Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Khai tâm - Khai trí

Giáp Văn Dương
Nhìn lại xã hội Việt Nam những năm qua, ta thấy rằng câu chuyện về khai trí – khai tâm lại một lần nữa cần được đưa ra để bàn thảo như một vấn đề thời sự.

Chuyện cũ nhắc lại

Câu chuyện về khai trí đã có lịch sử chính thức ở Việt Nam ít nhất là hơn một trăm năm, khi Phan Châu Trinh và nhóm Duy Tân chủ trương ‘khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh’ để cứu nước.
Trong lúc nước nhà vẫn còn trong cảnh nô lệ, nhiều con đường cứu nước được bàn thảo và thử nghiệm, nhưng vì sao cụ Phan lại chủ trương con đường đã từ bị đánh giá là ‘cải lương’ và không mang lại kết quả thấy ngay được này?
Đọc lại những trước tác của Phan Châu Trinh, ta thấy rằng, lý do cụ Phan chọn con đường khai dân trí là vì cụ cho rằng, Việt Nam chịu cảnh nô lệ là vì thua kém phương Tây cả một nền văn mình, chứ không phải kém về lòng quả cảm.

Nhận định của cụ Phan có nhiều nét tương tự như nhận định của Fukuzawa Yukichi trước đó vài chục năm ở xứ Phù Tang, khi ông chủ trương độc lập quốc gia thông qua động lập cá nhân, tức là quốc gia tồn tại thông qua sự trưởng thành và độc lập của cá nhân chứ không phải của chính phủ. Vì thế ông kêu gọi các sĩ phu Nhật Bản làm việc theo phương châm ‘coi trọng quốc gia, coi nhẹ chính phủ’. Ông chủ trương từ bỏ cái học từ chương của Nho giáo Trung Quốc để học theo khoa học và văn minh phương Tây, hình thành nên trào lưu thoát Á nhập Âu nổi tiếng trong lịch sử.
Trước Phan Châu Trinh và cùng thời với Fukuzawa Yukichi, Nguyễn Trường Tộ sau khi được tiếp xúc với nền Tây học và trực tiếp Tây du, cũng đã có những đề xuất về cải cách để học theo văn minh phương Tây, nhưng không được vua Tự Đức chấp nhận. Sau đó, ông tiếp tục viết soạn mấy chục bản tấu biểu điều trần lên triều đình đề xuất canh tân và cải cách đất nước, nhưng vẫn không được chấp nhận.
Như vậy, ngay từ 150 năm về trước, vấn đề khai dân trí đã chính thức được đặt ra. Nhưng vì sao đến tận ngày nay, chủ đề này vẫn còn thời sự và vẫn cần bàn thảo lại?
Muốn trả lời câu hỏi này, cần dành chút thời gian để xem lại việc học của người Việt từ xưa đến nay đã biến chuyển thế nào.

