Phạm Chí Dũng
Không ai có tiên định được tương lai chính trị Việt Nam sẽ biến động thế nào. Cũng không ai đoán định được số phận của các chính khách cao cấp Việt Nam sẽ kết thúc ra sao…
Chỉ đến khi chợt hình dung ở cuối dòng sông sẽ hiện ra một vực xoáy khủng khiếp, các chủ nhân ông mới cuống cuồng sục tìm một lối thoát đỡ va đập nhất từ con thuyền sắp đắm.
“Kịch bản Putin” là một lối thoát hầu như đã được lượng định và lượng thứ.
Cho đến một ngày, một trong những trang mạng bị xem là giả danh Thủ tướng Chính phủ Việt Nam - nguyentandung.org, bắt đầu seri bài về “Việt Nam có cần một nguyên thủ quốc gia như Putin?” và tiếp nối “Làm thế nào để Việt Nam có nhiều Putin?”.
Nhiều ngày trôi qua, vẫn không ai biết rõ trang mạng trên thực chất là do ai đạo diễn. Nhưng nói gì thì nói, cần ghi nhận một thành công nho nhỏ về sức hút công luận từ trang mạng này.
Khi mà tuyệt đại đa số báo chí quốc doanh chìm lắng trong cơn sầu muộn vô cùng tận của không ít chuyện không thể nói cùng quá nhiều việc không dám thưa thốt, vài ba tiếng chuông nguyện cầu cho cuộc chiến biên giới Việt - Trung năm 1979 trên trang nguyentandung.org hẳn làm các cựu chiến binh nguôi ngoai đôi chút về tâm trạng “người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Thậm chí trong một lần hiếm muộn, một đài quốc tế Việt ngữ còn phải đặt dấu hỏi về trang mạng vừa hoài niệm vừa đáng hoài nghi này.
Cũng như những gì mà người ta đang hoài nghi về Vladimir Putin và đương kim thủ tướng chính phủ Việt Nam…
Nét tương đồng chính khách?
Mỗi chính khách đều có một con đường và một thân phận. Nhưng nếu cần, lịch sử có thể được cải biên cho những con đường ấy giao thoa với nhau, còn các thân phận lại mang tính giao đồng và thậm chí còn có nét nhân văn.
Nếu một nhà sử học không tiếng tăm từng tô thắm điểm chung lớn lao giữa Nguyễn Tấn Dũng và Putin - một người từng là thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), người kia có nguồn gốc xuất thân từ Cơ quan an ninh quốc gia KGB; có thể hiểu trong tương lai không thật quá xa xôi, nhân vật được coi là quyền lực nhất Việt Nam hiện nay sẽ không còn quá cần thiết phải đứng đầu chính phủ nữa, mà vai trò của ông sẽ bằng cả vị trí hiện thời của hai ông Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang gộp lại.
Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư vốn là một phương án mà giới chính khách ngày càng nồng nàn, thậm chí tỏ rõ độ mẫn cảm đặc biệt với khung nhân sự này.
Chưa cần biết vai trò tương lai đó có quy tập được quyền lực gần như tuyệt đối như Tập Cận Bình ở Trung Quốc hay không, nhưng vẫn có hy vọng rằng dù ai trong số các chính khách hiện thời vươn tới chân trời “nhất thể hóa”, họ đều có cơ hội để thực hiện giấc mơ trở thành một Vladimir Putin thứ hai.
Vậy Vladimir Putin là ai? Ivan Hung bạo hay Tư bản dã man?
15 năm ròng rã kể từ khi thay thế vai trò của Boris Yeltsin, sức mạnh giấu kín trong con người Putin đã đưa nước Nga trở lại vị thế một cường quốc. Sẽ chẳng phải hoài nghi nếu thuật lại câu chuyện Putin thuộc hàng hiếm hoi trong giới tổng thống trên thế giới bắn chết hổ, và là nhân vật duy nhất có đặc quyền khuấy đảo chính trường nước Nga.
Chắc chắn đó là hình ảnh mà giới chính khách kém bản lĩnh hơn nhiều ở Việt Nam phải nhất tâm mê mẩn. Dù rằng nếu chấp nhận đi theo “thuyết Putin”, chính giới Việt Nam sẽ đồng thời phải thừa nhận trạng thái đa nguyên chính trị và thể chế đa đảng, kể cả đảng đối lập.
Xét cho cùng, hệ lụy đó có hề gì một khi những người hậu bối của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam vẫn đút gọn nền kinh tế vào túi mình, còn các tập đoàn kinh tế nhà nước chẳng cần phải lo nghĩ đến chuyện dẹp bỏ thế độc quyền muôn thuở, và nạn tham nhũng không những không cần bị triệt tiêu mà còn được hiểu như một động lực làm hài hòa tính chính danh của chế độ.
