Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Nghe đắng trong lòng

Nguyễn Minh Hòa
Bài viết phụ họa cho bài “Dũng cảm nhìn vào sự thật” của Pierre Darriulat
9 giờ 30 sáng ngày 11-3-2014, tức sáng ngày hôm qua. Tôi tiếp một thanh niên Việt Nam ưu tú.
Anh là người Huế, từng là thủ khoa của trường Đại học kiến trúc Huế, mới bảo vệ xuất sắc thạc sĩ tại trường đại học danh tiếng Newcastle của Anh Quốc về qui hoạch, kiến trúc và cảnh quan vào tháng 10-2013 với những lời đánh giá rất cao của các giáo sư trong hội đồng khoa học (chắc chắn là không có tiêu cực ở đây). Tôi biết anh (tôi gọi trân trọng là anh, dù còn kém con đầu lòng của tôi tới 6 tuổi) trước đó gần 2 năm, khi anh hỏi tôi một vài chuyện quanh luận văn của mình qua internet. Khi phát hiện ra đây là một người có tài, tôi đã đặt vấn đề mời về làm việc tại khoa của tôi đang quản lý, như là một sự “dấm trước”. Ngay sau khi về nước, anh quyết tâm đưa vợ nam tiến và chúng tôi đã gặp nhau. Hiệu trưởng trường tôi đồng ý nhận anh về ngay lập tức cho dù nhà trường không còn chỉ tiêu nữa, còn tôi mong muốn có được những thanh niên tài năng về đòng góp cho nền giáo dục nước nhà.
Có thể bạn đọc sẽ ngạc nhiên nếu biết hơn một nửa cán bộ đang làm việc chỗ tôi là thủ khoa, á khoa của các trường đại học, 2/3 trong số đó tốt nghiệp sau đại học từ các trường danh tiếng của nước ngoài, một điều mà ít thấy người khác làm, bởi người giỏi thường có cá tính và hay cãi. Vợ anh cũng là một KTS và đang mang thai, hai vợ chồng thuê một chỗ ở tàm tạm mất 5.000.000 đồng/ tháng, tất nhiên anh không thể thuê chổ tá túc qua đêm với giá 500.000 đồng được, bởi dẫu gì thì cũng “Nam nhi chi chí”. Nhưng hỡi ôi, nếu anh vào làm chỗ tôi thì lương anh nhận được cho 2 tháng thử việc là 2.535.110 đồng tiền Việt Nam/ 1 tháng, và sau đó là 1 năm lương tạm tuyển với mức 85% là 2.987.067/ tháng, sau 1 năm lương chính thức (100%) là 3.967.167 đồng/ tháng cho một thạc sĩ, giảng viên đại học. Tiện đây tôi nói thêm một điều mà nhiều người nhầm tưởng rằng giảng viên đại học công lập chúng tôi sống phong lưu nhờ vào giờ giảng, không phải như vậy, chúng tôi chỉ nhận được tiền giảng sau khi hoàn thành nghĩa vụ bắt buộc, chẳng hạn với giảng viên thạc sĩ là 260 tiết/ năm đến tiết thứ 261 mới nhận được thù lao vào khoảng 55.000 đồng/tiết, với TS là 320 tiết và PGS là 360 tiết (xin nhớ rất ít người vượt chuẩn), trong khi một công ty khác sẵn sàng trả cho anh 15.000.000/ tháng. Anh rất muốn theo đuổi nghề giáo như một lý tưởng của đời khi còn là sinh viên, còn tôi mong mỏi trường đại học công lập, nơi tạo ra cái máy cái cho quốc gia thì giảng sư phải là những người giỏi nhất, tài năng nhất, nhiệt huyết nhất. Nhưng làm sao có được họ và có được rồi thì lam sao giữ được với đồng lương chết đói này. Cách nay 2 năm, đã có một TS tốt nghiệp từ một trường danh tiếng hàng đầu của Mỹ về làm việc nơi tôi với tinh thần cũng nhiệt huyết, nhưng với đồng lương chưa đến 4 triệu đồng không cầm nổi chân, vị TS ấy chuyển sang một trường dân lập khác với mức lương nghe nói không dưới 20.000.000 đồng. Một người bạn thân của tôi, anh là một nhà khoa học cực tài năng, khi còn là sinh viên của trường đại học Lomonoxop - một trường danh tiếng bậc nhất thế giới, 5 năm liền có ảnh trên bảng vàng danh dự là sinh viên xuất sắc nhất toàn trường, nhưng rồi anh cũng phải dứt áo rời bỏ một trường công lập ra một nơi khác chỉ vì cơm áo nuôi con. Sáng nay tôi gặp một nữ tiến sĩ, một người bạn mà tôi kính trong nhất trong giới nữ về tài năng, đức độ và khiêm cung, cô ấy nước mắt lưng tròng thông báo sẽ rời khỏi trường vào một ngày không xa. Người phụ nữ nền nã ấy dứt áo ra đi không phải vì cơm áo mà vì quá mệt mỏi, không chịu đựng một nển giáo dục bế tắc.
Tôi rất muốn có được anh, sinh viên của tôi cần những người như anh, nhưng không dám mời chào, không cho anh cái bánh vẽ, bởi như thế, rất có thể tôi sẽ làm khổ một gia đình đang hạnh phúc, nếu anh không về thì tình nghĩa thầy trò may ra còn (anh gọi tôi là thầy, dù tôi không dạy anh ấy một giờ nào), về rồi lại khăn áo ra đi thấy bẽ bàng hơn.
Chia tay một thanh niên ưu tú, có khuôn mặt thật sáng, một tinh thần yêu nước hừng hực, một con người còn sạch và thật đáng yêu lòng tôi tôi đau như cắt, dù không muốn nhưng nước mắt cứ muốn trào ra. Tôi ước gì nhà nước Việt nam, nơi coi giáo dục là quốc sách hàng đầu trả lương cho giảng sư đại học chỉ bằng phân nửa Thái lan, Philippines, bằng ¼ của Singapore thôi thì khuôn mặt giáo dục Việt Nam sáng hơn và hiệu trưởng các trường công lập có trong tay những con người trẻ có tâm và thực tài.
Những năm qua, công luận, mọi người dè bửu, thậm chí sỉ nhục đội ngũ các GS, các TS chúng tôi nhiều quá. Xin các bạn hãy hiểu rằng, rất nhiều người trong đội ngũ các nhà khoa học ở các trường đại học (xin đừng đánh đồng với các GS, TS làm nghề quản lý) chúng tôi không hèn kém như các bạn nghĩ, không thấp kém hơn các bạn đồng nghiệp ở các nước khác. Chúng tôi có năng lực, yêu người, yêu nghề, nhưng nói cho cùng chúng tôi chỉ là “thảo dân”. Xin hãy hiểu chúng tôi, chia xẻ với chúng tôi hơn là phỉ báng chúng tôi, hình ảnh chúng tôi đang xấu xí trong mắt các bạn và con cái các bạn, nhưng xin bạn nên nhớ rất nhiều con cái trong số các bạn đang là học trò của chúng tôi. Thay vì xỉ vả chúng tôi, xin các bạn hãy làm cho những người lãnh đạo biết “ngộ” ra thì tốt hơn.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"