Ngoảnh lại thời gian,đôi lúc không khỏi giật mình, đã gần 40 năm kể
từ ngày đất nước hòa bình thống nhất,cùng đi lên CNXH ! Trên chặng đường
lịch sử thật lắm thăng trầm hệ lụy, thật lắm chông gai trắc trở thời
hậu chiến. Nào nguy cơ nền kinh tế bao cấp rơi vào khủng hoảng bên bờ
vực sụp đổ.
Nào Mỹ “cấm vận” bao vây kinh tế, cô lập xứ sở bắt nước Mỹ
cường quốc “hạ cờ”. Nào chiến tranh biên giới với hai nước láng giềng
hai đầu Nam Bắc. Nào sự kiện “động trời” hệ thống các nước XHCN Đông Âu
và Liên Xô cũ tan hàng “không một tiếng vang”,VN mất đứt một “điều kiện
thuận lợi” nhều mặt. . . Trên chặng đường “những gần bốn mươi năm” ấy,
có một lời kêu gọi mang tiếng ” gọi đàn chim Việt” là hòa giải hòa hợp
dân tộc được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các diễn đàn long trọng
nhân các ngày quốc khánh, hay quốc giỗ, nhân năm mới mừng Xuân dân tộc
Việt Kiều, nhân hội thảo hội nghị “bán ngoại giao ,bán nội bộ” thảo luận
về vấn đề cộng đồng người VN ngoài nước. Và đứng về “cấu trúc công
quyền” có hẳn một Ủy Ban ” tương đối đồ sộ” thuộc Bộ Ngoại giao phụ
trách mọi công việc liên quan đến ” cộng đồng người VN ở nước ngoài-một
bộ phận không thể tách rời đại gia đình dân tộc”.. .
Thế nhưng có một thực tế chưa vui nếu không muốn nói là đáng buồn;
gần bốn mươi năm, lời kêu gọi ấy chưa có tiếng vang hưởng ứng đáng kể,
tương ứng trước hết từ hàng triệu gia đình thân nhân của họ ở trong nước
và tương ứng với chính họ- khối cộng đồng bốn, năm triệu người Việt
giầu tiềm lực kinh tế và trí tuệ ở nước ngoài. Bằng chứng từ suy luận
đến . . . thực tiễn là: nếu như tiếng vang của lời kêu gọi đó đã và đang
trở thành hiện thực đời sống kinh tế xã hội của đất nước thì chẳng đến
nỗi gần bốn mươi năm sau, chỉ một lời “gần như kêu gọi ” “lấp hố sâu hận
thù” của ông thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Chủ nhiệm UBNVN ngoài
nước, đã khiến cho đó đây công luận cả lề trái lẫn lề phải ồn ồn sôi nổi
bàn tán. . . Vì sao lại thế ? Có lẽ nào một lời kêu gọi từ chính thể
trong nước mà những gần bốn thế kỷ vẫn ở trong tình trạng gió bay lên
trời hay sao ?
Bốn mươi năm, tạm gọi hai thế hệ. Như vậy ở ngoài nước không hiếm gia đình dù chẳng ở chung một nhà nhưng đã là “tứ đại đồng đường ở xứ người ” theo nghĩa bóng… Có lẽ nào không suy nghĩ vì sao gần bốn mươi năm vẫn là lời nói gió bay . . . Gần bốn mươi năm lời kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc dường như mới dừng ở “xúc cảm tuyên truyền” không được “đảm bảo bằng vàng ròng” là việc thực thi những chính sách ,những điều kiện cụ thể thấu tình đạt lý thiết thân đến đời sống tinh thần và vật chất của Việt Kiều cùng thân nhân của họ. Ví như việc. . . Mọi người đều biết rằng thân nhân của cộng đồng người Việt ở nước ngoài chiếm phần lớn, quá bán, nguyên là cộng đồng những gia đình công chức viên chức binh lính đủ cấp bậc cao thấp khác nhau, có chồng cha anh con cháu vì hoàn cảnh lịch sử và cá nhân khác nhau đã bỏ nước ra đi sau sự kiện 30-4. Giá như sau 30-4 tinh thần “không có bên thua bên thắng; chỉ có người chiến thắng là nhân dân VN” được định hướng tư tưởng, thông suốt quán triệt từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài , không kỳ thị, không phân biệt đối xử, tạo mọi điều kiện để những người từng một thời ở phía bên kia dễ dang qua dòng sông chiến tranh chia cắt hận thù “đáo bỉ ngạn” bên này bờ hòa