Khai tâm

Sự học ở nước Việt bắt đầu chính thức khoảng một nghìn năm trước, khi Văn Miếu được xây dựng. Ngày đó, khi một đứa trẻ bắt đầu sự học, cha mẹ sẽ đưa đến nhà một ông thầy để được khai tâm. Khai tâm chứ không phải là khai trí. Trong những ngày đầu, học chữ chỉ là chuyện nhỏ, còn khai tâm mới là chuyện lớn.
Nhưng khai tâm cụ thể là gì? Muốn trả lời được câu hỏi này thì lại phải trả lời một câu hỏi khác: Tâm là gì? Chuyện bắt đầu rắc rối từ đây, vì mỗi người có mỗi cách hiểu khác nhau, tùy theo truyền thống văn hóa và tín ngưỡng. Nhưng cho dù có như vậy, thì các cách hiểu này đều có chung một mối: Tâm là lương tri, là tính thiện hảo của con người.
Vậy khai tâm là khai mở tính người, tất nhiên là theo quan niệm của người thầy và hệ giá trị đương thời.
Nếu lại nghĩ thêm một tí nữa, thì thấy rằng chữ Tâm được coi như một giá trị phổ quát ở Phương Đông. Tâm chính là giá trị kết nối Phật-Lão-Nho. Trong cuộc sống thường ngày, Tâm cũng được coi như một chuẩn mực đến xét đoán và hướng tới. Vậy nên, Nguyễn Du đã buông bút nhẹ bẫng rằng: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
Vậy khai tâm ta nên hiểu là khai mở tính thiện hảo của con người và những giá trị phổ quát của thời đại.
Tuy cái học theo Nho giáo sau này bị coi là hư học, nặng về tầm chương trích cú. Việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thoái hóa của Nho giáo, sự thiếu vắng của tinh thần khoa học như trong nền giáo dục của phương Tây, nhưng không thể phủ nhận rằng, Nho học đã tạo ra rất nhiều người có phẩm cách. Ngay cả những người không thành danh trong chốn quan trường, phần đông cũng đều giữ được nhân phẩm khi bươn chải ngoài đời.
Lượng kiến thức mà họ học cũng không lấy gì làm nhiều, chủ yếu la xoay quanh Tứ thư Ngũ kinh. Nếu so với lượng sách vở của học sinh hiện giờ, thì có lẽ chỉ bằng lượng sách giáo khoa mà các em học sinh bậc trung học cơ sở phải tiêu thụ trong một năm học.
Về kiến thức, xét tổng thể thì quả thật là thiếu hút rất lớn so với kiến thức của một học sinh lớp trung học cơ sở hiện giờ. Toán và khoa học tự nhiên hoàn toàn vắng bóng. Khoa học thường thức cũng không có. Cái học tập trung chủ yếu vào ứng xử xã hội sao có đúng lễ nghĩa, có thứ bậc. Tất nhiên còn có thơ phú văn chương, nhưng nội dung của nó cũng không thoát khỏi khuôn mẫu ứng xử sao cho phải đạo này.
Vậy mà sản phẩm của nền giáo dục đó vẫn tạo ra những con người có phẩm cách. Vì sao vậy?
Lý do đầu tiên, có lẽ là cả người dạy và người học, khi tham gia quá trình này, đã có một hình dung rất rõ về sản phẩm mà mình vươn đến. Đó là người quân tử. Đây là hình mẫu của mọi Nho sinh.
Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì hệ thống giáo dục đã có một triết lý giáo dục rất rõ ràng, khi từ thầy đến trò đều hình dung rất rõ phẩm tính của sản phẩm mà hệ thống giáo dục cần tạo ra. Khoan không nói chuyện tốt xấu, nội điều này cũng là đáng ghi nhận.
Lý do thứ hai là người thày ý thức được vai trò khai mở của mình đối với học trò. Bằng chứng là những buổi học đầu tiên được gọi là khai tâm, chứ không phải là học chữ, hay khai trí.
Đây là một điểm đáng ghi nhận. Vì sao? Vì chi tiết này cho thấy, các thày giáo xưa đã ý thức được tầm quan trọng của việc khai mở tâm trí của học trò, dù trên thực tế, việc giáo dục cũng tiến hành theo phương pháp nhồi nhét áp đặt, thậm chí đánh đòn.
Qua việc khai tâm, chúng ta cũng thấy rằng, với các thầy đồ xưa, tâm quan trọng hơn trí. Nên tâm cần phải khai trước, còn trí thì có thể bồi đắp hoặc nhồi nhét qua việc sôi kinh nấu sử sau này.
Đến đây mới thấy lộ ra rằng, dù cái học của Nho học bị coi là hư học, nhưng nhờ quan niệm độc đáo về việc khai tâm này, mà Nho học vẫn tạo ra được nhiều nhà Nho có phẩm giá. Phẩm giá này được xây dựng trên cái Tâm, nặng về đạo đức, chứ không phải được xây dựng trên cái Trí, nặng về tri thức và kỹ năng như sau này.
Việc cứ như vậy đến đầu thế kỷ, khi Tây học phổ biến. Lúc này, thay vì khai tâm, người ta nói đến khai trí. Lý do: Sức mạnh nền văn minh phương Tây đặt trên cơ sở tri thức và kỹ năng. Quản trị xã hội theo kiểu phương Tây cũng đòi hỏi những qui trình phức tạp. Vì thế, để học theo văn minh phương Tây, đòi hỏi phải bồi đắp hai thứ này. Muốn vậy, phải khai trí.
Lúc này, Trí được đề cao hơn Tâm, nên cần khai trí trước.
Nhưng di sản về khai tâm không vì thế mà mất đi. Nó chỉ ẩn đi thôi. Vậy nên, có một thời, năm học đầu tiên của đời người được gọi là lớp vỡ lòng, thay vì lớp 1 như hiện giờ.
Vỡ lòng là gì, nếu không phải là cách dịch thô của chữ khai tâm mà ra? Nhưng tiếc thay, cách dịch thô này đã làm chết một điểm sáng của nền giáo dục cổ truyền. Vỡ lòng… hai chữ này chẳng có một nội hàm nào làm cho thầy và trò cảm thấy thiêng liêng, lại chẳng có một truyền thống nào tiếp sức, nên đã bị loại bỏ.
Việc bỏ mất quan niệm về khai tâm khi đi học là một sự đáng tiếc, vì nó làm đứt mạch văn hóa và bỏ qua vấn đề đạo đức làm người ngay từ những buổi đầu đến trường.
Nếu năm học đầu tiên hiện nay được gọi là lớp khai tâm, thay vì lớp 1, thì chắc hẳn sẽ mang lại những thành tựu lớn về giáo dục đạo đức. Tệ nạn xã hội, tội phạm vị thành niên chắc hẳn sẽ ít hơn nhiều.
Vì khi có một lớp học như thế mà ai cũng trải qua, thì nó trở nên gần gũi hàng ngày, mà giáo viên cũng ý thức được chuyện khai tâm, chuyện học làm người là quan trọng.

