Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Dịch sởi: Sự vô trách nhiệm của ngành y tế hay sự bất lực của hệ thống chính trị?

Quang Trung


Tác giả có học ngành y và có hiểu biết sơ đẳng về bệnh dịch cũng như về hệ thống vận hành của ngành y tế. Bài viết này tổng hợp các thông tin từ các báo chính thống, các báo cáo của Việt Nam. Thêm vào đó là so sánh với các khuyến cáo của TCCYTG để chứng minh rằng Bộ Y tế và Chính phủ đã vô trách nhiệm và bất lực trong hoàn cảnh dịch sởi tại Việt Nam.

Tình hình bệnh sởi


Trẻ ăn uống rất khó khăn do bị đau họng. Trẻ nhỏ thì thường bỏ bú, khóc lóc, nôn trớ. Khi bệnh thuyên giảm, sởi bay dần, thì các cháu bị ngứa ngáy khắp người.
Hiện nay ở Việt Nam đang bùng phát bệnh sởi trên diện rộng, Hà Nội ghi nhận sự đột biến về số trẻ bị mắc sởi và tử vong do sởi. Năm 2013, bệnh sởi xuất hiện tại 24 tỉnh thành, số mắc là 1048 ca, trong tháng 1/2014, số mắc mới chỉ là 241 ca, chết 3 ca và tập trung ở 4 tỉnh phía bắc[1]. Tính từ đầu năm 2014 tới ngày 17/4/2014, tổng số trường hợp sốt phát ban dạng sởi là 8.521 trong đó có 3.136 trường hợp dương tính với xét nghiệm sởi, 61 tỉnh thành có trường hợp mắc và 112 cháu đã tử vong (chỉ còn hai tỉnh chưa có dịch là Cao Bằng và Bắc Kạn) [2]. Hà Nội chiếm tới 1/3 số bệnh nhân sởi và ½ số tử vong theo thống kê. Dịch sởi được ông Phạm Nhật An, giám đốc Viện Nhi Trung ương nói là: “Trong gần 40 năm trong nghề, tôi chưa từng thấy dịch sởi nặng nề như năm nay, diễn biến rất đặc biệt" [3]. Trên thực tế dịch sởi hiện nay đã bùng phát và kéo dài từ 2012 khi 22 trường hợp mắc sởi ở TP HCM đã xảy ra [4]. Điều đáng nói ở đây là cho tới thời điểm này, ông Bộ Y tế và UBND những tỉnh thành phố hiện đang có dịch sởi vẫn quyết định không công bố dịch sởi [5]!!!!