Nước Nga thời hậu Liên Xô đã là như vậy và vẫn đang là như vậy, nơi mà có thể đến hơn một nửa số người Nga tạm hài lòng với những gì Putin đang làm, kể cả việc ông vừa định đoạt một cách thô bạo vào số phận của khu vực Crimea mà rất có thể bị giới sử học so sánh với Ivan Hung bạo.
Nhưng hầu như ngược lại, chẳng có ai trong số chính khách Việt hiện thời đủ tầm và tâm để quy tụ đủ 10% dân chúng ủng hộ mình, nếu họ chấp nhận một cuộc trưng cầu dân ý mở rộng đến tận những vùng mà học sinh phải bắt chuột ăn thay cơm, những đứa trẻ lang lang không mảnh áo trong trời giá buốt, hoặc những cô giáo phải chui vào túi nylon để vượt suối…
Rõ ràng có một sự khác biệt hết sức quá quắt giữa một nước Nga đang lao đi với gia tốc ngày càng nhanh trên cỗ xe độc tôn với hiện tình chia rẽ dẫn đến tương lai cát cứ ở Việt Nam.
Không thể có được một Ivan Hung bạo và thậm chí cũng không có nổi một Ivan Đại đế để tái thiết đất nước, từ vài chục năm qua các tầng lớp cách mạng lão thành, cựu chiến binh, một phần lớp trẻ và một nhúm công dân còn rực cháy tâm nguyện đối với dân tộc luôn cầu nguyện giấc mơ cháy bỏng để Việt Nam có được một bàn tay sắt của Putin nhằm vãn hồi trật tự xã hội và đạo đức Khổng Tử.
Nhưng có vẻ điều quá quắt không kém lại đang gấp gáp: người ta tự đánh bóng cho nhau đặc biệt quá đáng. Đồng ý là nước có thể nâng thuyền, nhưng không ai biết được khi nào nước sẽ lật thuyền. Con thuyền chính trị Việt Nam, với nhiều chỗ vá víu đầy tham vọng vào thời kỳ mà tính dã man của chủ nghĩa tư bản đã khỏa lấp hầu hết những ưu việt của “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, vẫn đang cố vượt qua thác ghềnh trong ít ỏi vọng tưởng còn lại.
Để có thể gia tăng hy vọng, cách duy nhất là người ta cần phải tìm ra “người cầm lái vĩ đại”.
Ai là “người cầm lái vĩ đại”?
Những trang tin không chính thức và chưa bao giờ được coi là chính thống như nguyentandung.org đã vừa đề cập đến hai nhân vật Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ nhưng lại không buồn nhắc đến dù chỉ hình bóng của Tổng bí thư và Chủ tịch quốc hội, và càng biến mất hình hài của Bí thư thành ủy Hà Nội - nhân vật đang có ít nhiều triển vọng cho chức vụ cao nhất trong Đảng vào Đại hội 12 năm 2016.
Ít nhất, hai trong số “tứ trụ triều đình” đã có thể đang bị quên lãng. Và cũng ít nhất, một trong hai nhân vật còn lại cũng chỉ được nêu ra như một thủ pháp “làm vì” cho một tương lai bị lãng quên đối với cá nhân ông ta.
Người còn lại, ẩn số cuối cùng và có vẻ được cố ý xem là đáp số duy nhất cho phương trình chính trị tương lai của Việt Nam, nghiễm nhiên đang mở ra gương mặt mang tính “cải cách thể chế” lộ liễu nhất, cho dù tất cả mới chỉ thể hiện trên phương diện ngôn từ.
Song cứ cho là chính khách cuối cùng ấy - người có cùng xuất xứ “an ninh” như Vladimir Putin - đang được tô vẽ bởi một thế lực truyền thông ẩn hiện nào đó và có thể trở thành nhân vật “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” như thông điệp đầu năm 2014 của ông ta phác họa, thì liệu cái gì sẽ chứng thực cho điều được xem là “lòng thành chính trị” của chính khách này?
Chứng thực cực kỳ đơn giản là sau ba tháng, bản thông điệp đầu năm 2014 của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn chưa được thành thực bởi bất kỳ hành động thành thật nào, trong khi các nhóm kinh tế độc quyền xăng dầu, điện và sữa vẫn mặc sức đẩy bão giá trên đầu dân chúng.
Chưa từng tồn tại trong từ điển bách khoa Việt Nam, nhưng “Thành tâm chính trị” lại là một khái niệm nhân văn từng được cộng đồng quốc tế ghi nhận nơi con người Thein Sein - vị tướng thoát thân từ chế độ quân phiệt mà đã khiến đất nước Myanmar chuyển mình kỳ diệu kể từ năm 2011.
