Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Cám ơn trung ương

Trà Giang
Vậy là lại thêm một ông bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi nữa, được trung ương điều về, rồi lại rút đi. Cái điều tôi đã dự báo trước, cùng với một số thảo luận khác trong một số entry trước làm cho ông bí thư giận dữ, cho người truy tìm để trừng trị, đã thành sự thật.
Chỉ có cái khác của trường hợp ông này so với hai vị tiền nhiệm là khi được điều về, ông chẳng dính dáng gì đến Quảng Ngãi; ông lại quá trẻ mà hay nổ nên không ít người căm ghét; và ông lại rút đi quá nhanh đến nỗi ông chưa nhớ hết tên của các vị trong Ban Chấp Hành, chưa đi hết dọc những tuyến tỉnh lộ.
Không biết trường hợp như ông, cả hai vị tiền nhiệm, và nhiều trường hợp khác, trong công tác nhân sự của đảng, được gọi là qui trình gì. Hiện nay đang rộ lên cái gọi là sự luân chuyển, với nội dung là đưa cán bộ từ cấp trên về cấp dưới để bồi dưỡng, thử thách với một vị trí công tác tương đương nhưng khác với lĩnh vực nghiệp vụ chuyên môn để sau đó, hoặc rút lại về chỗ cũ với chức vụ cao hơn, hoặc để lại chỗ mới cũng với sự đề bạt tương đương. Tiếng là luân chuyển, tức là chuyển vòng tròn; các bản tiếng Anh của các báo mạng của đảng, nhà nước đều dùng từ rotate. Thế nhưng, thực tế, chỉ là cách thuyên chuyển chủ yếu là con lắc. Đó là nói về hình thức. Còn về nội dung, mục đích của qui trình, cũng có lắm chuyện bàn. Không phải mọi trường hợp đều là nhằm bồi dưỡng, thử thách; và cũng không phải mọi trường hợp đều dân chủ, công khai, công tâm, đúng qui hoạch từ đầu. Ngay cả phương pháp thực hiện, đôi khi cũng vô cùng tùy tiện. Nhà báo Huy Đức đã nhận xét rằng sau luân chuyển, chưa bao giờ Ban tổ chức các cấp có đánh giá đầy đủ hiệu quả của quá trình cán bộ được luân chuyển thực hiện nhiệm vụ ở ví trí công tác mới mà thường là trái khuấy về lĩnh vực chuyên môn của đương sự, để bảo đảm tính đáp ứng yêu cầu bổ nhiệm sau luân chuyển.

Như trường hợp ông bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi đang nói, vốn đang là bí thư trung ương đoàn thanh niên, ủy viên trung ương; khi Quảng Ngãi khuyết bí thư tỉnh ủy do việc rút người tiền nhiệm, cũng là diện “luân chuyển” từ trung ương về tỉnh, ông được điều về điền vào đấy. Dựa vào thế được trung ương điều về, ông mạnh miệng phán dạy Quảng Ngãi vài việc, cũng chưa được gì. Không biết qua đó ông tích lũy bao nhiêu kinh nghiệm, năng lực lãnh đạo, làm chính trị ở một tỉnh nông nghiệp, báo cáo với trung ương về kết quả tích lũy đó và được đánh giá cao để có thể chuyển về vị trí phó bí thư trực một thành phố lớn nhất nước, với đặc trưng đô thị, không giống chút nào với Quảng Ngãi. Đó là chuyện xem như chính thống, nếu họa hoằn là có; còn đàng sau chuyện ấy, việc vận động, chạy chọt, chỉ có ông, ông trưởng ban tổ chức trung ương cùng một vài vị khác, và trời mới biết được.
Trong lễ công bố quyết định ông tại TP. Hồ Chí Minh ngày 15/4/2014, ông trưởng ban tổ chức trung ương đánh giá rất cao tài đức của khách hàng của mình, đồng thời cũng khẳng định quá trình này đã có chuẩn bị từ trước. Không biết quá trình đó bắt đầu từ lúc nào, hồ sơ tài liệu làm việc liên quan của các cơ quan, tổ chức liên quan ra sao, và như đã nói, có trời mới biết được. Chỉ thấy, nếu trung ương đã có những đối tượng được chuẩn bị trước như vậy thì có lẽ trung ương cũng biết rằng đưa ông Thưởng về Quảng Ngãi, rồi lại rút đi một cách đột ngột như vậy là làm trống cùng lúc 3 vị trí lãnh đạo cao nhất của tỉnh thuộc diện ban bí thư quản lý. Không lẽ trung ương hoàn tất sự chuẩn bị từ trước cho phía này, lại tự mình làm lộ sự không chuẩn bị cho một phía khác, mà cả hai phía đều thuộc quyền lãnh đạo, quản lý toàn diện và tuyệt đối của đảng.
Hậu quả thực tế từ một số động thái về công tác cán bộ thời gian qua với qui hoạch, tiến cử, điều động, luân chuyển, vừa thể hiện sự lúng túng nhằm đối phó với “hẫng hụt”, vừa thể hiện bước “phát triển” công tác đảng đến mức độ quan liêu, thư lại, hành chính hóa, đồng thời tạo điều kiện cho những mục đích đục nước béo cò, chạy chọt, gây dựng vây cánh, nhóm lợi ích.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"