Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Pháp sắp sang xuân?

Nguyễn thị Cỏ May

Mùa xuân ở Paris. Ảnh Google
Mùa xuân ở Paris. Ảnh Google
Dân chúng Pháp, từ cuối tháng giêng 2014, vẫn liên tục xuống đường hô hào chống lại những dự án cải tổ xã hội và giáo dục theo ý hệ mác-xít của Chánh phủ tả phái Hollande. Giới chánh trị và báo chí quan tâm theo dõi phong trào quần chúng mới xuất hiện, giới trẻ rất đông, nhận thấy nó định hình không liên hệ với những đảng phái truyền thống, tức những đảng phái có sẵn ở Pháp, và mục tiêu tranh đấu cũng không nhằm vận động cử tri. Vì đặc tánh đó mà người ta cho đây là một «thế hệ bảo thủ mới» vừa xuất hiện. Hữu khuynh vì chống lại tả phái. Và nếu bảo đây là phong trào cực hữu thì càng không đúng vì nó vượt cả những tổ chức cực hữu hiện đang hoạt động ở Pháp.
Theo dõi sát đoàn người biểu tình, người ta ghi nhận có những người, trước đây hơn một năm, tham dự biểu tình chống dự luật «hôn nhân cho mọi nguời» của TT. Hollande đưa ra. Sau khi dự luật được Quốc Hội, đa số tả phái, thông qua, ai cũng tưởng như thế là sự chống đối đã thất bại và những người chống đối đã chấp nhận thua cuộc.
Nhưng không!
Từ chủ nhựt 2/2, cứ mỗi tuần liên tục, có hàng trăm ngàn người kéo nhau xuống đường, với biểu ngữ «Biểu tình cho mọi người» hàm ý lập lại luật «Hôn nhân cho mọi người» nhằm chống lại chánh phủ của Ông Hollande. Phong trào chống đối còn biểu tình trên mạng xã hội. Họ vận dụng nhiều mặt chống đối vì họ cảm thấy những giá trị văn hóa lâu đời của nước pháp đang bắt đầu bị lực lượng tả phái theo ý hệ Mác –xít nỗ lực âm thầm từng bước tiêu diệt. Phần đông những người biểu tình là tín đồ thiên chúa giáo nên họ lo sợ những giá trị văn hóa và văn minh thiên chúa giáo sẽ bị phá sản, con em của họ sẽ sống mất phương hướng vì những giá trị đạo lý xã hội tiêu chuẩn không còn nữa.
Biểu tình lớn, liên tục, không xuất hiện trong khuôn khổ của một tổ chức nào cả, mà từ từng lớp quần chúng, nên có thể nói đó là xã hội pháp đang thức tỉnh và vùng dậy. Phản kháng!
Xung đột văn hóa
Nếu nói đây là một hiện tượng xung đột văn hóa thì phải chăng đó là sự xung đột giữa nền văn hóa gốc thiên chúa giáo của Pháp với tư tưởng mác-xít đang được chánh phủ Ông Hollande theo xã hội và cánh tả đại diện áp dụng trong đường lối cai trị nước Pháp? Về mặt xã hội, ý thức hệ «tự do thả giàn và cá nhơn chủ nghĩa cưỡng bách» di lụy từ biến cố phá sản tháng 5/68 đã làm mất đi những điểm móc cho đời sống đạo lý xã hội pháp. Những hiện tượng thay đổi trong ngôn ngữ phổ thông đã bắt đầu để làm cho dân chúng từ từ quen dần.  Báo nói và báo viết bắt đầu dùng những từ ngữ mới khi nói về những vấn đề xã hội. Lễ Noel được thay thế bằng lễ cuối năm. Lễ Pâques là lễ mùa Xuân. Nhưng lễ Ramadan của hồi giáo thì được giữ nguyên và cử hành lễ phần nào còn thêm được ưu đãi của chánh quyền nữa.
Ở xứ Pháp ngày nay, nếu một người Pháp chánh gốc, tức Tây thiệt như Ông de Gaulle, công khai xác nhận «tôi là người pháp, nước Pháp là nước của tôi» sẽ lập tức bị báo chí và các hội như «SOS Racisme», «Hội những người nhập cư không giấy tờ», …tố cáo là «người kỳ thị chủng tộc » (raciste)!
Đạo lý xã hội ngày nay được Ông Tổng trưởng Giáo dục quan niệm: «mọi công dân pháp phải hiểu đạo đức thế tục (la morale laique) là cái gì khác hơn lý lẽ quốc gia (la raison d’Etat). Mỗi công dân phải xây dựng cho chính mình, một cách tự do, sự phán xét đúng sai, tốt xấu. Đó cũng chính là «sự tôn trọng những chánh kiến, những tín ngưỡng khác. Một xã hội dân chủ không thể sống chỉ biết sợ «sen đầm» (thi hành luật pháp), nhưng còn phải biết sống với điều đến từ bên trong con người chúng ta, điều ở ngay trong mỗi chúng ta, đó mới gọi là đạo đức».
