Trong trường hợp của thầy Đinh Đăng Định, lệnh ân xá thả về hoàn toàn không có giá trị về mặt đạo đức. Chính xác chúng ta phải gọi đúng tên của bản chất sự việc này. Đó là trại giam rũ trách nhiệm, trại giam đã đẩy trách nhiệm thuốc men, ma chay cho gia đình phạm nhân. Vừa rũ trách nhiệm vừa được tiếng tử tế là ân xá.
Hơn ai hết, các cán bộ trại giam hiểu rõ bệnh tình của thầy giáo Đinh Đăng Định, mặc dù thầy và gia đình đã lên tiếng từ lâu, dư luận cùng với gia đình đòi hỏi thả tự do cho thầy về chữa bệnh. Nhưng đến khi chắc thấy thầy không còn sống bao ngày nữa. Trại giam đã trả thầy về cho gia đình để gia đình lo hậu sự.
Từ một người mạnh khỏe, một nhà giáo chỉ vì lên tiếng chống lại dự án khai thác Bau xít mà thầy giáo Đinh Đăng Định bị kết án tù. Ngay từ khi triển khai dự án này đến nay, ai cũng biết là một sai lầm, và sai lầm được chứng minh hàng ngày.
Điều kiện ngặt nghèo trong nhà tù đã khiến mầm bệnh nhanh chóng phát triển, đó là chưa kể những tác động khiến cho mầm bệnh phát triển nhanh chóng hơn. Ăn uống kham khổ, vệ sinh kém, điều kiện ánh sáng, nơi sống ẩm thấp...tinh thần bị ức chế do nhận bản án oan ức...đó là nguyên nhân giết chết vị thầy giáo ưu tú Đinh Đăng Định.
Thầy đã chết ở trại giam, bị giết bởi những điều trên. Không phải thầy chết ở nhà do căn bệnh ung thư mà chúng ta nhìn thấy. Thầy đã chết trước đó lâu rồi.
Vì lẽ đó có thể nói rằng.
Thầy giáo Đinh Đăng Định đã hy sinh như một người chiến sĩ bởi đấu tranh cho quyền lợi nhân dân đất nước. Thầy chết trong trận chiến không cân sức, một mình thầy đơn độc chống chọi lại thế lực hại dân, hại nước trong một mặt trận mà chỉ có mình thầy. Vì sức yếu, thế cô và trong vòng vây hãm của bọn ác, thầy đã bị chúng sát hại bằng những thủ đoạn thâm hiểm, khiến thầy chết dần mòn.
Cái chết nhanh chóng của thầy sau khi từ trại giam về, ít nhiều đã vạch rõ bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của cái gọi là ân xá nhân đạo. Sự ân xá mới đây cho một người tù 32 năm mắt mù, tai điếc , tuổi già và một người bị bệnh nặng về đến nhà thì chết. Sự ân xá đó sẽ khiến dư luận trong và ngoài nước, những tổ chức nhân đạo quốc tế thấy rõ về sự '' nhượng bộ nhân quyền '' của Việt Nam là thế nào.
Vẫn còn những tù nhân bị bệnh hiểm nghèo như nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ và ông Nguyễn Kim Nhàn....nếu nhà nước Việt Nam tự nhận mình là nhân đạo. Xin hãy để những tù nhân mắc trọng bệnh đó được về nhà chữa bệnh ngay tức thì.
Một ngày nào đó, nhân dân sẽ tạc tượng thầy giáo Đinh Đăng Định giữa trung tâm dự án Bau Xít. Từ bây giờ hình ảnh của nhà giáo chiến sĩ Đinh Đăng Định đã khắc trong tâm khảm những người dân Việt có lương tri.
Từ xa xôi, xin cúi đầu vái tiễn đưa thầy về nơi an nghỉ.