Khai trí

Nhìn lại lịch sử gần 70 năm qua, từ ngày giành độc lập thì thấy rằng, hơn 90% dân số đã biết đọc biết viết. Theo thống kê của chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thì số năm đi học trung bình của người Việt Nam trưởng thành là 5,5 năm (báo cáo năm 2011), còn theo công bố trong nước thì con số này là 7,3 năm. Cũng theo UNDP, mức kỳ vọng đối với người Việt Nam phải ở mức giữa PTTH, với số năm đi học trung bình là 10,4 năm.
Những con số trên đây cho thấy, trình độ dân trí của Việt Nam vẫn còn rất thấp, cả so với kỳ vọng và so với một số nước trong khu vực.
Nhưng so với 100 năm về trước, thì con số này quả thực rất cao. Nhìn theo cách đó, thì rõ ràng việc khai dân trí của Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận. Nhưng vì sao chúng ta vẫn thấy nhức nhối với việc khai trí này.
Câu trả lời nằm ở một trong các khả năng sau:
- Nhìn nhận sai: cái khai thì không cần, còn cái cần thì không khai. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhìn nhận sai về vai trò của tri thức đối với sự phát triển của xã hội, dẫn đến cuộc khai trí bị bỏ bê.
- Cách làm sai: cuộc khai dân trí đã có những kết quả nhất định, nhưng so với hàng xóm, thì còn thua sút nhiều. Chiến tranh là một phần của nguyên nhân, nhưng chỉ tính từ sau khi thống nhất đến nay đã gần 40 năm, mà thành tựu chỉ đạt như vậy, thì điều này cho thấy, cách làm của ta có vấn đề.
- Con người lười biếng: Khả năng tự khai trí, tự học để vươn lên của người Việt kém, vì lười biếng, thích chơi hơn học. Những người có khả năng thì không đủ nhiệt tình để tiếp nối cuộc khai trí này.
- Thể chế không phù hợp: Thể chế xã hội, cơ chế vận hành của hệ thống đã không khuyến khích, thậm chí kìm hãm cuộc khai trí của dân ta.
- Kết hợp của cả bốn khả năng trên.
Dù là lý do nào đi nữa, thì thực tế là cuộc khai trí của chúng ta đã không đạt được kết quả như mong đợi. Chính vì thế, chất lượng nguồn nhân lực thấp và đang bị coi là nút cổ chai của phát triển. Điều này không chỉ người trong cuộc mới nhìn ra, mà người ngoài cũng đã có lời khuyên. Cụ thể, ông Lý Quang Diệu, khi sang thăm Việt Nam năm 2007 đã nói rằng: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế".
Như vậy, đến đây cần thẳng thắn nhìn nhận lại cuộc khai trí này, để đi tiếp những chặng đường còn dang dở.

Những đốm lửa nhỏ

Sau một thế kỷ, sự nghiệp khai trí lại trở thành vấn đề thời sự của Việt Nam. Lý do chính có lẽ là sự hội nhập trong kinh tế với quốc tế sau thời kỳ mở cửa, đặc biệt là sau hiệp định thương mại song phương (BTA) với Mỹ vào năm 2001 và sau khi giao nhập Tổ chức thương mại toàn cầu (WTO) năm 2007. Việt Nam đã giật mình vì năng lực của mình trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt này. Những thuật ngữ thời thượng như kinh tế tri thức, thế giới phẳng, toàn cầu hóa, đổi mới sáng tạo… bắt đầu được nhắc đến trên truyền thông thường xuyên. Nhưng để vươn lên trong cuộc hội nhập lớn này, bắt buộc phải có nhân lực xuất sắc và một hạ tầng tri thức mạnh.
Nhưng điều thú vị là câu chuyện khai trí này được khơi dậy không phải là từ phía nhà nước, mà hoàn toàn từ các nhóm dân sự. Có thể kể một số điển hình:
Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh với nhiều hoạt động xiển dương và hỗ trợ tinh thần ‘khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh’, đúng như tên gọi của Quỹ gợi đến.
Nhà xuất bản Tri thức với Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới đã góp phần bù đắp phần nào thiếu hụt tri thức về triết học và xã hội học.
Trung tâm Khoa học – Giáo dục Quốc tế và chuỗi hội thảo khoa học Gặp gỡ Việt Nam uy tín do vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc tổ chức.
Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn với việc biên dịch các tác phẩm triết học kinh điển của Đức ra tiếng Việt.
Nhóm Cánh Buồm dưới sự chủ trì của nhà giáo Phạm Toàn với việc biên soạn những bộ sách giáo khoa mới.
Nhóm Học Thế Nào, với sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu, hoạt động như một diễn đàn giáo dục mới.
Nhóm GiapSchool như một sự nhập cuộc với trào lưu giáo dục trực tuyến mở đại trà (MOOC) đang phát triển trên thế giới.
Những đốm lửa nhỏ này hoàn toàn tự phát, đa dạng, và có thể rất mong manh trước những biến động của thời cuộc, nhưng tinh thần ‘khai dân trí’ của nó rõ ràng là không thể phủ nhận.
Điều mong đợi trong năm mới, là những đốm lửa nhỏ này sẽ lớn thêm lên, và sẽ có thêm nhiều đốm lửa mới, trên hành trình khai trí đầy gian nan của dân tộc.
___________________
Bài đã đăng Tuổi trẻ cuối tuần với tiêu đề “Cần thêm nhiều đốm lửa mới”, số tất nhiên 2013.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"