Thả tù chính trị và mở cửa cho các đảng phái đối lập - ít nhất những cử chỉ đó cũng khiến hình ảnh Thein Sein được tôn tạo trên bức tranh nhân quyền, khiến dĩ vãng đàn áp của lề thói quân phiệt dần chìm vào quá khứ.
Nhưng Việt Nam lại luôn là một bài học đáng quên của độ trễ không chỉ về kinh tế mà cả với những xảo thuật tủn mủn nhất về chính trị. Dù luôn được mô tả như “người cầm lái vĩ đại”, nhưng không một lãnh đạo nào bên khối chính phủ có đủ đức hạnh và trí tuệ để trở thành lãnh tụ sáng suốt đưa nền kinh tế thoát khỏi bóng đêm suy thoái. Rất đồng pha, những lãnh đạo tư tưởng cũng không hề khá hơn khi làm cho cảm xúc của người dân về một “nhà tù lớn” ngày càng minh bạch hơn lúc nào hết.
Tất cả những hệ lụy chất chồng và còn chưa lao đến đáy như thế đang khiến cho học thuyết kinh tế - chính trị ở Việt Nam rơi nhanh xuống hố sâu phá sản chỉ trong ít năm nữa.
Chỉ đến lúc này, khi tất cả đã dợm chân vào vực xoáy khủng hoảng và sự tồn vong của thể chế một đảng bị đe dọa cực kỳ nghiêm trọng, giới chính khách đặc trưng bởi tinh thần bảo thủ và vun vén cá nhân ở Việt Nam mới buộc phải liên tưởng đến một kịch bản mà trước đó họ hoàn toàn không nghĩ đến: kịch bản Thein Sein.
Putin, Thein Sein hay lưu vong?
Làm thế nào để một chế độ và trên hết là giới cầm quyền trong chế độ đó thoát khỏi đòn roi hồi tố và quyết tâm trả thù của đám đông dân chúng bừng bừng phẫn nộ từ áp bức lâu năm? Làm thế nào để không cần đến động tác lưu vong và tẩu tán tài sản, giới chính khách và các nhóm lợi ích bên cạnh họ vẫn giữ được phần nào quyền lực và đất đai nhà cửa cùng các tài khoản ngân hàng ngay trên mảnh đất Việt Nam khốn khó trăm bề?
Kịch bản Thein Sein có lẽ vẫn còn là một phương án tương đối xa vời ngay vào thời điểm những tháng đầu năm 2014, ít nhất trong não trạng khá thiển cận và bị che mờ bởi các nguồn lợi cận kề của lớp chính khách thời nay.
Đối với họ, hình dung từ ngày càng rõ nét hơn là con đường mà nước Nga đã trải qua cùng hình tượng thủ lĩnh hội tụ uy quyền gần như tuyệt đối là Putin. Đối lập mà không có đối trọng - đó chính là điều mà Putin và đảng “Nước Nga thống nhất” bên cạnh ông đã cố gắng, bằng nhiều thủ pháp và cả thủ đoạn, kéo mòn cho đến ngày hôm nay.
Với những chính khách Việt Nam đang lẫn lộn về phương pháp luận trong thế “đu dây”, chắc chắn đó sẽ là một kịch bản tốt ưu dành cho đảng cầm quyền, dù có phải trả một cái giá nhỏ nhoi khi phải cho phép hình thành những đảng phái đối lập một cách hợp pháp, trong khi không mấy nặng lòng về tâm thế phải chia sẻ quyền lực với nhân dân.
“Kịch bản Putin” cũng bởi thế rất có thể sẽ chiếm vị trí then chốt trong não trạng của không chỉ một mà một số chính khách đầy tham vọng lẫn tham quyền cố vị.
Chỉ có điều, hoàn cảnh nước Nga và con người Putin quá khác với tình cảnh và thực chất bản lĩnh của giới chính khách Việt Nam. Ngẫu nhiên, giới quan sát và người dân Việt Nam lại dần hiểu ra một chi tiết cốt tử: giới chính khách ở đất nước này đang túc trực bên số phận nhau bằng một tinh thần không mấy tương thân tương ái.
Thời gian đang chạy đua với Đại hội 12 của Đảng sẽ diễn ra trong năm 2016.
Với cuộc chơi được ăn cả ngã về không trong vài năm tới, sẽ chẳng có bất cứ cơ hội hoặc kịch bản nào cho bất kỳ chính khách nào nếu họ không tự gấp rút biểu hiện một lòng thành chính trị và thực tâm cải cách tối thiểu nào đó trước dân chúng, và tất nhiên sự trưng bày ấy phải được phô diễn trước đoàn diễu hành mang biểu ngữ không hẳn tung hô của chính giới phương Tây.