Mục tiêu cấp hai, sau Ông Hollande và Ông Ayrault, của phong trào chống đối là những Tổng Bộ trưởng liên hệ tới đời sống xã hội như Bà Najat Vallaud-Belkacem, Bộ trưởng Phụ nữ, Bà Christiane Taubira, Tổng trưởng Tư pháp, …Những người này bị chống vì «toan tính làm chánh quyền toàn trị, toan áp dụng chủ thuyết gender».
Người ta còn nghe trong đoàn biểu tình có tiếng hô đả đảo «âm mưu do thái giáo và thợ hồ» (franc-maçonnique) nghĩa là đường lối cai trị của chánh phủ pháp có bị ảnh hưởng của « do thái và thợ hồ»?
Lực lượng biểu tình hùng hậu thật, diễn hành trật tự, nhưng những điều muốn nói lên lại có khi mâu thuẫn với nhau .
Thế hệ trẻ dấn thân
Những người hướng dẫn các cuộc biểu tình đều là những người trẻ. Rất trẻ là khác nên người ta nhận xét phong trào phản kháng này là hiện tượng xã hội đầu tiên xuất hiện ở Paris và Lyon và phong trào phản kháng biểu hiện xu hướng tôn giáo hơn là chánh trị. Mục đích chung của phong trào chỉ nhằm bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống của nước pháp trước đà bị băng hoại bởi những chánh sách của chánh phủ xã hội gốc mác-xít.
Đây là thế hệ thanh niên ra đời dưới thời Giáo hoàng Jean-Paul II theo chương trình «Ngày Giới trẻ Thế giới » (JMJ – Journées Mondiales de la Jeunesse). Lớp thanh niên này tâm niệm là phải lãnh đạo cuộc chiến văn hóa chống lại cánh tả khi cánh tả nắm chánh quyền.
Những người tả phái đều thừa nhận phong trào những người trẻ này là một lực lượng thật sự hùng hậu. Bắt đầu biểu tình, họ gào lớn khẩu hiệu « Hãy bảo vệ con em chúng ta» và kết thúc biểu tình bằng khẩu hiệu «Pháp muôn năm».
Một lãnh tụ đảng xã hội, Dân biểu Christophe Cambadélis, đưa ra nhận xét «Người ta có thể nói thế hệ SOS Racisme là thế hệ đạo lý xã hội (theo quan niệm của cánh tả) còn Phong trào biểu tình cho mọi người là thế hệ bản sắc dân tộc.
Trong nhóm lãnh đạo phong trào biểu tình có một cá nhân nổi bật, chỉ mới 22 tuổi, sinh viên Albéric Dumont đang học tại Đại Học Paris II Assas. Chính anh ra lệnh cho nhiều quân nhơn đi trong hàng ngũ biểu tình và thương lượng với cấp cao của Cảnh sát Paris về lộ trình biểu tình. Anh là con của một vị chưởng khế, mẹ là một luật gia. Anh là tín đồ thiên chúa giáo nhưng «không có tràng hạt trong túi áo». Anh sử dụng mạng lưới để động viên dân chúng và đa số giới trẻ tham dự biểu tình. Anh không bao giờ bỏ ra khỏi mình chiếc áo sweat có mũ, chạy ngang lưng khẩu hiệu «un papa et une maman» (một người cha và một người mẹ). Phần tử trẻ như vầy ngày nay dấn thân tranh đấu cho niềm tin của mình thì ngày mai chắc chắn sẽ trở thành người của chánh trường.
Tuổi trẻ ngày nay dấn thân tranh đấu cho niềm tin của mình vì đảng cánh hữu UMP đã không còn đại biểu cho giới trẻ nữa mà nặng suy nghĩ về quyền lợi của những người lãnh đạo trước áp lực lá phiếu của cử tri. Nên giới trẻ phải tự mình đứng lên nói tiếng nói của chính mình. Giới trẻ đã làm thay đổi bộ mặt chánh trị nước pháp. Đây là một hiện tượng «Tea Party theo kiểu pháp», như Ông Wals, Tổng trưởng Nội vụ, nhận xét? Tea Party của Mỹ xuất hiện từ xã hội dân sự thuộc cánh hữu của Đảng Cộng hòa. Trước sự diễn biến xã hội mới này, Đảng trưởng UMP, Ông Jean-François Copé và Chủ tịch Mặt trận Dân tộc (FN), Bà Marine Le Pen, cùng không tin tưởng phong trào có thể tiến xa được tuy cả hai người đều bị qua mặt rất bất ngờ .
