Đặng Phương Bích
Ở nước ta, nói theo quy trình chỉ là lý thuyết. Còn thực tiễn thì
đa phần là tùy hứng. Thậm chí, ngay chốn pháp đình đáng lý ra phải là
nơi chuẩn mực nhất, thì lại thành ra tùy hứng nhất, trong quy trình BẮT,
XỬ, hay THẢ người!
BẮT:
Người có số má (có tý thế lực) còn được bắt một cách đàng hoàng. Đến
nhà, đọc lệnh, được mang theo vài thứ đồ cá nhân. Dân không số thì bắt
cứ như bị bắt cóc, người thân không biết lại nháo nhác đi tìm (như mấy
ông dân tộc H’mong chẳng hạn). Chuyện tưởng vớ vẩn, bé bằng con kiến
cũng xé ra to, dẫn đến mới nghi vấn mà cũng làm chết người như bỡn. Mạng
dân đen không hơn mạng con ngóe là mấy.
XỬ:
Mấy vụ cướp, giết, hiếp thì khi xử, phóng viên vô tư nhâu nhâu chĩa
ống kính vào tận mặt bị cáo. Báo chí giật tít tưng bừng, liên tiếp nhiều
kỳ. Trong phòng xử án, áo dân sự cũng nhiều hơn áo công an. Thiên hạ
hiếu kỳ, vô tư đứng chờ xem mặt tội đồ.
Nhưng xử vụ nào có dính đến tý chính trị, hoặc đơn giản hơn nhiều là
án dân sự nhưng người bị bắt lại có màu sắc chính trị, thì rất nghiêm
trọng. Xem hình mấy phiên tòa thì phòng xử toàn sắc áo công an. Ruột
thịt cùng lắm chỉ được một người tham dự. Ngay đến lúc dẫn giải người bị
bắt ra xe mà còn tìm cách che chắn thật kỹ, không cho bạn bè hay người
thân có cơ hội nhìn thấy nhau. Không hiểu người ta làm thế để khủng bố
tinh thần của người bị bắt, hay đơn giản chỉ để cho bõ tức?
Trong các vụ án chính trị, có khi luật sư cũng được cho nói, thậm chí
nói thoải mái, nhưng khi tuyên án thì phần được gọi là tranh tụng (cho
sang) của luật sư đều không được đếm xỉa tới. Người ta thường gọi đó là
án bỏ túi. Những loại án bỏ túi này hầu như quá trình xử rất chóng vánh,
vì làm gì có xét. Ít khi những vụ án bỏ túi này kéo dài đến trọn một
ngày.
THẢ:
Việc nhà văn Trần Khải Thanh Thủy được đưa từ nhà tù, ra thẳng sân
bay để qua Mỹ định cư khi còn chưa mãn hạn tù, khiến nhiều người chuyên
theo dõi mạng “lề dân” ngạc nhiên. Cho dù bên trong nó là cái gì, nhưng
theo cách hiểu thông thường, hay theo đúng quy trình của luật pháp, thì
chỉ thả người khi họ vô tội, hoặc họ được ân xá. Mà ân xá thì cũng phải
có lý do chính đáng, chứ không phải chỉ để “chữa cháy”.
Việc thả nhà giáo Đinh Đăng Định khi biết ông sắp chết vì bệnh ung
thư, hay thả ông Nguyễn Hữu Cầu sau 37 năm cầm tù, hay gần đây nhất lẳng
lặng đưa ông Cù Huy Hà Vũ, từ nhà tù ra sân bay để qua Mỹ chữa bệnh,
lẳng lặng thả ông Vi Đức Hồi cũng không thể khiến cho dư luận thấy đó là
việc làm nhân đạo. Báo chí lề đảng không cho dân chúng biết, lý do thả
những tù nhân này.
Có người nói, đây là thắng lợi của cả 2 bên. Có thể là vậy, cho dù
cái cách chiến thắng không được đúng quy trình. Liệu đây có phải là dấu
hiệu tích cực về sự thay đổi sắp tới của chế độ độc tài và đảng trị?
* Không có cái gì muôn năm. Cho dù anh không muốn thay đổi, nhưng
cuộc chơi bắt buộc anh phải tuân thủ các điều kiện của nó. Ơn Trời, nếu
không có thế giới này, dân Việt Nam chúng con còn chìm đắm trong đau
thương dài...