Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Ngành đào tạo, cơ chế xin cho, quyền lực, hành chính vì dân, và...

Xích Tử
Cách đây hơn một tháng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo bậc đại học trong kỳ tuyển năm 2014. Đây là quyết định hẳn hoi chứ không phải là công văn cảnh báo như cách giải thích sau này. Để có quyết định này, Bộ đã khảo sát và yêu cầu các trường báo cáo về các điều kiện tuyển sinh cùng với việc đăng ký chỉ tiêu tuyển. Và trước khi ký, ban hành quyết định đó, theo thông lệ hành chính, và có thể cũng có vài cái lợi nhỏ trong giao dịch công vụ, chắc chắn các chuyên viên ở các Vụ chức năng liên quan đã liên lạc điện thoại với các trường.
Theo quyết định nói trên, mọi sự xem xét để cho phép tuyển trở lại hay dừng hẳn chỉ được thực hiện sau 31/12/2015, có nghĩa là từ kỳ tuyển 2016.
Ấy nhưng, sau một tháng, Bộ lại thông báo cho tuyển 42 ngành trong số 207 đó. Sự thay đổi này, về tác dụng khách quan, gây khó cho các trường vì một số công việc tuyển sinh đã khởi động theo tinh thần không có ngành đào tạo đã bị dừng; còn thí sinh ở khu vực tuyển của các trường đó cũng lúng túng vì những chọn lựa đã xác định, và dĩ nhiên có đầu tư tốn kém, chẳng hạn đăng ký các lớp luyện thi.

Nhưng đó là cách làm của hành chính Việt Nam. Ở Bộ này, cũng như nhiều cơ quan khác, đã ban hành không biết bao nhiêu văn bản sai, không khả thi, trái ngược nhau, rồi khi bị dư luận phản ứng, thì giải thích vòng vo, và thu hồi. Trong trường hợp đang nói, sau khi có thông báo cho tuyển lại, Báo Dân trí và Đài Truyền hình VTV1 đã phỏng vấn ông Vụ trưởng liên quan. Trước những câu hỏi thông minh và hóc búa của nhà báo, nhất là của VTV1, ông Vụ trưởng cũng vòng vo, đổ lỗi cho các trường, cho chế độ báo cáo thông tin, cho việc vận động của cấp địa phương và cấp Bộ chủ quản của trường v.v...Tất cả đều thể hiện lúng túng, không chân thực và không thuyết phục.
Đó là chất lượng của nền hành chính và những người đang nắm giữ quyền lực của bộ máy đó, tức là cán bộ, là con người, là công bộc trong cách nói của công cuộc cải cách hành chính hiện nay sau một thời gian dài của đổi mới, cải cách rất tốn tiền của dân. Chất lượng không đáp ứng như vậy được làm nên bởi năng lực, bởi thái độ trách nhiệm, song sâu xa hơn, đàng sau mọi sai sót trong việc dùng quyền quản lý như vậy đều xuất phát từ lợi ích - lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích ngành, cơ quan, nói thẳng ra là tham nhũng. Liệu việc cho mở ngành lại đó đã được thực hiện bằng qui trình, thủ tục nào, ai tiếp xúc với ai, bằng công văn hay gặp trực tiếp, và bao nhiêu phong bì đã được trao tay không để lại chứng cứ gì, kể cả hồ sơ kế toán của những trường lâm nạn. Những nghi vấn đó không phải là không căn cứ : một đất nước mà một trường cao đẳng “lên” đại học, một thị xã “lên” thành phố, một danh hiệu thi đua, huân chương đều phải bôi trơn, hối lộ, trong đó có lúc đến tiền tỉ thì không có một giao dịch hành chính nào có lợi cho một phía lại không có phần cho phía còn lại.
