Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ thảo luận nhân quyền với thành viên xã hội dân sự

Thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ thảo luận các vấn đề nhân quyền Việt Nam với những người vận động dân chủ hóa đất nước trong cuộc tiêp xúc ở Hà Nội hôm Thứ Ba, 4 tháng Ba, 2014.

Bà Wendy Sherman (thứ tư từ bên phải), Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, chụp hình chung với một số anh chị em của Hội Anh Em Dân Chủ ngày 4/3/3014 sau cuộc tiếp xúc ở Hà Nội. (Hình: Hội Anh Em Dân Chủ)
Bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách chính trị của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm Thứ Ba vừa qua đã tiếp một nhóm thành viên xã hội dân sự vận động dân chủ hóa Việt Nam bên cạnh các cuộc họp với viên chức nhà cầm quyền Việt Nam. Đó là một số thành viên của 'Hội Anh Em Dân Chủ' mới được thành lập từ năm ngoái tại Việt Nam và dự trù phát triển thêm nhiều ra các cộng đồng người Việt hải ngoại.

Trong một bản tin phổ biến trên Facebook của Hội Anh Em Dân Chủ (HAEDC), luật sư Nguyễn Văn Đài (một trong những thành viên sáng lập HAEDC) cho hay cuộc tiếp xúc giữa bà Sherman và HAEDC “xoay quanh vấn đề tự do lập hội, hội họp, tự do báo chí và tự do thông tin.”
Theo bản tường trình ngắn của luật sư Đài “Các bạn trẻ đưa ra các ví dụ về các vụ vi phạm nhân quyền điển hình vừa qua. Phía HAEDC đã nêu ra 1 số vi phạm về việc chặn các trang mạng xã hội như Facebook, và 1 số các Blog mang tính phản ánh tình hình chính trị xã hội trong nước.”
Riêng cá nhân luật sư Đài thì ông cũng đã “nêu ra ví dụ về việc bắt giữ Blogger Trương Duy Nhất và kết án ông một cách vô lý theo điều 258 BLHS, và một lọat vụ bắt giữ vô lý khác”. HAEDC kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ “lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa cho các anh em đấu tranh trong nước, mỗi lần có bất kỳ người đấu tranh nào bị bắt hay đàn áp”.
Theo bản tin của tòa đại sứ Hoa Kỳ, khi gặp các viên chức nhà cầm quyền CSVN, bà thứ trưởng Wendy Sherman “đã trao đổi tình hình nhân quyền và kêu gọi chính phủ thả các tù nhân lương tâm và cho phép tất cả người dân Việt Nam được bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hoà”.
Bản tin tòa đại sứ Mỹ thuật lời bà Sherman nói với HAEDC “Xã hội dân sự và các mối quan hệ giữa nhân dân hai nước là một trong những mảng thú vị nhất của mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Khi mà hai nước đang tiến tới kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa nhân dân hai nước thể hiện một trong những cơ hội tốt nhất để gắn kết và hợp tác”.
Trong khoảng thời gian ở Hà Nội, bà Sherman đã gặp ông Hoàng Bình Quân, Chủ nhiệm Ban Đối ngoại Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Thứ trưởng Bộ Công An Tô Lâm; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng,Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, và Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị.
Cùng ngày với cuộc tiếp xúc với một số thành viên xã hội dân sự, Tòa đại sứ Mỹ phổ biến bản tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lên án nhà cầm quyền Việt Nam khi kết án 2 năm tù nhà báo tự do Trương Duy Nhất trong một phiên tòa ở Đà Nẵng bất chấp thủ tục tố tụng hình sự dựa vào điều luật 258 bị đả kích là đi ngược lại các quyền tự do căn bản của công dân.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc bởi việc Toà án Việt Nam kết án Trương Duy Nhất. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho Trương Duy Nhất và các tù nhân lương tâm đồng thời cho phép người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa.” Theo bản tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 4/3/2014.
Tuần trước, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phổ biến bản tường trình về tình hình nhân quyền trên thế giới, trong đó, đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy chế độ Hà Nội vẫn vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Ngay ở trên phần đầu của bản phúc trình riêng về Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nhận định rằng các quyền con người của người dân tại Việt Nam bị hạn chế vì đất nước này “là một nước độc tài do một đảng -CSVN- thống trị. Bởi vậy, guồng máy công an được dung dưỡng nên “đã vi phạm nhân quyền”.
Dù vậy, ngày 3/3/2014, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng CSVN Phạm Bình Minh cầm đầu phái đoàn đến dự cuộc họp của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ “khẳng định bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam”, theo bản tin TTXVN.
Trong bản phúc trình nhân quyền của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngoài sự sách nhiễu, đánh đập hung bạo các người vận động nhân quyền tại Việt Nam, năm ngoái ít nhất có 9 người dân bị công an tra tấn chết nhưng không hề thấy những kẻ thủ ác bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà bản tường trình gọi là “tước đoạt sinh mệnh tùy tiện hoặc trái pháp luật”. Chỉ 2 tháng đầu năm 2014, đã có 5 người bị công an tra tấn chết khi bị bắt giam. Những vụ việc này xảy ra sau khi nhà cầm quyền Việt Nam ký tên gia nhập Công ước Quốc tế Chống Tra Tấn vào Tháng 11 năm 2013.
(TN)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"