Các cam kết và trách nhiệm của các bên liên quan

Bộ Y tế và Chính phủ Việt Nam đã cam kết với quốc tế về loại trừ bệnh sởi từ 2013 tới 2017 nhưng tình hình trên thực tế này đang ngày càng ra rời với những gì Bộ Y tế và Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố! Quay trở lại năm 2012, Hội nghị lần thứ 63 Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới Tây Thái Bình Dương (viết tắt là RCM 63) được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam là nước đăng cai) đã thông qua 5 nghị quyết về các vấn đề liên quan đến sức khỏe [6] trong đó có một nghị quyết về “Loại trừ sởi và tăng cường kiểm soát rubella” (ký hiệu WPR/RC63.R5). Nghị quyết này đã thể hiện cam kết của các quốc gia trong khu vực về loại trừ bệnh sởi trong vòng 3 năm [7]. Đoàn đại biểu Việt Nam khi đó có 28 người, đứng đầu là bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng với quan sát viên là 30 người [8] đã có tên trong biên bản và thống nhất thông qua nghị quyết!!!! Chỉ chưa đầy một tháng trước khi có nghị quyết này (27/9/2012), ngày 4/9/2012, Chính phủ đã có quyết định 1208/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia y tế giai đoạn 2012-2015 với kinh phí 12.770 tỷ đồng để thực hiện 5 chương trình y tế quốc gia mà trong đó có một mục tiêu là “Loại trừ bệnh sởi vào năm 2012, giảm số trường hợp mắc sởi dưới 1/1.000.000 dân” [9]. Thế nhưng, tới năm 2013, tỷ lệ này thậm chí vẫn không đạt được vì tỷ lệ mắc là 11.8 trên 1 triệu dân (1048 ca/88.78 triệu dân). Năm nay con số này cao hơn thế rất nhiều lần! Kết quả này phản ánh sự bất lực ngành y tế trong việc thực hiện các cam kết của ngành với Chính phủ và cộng đồng quốc tế!
Việc công bố dịch Sởi vẫn không được thực hiện bất chấp những khuyến cáo và hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới. Theo hướng dẫn về thông báo và xử lý dịch sởi bản cập nhật mới nhất năm 2013 thì trong một khu vực chỉ cần có 1 trường hợp được xét nghiệm là virus sởi thì đã được gọi là dịch [10]. Vậy mà từ 2013, khi đã xuất hiện 1048 trường hợp được xét nghiệm có virus sởi thời điểm đó, ngành y tế vẫn không công bố dịch để huy động tất cả các ngành khác vào cuộc và quan trọng nhất là cảnh báo cho người dân biết và có biện pháp phòng chống thích hợp. Có vẻ như Bộ Y tế và các ngành chức năng đang cố tình phớt lờ các khuyến cáo và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Quyết định 64/2010/QĐ-TTg quy định “Điều kiện công bố dịch và công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm”. Điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm là: Thứ nhất, có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Thứ hai, có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa...
Song, theo Bộ Y tế thì ngành vẫn làm “đúng trách nhiệm!” bởi việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh thành phố. Viện dẫn công văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quyết định 64/2010/QĐ-TTg quy định “Điều kiện công bố dịch và công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm”: chỉ khi nào có hai Tỉnh, thành phố công bố dịch do không còn khả năng kiểm soát khống chế thì khi ấy Bộ Y tế mới chính thức công bố dịch sởi!!!! Và thực sự thì cho tới nay, mặc dù con số trẻ mắc sởi không ngừng tăng cao và con số trẻ tử vong vẫn tiếp tục tăng lên theo từng ngày thì Sở Y tế Hà Nội vẫn được coi là “chưa nghiêm trọng1] cho dù Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam đã có ý kiến rằng chỉ cần 3-4 ca mắc sởi là đã có thể công bố dịch. [12]
Đứng trước việc này, Đại diện Chủ tịch của UBND Thành phố Hà Nội, bà Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nói gì? “Công bố dịch hay không công bố dịch là việc không quan trọng…”[13] Phó Chủ tịch dù có khẳng định thêm rằng “Quan trọng nhất là phải triển khai quyết liệt và có hiệu quả công tác phòng chống dịch, khống chế dịch” thì điều dễ nhận thấy nhất là dịch càng ngày càng gia tăng một cách đáng lo ngại. Do không có cảnh báo dịch, người dân vẫn tiếp tục đổ về các bệnh viện lớn vì vẫn tin rằng, dịch vẫn chưa xẩy ra ở Hà Nội và con cái họ vẫn còn hy vọng cứu chữa.

Truy tìm nguyên nhân, những con số thống kê cao về tình hình tiêm chủng có đáng tin?

Không thể đổ lỗi cho khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, vì thời tiết năm nay không có gì bất thường so với các năm trước. Cũng không thể đổ lỗi cho những bác sỹ đang trực tiếp trong bệnh viện hay các nhân viên y tế dự phòng bởi họ chỉ làm việc của mình, theo nhiệm vụ tại địa bàn phân công, họ không thể ra quyết định. Vậy thì trách nhiệm thuộc về ai?
Ngành y tế đổ lỗi cho người dân vì không chịu đưa con đi tiêm vaccine đầy đủ song các báo cáo con số thống kê tiêm chủng của Bộ Y tế và của ngành y tế những năm trước đều rất khả quan. Sự thật những ca tử vong do sởi thì lại đa phần là nằm trong nhóm đáng lẽ cần được tiêm phòng. Năm 2013, tỷ lệ tiêm phòng sởi đạt 84.2%. Theo báo cáo thống kê, có tới 88,5% số trẻ tử vong do sởi đến nay (17/4/2014) là chưa được tiêm phòng sởi, trong số này có 75% là trẻ trên 9 tháng tuổi (số này đáng lẽ phải được tiêm phòng) [14]. Như vậy số cháu trên 9 tháng tuổi tử vong vì chưa tiêm phòng là 66% (=88.5%x75%). Nói cách khác, có tới 2/3 số trẻ tử vong đã không được tiêm phòng đầy đủ (trong khi tỷ lệ tiêm phòng đủ đạt tới gần 85%). Đây chắc chắn là trách của ngành y tế các tỉnh và đứng đầu là trách nhiệm của Bộ Y tế.

Ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh nhân sởi nằm tràn ra cả hành lang. Nhiều giường bệnh có 7 cháu nằm chung. 4 trẻ đã tử vong do sởi tại đây, tính đến 16/4.
Chiến dịch tiêm phòng sởi có thể đã không đạt được như những gì đã báo cáo. Ngay cả một lãnh đạo kỳ cựu của ngành y tế, ông Nguyễn Thanh Liêm nguyên Giám đốc Nhi Trung ương cũng đã phát biểu với báo chí rằng “Dịch sởi cho thấy cần phải xem xét lại một số vấn đề của chương trình tiêm chủng mở rộng. CÓ LẼ MỨC ĐỘ BAO PHỦ CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHÔNG CAO NHƯ CHÚNG TA VẪN NGHĨ”[15]. Tại sao bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không công khai toàn bộ tình hình thực tế cho báo giới biết mà phải chỉ đạo giải quyết kín chuyện này?[16].
Hậu quả của việc tiêm chủng không đầy đủ kéo theo sự suy giảm miễn dịch của cả một cộng đồng. Theo các xét nghiệm về virus gây sởi trong vụ dịch năm nay, các Virus không hề bị biến đổi gen, tăng cường độc lực [17]. Hay nói cách khách, các năm trước và năm nay, tác nhân gây bệnh không đổi nhưng số ca biến chứng sởi nguy hiểm tăng lên đột ngột và số trẻ tử vong cũng tăng một cách kinh ngạc.
Người dân đã mất niềm tin vào những cam kết và công tác tuyên truyền của chính phủ về việc tiêm vắc xin. Nguyên nhân có thể là do những vụ scandal về vaccine làm chết trẻ một cách có hệ thống mà không có ai bị chịu trách nhiệm. Báo giới và công luận đã chỉ trích, phê bình không tiếc lời về vai trò và trách nhiệm của Bộ Y tế trong các vụ tiêm vaccine gây tử vong trẻ sau tiêm vaccine [18],[19]. Người dân đặc một câu hỏi lớn về việc có biết bao nhiêu những vụ việc như thế này xảy ra trên toàn quốc mà không được phản ánh? Chỉ biết rằng, sau mỗi cuộc tổng kết chương trình tiêm chủng, số liệu của ngành y tế thì lúc nào cũng báo cáo với con số rất cao và đều kết thúc bằng những từ ngữ quen thuộc: …đã thành công tốt đẹp.
Hãy thử hình dung nếu có hàng ngàn trẻ được coi là đã được tiêm phòng nhưng không được tiêm đủ liều và đúng loại vacxin có chất lượng đúng như cam kết thì hậu quả sẽ kinh khủng đến thế nào? Liệu có ai dám đặt dấu hỏi cho việc liệu có bao nhiêu trong số các trẻ đã được công bố là tiêm chủng đầy đủ rồi là hoàn toàn chắc chắn?
Các vấn đề cần đặt ra là gì?
… Để cứu được những đứa con, người mẹ phải trả 7 triệu đồng cho một mũi tiêm, và tổng cộng phải tiêm 4 mũi như vậy với tổng số tiền 28 triệu, đó là chưa kể tiền nằm viện cả tháng[20].
… Người dân phải tự mình tìm cách cứu chữa cho con, họ phải tự tìm những bài thuốc dân gian cho dù là vô vọng. Sẵn sàng bỏ hàng triệu để mua những bài thuốc lưu hành trên mạng, bọn gian thương thì tranh thủ đội giá lên gấp 2,3 lần[21]. Tất cả dường như đang muốn kiếm chác từ những đồng tiền tích cóp cuối cùng của người mẹ và gia đình, và cả một hệ thống dường như đang đẩy người dân tới những tình trạng khốn cùng nhất!
Không một Đại biểu quốc hội nào lên tiếng nói phê phán, chỉ trích ngành y tế!
Không một Ủy viên Trung ương Đảng nào lên tiếng nói với Bộ Chính trị và các lãnh đạo Đảng ủy của các thành phố để xảy ra dịch!
Chỉ có những phản ánh của báo giới, tiếng kêu than của người dân, và những người đưa tin tình nguyện (các blogger và facebooker)!
Cả một hệ thống chính trị hành động một cách im lìm và lặng lẽ, không có một lời xin lỗi nào được đưa ra!

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ nhập viện do sởi cao hơn nhiều. Các trường hợp nặng đều phải truyền và nằm cách ly. Người ra vào khu bệnh phải đeo khẩu trang [22].
Ở một đất nước mà những cam kết của chính phủ về chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ trẻ em luôn được đưa ra để quảng bá thành tích của chính phủ, mặc cả viện trợ và thể hiện tiến bộ của ngành y tế Việt Nam nhưng hệ thống làm báo cáo và thống kê không minh bạch thì chúng ta có quyền đặt ra những câu hỏi cần những câu trả lời nghiêm túc ở đây. Những chiến dịch vận động quảng bá trong chăm sóc sức khỏe cộng động có thực sự hiệu quả như những gì đã được báo cáo? Cụ thể hơn là những vaccine được tiêm cho trẻ có chất lượng ra sao và chúng có thực sự an toàn? Số trẻ đã được tiêm “đầy đủ” cả liều và lượng là bao nhiêu và có không hay các con số thống kê đã được phù phép.....
Câu hỏi lớn nhất được công luận và người dân đặt ra là ngành y tế và chính quyền bất lực hay vô trách nhiệm trước tính mạng của người dân nói chung và trẻ em nói riêng....

