Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Làm thế nào để tiếp tục tranh đấu từ hải ngoại?

Kính Hòa/Đoàn Viết Hoạt
RFA
doanviethoat-600.jpg
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt -  RFA photo
Người tù chính trị Cù Huy Hà Vũ vừa được nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do và đã sang Hoa Kỳ. Nhân dịp này, Đài Á Châu Tự Do hỏi chuyện Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cũng là một người tù chính trị được trả tự do hơn 10 năm trước, và hiện đang sống tại Hoa Kỳ.
Kính Hòa: Xin chào Giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Tin tức nóng bỏng 2 ngày nay là việc người tù chính trị Cù Huy Hà Vũ được nhà cầm quyền Việt nam trả tự do và đã sang đến Hoa Kỳ. Khi nghe câu chuyện này Giáo sư có nhớ gì về trường hợp của mình hơn mười năm về trước không ạ?
GS Đoàn Viết Hoạt: Thưa quý khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do và anh Kính Hòa, tất nhiên là tôi nhớ rất rõ câu chuyện của tôi hồi năm 1998. Lúc đó nhân dịp mồng 2 tháng 9, sáu tháng trước khi đưa tôi đi thì tôi đang bị giam cô lập ở Thanh Cầm hơn bốn năm rưỡi rồi.

Bên Bộ nội vụ cử người xuống và nói với tôi rằng đang có dịp đặc xá và đề nghị tôi làm một cái đơn xin được đặc xá. Tôi từ chối và nói rằng tôi chẳng việc gì làm đơn xin đặc xá cả. Nếu nhà nước cảm thấy không giữ được tôi thì thả tôi ra. Chứ tôi coi việc chúng tôi làm là đúng.
Sau đó họ nói thế thì không thả được, thì tôi nói đó là quyết định của nhà nước. Cuối cùng họ nói rằng thả ra nhưng đi Mỹ, thì tôi nói là tôi không đi Mỹ. Bởi vì nếu đi Mỹ thì tôi đã đi nhiều lần rồi, đây là đất nước của tôi, tôi phải ở lại.
Thế là họ đưa nhà tôi từ bên Mỹ về, vào thẳng trong trại để thuyết phục tôi đi. Các con tôi và các bạn tôi cũng muốn tôi đi bởi vì họ lo sức khỏe của tôi, đã bốn năm không có tin tức gì hết. Thậm chí nhà tôi còn lo là liệu tôi có ngồi xe lăn không.
Vì những lời thỉnh cầu như vậy nên tôi đồng ý đi, thì họ lại bắt làm một đơn xin đặc xá để xuất ngoại chữa bệnh, thì tôi không chấp nhận. Tôi nói chỉ làm đơn xuất ngoại chữa bệnh thôi chứ không đặc xá. Ba lần như vậy. Cuối cùng thì họ không bắt tôi làm đơn nữa. Họ đưa tôi về Thanh Liệt ở Hà Nội và ba ngày sau thì đi Bangkok.
Kính Hòa: Theo những thông tin đầu tiên thì dường như là gia đình luật gia Cù Huy Hà Vũ cũng đã trải qua thương lượng với nhà cầm quyền để đi đến quyết định rằng ông được trả tự do nhưng phải đi Hoa Kỳ.
Thưa Giáo sư, hiện ngay giờ phút này đây, đã có những tiếng nói từ trong nước lẫn hải ngoại rằng những anh em đấu tranh cho dân chủ ở trong nước khi ra nước ngoài thì hiệu năng của cuộc đấu tranh sẽ giảm đi. Và dường như đó là một cái cách mà nhà cầm quyền Việt Nam hiện giờ sử dụng để đối phó với phong trào dân chủ. Theo ý của Giáo sư thì…
GS Đoàn Viết Hoạt: Những nhận định đó là chính xác. Chính vì thế mà cá nhân tôi đã cũng không chịu đi. Chỉ trừ khi nhà tôi, các con và bạn bè tôi khuyên vì họ lo sợ cho sức khỏe của tôi sau bốn năm không có liên lạc.
Tôi nghĩ rằng nếu có thể thì chúng ta nên ở lại để đấu tranh. Tôi cũng muốn sớm được trở lại để đấu tranh với các bạn trong nước. Và ở ngoài này thì chúng ta phải vận động để thả ở trong nước chứ không đưa ra ngoài.
Mỗi một người đi ra ngoài là mất một chiến sĩ trong nước, mà chiến sĩ ở trong nước mới là chính. Ngoài này chúng tôi chỉ hỗ trợ thôi. Khi sang ngoài này thì chúng tôi làm hết sức mình để hỗ trợ trong nước.
Tất nhiên trong nước là cái chính, chúng ta phải bằng mọi giá đấu tranh để Hà nội thả anh em ra trong nước. Và phải chấp nhận những tiếng nói đối lập để đi đến dân chủ một cách ôn hòa bất bạo động.
Kính Hòa: Thưa Giáo sư, theo Giáo sư thì đó là phương cách tốt nhất, nhưng bây giờ thì luật gia Cù Huy Hà Vũ cũng sang Hoa Kỳ rồi. Ông Cù Huy Hà Vũ  cũng đã bắt đầu những ý tưởng của những phong trào đấu tranh trong nước. Với phần chắc là ông Vũ sẽ không được trở về Việt Nam, vậy liệu phong trào dân chủ ở hải ngoại có thể giúp gì cho ông ấy  và ngược lại với kinh nghiệm của mình, TS Cà Huy Hà Vũ có thể giúp gì cho phong trào dân chủ ở hải ngoại cho các hoạt động hướng về quốc nội không, thưa giáo sư?
GS Đoàn Viết Hoạt: Theo tôi thì chúng ta phải tôn trọng mỗi trường hợp cá nhân bởi vì mỗi người có một hoàn cảnh đặc biệt khác. Riêng trường hợp anh Cù Huy Hà Vũ, tôi tin là anh sẽ tiếp tục đấu tranh; Cũng như chúng tôi cũng đã tiếp tục và vẫn sẽ tiếp tục.
Tôi rất mong là chúng tôi sẽ hợp tác với nhau để cùng đấu tranh ở hải ngoại. Chúng tôi sẽ tìm mọi cách gây áp lực để chúng tôi sớm trở về Việt Nam và cùng đấu tranh với anh em trong nước. Tuy nhiên, trong thời gian còn ở hải ngoại thì như chúng tôi cũng đã làm, chắc chắn anh Cù Huy Hà Vũ cũng sẽ không ngừng vận động quốc tế hỗ trợ anh em trong nước.
Chúng tôi nghĩ phong trào vẫn tiếp tục được. Nếu những người tù chính trị hiện vẫn còn đang ở trong nước và đang ở trong tù mà cứ phải đi như vậy thì tôi nghĩ không tốt. Do đó, ở hải ngoại chúng ta có nhiệm vụ hỗ trợ để Hà Nội phải thả hết để không bắt họ phải đi.
Kính Hòa: Xin cảm ơn giáo sư Đoàn Viết Hoạt đã dành cho đài Á châu Tự do buổi phỏng vấn hôm nay.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"