Trong hoàn cảnh ấy, nghe đâu ở một xứ trung kỳ, có một UBND phường làm việc ngày thứ bảy vì dân. Câu chuyện giống như bên tây có những ông thị trưởng tình nguyện làm việc không lương vậy. Ấy nhưng, ở Việt Nam, đấy chỉ là chuyện đùa, bởi công việc đâu nhiều mà dùng đến thứ bảy; và chắc gì trong ngày ấy mọi hoạt động đều đã vì dân, và những ngày khác không vì dân sao? Còn mặt trái của nó là làm ngày thứ bảy để có thể tăng thu nhập, từ nguồn thu dịch vụ, từ những nhũng nhiễu, và chắc chắn nhất là phụ cấp làm thêm 200% từ ngân sách. Nguồn cơn của nó là từ thời ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng và bà Nguyễn Thị Hằng làm Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH. Với lý do là kinh tế đã phát triển hơn nên Bộ trình, được Chính phủ chuẩn y bằng nghị định, giảm tuần làm việc từ 6 ngày xuống 5 ngày. Cái lý do đó thì không được chứng minh nhưng mục đích thì rất lớn: để giảm áp lực lao động, tăng thời gian nghỉ ngơi, tăng sức mua xã hội, có điều kiện thăm thú gia đình làng xóm quê hương ở xa, và ...để cho những người còn muốn tăng thu nhập thời gian làm thêm việc ở nhà (tức là nhóm cá biệt chưa đủ giàu để đi chơi, thăm, mua sắm). Riêng với cán bộ ăn lương nhà nước, nếu làm thêm ngày nghỉ tại cơ quan, sẽ được thanh toán với mức như đã nói trên. Vậy là có một nghị định mở đường cho nhiều cách ăn cắp ngân sách, và từ đó đến nay, chưa ai tính hết được tổng số tiền làm thêm này. Trong khi viên chức sự nghiệp làm việc theo khoán, công nhân, nhất là trong các doanh nghiệp tư nhân, FDI, phải làm đến 10 – 12 giờ/ngày, đói lả đến ngất, bị hạn chế đi vệ sinh v.v.. thì nhóm công chức với tỉ lệ rất cao thuộc số cắp ô, đọc báo vừa có lương, có hưu, có cơ hội tham nhũng, và đều đều ăn cắp ngân sách bằng cách nói trên.
Nhóm này không ít. Vòng lớn nhất, như C. Thayer đã suy đoán, cứ 10 người Việt Nam thì 6 người là công an và cộng tác (có lương) với ngành công an. Vòng tiếp theo là mỗi xã có đến 500 cán bộ như chuyện năm trước ở Thanh Hóa, trong đó có khoảng trên dưới 20 suất hưởng lương theo ngạch bậc; còn lại là phụ cấp tính theo mức lương cơ bản. Vòng trong cùng, song lại là lớn nhất là toàn bộ công chức thuộc các cơ quan nhà nước, đảng, Mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội và các hội đặc thù, các tổ chức khác do đảng, nhà nước lập ra hoạt động thường xuyên hoặc theo giai đoạn như hội đồng, ban, ủy ban, tổ công tác, các ban chỉ đạo công tác theo lĩnh vực, ban chỉ đạo khu vực, vùng, miền, ban tổ chức các sự kiện, hoạt động chuyên đề, đột xuất, các cơ quan thông tin đại chúng quốc doanh...Chỉ riêng cấp tỉnh thôi, đếm ra đã có đến gần 110 cái hội đồng, ban như vậy; và mỗi chức dịch trong lãnh đạo của ủy ban tỉnh có tên trong chừng ấy tổ chức, đến mức không nhớ hết được.Tất cả đều có lương, phụ cấp, hưu trí, trụ sở, xe cộ, phương tiện làm việc, chế độ đi công tác trong nước và đi nước ngoài, chi phí thông tin liên lạc, bảo vệ sức khỏe…, và tất cả đều bấu víu vào ngân sách thu từ thuế, của người dân trong nước, của đầu tư nước ngoài, của xuất nhập khẩu.
Đồng tiền ngốn vào hoạt động của bộ máy đó không thể tưởng tượng được, càng lúc lại cần càng phải thêm; chỗ nào cũng kêu ca thiếu: thiếu biên chế cấp xã cho công tác dân số, môi trường, thú y…, thiếu chi phí cho hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của ngành, truyền thông, tham gia đào tạo nghề cho nông dân…của cơ quan, từ cơ quan hành chính, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nhà nước, cơ quan đảng, Mặt trận, đoàn thể, hiệp hội, hội...Rồi những chi phí cho các hoạt động hoàn toàn không có tính sản xuất (hàng hóa vật chất và dịch vụ) như thi đua (đến nỗi có cả khối thi đua 6 thành phố lớn, thi đua theo khu vực liên tỉnh) để tìm cách thưởng nhau, đi kiểm tra, giao lưu, tổng kết, nhậu nhẹt; tương tự, như toàn bộ hoạt động gọi là quán triệt nghị quyết, học tập chuyên đề đạo đức Hồ Chí Minh.