Vài lời kết

… Trong lúc này bệnh nhân nhi vẫn đang chờ vật vã với tử thần còn các bà mẹ và người chăm nom vẫn đang ngồi la liệt ôm các cháu ngoài hành lang.
Có thể dự đoán rằng, bằng cách không tuyên bố dịch, khả năng là trong những ngày tháng tới đây sẽ là sinh mạng của hằng ngàn trẻ thơ, tương lai của đất nước này bị mất mạng vì sự chần chừ của chính quyền, bởi dường như những người đứng đầu của các thành phố này coi trọng yếu tố kinh tế như mất khách du lịch, tẩy chay thức ăn, thiệt hại các ngành dịch vụ, mua sắm v.v..hơn là sinh mạng của những đứa trẻ thơ và sự bần cùng hóa của những gia đình có con đang nằm bệnh viện!!!
Tất cả thể hiện một sự bất lực của ngành y tế và bất lực của cả hệ thống chính trị, dù có trong tay tất cả các công cụ để triển khai can thiệp.
Một sự im lặng đáng sợ!
[1] http://www.moh.gov.vn/news/pages/tincanbiet.aspx?ItemID=29 Những điều cần biết về sởi và khuyến cáo phòng bệnh (đăng ngày 10/2/2014)
[2] http://us.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/da-co-112-tre-tu-vong-do-soi-c46a624295.html Đã có 112 trẻ tử vong do sởi (đăng ngày 18/4/2014)
[3] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dich-soi-nang-nhat-trong-hang-chuc-nam-2973531.html Dịch sởi nặng nhất trong hàng chục năm (đăng ngày 4/4/2014)
[4] http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/110109/ Bệnh sởi tăng bất thường (đăng ngày 13/2/2014)
[5] http://dantri.com.vn/su-kien/vi-sao-ha-noi-chua-cong-bo-dich-soi-863557.htm Vì sao Hà Nội chưa công bố dịch sởi (đăng ngày 17/4/2014)
[6] http://giadinh.net.vn/y-te/hoi-nghi-who-tay-tbd-lan-thu-63-thong-qua-5-nghi-quyet-ve-suc-khoe-20121001093912820.htm Hội nghị WHO Tây TBD lần thứ 63: Thông qua 5 nghị quyết về sức khỏe (đăng ngày 1/10/2012)
[11] http://vtc.vn/321-484263/suc-khoe/so-y-te-hn-ty-le-tu-vong-soi-chua-nghiem-trong.htm Sở Y tế HN: Tỷ lệ tử vong sởi chưa nghiêm trọng (đăng ngày 17/4/2014)
[12] http://danviet.vn/thoi-su/truong-dai-dien-who-tai-viet-nam-chi-34-ca-benh-da-co-the-cong-bo-dich/20140417103617604p1c24.htm Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Chỉ 3-4 ca bệnh đã có thể công bố dịch (đăng ngày 18/4/2014)
[13] http://dantri.com.vn/su-kien/vi-sao-ha-noi-chua-cong-bo-dich-soi-863557.htm Vì sao Hà Nội chưa công bố dịch sởi (đăng ngày 17/4/2014)
[14] http://dantri.com.vn/su-kien/vi-sao-ha-noi-chua-cong-bo-dich-soi-863557.htm Vì sao Hà Nội chưa công bố dịch sởi (đăng ngày 17/4/2014)
[15] http://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/tai-sao-khong-cong-bo-dich-soi.html Tại sao không công bố dịch sởi (đăng ngày 14/4/2014)
[16] http://dantri.com.vn/su-kien/vi-sao-ha-noi-chua-cong-bo-dich-soi-863557.htm Vì sao Hà Nội chưa công bố dịch sởi (đăng ngày 17/4/2014)
[17] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-y-te-chung-toi-khong-giau-dich-soi-2978173.html Bộ Y tế: Chúng tôi không giấu dịch (đăng ngày 17/4/2014)
[18] http://dantri.com.vn/suc-khoe/y-ta-da-tiem-nham-thuoc-cho-3-tre-so-sinh-o-quang-tri-857148.htm Y tá đã tiêm nhầm thuốc cho 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị
[19] http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/590325/tre-lai-tu-vong-sau-tiem-vacxin-quinvaxem.html Trẻ lại tử vong sau tiêm văcxin Quinvaxem (đăng ngày 15/1/2014)
[20] http://vnexpress.net/photo/thoi-su/tre-o-at-nhap-vien-vi-soi-bien-chung-nang-2978781.html Trẻ ồ ạt nhập viện vì sởi biến chứng nặng (đăng ngày 16/4/2014)
[21] http://laodong.com.vn/suc-khoe/thuc-hu-loi-don-thoi-dieu-tri-benh-soi-cho-be-bang-hat-mui-194012.bld Thực hư lời đồn thổi điều trị bệnh sởi cho bé bằng hạt mùi (đăng ngày 17/4/2014)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"