Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Có cần giám sát sự tin tưởng của chính quyền vào nhân dân?

Bình Lê
Trong cuộc sống, chúng ta hay đánh giá niềm tin của người dân vào chính quyền. Ví dụ ở Việt Nam có Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp vào chính quyền địa phương. Tuy nhiên, có một chỉ số quan trọng khác mà chúng ta cần phải đánh giá, đó là chỉ số niềm tin của chính quyền vào nhân dân. Chỉ số này quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cách ứng xử của đội ngũ công quyền với người dân.

Ảnh: sự kiện Tôi Tự Do được tổ chức bởi các tổ chức phi chính phủ để kỷ niệm ngày nhân quyền (Nguồn: iSEE)
Gần đây, truyền thông và người dân có nói đến việc chính quyền cấm người dân chế tạo máy bay hoặc tàu ngầm. Rõ ràng, phản ứng này xuất phát từ sự nghi ngại của chính quyền hơn là sự tin tưởng vào năng lực và động cơ sáng tạo của người dân. Khi chính quyền nghi người dân có ý xấu thì họ sẽ ngăn cản tất cả những gì “bất thường”, “khác biệt”, “chưa có tiền lệ”. Ngược lại, nếu chính quyền tin tưởng vào người dân thì họ sẽ thấy đây là cơ hội phát triển và khuyến khích người dân có những đột phá và sáng tạo.

Tương tự như vậy có những hoạt động tập thể của thanh niên, sinh viên trong bảo vệ môi trường, giúp đỡ người yếu thế, hoặc bảo vệ quyền con người. Với định kiến sẵn có về những “thế lực thù địch” thì việc ngăn cản thanh niên tụ họp dễ xảy ra hơn sự tạo điều kiện cho sinh viên và thanh niên hoạt động tự do. Khi nghi ngờ về “thể lực thù địch” lớn hơn niềm tin vào khao khát học hỏi, vươn lên, làm việc tốt, và giúp đỡ người khác của thanh niên thì những hạch sách, cấm đoán hoặc ngăn cản sinh viên hoạt động dễ xảy ra hơn. Điều này không những làm nhụt chí lớp trẻ, mà còn gây bức xúc không cần thiết trong họ. Nếu đi quá xa nó sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của giới trẻ và sinh viên vào chính quyền vì những thực hành bình thường của một con người tự do cũng bị nghi ngờ cấm đoán.
Một ví dụ khác đó là thái độ với việc người dân khiếu kiện đông người. Trước hiện tượng này, nhiều người cho rằng có kẻ xấu đứng sau xúi giục nhân dân, thậm chí có thế lực thù địch đứng phía sau giật dây. Với thái độ nghi ngờ như vậy chính quyền rất dễ tập trung vào việc bắt người “cầm đầu” thay vì tìm ra nguyên nhân của khiếu kiện, giúp người dân giải quyết mâu thuẫn và vãn hồi công lý. Điều này rất có hại vì khiếu kiện đông người là vũ khí cuối cùng của những người dân cùng khổ, không có quyền lực. Họ phải dựa vào tập thể để tăng sức nặng, gây sự chú ý của xã hội và nhà nước. Việc trừng phạt người đứng đầu sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, vì ngoài việc làm cho những người khác sợ hãi không dám đứng ra tổ chức nhân dân đấu tranh lại sự bất công, nó còn triệt tiêu những người có tiềm năng lãnh đạo cộng đồng. Nếu một đất nước mà cứ trừng phạt những người “cầm đầu” thì đất nước đó khó phát triển vì mất những người ưu tú nhất của mình.
Niềm tin vào nhân dân cũng quyết định cách nhà nước quản lý xã hội. Khi không tin vào nhân dân chính quyền sẽ tìm cách dậy dỗ và hướng dẫn nhân dân sinh sống như thế nào cho tiến bộ, học tập như thế nào cho đúng cách, và thưởng thức nghệ thuật gì cho lành mạnh. Chính quyền sẽ quản lý văn hóa nghệ thuật bằng cách cấp phép cho triển lãm, biểu diễn và xuất bản. Chính quyền tung ra các chiến dịch tuyên truyền về gương tốt, việc tốt để người dân học tập và noi theo. Chính cách quản lý này làm người dân mất tự do sống theo cách của mình, họ phải gò vào những khuôn mẫu trong suy nghĩ, trong hành động và trong cuộc sống. Khi đó, sự sáng tạo sẽ bị triệt tiêu và sự bức xúc sẽ lan rộng, điều này sẽ dẫn đến giảm niềm tin vào chính quyền.
Rõ ràng niềm tin của nhà nước vào nhân dân rất quan trọng. Nó quyết định thái độ của chính quyền với những điều xảy ra trong cuộc sống. Nếu tin vào người dân, chính quyền sẽ biết cách trao quyền, bảo vệ sáng tạo và khuyến khích tính chủ động của người dân. Khi đó, đất nước sẽ phát triển, người dân sẽ có tự do, và chính quyền sẽ có được niềm tin của người dân vào sự quản lý của mình. Ngược lại, khi chính quyền không tin vào nhân dân thì họ sẽ tìm mọi cách để quản lý nhân dân, có thái độ tiêu cực, dè chừng và kiểm soát hơn là khuyến khích người dân. Điều này chắc chắn sẽ không có lợi cho sự phát triển bền vững của đất nước, và tự do của nhân dân.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"