Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Hoãn phiên xử 'bầu Kiên' lường gạt

HÀ NỘI 16-4 (NV) .- Phiên tòa lừa đảo tài chính ngân hàng rúng động dư luận từ hai năm trước, nay vẫn còn hệ quả liên quan nhiều ông cầm đầu hoặc cổ đông lớn của Ngân Hàng Á Châu (ACB), bị hoãn lại.
Ông Nguyễn Đức Kiên, thường được gọi là "bầu Kiên" tại phiên tòa sơ thẩm ở Hà Nội ngày 16/4/2014. (Hình: Tuổi Trẻ)
Lý do được nêu ra để hoãn chỉ sau vài giờ bắt đầu phiên xử hôm Thứ Tư 16/4/2014 là một trong 9 bị cáo, ông Trần Xuân Giá, đang ở trong bệnh viện chờ giải phẫu ung thư tuyến tiền liệt. Trước đó, bị cáo chính của vụ án, ông Nguyễn Đức Kiên, đã yêu cầu tiếp tục xử và xử công khai những phần không cần có sự hiện diện của ông Giá.
Vụ án rúng động dư luận và thị trường tài chính Việt Nam khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt giam ngày 20/8/2012, lúc ban đầu chỉ bị truy tố tội “Kinh doanh trái phép”. Ba ngày sau thì bắt giam ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc điều hành ngân hàng ACB với cáo buộc “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý  kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Khi tin tức hai nhân vật vừa kể bị bắt loan tải trên mặt báo, các người có tiền gửi tại ngân hàng ACB hối hả rút tiền, tạo ra một cuộc khủng hoảng dây chuyền tới các ngân hàng khác. Chỉ trong hai ngày 21 và 22/8/2012, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN vừa phải lên tiếng trấn an, vừa phải bơm vào hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt là cho ACB, số tiền mặt lên tới 8,000 tỉ đồng để đối phó với thanh khoản thiếu hụt bất ngờ.
Ông Nguyễn Đức Kiên, 50 tuổi, thường được biết dưới tên “Bầu Kiên”  vì còn làm chủ một đội bóng đá có tiếng ở Hà Nội. Ông bị truy tố 4 tội danh khác nhau gồm “Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Ông Nguyễn Đức Kiên từng là sáng lập viên rồi Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB. Sau đó, ông chỉ còn là cổ đông có nhiều cổ phần trong ngân hàng này và thành  lập 6 công ty đầu tư tài chính, xuất nhập khẩu và cổ phần thương mại khác nhau. Đây là đầu mối của những hoạt động kinh doanh hay đầu tư bị truy tố như kể trên. Nếu bị kết án, ông Kiên có thể bị án tù chung thân.
Ông Trần Xuân Giá, 75 tuổi, từng là Bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư của nhà cầm quyền CSVN, được mời làm chủ tịch Hội đồng Quản trị  ACB bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng một tội danh với ông Giá còn có 5 người khác là thành viên hội đồng quản trị hay tổng giám đốc ACB như Lê Vũ Kỳ (58 tuổi), Trịnh Kim Quang (60 tuổi), Phạm Trung Cang (60 tuổi), Lý Xuân Hải (49 tuổi), và Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi).
Hai bị cáo Trần Ngọc Thanh (62 tuổi) và Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi) bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt ...” có thể bị kết án từ 12 năm đến tù chung thân”. Hai người này là nhân viên của ông Nguyễn Đức Kiên phụ trách các việc điều hành các công ty kinh doanh riêng của ông Kiên.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Kiên cùng với các đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại cho ngân hàng ACB số tiền hơn 1,400 tỉ đồng (hay khoảng $66.4 triệu USD).
Đó là không kể số tiền gần 720 tỉ đồng mà ông Nguyễn Đức Kiên “ủy thác cho các cá nhân gửi tiền, ngoại tệ ở những tổ chức tín dụng”. Chỉ hơn 2 tháng hồi năm 2011, số tiền vừa kể gửi vào hai chi nhánh của Vietinbank để kiếm lời đã bị một tay khác, bà Huỳnh Thị Huyền Như (quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank, chi nhánh Sài Gòn) “sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt”. Bà Huyền Như đã bị một phiên tòa ở Sài Gòn kết án tù chung thân hồi Tháng Giêng 2014 vừa qua với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt gần 5 ngàn tỉ đồng của nhiều ngân hàng và một số công ty, cá nhân.
Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đầy ngập những nợ xấu và lỗ hổng để trục lợi mà giới chuyên gia quốc tế đã rất nhiều lần khuyến cáo phải cải tổ toàn diện nếu muốn tránh sụp đổ. Người ta dễ nhìn thấy các khuyết tật của hệ thống ngân hàng Việt Nam hơn khi nền kinh tế bị suy thoái. Ít nhất đã có hơn 150,000 công ty, xí nghiệp các loại đã phải sập tiệm vì không vay được tiền ngân hàng. 
Trong mấy giờ xuất hiện ngắn ngủi tại tòa án hôm Thứ Tư, ông Nguyễn Đức Kiên đòi phải có sự hiện diện của cơ quan thuế vụ cũng như các cơ quan chính phủ đã cấp giấy phép cho ông thành lập các công ty. Theo tường thuật, ông Kiên nói ông “bị oan” và ông đã làm nhiều đơn gửi cơ quan điều tra hay trả lời thẩm vấn như thế.
Năm ngoái, tổ chức lượng giá đầu tư tài chính quốc tế Fitch Ratings đã hạ thấp thứ hạng tín nhiệm của ngân hàng ACB xuống tới mức tiêu cực, một phần vì những thiệt hại tài chính liên quan đến các công ty của ông Nguyễn Đức Kiên.
“Người ta nhìn thấy thật rõ ràng là hệ thống ngân hàng tại Việt Nam có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng.” Tiến sĩ lê Đăng Doanh, một kinh tế gia độc lập từng là cố vấn kinh tế cho nhà cầm quyền trung ương Hà Nội phát biểu với hãng tin Reuters. “Nếu luật lệ và sự giám sát ở Việt Nam thực thi chặt chẽ, chúng tôi có thể tránh được các trường hợp như vậy.” (TN)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"