, chỉ bằng những cách như vậy chúng ta mới có cơ hội sánh vai với các cường quốc công nghệ trên thế giới.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"