Trong cái hệ thống như một khu rừng rậm rịt trùng điệp thiên la địa võng ấy, mọi thực thể đều có qui định chức năng nhiệm vụ, qui chế tổ chức và hoạt động. Thế nhưng vẫn chưa đủ nên mấy năm nay lại thêm cái phong trào về ký kết qui chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước với cơ quan nhà nước, cơ quan nhà nước với đoàn thể, với báo chí, giữa địa phương này với địa phương khác, giữa cơ quan đảng với cơ quan chính quyền. Hoạt động đó cũng rầm rộ: lễ ký kết, kiểm tra định kỳ, sơ kết, tổng kết; và dĩ nhiên, tốn kém.
Tóm lại là, để bảo đảm cho nền kinh tế thị trường (nhằm có thu) đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa (để lãnh đạo), bộ máy hành chính (và cả bộ máy đảng, đoàn thể đã được hành chính hóa, quan liêu hóa đến mức cao nhất thể hiện trong hệ thống công văn giấy tờ theo kiểu mẫu hóa, ISO, cách điều hành công việc, hoạt động đảng vụ, công tác cán bộ) hết sức cồng kềnh, với sự phân công chức năng không khoa học, không minh bạch, trùng lắp, chồng chéo (có thể cố tình như vậy) đã xay, tức là tiêu hóa đồng tiền thuế của nhân dân để dị hóa nó vào tài sản của một nhóm lợi ích vĩ đại có tầng nấc tôn ti và mức phân phối theo kiểu ăn cắp, ăn cướp từ trên xuống dưới, đồng thời chuyển hóa cái học thuyết Marx – Lenin, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, cái quyền lãnh đạo, ý chí chính trị của nhóm cầm quyền được ghi vào Hiến pháp, chuyển hóa cái quyền quản lý để ban phát phần còn thừa về quyền lợi sau khi phân phối nội nhóm…xuống đầu từng người dân, tức là nhóm 40% còn lại theo tính toán của C. Thayer nói trên.
Một nền hành chính như vậy, một cách quản trị xã hội như vậy không thể nào là bạn bè của triết lý phục vụ. Nó sẽ mãi mãi dừng lại ở trình độ văn minh của nền hành chính cai trị, tạo nên sự giả dối, suy đồi tổng thể. Nhu cầu cai trị càng lớn (để vừa có quyền, vừa có lợi), bộ máy cai trị (đảng, nhà nước, mặt trận, đoàn thể, dư luận viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên, báo cáo viên, đặc tình, trinh sát ngoại tuyến của công an…) sẽ càng lớn, càng tốn kém. Tất cả đều nhìn vào cái GDP mà phần chính được tạo nên từ FDI, từ bán tài nguyên thô, từ nhập siêu, từ gia công để xuất khẩu, được bổ sung bằng vay ODA, viện trợ, kiều hối…Chi tiêu quốc gia, sau khi tạo được dự trữ ngoại tệ mạnh chỉ đủ để nhập khẩu 12 tuần; phần còn lại bơm vào một ít cho đầu tư phát triển, các sự nghiệp, quốc phòng …và cuối cùng, cái khối đồ sộ chi thường xuyên cho bộ máy và hoạt động cai trị đó. Trong tình trạng bấp bênh như vậy mà một ông Phó thủ tướng nói ngon ơ rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã làm phát triển sức mạnh quốc gia; ông Tổng Bí thư, cũng do vậy, phát biểu tại lớp đào tạo cán bộ cấp cao rằng Việt Nam kiên trì nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; và cũng do vậy nên chuẩn bị cho đại hội mới, các ông mới “cập rập” (từ của BBC) đưa các cậu ấm cô chiêu của mình về phục kích ở các tỉnh để tranh thủ đánh quả và chờ giẫy chết. Còn nền giáo dục, với cách làm như đã nêu đầu bài viết, vĩnh viễn vẫn là công cụ để thể hiện sự lãnh đạo, quản lý toàn diện một cách độc quyền, võ đoán, tạo điều kiện cho sự ban phát, xin cho trong qui trình quản lý, thương mại hóa chữ nghĩa và bằng cấp vô luân trong tổ chức đào tạo, đánh giá.
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"