giải hòa hợp dân tộc ,cùng chung tay xây dựng nước non thống nhất hòa bình. . . Giá như hàng vạn bà mẹ của các gia đình có con em cầm súng Mỹ tử trận dù không được vinh danh nhưng cũng không đến nỗi bị hắt hủi. Giá như những người lính Hải quân Sài Gòn vì hòn ngọc chủ quyền quốc gia quốc thể ngoài biển khơi mang tên Hoàng Sa mà buộc phải đổ máu hy sinh mạng sống, sớm được nhìn nhận ở một góc độ công minh nhân bản. Giá như, giá như. . . biết bao nhiêu là cái “giá như” đầy tiếc nuối và xót xa ! Không ai . . ” siêu thiên tài” gì kéo lại được lịch sử gần bốn mươi năm để làm lại từ đầu. Theo lời cổ nhân đã dậy ” muộn còn hơn không”. Chỉ mong sao những lời kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc từ nay về sau dù nói ít hay nói nhiều, đặc biệt khi đã phát ra từ những diễn đàn long trọng của chính thể, thì sẽ được “đảm bảo bằng vàng ròng chín số chín” là những chính sách cụ thể, quy định cụ thể để người VN ở ngoài nước có đủ mọi điều kiện cần thiết dễ dàng hồi hương thăm nom gia đình, dễ dàng trở về đầu tư xây dựng đất nước bằng tài trí, tài lực, bằng tâm huyết của họ. Và như thế bốn, năm triệu người Việt hiện đang sinh sống ,học hành, làm đủ mọi nghành nghề định cư ở hầu khắp các nước và khu vực trên thế giới ,đặc biệt là cộng đồng người Việt ở Mỹ và phương Tây dù có mang chính kiến tư tưởng khác nhau đi nữa thì họ cũng thấy mình có quyền ,được quyền chính đáng là yêu nước theo cách của mình, miễn là vì mục tiêu chung của đại gia đình dân tộc VN, vì một nước VN dân giầu nước mạnh ,xã hội công bằng, dân chủ, văn minh !
Mong lắm thay hết thời lời nói gió bay. . . Rồi đây hàng triệu gia
đình người VN ở nước ngoài, hàng triệu người VN mang dòng máu Việt ở
nước ngoài mỗi khi lo nghĩ về đất nước không chỉ quan tâm thiết thực đến
kiều hối ,đến về VN ăn Tết đoàn viên gia đình hay về VN hưởng du lịch
giá . . .hời “so với tây” mà cao hơn. . . xa hơn, người ta sẽ thấy đông
đảo những bậc thức giả khả kính ,những nhà khoa học, nhà quản trị ,quản
lý công nghệ, các giáo sư cây đa cây đề ở các trường đại học danh tiếng,
các trung tâm khoa học danh tiếng trên thế giới “gọi nhau” theo chân
nhau trở về VN góp phần trí tuệ quý báu của mình cho công cuộc xây dựng
một nền kinh tế trí thức,để cuối thập kỷ này nước Việt có cơ may trở
thành một nước CNH,HDH, “sánh vai dần dần” với các nước láng giềng Đông
Nam Á mà VN hiện vẫn còn “tiềm ẩn” nguy cơ tụt hậu ! Trong bối cảnh các
kẻ thù cũ của nước Việt như Pháp ,như Mỹ, như. . . vân vân . . .đều đã
từ lâu thành “đối tác” toàn diện, thậm chí “đối tác chiến lược” xây dựng
trên cơ sở “lòng tin chiến lược” ;thì có lẽ nào người Việt mình lại
không thể ngồi chung một “chiếu” một “bàn” đặng bàn thảo với nhau cách
thức hữu hiệu nhất làm sao cho sự nghiệp xây dựng và bảo về nước non gấm
vóc mà cha ông để lại thành hiện thực “vững như bàn thạch” “vững như âu
vàng” ; dù rằng vì “lý do lịch sử” người Việt mình đã một thời thù hận,
chia lìa, ly tán và gần như bỏ lỡ cơ hội ; nên bốn mươi năm sau vẫn
phải hò nhau lấp hố hận thù ! Thôi thì nhín về tương lai,nhìn về con
cháu muôn đời mai sau mà hành xử, chứ còn biết làm sao! Xin cho những
lời nhân lời nghĩa ,những lời vàng lời ngọc tương xứng với tầm kinh bang
tế thế hãy lọt tai người ,để lọt tâm người du ở trong hay ngoài nước,
đừng để lại lỡ bay lên trời theo gió theo mây trôi nổi vào vô định thời
gian . / .