Alan Phan
Trong quan sát của tôi về lịch sử cận đại, tôi không thấy các chánh
trị gia xứ nào có thể sánh với các quan chức Việt Nam về chỉ số may
mắn. Đất nước chúng ta có thể được Guinness liệt kê vào bảng kỷ lục về…
”tình nghĩa”.
Ông cựu Tổng Thống Ukraine vừa phải thoát thân qua Nga và lúng túng
không biết giải thích sao về những tài sản mênh mông khắp xứ, kể cả một
dinh thự trên 138 hectares đẹp hơn cung điện của những Nga Hoàng ngày
xưa. Ông Khadafi thì không kịp giải thích, còn ông Mubarak thì ở trong
tù lâu quá, trí nhớ hơi kém.
Trong khi đó, tôi nhớ khoảng mấy năm về trước, vài quan chức Việt nói
những tài sản kếch xù các mạng truyền thông tìm ra là do công sức “buôn
thúng bán bưng” của các bà vợ hiền. Không những đầy ắp “tình” mà các vị
này còn may mắn là có cả kho núi tiền do “tài” của những bậc phu nhân.
Vì nghe chuyện này mà một thằng bạn Việt Kiều của tôi bỏ xứ Thuỵ Sĩ lạnh
lẽo về Việt Nam đi khắp nước, cặp kè hơn 30 triệu bà cô không chồng.
Sau 10 năm vất vả, vẫn không thấy một bà nào đủ “tài” tháo vát như các
bà vợ quan chức.
Tôi nhớ có khuyên là nó đã bỏ sót một bộ phận không nhỏ là…đạo quân
bán vé số… khắp thành thị làng quê. Nếu nhắm vào số lượng biết vui hưởng
hạnh phúc XHCN cực nhọc này, thì chẳng mấy chốc bạn tôi sẽ thành đại
gia… tỷ phú đô la, ăn xài cả chục đời không hết.
Ngoài “tình”, vài quan chức gần đây còn tuỳ thuộc vào “nghĩa”. Chỉ
cần 1 người em kết nghĩa là một ông có thể xây xong một dinh thự hơn 16
ngàn mét vuông, trị gia vài chục tỷ đồng. Theo đánh giá của xã hội tình
nghĩa này, càng làm lớn thì càng may mắn và càng có nhiều người em “kết
nghĩa”. Tôi nghe nói một quan Trung Ương phải có ít nhất là chục ngàn
người em kết nghĩa; còn ở các quận xã nghèo nơi “đất cày lên sỏi đá” thì
tệ lắm cũng kiếm được vài trăm em kết nghĩa. Một người em dư xây một
biệt thự, vài trăm em thì lên thiên đàng mấy hồi.
Do đó, ở đâu không biết, nhưng tại Việt Nam, mỗi ngày trên TV đều có
những giải đặc biệt để xem quan chức hay đại gia nào có nhiều “tình”
nhất hoặc nhiều “nghĩa” nhất. Đúng là thời Nghiêu Thuấn cũng không sánh
bằng.
Vì sự tôn trọng “tình nghĩa” bàng bạc khắp lịch sử, một giáo sư tuyên
giáo trung ương phải phẫn nộ mà kết tội bọn đế quốc Mỹ là tội ác của họ
“trời không dung, đất không tha”. Chứ tình nghĩa như người anh kết
nghĩa Trung Quốc thì em Việt Nam phải nghìn đời nhớ ơn, năm nào cũng sẵn
sàng đem khoáng sản, mỏ dầu ngoài khơi, đi kiếm tiền bọn tư bản, nhập
siêu đem về tặng anh kết nghĩa. Còn chuyện chiến tranh biên giới năm
1978 chỉ là một hiểu lầm nhỏ nhặt trong gia đình.
Cách đây vài tuần tôi ghé ngang Hồng Kông, tình cờ gặp một anh bạn cũ
làm cho Bộ Ngoại Giao Mỹ. Sau vài trao đổi về thời tiết và gia đình,
tôi hỏi anh về tiến bộ trong đám phán TPP, nhất là với Việt Nam. Anh ta
cười,” Sao mày nghiêm túc quá. Hết giờ làm việc rồi, hãy để tao enjoy ly
whisky này cho trọn vẹn nghe.” Rồi anh kể chuyện tiếu lâm mà anh nói là
có thực, đang được hành lang Bộ Ngoại Giao phổ biến.
Một chính trị gia Mỹ đi công cán ở một quốc gia mới nổi. Cô đơn, ông
bắt chuyện và gạ được một phụ nữ địa phương ở quán bar lên phòng mình,
sau khi thoả thuận giá cả. Ông hăm hở vào cuộc ngay khi cà hai vừa leo
lên giường. Bỗng người phụ nữ la làng,” Bớ làng xóm, coi thằng đế quốc
tư bản này đang hiếp tôi nè.” Ông sợ quá, cả thân hình như khô cứng,
người chết lặng. Bà ta lại chu chéo,” Tôi la gì kệ tôi, sao ông lại
ngừng?”
TPP đành phải đợi vậy.
Alan Phan