Ông Louis Manaranche
Trong hàng ngũ lãnh đạo biểu tình còn có thêm một «cái đầu suy nghĩ», đó là Ông Louis Manaranche, 26 tuổi, Giáo sư Thạc sĩ Sử học. Ông bênh vực những cuộc xuống đường, cho rằng những phong trào này  không hề biểu hiện cho một nước Pháp cổ lỗ sĩ. Không, theo ông, «đi đạo công giáo không phải là một triệu chứng của bịnh khùng». Ông suy nghĩ lại tư tưởng của cánh hữu dựa trên cái nhìn về con người và gia đình bắt nguồn từ chủ thuyết xã hội của Giáo hội công giáo. Và nhứt là những bản văn của Giáo hoàng Jean-Paul II mà ông đã nghiên cứu qua những buổi hội thảo.
Cùng với những người bạn tốt nghiệp từ những trường lớn mà ông gặp trong những cuộc biểu tình hoặc trong những nhóm nhỏ cầu nguyện, Louis Manaranche thành lập một think tank «Xây dựng Ngày mai» nhằm thoát ra khỏi ý hệ mơ hồ của cánh hữu như đảng UMP hay FN và dứt khoát không để mặt trận văn hóa hoàn toàn cho cánh tả thao túng.
Mùa hè năm rồi, một đại học Hè được Giám mục Dominique Rey tổ chức tại Sainte-Baume để động viên tuổi trẻ dấn thân tranh đấu chống lại chánh sách văn hóa xã hội của TT. Hollande nhằm bảo vệ trật tự truyền thống. Sau Đại Hoc Hè, thêm một người trẻ 27 tuổi trong lớp lãnh đạo phong trào biểu tình, anh Loys de Pampelonne, đã không ngần ngại rời bỏ chức vụ tham vấn ở Air France để tham gia vào phong trào biểu tình. Anh vừa lên tiếng báo động khi nghe một Dân biểu cánh tả đề cặp tới vấn đề «gender».
Ông François Copé, Chủ tịch đảng UMP, phải thừa nhận đây là một phong trào trẻ hoàn toàn mới và bảo thủ. Ông Copé đề nghị ngay với nhóm lãnh đạo phong trào nếu muốn ứng cử chánh quyền địa phương tới đây, ở đâu cũng được, đảng UMP sẽ ủng hộ.
Không bao giờ! Nhóm trẻ trả lời dứt khoát vì chọn tư thế độc lập và còn phê bình đảng UMP thiếu sáng suốt.
Các đảng phái đều nhận thấy phong trào trẻ biểu tình thật sự là một xu thế có ảnh hưởng và có khả năng áp lực chánh trị rất mạnh trên chánh trường pháp trong những ngày tới..
Sự mâu thuẫn giữa chánh quyền và phong trào biểu tình khá gay gắt. Phía chánh quyền bị hiểu là muốn quản lý đời sống riêng tư của cá nhơn tới tận cùng những chọn lựa tế nhị và kín đáo, còn phía phong trào biểu tình thì bị tố cáo là thoái trào vì chống lại sự tiến hóa xã hội.
Thật ra vai trò của nhà trường và giáo hội đã được qui định từ Đệ III Cộng Hòa: «Dạy giáo lý thuộc trách nhiệm gia đình và giáo hội, dạy luân lý thuộc nhà trường». Nhưng biên giới giữa hai thế giới «thánh và tục» không bao giờ giữ được không bị «xâm lược». Giáo hội La-mã vẫn quan tâm can thiệp vào những vấn đề chánh trị quốc gia trong lúc đó chánh quyền thế tục thiết lập một nền luân lý thế tục «vô tư» nên biến gia đình trở thành nơi xung đột tôn giáo-chánh trị dai dẳng.
Chống lại nền giáo dục thế tục ròng, Vatican không ngừng vận động Dân biểu công giáo yểm trợ.  Vai trò thầy giáo và chương trình giáo dục ở cấp sơ đẳng ngày nay đã làm cho một phần lớn dân chúng pháp lo sợ vì nước Pháp vẫn còn in đậm dấu ấn một nước một thời đã thắm nhuần giáo lý thiên chúa giáo.
Hôm thứ bảy 22 tháng 2, một cuộc biểu tình lớn xảy ra ở thành phố Nantes, quê hương của Ông Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, chống chánh phủ trong chương trình mở thêm một phi trường mới ở Notre-Dame-des Landes, làm tổn thất không ít về người và vật. Hậu quả là Bà Bộ trưởng Môi trường Cécile Duflot có thể đi đến từ chức vì lập trường của bà ủng hộ lý do biểu tình theo đường lối đảng Xanh của bà.
Nếu biểu tình cứ liên tục diễn ra hằng tuần và ngày thêm hùng hậu: «La-mã hay nước Pháp, phải chọn lựa» (khẩu hiệu của Clémenceau) thì liệu mùa Xuân năm nay có tới sớm hơn trên đất Pháp không?
© Nguyễn Thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"