TORONTO, Canada (NV) - Biển
Ðông đang tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước là thùng thuốc súng của
nguy cơ xung đột có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho phương Tây,
theo phân tích gia Robert Kaplan.
Robert Kaplan là một phân tích gia địa chính trị nổi tiếng. Ông nhận
định trong một quyển sách mới xuất bản có tên là “Asia's Cauldron: The
South China Sea and the End of a Stable Pacific.” Tạm dịch là 'Vạc dầu ở
Á Châu: Biển Ðông và sự chấm dứt ổn định ở Thái bình Dương,' do Random
House xuất bản.
Chiến hạm USS John S. McCain (DDG 56) hiện đang cập cảng Ðà Nẵng, Việt Nam. Hoa Kỳ đang gia tăng sức mạnh hải quân nhằm gây ảnh hưởng của mình trên Biển Ðông. (Hình: Getty Images) |
Theo ông nhận định, cuộc tranh chấp địa chính trị trên Biển Ðông liên
quan tới nhiều nước, khu vực có tiềm năng lớn về dầu khí, lâu nay có vẻ
không được (Tây Phương) quan tâm.
“Vạc dầu có thể đang sôi sục ở Âu châu và Trung Ðông, nhưng không có
nghĩa là Á Châu ổn định hơn.” Ông Kaplan nói với đài truyền hình CTV ở
Toronto hôm Thứ Ba. “Chúng ta đã hưởng sự ổn định ở Á Châu khá lâu.”
Cuộc tranh chấp Biển Ðông liên quan 6 nước gồm Brunei, Việt Nam,
Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Ðài Loan. Có nước tuyên bố chủ
quyền gần như toàn thể khu vực, có nước chỉ tuyên bố chủ quyền một phần.
Cũng đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật về vùng biển và quần
đảo Senkaku.
Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố lập vùng phòng không trên biển
Hoa Ðông, bao gồm cả khu vực quần đảo Senkaku. Hành động này đã bị Mỹ,
Hàn, Nhật đả kích dữ dội và tuyên bố không nhìn nhận. Phi cơ quân sự của
các nước này đã bay qua khu vực mà không thông báo trước như đòi hỏi
của Bắc Kinh.
Những vùng giông tố nói trên có thể là điểm phát khởi cho những loạt
tranh chấp có thể lôi kéo Hoa Kỳ vào và có thể làm hỗn loạn thị trường
tài chính quốc tế, theo ý kiến của ông Kaplan.
“Á Châu lâu nay đang ở giữa những cuộc chạy đua võ trang lớn lao nhất.” Ông nói.
Ðiều đáng quan ngại đặc biệt, theo ông, là việc Trung Quốc gia tăng
chi tiêu quốc phòng liên tục mấy năm qua. Mới tháng 3 vừa qua, Bắc Kinh
loan báo tăng ngân sách quốc phòng năm nay 12.2%. Theo bản tin Tân Hoa
Xã, mức gia tăng chi tiêu quốc phòng này cao nhất kể từ năm 2011 đến
nay.
Trong một tình huống giả định là Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn
nhất thế giới và năng lực của Hoa Kỳ giảm xuống, theo phân tích của ông
Kaplan thì “Các cơ nguy xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản
tăng lên rất cao.”
Hệ quả của một cuộc chiến giả định như thế sẽ làm xáo trộn thị trường
tài chính thế giới, đồng thời, Trung Quốc có cái thế mạnh trong tay sẽ
lấn chủ quyền lãnh thổ của các nước khác chung quanh, gồm cả Việt Nam,
Philippines và Malaysia.
Trong ngày Thứ Ba, ám ảnh bởi một cuộc xung đột quân sự có thể liên
quan đến cả Hoa Kỳ về các cuộc tranh chấp trên Biển Ðông và Hoa Ðông
ngày càng trở nên rõ nét hơn, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel
nói với người đồng nhiệm của Trung Quốc rằng Bắc Kinh không có quyền
ngang nhiên thiết lập vùng phòng không.
“Tất cả các nước có quyền thiết lập vùng phòng không, nhưng không có
quyền làm như thế một mình mà không có sự hợp tác hay sự tham khảo của
các nước khác.”
Ông Chuck Hagel nói ở Bắc Kinh. Ông cho hay thêm là Hoa Kỳ sẽ bảo vệ
Nhật Bản, Philippines và các đồng minh khác liên quan đến tranh chấp với
Trung Quốc.
Theo Trung Tâm Khảo Cứu Chiến Lược Quốc Tế (Center for Strategic and
International Studies) ở Hoa Thịnh Ðốn, Cơ quan Công Ước Quốc Tế về Luật
Biển của LHQ (UN Convention on the Law of the Sea) không có quy định
giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thế nào.
Trong một bài viết khác phổ biến trên tờ South China Morning Post hôm
Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014, ông Mark Valencia, một chuyên viên Mỹ phân
tích địa chính trị khu vực Á Châu, cho rằng các tranh chấp về Biển Ðông
sẽ vẫn tiếp diễn và không thấy một giải pháp nào trong tương lai gần,
cho dù một cuộc chiến tranh toàn diện nhiều phần sẽ không xảy ra.
Trong cuộc tiếp xúc với báo chí khi đến Honolulu họp với Hoa Kỳ và
đại diện các nước ASEAN khác về đối phó với thiên tai và các loại thảm
họa khác, Bộ Trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng ASEAN và
Trung Quốc rất muốn thấy có bản Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Ðông sớm được
thành hình.
Nhận định lạc quan của ông khác với những lời tuyên bố của những kẻ
cầm quyền ở Bắc Kinh, tức trước đến nay, không thay đổi lập trường đòi
độc chiếm cả Biển Ðông và chỉ muốn đàm phán tay đôi với các nước tranh
chấp để lấy thế nước lớn dễ chèn ép.
Không những vậy, các cuộc tập trận hải quân quy mô của Trung Quốc
hàng năm vẫn diễn ra nhiều lần chỉ để uy hiếp tinh thần các nước nhỏ
phía Nam. (TN)